Pages

Bên lề (2) cuộc họp báo (17) Tiêu Cục Xuyên Vân Kiếm Pháp



          Niệm Phật có vào được
          Sơ Thiền Hữu Sắc Không?


BỐI CẢNH
Tam Tiểu Thư cùng với một vài độc giả, trong một quán nước bình dân tại thành phố Sài Gòn.

Tam Tiểu Thư:
Xin chào quý độc giả, em xin phép giới thiệu đến quý độc giả một số ý kiến đóng góp nguyên bản sau đây.

Thienthu says: @ Cuộc họp báo 17

Cô Tam Tiểu Thư ơi,
Con cứ suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu cái "Đảnh" là gì? Con cũng không tìm thấy ở đâu nói là Đức Phật Thích Ca ngồi trên đầu của các vị đệ tử mình? Vậy chuyện này thế nào, khi nào có thì giờ Cô giải thích cho con nghe nha Cô?
Kính


Tam Tiểu Thư:
Kính thưa quý độc giả Thiên Thu, từ ngữ mà quý độc giả nêu ra thì dường như không có trong từ điển của Việt Nam. Nhưng trong giới tu hành, thì họ mặc định với nhau Đảnh là cái đầu.

Còn theo những thông tin của những tài liệu nặng tính cách kỹ thuật như: Vi Diệu Pháp, Tam Pháp Độ Luận … thì hầu hết nội dung, chỉ đề cập đến các vấn đề kỹ thuật. Phần đề cập đến các Thực Thể ở các Cảnh Giới, hoặc các Cảnh Giới, thì dường như minh họa cho người đọc về khái niệm cấu tạo: Sắc, Tâm, Nghiệp Lực …

Cụ thể là với cấu tạo nào đó của những yếu tố nêu trên, thì nó sẽ có khả năng tương ưng hoặc tương thích với những loại Thực Thể nào đó.

Như quý cử tọa cũng biết, Sakya Muni dường như đã khai tử cho Thượng Đế và Thần Linh ... Do đó, chủ thuyết của Sakya Muni dường như chỉ nhắm tới mục đích tối hậu, là làm khô cạn các Phiền Não, hy vọng đạt được mục đích cuối cùng là Giải Thoát.

Trong những tài liệu chính quy của trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy, chúng ta dường như không thấy tính chất hoa mỹ đầy màu sắc, hoặc tính chất lãng mạn của Ngài Sakya Muni. Em cũng đọc ít nhiều sách vở thì quả thật cũng không thấy; hay ít nhất là em không nhớ ra, có chỗ nào mà ngài Sakya Muni lại ngồi trên đầu người ta.

Ở các trường phái khác, nếu việc này có xảy ra, thì đó là do tính chất lãng mạn của trường phái đó. Chúng ta không thể đổ cho đó là tại trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy.

Nếu có gì sai sót rất mong được quý độc giả đóng góp.

Tiếp theo đây em xin post ý kiến của quý độc giả Cận Định.

Cận định says: @ Cuộc họp báo 17

Tam Tiểu Thư quý mến,

Xin TTT vui lòng giải thích giúp em chuyện pháp môn Niệm Phật. Em thì hoàn toàn đồng ý với TTT vì em không tin có cõi Tịnh Độ. Thắc mắc của em là nếu người ta tu niệm Phật thì vẫn có đủ tiêu chuẩn để tiến tới cảnh giới sơ thiền hữu sắc mà.

* Tầm: là hướng tâm đến câu niệm Phật.
* Tứ: là tập trung vào câu niệm.
* Nhờ có Tầm, Tứ nên sẽ phát sinh Hỷ, Lạc.

* Từ đó đạt được Nhất Tâm (như các kinh sách hay nói là niệm Phật đến nhất tâm bất loạn).

Cách tu này có giống như "Chú tâm vào một vật duy nhất" mà CTR hay đề cập không? Nhiều người lập luận là "đường nào thì cũng về La Mã". Nếu cõi Tịnh độ không có thật, nhưng pháp môn tu vẫn đúng đường thì nó cũng vẫn dẫn mình về Niết Bàn phải không ạ? Còn nếu cách dụng công này không đạt được nhất tâm, thì nó bị sai ở chỗ nào?

