Pages

Cuộc điện đàm viễn liên ...

          
          "Phút đầu gặpEm tinh tú quay cuồng" ...
                                                                 Tốc Hành Tâm (Javana) tiếp theo ...


NỘI DUNG:

Một độc giả ở Úc Đại Lợi có những ý kiến thắc mắc tương tự như quý độc giả 2 Ì Ạch, Hổ nước tương. Mặc dù đã có đọc bài Họp Báo số 19, nhưng quý độc giả này vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với những điều Tam Tiểu Thư đã đóng góp. Do đó quý độc giả này có hẹn và sắp xếp một cuộc trao đổi qua điện thoại đường dài với Tam Tiểu Thư. Không may là mấy hôm nay Việt Nam đang có trận bão nên tín hiệu rất xấu.

- Độc giả Úc Đại Lợi:

Alo! Chào Cô Tam Tiểu Thư. Tôi xin phép tranh thủ đi ngay vào vấn đề để không làm mất thời gian của cô nhé. Tôi cũng có những thắc mắc tương tự như quý độc giả: Hổ nước tương, Mưa Thu, 2 Ì Ạch @ Cuộc họp báo 18 … nhưng phần đóng góp ý kiến của cô trong bài Cuộc họp báo 19, tôi vẫn chưa hiểu rõ! ... Cô có thể vui lòng giải thích lại câu trả lời cho quý độc giả Hổ nước tương về vấn đề Niết Bàn không ạ? Cám ơn cô nhiều.

- Tam Tiểu Thư:

Alo, xin chào quý độc giả. Quý độc giả nghe rõ không ạ?! Ở đây đang có bão nên tín hiệu nghe không tốt lắm.

Kính thưa quý độc giả Úc Đại Lợi. Để đóng góp ý kiến cho câu hỏi này, có lẽ nói đúng hơn để làm sáng tỏ, minh họa, em xin trình bày bằng hai cách: Thực tế và Lý thuyết … tùy quý độc giả chọn lựa.

Theo như quý độc giả thì có một nguồn thông tin nào đó đã cho biết rằng việc nhập Diệt Tận Định, Niết Bàn và đắc những Quả Thánh được mô tả như là: "Phút đầu gặp Em tinh tú quay cuồng" Một cách dân gian mà nói, thì đây là một hiện tượng tâm sinh lý. Nó liên quan đến tuyến nội tiết, đến giới tính ... Không cần phải có những kiến thức quá uyên bác về vấn đề huyền môn, mà chỉ cần kiến thức y khoa phổ thông, cũng hình dung ra được là trong trạng thái "Tinh tú quay cuồng
" đó, thì huyết áp tăng cao, nhịp tim tăng lên vèo vèo. Người hơi lớn tuổi mà rớt vào "phút đầu" này thì có thể tiến đến "phút cuối" nhanh như chớp do bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quị chứ chẳng chơi! Em nghĩ chắc chẳng có ai thiết tha để nhập Diệt Tận Định hay là Niết Bàn theo "xì tai" đó.

Nói thực tế hơn, nếu nhập Diệt Tận Định hoặc Niết Bàn mà như thế này, rồi lại còn thường xuyên đi ra, đi vào, thì mình tự biến mình thành khách hàng trung thành của những hãng dược phẩm bào chế thuốc trợ tim, huyết áp …

Khi một người tu tập, dù ở bất cứ trường phái nào, tập luyện theo một loại kỹ thuật nào đó theo tiến trình tiệm tiến, thì đều có thể mô tả cảm giác, khái niệm, ấn tượng về hệ quả của Thiền Định như sau: 


Ai cũng cảm thấy ít nhiều sự an lạc, hạnh phúc tinh thần và vật chất. Hiện tượng này gia tăng cường độ cùng với việc tăng trưởng của các lớp Định. Mặt khác, hạnh phúc này không giống như hạnh phúc thế gian vì nó không có phản ứng phụ hay phản tác dụng. Niềm vui, niềm hạnh phúc này càng ngày càng tế nhị hơn, tinh tế hơn. Một người đã nếm trải kinh nghiệm lúc Nhập Định, thì sau khi Xuất Định, những chuyển biến tư tưởng trong lúc Nhập Định cũng làm Phiền Não ít nhiều giảm thiểu, sức khỏe tốt hơn, ít xúc động về tâm lý hơn do tâm lý ổn định. Hệ thống tuần hoàn dường như tốt hơn, nhất là người đó chịu khó tập thể dục đơn giản hàng ngày.

