hữu ngã hay vô ngã ?
. . . T h i ê n T h ư ợ n g T h i ê n H ạ D u y N g ã Đ ộ c T ô n . . .
- Cận định: @ Cuộc điện đàm viễn liên
Chào Tam Tiểu Thư,
Bài phân tích của TTT rất hay nhưng CĐ không hiểu rõ chỗ này:
Magga: là Quả Vị (nói về vị trí mà mình đạt được (position).
Phala: là Quả Tâm (sự ý thức được việc này).
Xin TTT vui lòng giải thích thêm là khi một vị A La Hán đã giải quyết 10 phiền não và đạt Hữu Dư Niết Bàn có nghĩa là vị này đã đạt tới VÔ NGÃ. Nếu đã vô ngã thì AI sẽ Ý THỨC được Quả vị này?
Khi Đức Phật đản-sanh, Ngài thị hiện đi 7 bước... và xướng lên rằng : " Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn ".
Vậy chữ Ngã ở đây là gì? là hữu ngã hay vô ngã? Kinh Phật có nhiều mâu thuẫn quá nên CĐ không biết cái nào đúng cái nào sai nữa.
Cảm ơn TTT
- Tam Tiểu Thư:
Phần trên là toàn bộ ý kiến của quý độc giả Cận Định. Em xin phép cắt ra từng phần để tiện việc theo dõi.
"Kinh Phật có nhiều mâu thuẫn quá nên CĐ không biết cái nào đúng cái nào sai nữa."
Đúng như quý độc giả đã nhận xét. Khi trình bày các bài viết, nhóm CTR đã sử dụng nhiều từ ngữ để mô tả về hiện trạng lý thuyết Phật Giáo: "Cây đại thụ" ... "Melting Pot" ... "Rối tinh, rối mù" … Chắc quý độc giả còn nhớ, theo chủ quan của nhóm CTR, thì không thiếu gì những tác phẩm của những vị có tên tuổi trong bộ môn Phật Giáo Việt Nam, cũng trộn lẫn rất nhiều loại tài liệu không rõ căn cứ (nếu chúng ta không muốn sử dụng từ ngữ ngụy tạo).
Em đã có nhiều dịp trình bày về những lý do để giải thích hiện tượng này:
* Ấn Độ không ghi lại lịch sử, nhiều trăm năm sau khi Sakya Muni bỏ xác thế gian, vẫn không có chữ viết.
* Có tài liệu cho là, theo truyền thuyết thì ngài Sakya Muni đã chỉ dạy cho người ta mỗi người một cách tu, với lý do là để phù hợp với căn cơ từng cá nhân. Tài liệu còn ghi là có đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn; một con số làm cho những chuyên gia kiên nhẫn nhất cũng phải lúng túng.
Do đó, câu nói: "Cận Định không biết cái nào là đúng, cái nào là sai", là một nhận định rất chính xác. Ngay cả các chuyên gia cũng lúng túng, họ cũng chẳng biết cái nào là đúng, cái nào là sai. Những gì họ nêu ra chỉ có tính chất giả thuyết.
Quý độc giả đã đặt ra vấn đề như sau:
"Khi Đức Phật đản sanh, Ngài thị hiện đi 7 bước ... và xướng lên rằng: "Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn"."
Không cần phải là một chuyên gia hay chuyên viên về sinh học, chỉ cần một người phụ nữ bình thường có con nhỏ, đều có thể có những kinh nghiệm tối thiểu về sự phát triển tâm sinh lý của một em bé sơ sinh … Trong lịch sử loài người, liệu chúng ta có thể tin, một em bé sơ sinh mà lại có thể đi được ngay, lại còn nói được nữa, nhất là lời nói này mang tính chất của một Chân Ngôn? Em thiết nghĩ, đây chỉ là một huyền sử chứ không phải lịch sử.
Thực tế, khi các trung tâm tiến hành khảo cứu các Thần Đồng, thì họ dường như có hai nhận xét:
* Những Thần Đồng chỉ có khả năng hạn hẹp ở một số lĩnh vực nào đó, sức khỏe giới hạn.
* Không thấy một Thần Đồng nào lại trở thành bác học khi trưởng thành.