Em kể cho TTT nghe chuyện có thật đàng hoàng. Em có biết 1 vị thày tu theo thiền tông VN. Lúc đó em cũng theo trường phái "biết Vọng không theo" này. Em ráng theo đuổi nhưng không kết quả gì nên em tìm Thày và đặt câu hỏi rằng "cụ thể bản thân Thày đã dụng công thế nào?" thì thày nói là bước đầu thày tập trung niệm Phật ??? đi đứng nằm ngồi đều niệm. Một ngày kia bỗng dưng khối nghi bùng vỡ và thày "Ngộ". Em hỏi tiếp là thày ngộ điều gì, thì thày nói ai ăn nấy no, nóng lạnh tự biết chứ không giải thích được.

Trên đây là tu Tịnh Độ "chính gốc". Còn Tịnh Độ "chế biến" quán linh ảnh Di Đà rồi thành người "dẫn kênh" gì đó thì em mới nghe gần đây. Em chưa dám thử vì sợ lạc đường.

Em bị nhiễm kinh đại thừa nhiều lắm nên nói với TTT như sau: "ĐẠI NGHI ĐẠI NGỘ, TIỂU NGHI TIỂU NGỘ". Em bắt chước nhái theo "KHÔNG NGHI KHÔNG NGỘ".


TTT có kiến thức hơn em, xin vui lòng bớt chút thời gian giải thích cái "NGHI" này cho em để em "NGỘ" nha. Cảm ơn TTT vô cùng.

Chúc TTT và CTR cuối tuần an lạc.


- Tam Tiểu Thư:
Em xin phép chia ý kiến của quý độc giả thành từng phần một, như vậy chúng ta theo dõi dễ hơn.

"TTT có kiến thức hơn em, xin vui lòng bớt chút thời gian giải thích cái "NGHI" này cho em để em "NGỘ" nha. Cảm ơn TTT vô cùng".

Thưa quý độc giả Cận Định, em chỉ làm công việc sưu tầm tài liệu, sắp xếp lại cho có hệ thống. À quên, em còn phải tìm các thông tin trong cuốn Tạp Thư nữa. Tổng hợp các thông tin rồi đưa đến các nhận xét cuối cùng, đó chính là phần vụ của quý độc giả Cận định. Chắc quý độc giả còn nhớ là thậm chí đến ngài Khổng Tử, cũng chỉ nhận là, mình sao chép lại, nhắc lại những lời cổ nhân mà thôi.


"Thắc mắc của em là nếu người ta tu niệm Phật thì vẫn có đủ tiêu chuẩn để tiến tới cảnh giới sơ thiền hữu sắc mà."

Kính thưa quý độc giả Cận định.

Mặc dù em đã nhiều lần trình bày về cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc trong nhiều bài viết trước, nay em xin phép nhắc lại, vì em e ngại một số độc giả vì bận bịu về cuộc sống nên đã quên mất.

Khái niệm về Cảnh Giới là một khái niệm không có trong khoa học hiện đại (tất nhiên không có nhà trường nào giảng dạy cả). Khái niệm này không có trong cuộc sống bình thường. Em e ngại là, kể cả những quý vị có học vị cao về Khoa học, Triết học hiện đại … cũng sẽ ngỡ ngàng, về khái niệm Cảnh Giới của truyền thống Phật Giáo.

Việc nói về Cảnh Giới, thì quả thật rất dễ dàng, ai cũng nói được (giống như chuyện vẽ tranh ma). Nhưng thực sự hiểu về Cảnh Giới, từ lý thuyết cho đến thực hành, thì có lẽ là một khoảng cách rất xa. Quý độc giả cứ thử hỏi những người Tu ở bất cứ ở trường phái nào (em muốn nói là những người có thái độ nghiêm chỉnh, trung thực) … xem họ trả lời thế nào về vấn đề Cảnh Giới, cụ thể là ở cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc. Không biết em có quá bi quan hay không khi nói rằng một người có lương tâm lành mạnh, tu hành thực sự, có lẽ ít ai đã chứng thực sự Cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc … Do đó, những ai cho rằng mình đi ra, đi vô ở những Cảnh Giới rất cao: Tứ Thiền Hữu Sắc, Thiền Vô Sắc, hay hơn nữa …, em thiết nghĩ, cần phải suy nghĩ lại.

Từ Cảnh Giới là con người, nếu muốn đến cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc, căn cứ vào những tài liệu Vi Diệu Pháp, thì chúng ta phải đi qua 6, 7 Cảnh Giới Định Dục Giới, sau đó mới đến cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc.