Nếu chúng ta thực hiện tu Thiền Định và có ý định vượt ra khỏi cảnh Vô Sắc, thì đây là một lãnh địa mới. Việc này đòi hỏi người tu Thiền Định phải có những kiến thức nhất định mang tính chất chuyên nghiệp. Điều này có nghĩa là dù muốn hay không, dù tu ở bất cứ trường phái nào, cũng phải hiểu ít nhiều về những tài liệu Vi Diệu pháp.

Em không có ý định quảng bá hay tiếp thị tài liệu này đâu, nhưng vấn đề là trong hoàn cảnh của nhân loại hiện nay, theo em được biết là không có một tài liệu nào, ngoài tài liệu nói trên, hướng dẫn về cách vượt ra khỏi lớp Thiền Vô Sắc cao nhất là Phi Tưởng Phi
Phi Tưởng. Nói tóm lại, dù muốn hay không, chúng ta không có sự chọn lựa nào khác ngoài tài liệu nói trên.

Thật ra cũng có những tài liệu tương tự, nhưng tác giả lại đề cập đến những vấn đề khác, chứ không phải là kỹ thuật để vượt ra khỏi
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Em lấy thí dụ: 

* Tài liệu Patanjali (với 195 chân ngôn): Theo chủ quan của em, thì tài liệu này mạnh nhất về việc đưa ra những mô hình để tập trung tư tưởng. Người ta cho là từ CHỈ (tức là tập trung tư tưởng) sẽ đạt được hệ quả là QUÁN (có nghĩa là vỡ lẽ được sự thật).

* Tài liệu Tam Pháp Độ Luận: Theo em thiết nghĩ, là một phản ứng với khái niệm Vô Ngã. Cụ thể là tài liệu này đề cập tới vấn đề Hữu Ngã ở nhiều góc cạnh vô cùng tế nhị. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu khác; trong số đó có một tài liệu cũng mang tên là Vi Diệu Pháp, được viết bởi một vị là Luận Sư (xuất bản tại Hoa Kỳ Hayward, CA. USA - 15.05.2011).

Trên nguyên tắc, từ các chuyên gia cho đến những người như em, như quý độc giả, đều cho là tài liệu VDP, được trước tác song song cùng với những bộ kinh. Mọi người đều biết là trong thời gian Sakya Muni tại thế và nhiều trăm năm sau, Ấn Độ không có chữ viết. CTR đã nhiều lần nói về nguồn gốc chữ viết tại Ấn Độ. Vậy mà trong tài liệu này lại in ở những trang cuối cùng (11 Quả Phước Pháp Thí ấn tống Kinh Sách). Chắc quý độc giả còn nhớ, đây là tư tưởng từ những bộ Kinh Ngụy Tạo của Trung Quốc, đồng hóa tư tưởng Khổng Mạnh với Phật Giáo. Bản thân em cũng như quý độc giả, mỗi lần tham khảo tài liệu của trường phái Phật Giáo để thuyết minh một cái gì đó, luôn luôn cảm thấy tâm trạng bất an. Thật vậy, nhìn vào tủ sách của trường phái Phật Giáo Việt Nam, chúng ta thấy không thiếu gì những vị đạo cao đức trọng, danh tiếng như núi Thái Sơn, như Sao Bắc Đẩu … nhưng trong tác phẩm của các vị này, lại đầy rẫy dẫn chứng của những tài liệu Đại Thừa 100% made in China (thí dụ như tài liệu Phật Học Khái Luận được in vào năm 1993).

Sở dĩ em phải dông dài như vậy là để khi trình bày về đề tài này, chúng ta có thể định vị rõ ràng vào một tài liệu nào đó (tạm gọi là chúng ta mặc định với nhau), nếu không sẽ rơi vào tình trạng "Ông nói Gà, bà nói Vịt", vì thiếu tính chất nhất quán.


.·:*´¨¨`*:·..·:*´¨¨`*:·.