Do đó, em thiết nghĩ việc tìm hiểu để giải thích từ ngữ "Ngã" được cho là lời nói của Ngài Sakya Muni trong câu: "Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn", là không cần thiết. Lý do là vì nó mang những mâu thuẫn, không hợp với logic từ tiên đề. Thẳng thắn mà nói thì các Tôn Giáo trên thế giới nói chung, thường thêu dệt những huyền thoại cho vị Giáo Chủ của mình. Mục đích là để tạo ra tính chất cao cả linh thiêng. Càng bí ẩn, càng kì lạ mới chứng tỏ cho tín đồ tính chất Thần Thánh của giáo phái mình. Tạo huyền thoại về vị Giáo Chủ cũng xảy ra cho ngay cả những trường phái Tôn Giáo mới có ở Việt Nam với cùng mục đích.
Kính thưa quý độc giả Cận Định.
Vấn đề trung tâm mà quý độc giả đưa ra chính là câu:
"Vậy chữ Ngã ở đây là gì? là Hữu Ngã hay Vô Ngã?"
Theo thiển ý của em, có lẽ vấn đề mà quý độc giả nêu ra, có hàm ý là trong lý thuyết của Phật Giáo, có cái Ngã hay không có cái Ngã. Nói một cách nôm na là Phật Giáo công nhận cái Tôi hay không công nhận cái Tôi?
Chúng ta lại quay về với từ ngữ chuyên ngành của trường phái Phật Giáo gọi là cái Ngã. Với đề tài này, em xin đưa ra một vài con số để quý độc giả có một khái niệm chung.
Người ta cho rằng trường phái Nhân Thể Luận (Pudgalavadin), tất nhiên trong đó bao gồm trường phái Độc Tử Bộ, là trường phái đề xướng công nhận có một cái ngã (cái Tôi). Có tài liệu cho là một vị tên là Gopa, chính là người tiên phong trong phong trào công nhận cái Ngã. Tuy nhiên có nhiều chuyên gia không công nhận giả thuyết này, vì người ta cho là Kinh, Luận của Phật Giáo chỉ được viết thành sách trong khoảng thời gian Tây lịch. Theo những thông tin khác, thì trường phái nói trên có rất nhiều tài liệu cũng gọi là Kinh và Luận, tồn tại suốt từ thế kỷ thứ 2, đến thế kỷ 11 Tây lịch. Người theo trường phái này có vào khoảng 60, 70 ngàn người. Cơ sở Tôn Giáo có khoảng trên 1300. Nếu so sánh với các trường phái khác, thì đây là một con số rất lớn.
Ngay tại thời Đức Phật tại thế, hình như có lẽ đã có hai trường phái đối nghịch nhau, trường phái Hữu Ngã và Vô Ngã. Vấn đề chúng ta có thể đặt ra như thế này, là mặc dù hai trường phái này mang hai quan điểm khác biệt, nhưng họ cùng chấp nhận một tiên đề, cụ thể là việc định nghĩa cái Ngã, cái Tôi là cái gì.
Em xin phép nhắc lại, cái Tôi theo quan điểm của Phật Giáo là sự tập hợp của Ngũ Uẩn bao gồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Dù là hai trường phái đối nghịch, nhưng ít nhất là họ đồng ý với nhau trên quan điểm này, mỗi trường phái đưa ra những luận cứ khác nhau. Người ta đưa ra 7 quan điểm để bàn cãi về sự hiện hữu của cái Ngã:
1. Không có Ngã chỉ có các Uẩn.
2. Không thể nói được Ngã hiện hữu hay không hiện hữu.
3. Chắc chắn Ngã hiện hữu.
4. Các Uẩn là một với Ngã.
5. Các Uẩn khác với Ngã.
6. Ngã là Thường Hằng.
7. Ngã là Vô Thường
Ở đây chúng ta chỉ có thể lướt qua, không thể đi vào các chi tiết.
Tuy nhiên chúng ta nên quan tâm tới một khái niệm có ngay thời Đức Phật tại thế là cái "Thức". Khái niệm về cái "Thức" là trung tâm của sự sống rất phổ biến. Cái "Thức" được hiểu như là sự bất động tồn tại sau cái chết, tác nhân của sự Luân Hồi.