Đạt được cảnh Định Dục Giới cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chỉ ở Cảnh Giới này thôi, người ta cũng đã đỡ vất vả hơn Cảnh Giới con người rất nhiều. Từ lý thuyết đến thực tế, Cảnh Giới này nhiều hạnh phúc hơn khổ đau. Mặt khác, vấn đề quan hệ Nam Nữ, cũng đỡ vất vả như Cảnh Người hoặc Thú vật. Vấn đề ăn uống, cũng nhẹ nhàng hơn.

Nếu sự thật đạt được cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc, thì đó cũng là Thiên Đường của con người rồi. Khái niệm về Sắc dường như đảo ngược. Các giác quan không còn hiện hữu, việc thọ thực hoàn
toàn khác hẳn. Từ ngữ chuyên môn gọi là Thực Sắc. Việc nuôi dưỡng bản thân mình, gọi là Mạng Căn, cũng hoàn toàn khác với đời sống của Cảnh Dục Giới. Nếu ở Định Dục Giới, yếu tố Nam Nữ, tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn hiện hữu, thì nay ở cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc, vấn đề Nam Nữ đã hoàn toàn chấm dứt không còn nữa. Thi ca về những cuộc tình bất hủ của Cảnh Dục Giới, giờ chỉ còn là kỷ niệm của quá khứ. Nói một cách khác, những Thực Thể ở Cảnh Giới này là trung tính.

Chắc hẳn quý độc giả còn nhớ những câu thơ sau đây, của tác giả Trần Tế Xương:

"Một trà, một rượu, một đàn bà,
  Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
,
  Trừ được cái nào hay cái đó
,
  Có chăng
, trừ rượu với trừ trà"
.


Trong Cõi Dục Giới của con người, chỉ với 4 câu thơ, Tú Xương đúng là "người đàn ông Việt đích thực".

Mặc dù ông là một người thâm nho và có lẽ ông không biết đến tác giả Sigmund Freud, nhưng dường như, ông đã ủng hộ lý thuyết Libido của Freud. Nói tóm lại, dục vọng là bản chất thực sự của con người. Do đó, có người nói “Kẻ thù lớn nhất trong đời là chính mình".

Phần trên em vừa mô tả sơ lược về cảnh giới sơ thiền hữu sắc. Em xin phép nhắc lại ý kiến của mình là không biết có phải quá đáng hay không, nếu gọi cảnh sơ thiền hữu sắc, là thiên đường của dục giới.

Do đó nếu có ai đó đánh giá Sơ Thiền Hữu Sắc một cách quá sơ sài, em e là không phù hợp trên tiến trình của một người tu Thiền Định. Thật vậy, quý độc giả có thể hỏi điều này với bất cứ ai đó tu Thiền Định một cách nghiêm chỉnh. "Việc Nhập Định có dễ hay không?". Em thiết nghĩ một người tự trọng và tôn trọng người khác, sẽ trả lời “ Nhập Định là một việc rất khó” (vì nó phản lại tự nhiên).
Em xin đưa ra một bằng cớ cụ thể. Không phải chỉ riêng tài liệu bằng tiếng Việt Nam, mà với quý độc giả có thể đọc được nhiều ngôn ngữ, hãy thử nhớ lại, mình đã đọc được tài liệu nào nói về một người tu Thiền Định nào đó, tự thuật lại tiến trình nhập định, ở các lớp Thiền Định chưa?

Nếu em nhớ không lầm, chỉ ở tại Việt Nam, em đã cố lục lọi, trong đám sách vở của VN, xem có tác giả nào, tự thuật về việc tu Thiền Định thật sự. Em tìm được hai tài liệu, một tài liệu của một người thuộc trường phái Khất Sĩ, kể sơ sài, khá mơ hồ về việc tu Thiền Định. Tài liệu thứ hai, của một người, thuộc về trường phái Vô Vi, vị này kể, kết quả về việc 23 tháng tu Thiền Định, cũng chỉ có mấy câu. Em nghĩ là, dường như không có tác giả nào, kể lại một cách có hệ thống, khoa học, hiểu biết, về các diễn tiến tu Thiền Định …

Với những tình huống như vây, chúng ta đặt giả thuyết là có thể trên thực tế người ta không Nhập Định được … Theo em nghĩ, không biết đúng hay sai, thì việc làm cho cái Tâm đứng lại, không trôi chảy … là một việc làm rất khó. Quý độc giả cũng như em, đã đọc rất nhiều tài liệu của nhiều trường phái tu Thiền Định, tự thuật về cuộc đời tu của mình … Cái mà chúng ta trông chờ nhất, là diễn tiến, kỹ thuật, những giai đoạn tu Thiền Định … thì lại không có. Chắc quý vị cũng thất vọng và em cũng thất vọng. Những gì mà chúng ta hy vọng sẽ học được về kỹ thuật, lý thuyết, tiến trình về tu Thiền Định … thì lại chẳng có cái gì để học cả.