 1. Lộ trình Luồng Tâm Thức khi Nhập Định, còn gọi là Cittavithi

Căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp, thì bình thường có 16 hay 17 Sát Na Tâm, trong đó có 7 Tốc Hành Tâm. Người tu Thiền dùng một Đối Tượng là khách quan hay chủ quan, thì sẽ có những diễn tiến như sau: 


* Chuẩn Bị > Cận Hành > Thuận Thứ  > Chuyển Tánh > ... Nhập Ðịnh   (gọi là An Chỉ Tâm). 
Em xin giải thích thêm những từ ngữ nói trên:

Tốc Hành Tâm: là những Tâm khởi lên từ số 8 đến 14.

     Chuẩn Bị (8): là tình trạng chuyển tiếp đến một loại Tâm mới. 
     Cận Hành (9): là ở gần loại Tâm mới. 
     Thuận Thứ (10): là Tâm này và Tâm trước hòa hợp với nhau. 
     Chuyển tánh (11): là chuyển qua một loại Tâm mới, cuối cùng là: 
An Chỉ Tâm (12-14): là Tâm đứng im.

.·:*´¨¨`*:·..·:*´¨¨`*:·.

 Tâm đứng im có nghĩa là trong tâm tư chúng ta vắng lặng, muốn nghĩ gì cũng không nghĩ được. Những Phiền Não bình thường, những nhu cầu bình thường của con người như: Nhu cầu ăn uống, nhu cầu giới tính, giận ghét, yêu thương, nhớ nhung … đều không hiện hữu trong trạng thái An Chỉ Tâm. Trạng thái An Chỉ Tâm là một trạng thái mà ý thức bình thường của chúng ta không còn hiện hữu. Luận Lý Hình Thức là nền móng của suy tưởng, là chiếc gạch nối giữa Chủ Thể (con Người) và Đối Tượng (thế giới khách quan) không còn hiện hữu. Điều này nghe tưởng chừng như vô lý nhưng lại có thật. 

Chính hiện tượng này làm cho em hoặc quý độc giả hay biết là mình đã đi qua một chiều không gian khác, chuyển qua một Hệ Quy Chiếu khác, một khung tham khảo hoàn toàn khác biệt. Trong lúc Nhập Định, chúng ta hoàn toàn thấy mình sáng suốt, không có hiện tượng gì là mê muội (dạng như ngủ mê, sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê, rượu ...). Chúng ta thấy mình sáng suốt hơn bao giờ hết. 

Có một hệ quả làm cho cả em cũng như quý độc giả vô cùng bất ngờ, đó là có một loại khoái cảm, một loại hạnh phúc … dường như bất tận và đặc biệt nhất là nó tràn ngập thể chất cũng như tinh thần, không có phản ứng phụ. Theo các chuyên gia về Thần Kinh thì cho là trong óc chúng ta đã tiết ra hóa chất Dopamine, Noradrenaline … hoặc những hóa chất khác nữa chúng ta chưa biết. Vẫn theo các chuyên gia về Thần Kinh, thì họ cho là việc tiết những hóa chất này, được điều tiết ở một chừng mực nhất định nào đó, khi người tu Thiền Định Định Tâm. Người sử dụng thuốc phiện, chất say, não cũng tiết ra những hóa chất tương tự ở một mức độ rất cao, rồi bỗng nhiên chất này lại bị ngưng tiết. Chính vì lý do này, người sử dụng chất say có hiện tượng bị vật vã thể chất.

Kính thưa quý độc giả,

Ở trạng thái An Chỉ Tâm, ngoài những điều nói trên, thì nay chúng ta được chứng nghiệm một hiệu ứng mà làm cho chúng ta nhớ mãi. Cụ thể là dường như: 


Tôi vẫn có một cái Tôi, di trú từ nơi này qua nơi khác, xuất hiện ở dạng này hoặc dạng khác. 
Tôi vẫn biết Tôi Tôi, chứ không phải là người khác. Điều đặc biệt là: 
Tôi cảm thấy cấu tạo cái Tôi có khác đi, tài liệu chuyên ngành hay gọi đó là Khinh An, có nghĩa là nhẹ nhàng và an lạc. 