Có người lại dẫn giải một cách khác, là nêu ra khái niệm Bhavanga. Với khái niệm này, thì Bhavanga có bản tính như một tiến trình luôn luôn trôi chảy, vô thỉ, vô chung, tích lũy biết bao nhiêu kinh nghiệm, vận hành ngoài ý thức con người. Nhưng trong lúc vận hành, thỉnh thoảng vào lúc nào đó, nếu các hiện tượng tiềm thức đến được ngưỡng cửa của ý thức hoặc vượt qua được ngưỡng cửa này, thì sẽ trở thành ý thức trọn vẹn. Có thể hiểu nó như dòng tiềm thức của sự sống. Người ta có thể sử dụng khái niệm Bhavanga để giải thích khả năng của trí nhớ trong các kiếp trước, các hiện tượng tâm lý bất thường và còn có thể giải thích Nghiệp và Luân Hồi.
Với những khái niệm nêu trên, người ta đã mở đầu cho chủ thuyết Nhân Thể Luận. Người ta cho là Nhân Thể có thể được nhận biết trong thực tế, nó di trú từ kiếp này sang kiếp khác, nó tiếp nhận những thành quả tu tập. Nhân Thể này là sở hữu chủ của việc tạo ra Nghiệp và gặt hái Nghiệp.
Rất nhiều dẫn chứng lời Phật nói, trong các tài liệu gọi là Kinh, để minh chứng cho sự hiện hữu của một cái Ngã. Cái khó là, căn cứ vào những hiểu biết ngày hôm nay, những kinh được trích dịch cho là lời Phật nói, thí dụ kinh Gánh nặng, lại không biết thực sự có phải là lời Phật nói hay không? Kinh này mô tả là con người mang gánh nặng 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nếu hiểu theo Kinh này, thì Ngã và 5 uẩn là hai hệ thống khác hẳn nhau. Nói một cách cụ thể, là con người có một cái Ngã (người mang gánh nặng) riêng biệt với Ngũ Uẩn (gánh nặng). Tài liệu Chính Lượng Bộ đưa ra một lập luận như sau: "Nếu không có một cái Ngã, thì không có việc giết người và kẻ bị giết, trộm cắp, tà dâm, dối trá … Nếu không có một cái Tôi, thì những việc làm trên là không có sở hữu chủ."
Người ta đưa ra 4 luận cứ sau đây để chứng tỏ có một cái Tôi:
Nếu không có một cái Tôi, thì lý thuyết Luân Hồi khó có thể chấp nhận,
vì ai là người kết nối những tiến trình khác nhau trong cuộc sống?
Cái gì là gốc của trí nhớ, của sự hiểu biết? Như thế phải có một chủ thể
để tích lũy các ký ức.
Nếu không có một cái tôi, thì các Nghiệp trở nên vô chủ và không có
người nhận lãnh các Nghiệp.
Phải có một cái gì liên tục để chứng tỏ một người tu và cũng chính người
đó đến Niết Bàn.
Trên đây em chỉ nêu ra những nét có tính cách chung chung, chưa có thể gọi là những nét cơ bản nhất. Theo ý kiến chủ quan của em, thì những tranh luận ở trên chỉ nặng tính chất lý thuyết, tư tưởng.
Rất có thể những tranh luận nói trên vẫn còn tồn tại những thiếu sót rất cơ bản. Do đó, việc tranh luận này kéo dài khoảng 15 thế kỷ, rồi cũng chẳng đi về đâu.
Em xin nêu ra những thiếu sót mà ai cũng có thể nhận biết sau đây:
Người ta e ngại là việc sử dụng một loại công cụ là Luận Lý Hình Thức (công cụ mà chúng ta đang sử dụng ở cảnh giới con người) chỉ là loại Luận Lý Hình Thức ở hệ quy chiếu chúng ta đang sống. Nó không phù hợp với hệ quy chiếu khác của các Cảnh Giới khác.
Người ta chỉ mặc định (mà không cần suy xét gì thêm): Con người là sự tập hợp của Ngũ Uẩn. Tiên đề này chỉ là một sự quy ước, mặc định, một giả thuyết … chứ không có gì chứng tỏ đây là một sự thật khách quan. Người ta có thể thêm bớt một cách vô cùng dễ dàng, những yếu tố đã cấu tạo nên cái mà người ta gọi là con người.