Nếu có ai chỉ niệm Phật mà vào được sơ thiền hữu sắc, xin chia sẻ cùng quý độc giả để chúng ta cùng tiến tu.

Phần trình bày này để quý độc giả Cận định suy nghĩ về vấn đề “ Tu niệm Phật vẫn đủ tiêu chuẩn đế tới cảnh sơ thiền hữu sắc”

Sau đây, em xin đóng góp kỹ lưỡng hơn về chuyện niệm Phật để đạt tới “nhất tâm bất loạn” có giống như “Chú tâm vào một vật duy nhất” hay không.

Trong những bài viết trước, em cũng có so sánh việc Quán tưởng vị Phật A Di Đà, là một đối tượng để tu Thiền Định, nhằm mục đích "Nhất Tâm bất loạn". Em xin nhấn mạnh vị Phật A Di Đà chỉ là một công cụ (như tất cả mọi công cụ khác), nhằm đưa đến mục đích "Nhất tâm".

Căn cứ vào câu hỏi thực tế, em xin góp ý kiến về những tiến trình của các Tâm như sau:

- Tầm > Tứ
> Nhất Tâm > Hỷ > Lạc. Chứ không phải là:
- Tầm > Tứ > Hỷ > Lạc > Nhất Tâm. 

Em không biết là căn cứ vào thực tế, thì điều em trình bày là đúng, hay các tài liệu trình bày theo thứ tự của họ là đúng. Theo chủ quan của em, thì diễn tiến như sau: Chúng ta mừng rỡ, vì có trạng thái Tâm đứng im, Nhất Tâm. Chính vì Nhất Tâm, sanh ra Hỷ và Lạc. Nói một cách khác, Hỷ Lạc là hệ quả của trạng thái Nhất Tâm. Đây chỉ là kinh nghiệm thực tế chủ quan, quý độc giả có thể hỏi những người tu Thiền Định khác.

Em xin tiếp tục
"Đường nào cũng về La Mã … pháp môn tôi đúng đường … vẫn dẫn mình về Niết Bàn".
 
Mỗi một trường phái, mỗi một Tôn Giáo, có những khái niệm về cõi hạnh phúc, Thiên Đường, vườn Địa Đàng … khác nhau. Nếu quý độc giả Cận định muốn nói tới Niết Bàn của trường phái Phật Giáo, thì đây là một vấn đề khá phức tạp.

Những bài viết trước trong thời gian rất gần đây, nhóm CTR đã từng đề cập tới đề tài này nhiều lần, do yêu cầu của một độc giả. Mong quý độc giả Cận Định vui lòng xem lại.

Tuy nhiên, em cũng xin tóm tắt: "Đây là một trạng thái tâm lý An Tịnh chủ quan của một Thực Thể bất kỳ … Sự triệt tiêu của Ngũ Uẩn, sự khô cạn của Phiền Não …". Khác với các quan niệm của những Tôn Giáo khác, Niết Bàn không có một vị trí địa lý như mô hình cõi Cực Lạc, vườn Địa Đàng … Nó chỉ là một trạng thái tâm lý.

Tuy nhiên, để đạt được trạng thái này, nó đòi hỏi người tập luyện phải đạt được những cấp độ Thiền Định một cách tiệm tiến, cụ thể là, từ Sơ Thiền … cho đến Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng. Nhưng ở bất cứ cấp độ nào, khi đã đạt được Định Tâm, thì phải mở Trí Huệ, để Quán về tính chất Vô Thường, Vô Ngã, Khổ Não, của vạn vật để đạt được quả vị và ý thức được việc đạt được quả vị này. Tại sao lại phải quán 3 đối tượng nói trên? Mục đích là, giải quyết vấn đề 10 Phiền Não căn bản. Thí dụ: Chấp có cái Tôi là một Phiền Não, nhưng nhờ cách Quán 3 đối tượng nói trên, chúng ta vỡ lẽ ra rằng, cái Tôi chỉ là, sự tập hợp nhất thời, của những yếu tố không bền vững (Tâm, sắc, nghiệp lực …).

Em thiết nghĩ quý độc giả khi đọc phần trên, sẽ thấy việc
"Vẫn dẫn mình về Niết Bàn", có lẽ không giản dị. Em không biết nói có đúng hay không, các con đường chưa chắc đã dẫn đến La Mã.