Điều đáng nói nhất làm cho chúng ta ít nhiều ngạc nhiên, là giác quan để tri giác thế giới khách quan cũng như thế giới chủ quan đã hoàn toàn thay đổi. Để có thể hiểu được, lý giải được chuyện này, chúng ta cần đến kiến thức về Vi Diệu Pháp. Chính Vi Diệu Pháp đã giúp chúng ta biết là trong trạng thái Nhập Định, cấu tạo Sắc đã ít nhiều thay đổi và Tâm thì quá thay đổi. Chúng ta đừng quên công thức hay định đề: "Tâm đứng đầu, Tâm tạo tác tất cả".

Nếu thực sự đạt được trạng thái An Chỉ Tâm, thì cấu tạo Tâm sẽ trở thành một dạng Thực Thể khác. Do đó chúng ta sẽ "Thấy Biết" (hiểu theo nghĩa Thấy Biết của Dục Giới) một cách khác. Ở cảnh Sắc Giới, chúng ta nhìn thấy những biểu tượng thì rời rạc, nhưng ý nghĩa của nó lại sâu sắc. Một hình ảnh có khi bao hàm hàng ngàn lời nói, thậm chí là mô tả vô lượng kiếp của một chúng sanh. Điều em nói có lẽ không quá đáng đâu. Em có thể đan cử những thí dụ khá phổ thông (mà có thể quý độc giả không ngờ) xảy ra trong đời sống dân gian trên khắp thế giới, bất cứ ở thời điểm nào, địa lý nào, để giải thích về chuyện biểu tượng này.

Quý độc giả có bao giờ tự hỏi là tại sao ở Đông Phương cũng như ở Tây Phương, người ta lại dùng biểu tượng là những con Giáp khi mô tả cuộc đời con người? Chúng ta chấp nhận nó tự nhiên, chẳng ai quan tâm thắc mắc. Người ta có thể cho là ai đó đã tình cờ đưa ra những con Giáp, nhưng nếu thế thì tại sao cả Đông Phương và Tây Phương lại cùng gặp nhau về ý tưởng đó? Nó có phải ngẫu nhiên, tình cờ không?

Theo quan điểm chủ quan của em, thì người đạt được trạng thái An Chỉ Tâm có phương tiện để tri giác thế giới khách quan, chủ quan khác với người bình thường. Tuy rằng người Nhập Định thấy những biểu tượng rời rạc, nhưng ý nghĩa của nó thì hàng trăm trang giấy không mô tả đủ. Ở trạng thái An Chỉ Tâm, người ta có một loại Luận Lý Hình Thức khác, hoàn toàn khác với loại
Luận Lý Hình Thức mà chúng ta đang mặc định sử dụng. Nếu quý độc giả có kiên nhẫn khi đọc tới đây, thì có thể hiểu rõ việc "Thấy Biết" mà người ta thường mô tả là qua một "cuốn video clip", thực sự là bệnh Hoang Tưởng.

Quay lại trạng thái mà quý độc giả có đề cập tới "Phút đầu gặp Em tinh tú quay cuồng" ... thì trạng thái này phải nói là mâu thuẫn một cách tuyệt đối với trạng thái An Chỉ Tâm. Em rất mong được nghe ý kiến của những vị đã từng Nhập Định.

- Độc giả Úc Đại Lợi: Tam Tiểu Thư vui lòng trình bày lại vấn đề:

2. Lộ trình luồng Tâm Thức (Javana) khi Quán đạo Quả, đạo Tâm. (Tứ Thánh).

- Tam Tiểu Thư:

Vẫn căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp thì diễn tiến về Luồng Tâm Thức sẽ xảy ra như sau: Từ Tâm số 1 đến Tâm số 7, là việc chú Tâm vào một Đối Tượng chủ quan hay khách quan. Nếu diễn tiến này xảy ra với chiều hướng tích cực, cụ thể là người đó thực sự chú Tâm vào vật Quán Tưởng, thực sự giữ được vật Quán Tưởng không mất trong tư tưởng trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, thì Tốc Hành Tâm sẽ xuất hiện.

Lộ trình cũng giống như lộ trình Nhập Định nhưng chỉ khác về Đối Tượng để Quán Tưởng. 


Để đạt Đạo Quả, Đối Tượng Quán Tưởng là 10 Phiền Não (theo quy ước hàn lâm kinh điển của trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy). Tuy nhiên, cũng có tài liệu thì lấy Đối Tượng là: Từ, Bi, Hỉ, Xả.