Đúng như một số luận sư nhận xét là có rất nhiều hiện tượng ở thế giới tự nhiên, những kinh nghiệm dân gian đơn giản, cho thấy dường như có một cái gì hiện hữu, thường hằng … từ những thời điểm này, qua thời điểm khác. Đơn giản nhất mà ai cũng có thể thấy, trước khi đi ngủ Tôi là Tôi, trong lúc nằm mơ (dù là những giấc mơ rất dài) Tôi vẫn thấy Tôi là Tôi, lúc tỉnh dậy Tôi vẫn thấy Tôi là Tôi. Rất nhiều người bị bất tỉnh, người Cận Tử, sau biến cố đó lại thấy mình là mình. Rồi còn những trường hợp đầu thai đã được kiểm chứng (có tang chứng cụ thể là hồ sơ hành chính về nhân thân). Dù muốn hay không, chúng ta cũng thấy có một cái gì đó hình như không bao giờ thay đổi, mà mình không biết gọi tên là cái gì.
Người tu Thiền Định, trước khi Nhập Định thấy mình là mình. Trong lúc Nhập Định, họ thấy có một cái gì đó "Thức" "Tôi" "Ngã" … biết được cấu tạo Tâm Sắc của chính mình. "Cái đó" biết được các Cảnh Giới, biết được là mình Nhập Định, biết là mình Xuất Định, thậm chí biết được quá khứ vị lai. Ngoài ra nó còn biết rất nhiều diễn tiến khác trong trạng thái Nhập Định. Vậy cái mà biết được các trạng thái của Thiền Định là cái gì?
Trong khuôn khổ bài viết này, em chỉ xin trình bày một số thông tin tạp nhạp, những kinh nghiệm tu Thiền Định trên thực tế, lấy ra từ tài liệu "Cuốn Tạp Thư". Em không có ý định cổ võ hoặc bài bác trường phái này, trường phái nọ. Em chỉ cố gắng đưa ra những thông tin, mà em cho là khách quan nhất có thể.
Vậy đâu là câu trả lời thiết thực nhất?
Em thiết nghĩ, đó chính là kinh nghiệm thực tế của quý độc giả có được trong lúc tu Thiền Định. Vì rất có thể ở trạng thái Nhập Định này, khi thấy những hiện tượng mang tính chất khách quan, đồng thời do chúng ta đã chuyển sang một hệ thống Luận Lý Hình Thức tương thích, nó sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn. Tất nhiên, với điều kiện là ai đó phải thực sự nhập vào được các lớp Định.
Trân trọng kính chào quí độc giả Cận Định!
3 comments:
Nếu Thật nhìn kỷ lại cái tôi đang biết đó (mà lúc đó hành giả không hề sinh ra một ý niệm thì có thể hiểu được vô ngã hay hữu ngả)
Chào bạn Vô Minh,
@Vô Minh
HHXK chưa hiểu chỗ này: trong lúc ngồi thiền, thỉnh thoảng HHXK thấy mình không có tư tưởng, không có bất cứ ý nghĩ gì nhưng vẫn biết những gì đang diễn ra. Điều này có nghĩa là cái BIẾT vẫn còn. Nhưng vấn đề là AI biết? Xin Vô Minh chỉ giúp HHXK.
Chào Tam Tiểu Thư,
TTT trình bày 1 bài viết rất hay về Hữu ngã, Vô ngã. Nhưng cuối cùng có vẻ như không có ai biết chắc chắn về vấn đề này.
Theo suy luận cá nhân thì HHXK tin là CÓ Ngã. Vì nếu VÔ ngã thì Ai tu, Ai chứng, Ai luân hồi, Ai trả nghiệp, Ai tiến hóa...?
Chuyện Vô ngã thì giống như chịu trách nhiệm TẬP THỂ; trách nhiệm mà tập thể thì đồng nghĩa với KHÔNG AI có trách nhiệm cả. Chuyện này có thể kiểm chứng ngay trong cõi ta bà này, không cần nhập định cũng thấy.
Kính
HHXK
Chào bạn Hoa Hồng Xứ khác
Như bạn đã nói , khi bạn thiền định thỉnh thoảng HHXK thấy mình không có tư tưởng, không có bất cứ ý nghĩ gì . Vậy thì những lúc như thế bạn hãy dùng sự trống không đó làm đề mục . chú tâm vào đề mục đó một cách nhu nhuyễn dần dần bạn sẽ hiểu được có một cái (Tôi) thực thể hay không . việc làm này sẽ giúp bạn tự trả lời cho câu hỏi trên một cách thực chứng.
Đăng nhận xét