Theo lời của quý độc giả có kể câu chuyện, có một vị nào đó, tu theo gọi là Thoại đầu, Công Án gì đó "biết vọng không theo
", tập trung niệm Phật, đi đứng, nằm ngồi đều niệm, bỗng dưng một ngày kia, khối "Nghi" bùng vỡ và "Ngộ".

Em xin đóng góp ý kiến từng bước như sau:

Theo em hiểu, trường phái này dựa vào cơ sở là tài liệu Đại Thừa Khởi Tín Luận. Theo tài liệu này nói đến vấn đề Chân Tâm và Vọng Tâm. Chân Tâm có thể coi như bản chất con người có Phật Tánh. Đây là một quan điểm
"Nhân chi sơ, tánh bản thiện". Tiên đề này không phải được tất cả mọi người đồng ý; và quan điểm này khác hẳn với Vi Diệu Pháp. Quan điểm Vi Diệu Pháp của trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy cho là mỗi Thực Thể có cấu tạo Tâm, Thiện Tâm, Bất Thiện Tâm, Dị Thục Tâm, Vô Nhân Tâm, Tịnh Quan Tâm … Mỗi cá thể, do nhiều lý do khác nhau nên có những cấu tạo Tâm khác nhau nên có sự khác biệt giữa người này và người khác. Dường như trường phái này không công nhận lý thuyết, kiểu mô hình về Thiền Tông của một người Trung Quốc, tên là Huệ Năng.

Em xin nói lại lần nữa rằng cách tu
"biết vọng không theo" là chủ thuyết Thiền Định của những trường phái Thiền Tông Trung Quốc 100%. Nói một cách nôm na đây là Thiền Tông made in China, không liên quan gì đến Thiền Định của Phật Giáo. Em chỉ xác minh để hiểu rõ vấn đề, chứ hoàn toàn không có ý định phân biệt chủng tộc.

Mặt khác, nếu cho rằng cách biết vọng này là một trường phái của Sakya Muni, thì bản thân ngài Sakya Muni, cũng phải ngồi yên đến mấy chục ngày (theo truyền thuyết là trên 40 ngày). Chuyện đi đứng, cử động … mà vẫn Định Tâm, để đạt được Trí Tuệ Giải Thoát; thì đó chỉ là tưởng tượng. Từ ngữ "Ngộ", dường như đồng nghĩa với "Diệt tận định", "Niết bàn" … Một người bình thường chỉ cần đạt được Tứ Thiền Hữu Sắc, là họ thường biết những việc quá khứ, vị lai. Đó là một tiêu chuẩn dễ kiểm tra nhất.

Thông Tuệ là gì? Theo quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy, không phải là Thần Thông di sơn đảo hải, mà là Trí Tuệ thông suốt, người và ta, trong và ngoài.

Quí độc giả thử xem một vị Thầy nào đó, có nuôi mạng Chân Chánh hay không? Cụ thể là bỏ công sức lao động ra, để nuôi chính bản thân mình … Em không tin là trên đời này, có những người xứng đáng để sống trên sức lao động của người khác, lợi dụng Tín Tâm của người khác để sống một cuộc sống đỡ vất vả, cuộc sống mà quý độc giả, cũng như em, như tất cả mọi người, phải lao động để nuôi thân mình.

Căn cứ vào trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy, thì hai yếu tố kể trên là dễ thấy nhất. Đâu đó em còn nhớ một câu nói: "Giới giang hồ Thiền Định đầy hiểm ác".

Em xin trân trọng kính chào quý độc giả Cận định, chúc quý độc giả giải quyết được những phiền não là "Nghi", sớm tìm lại được chính mình, tìm được con đường mà quý độc giả hằng mơ ước.



2 comments:

Cám ơn cô Tam Tiểu Thư, con đã hiểu và mấy hôm nay đọc thêm những lời bình của các Cô Chú và mọi người làm con yên tâm hơn ...

Cám ơn cô rất nhiều.

Cám ơn Tam Tiểu Thư rất nhiều. Đúng là khốn khổ cho CĐ vì bao nhiêu năm qua, hết tu niệm Phật theo Huệ Viễn rồi lại tu thiền theo Huệ Năng. CĐ tu theo mấy thày tổ toàn mang tên Huệ mà mình thì vẫn là mình, chẳng có huệ tí nào.
Kính chúc Tổng Quản và TTT nhiều sức khỏe và an lạc để giúp đỡ những người lang thang trong vô minh như CĐ.

Đăng nhận xét