Rất mong quý độc giả chú ý về điểm khác biệt này: Sau 4 Sát Na Tâm của Tốc Hành Tâm, thay vì là An Chỉ Tâm, thì nay là Đạo Tâm (là quả vị), tiếp đến 2 sát na sau là Quả Tâm. Để dễ nhớ và đỡ lầm lẫn, quý vị cố nhớ từ ngữ: 


Magga: là Quả Vị (nói về vị trí mà mình đạt được (position). 
Phala: là Quả Tâm. (sự ý thức được việc này) 
Hai từ ngữ này của Việt Nam rất dễ gây lầm lẫn, rất mong quý độc giả lưu tâm.

Có 4 Quả vị (Magga) hay là 4 cấp bậc để đạt tới khi tu theo cách này là:

          Dự Lưu > Tư Đà Hàm
> A Na Hàm > A La Hán

Chúng ta phải để ý rằng mặc dù đạt được những Quả Vị này, nhưng cấu tạo Tâm vẫn thuộc về loại Tâm là Thiện Tâm. Do đó, đưa đến việc đầu thai ở một cảnh giới, cao thấp tùy theo, tạm gọi là đẳng cấp của mình đang có. Thí dụ A Na Hàm thì được đầu thai ở Cảnh Giới cao hơn Dự Lưu. Nói chung là vẫn còn Luân Hồi.

Đến đây có thể quý vị sẽ thắc mắc là tại sao khi đã đạt Quả Vị Thánh mà vẫn còn Luân Hồi?

Câu trả lời theo Vi Diệu Pháp như sau:

Do những người tu theo kỹ thuật này chấp vào việc là họ ý thức được công việc của mình làm, ý thức được cấu tạo Tâm của mình. Những Tâm này được gọi là Thiền Thiện Tâm. Từ đó dẫn tới việc sanh ra một hậu quả tốt, người ta gọi là Thiền Thiện Dị Thục Tâm và đưa tới đầu thai để hưởng cái quả này, chứ không đưa tới việc Giải Thoát như rất nhiều người lầm tưởng. Chúng ta phải chú ý tới khái niệm này để phân biệt với Luồng Tâm Thức tu Thiền Tưởng có khả năng đưa tới Niết Bàn.

- Độc giả Úc Đại Lợi:
Xin Tam Tiểu Thư vui lòng trình bày lại vấn đề:

3. Lộ trình luồng Tâm Thức (Javana) khi Tu Thiền Tưởng (chứng Niết Bàn).

- Tam Tiểu Thư:
Kính thưa quý độc giả,

Vẫn căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp thì diễn tiến của Luồng Tâm Thức cũng tương tự như trên. Có lẽ sự khác biệt nằm ở chỗ này:

Kể từ khi tu Thiền Định Hữu Sắc, Vô Sắc, một vị A La Hán (nói theo từ ngữ của VDP) phải có tính chất đặc biệt gọi là Tâm Duy Tác. Nói về ý nghĩa, thì từ ngữ Duy Tác là ngược lại với từ ngữ Dị Thục. 


* Dị Thục: là một loại Tâm, bất kể ở Cảnh Giới nào, bất kể là Thiện hay không Thiện, đều đưa tới quả báo là Luân Hồi Sanh Tử. Một Tâm có tính chất; 
* Duy Tác: là nó có tác dụng, nhưng nó không chứa đựng nguồn gốc là Nhân, bất kể Thiện hay không Thiện. 

Em xin đưa một thí dụ cụ thể để cho dễ hiểu. Ai trong đời cũng có lúc, giúp ai đó, mà không suy nghĩ gì cả. Thí dụ như chúng ta đang tập trung nói chuyện về một công việc gì với ai đó, thì có một người tàn tật, người già đến xin tiền. Chúng ta rút tiền ra giúp một cách phản xạ không suy nghĩ gì hết. Tâm này là Tâm Từ, không câu hữu với Tâm Si là mê muội, hiểu không đúng sự thật. Tâm này mang tính chất là một hành động nhưng không có Nhân, gọi là Tâm Duy Tác.

Nếu người tu Thiền Định sử dụng những kỹ thuật nói trên, nhưng những Thiền Tâm này được thao tác một cách cơ học bản chất là Duy Tác, thì cách tập luyện này có khả năng hướng tới Niết Bàn.

Em hy vọng quý độc giả Úc Đại Lợi, Hổ Nước tương ... chia sẻ ít nhiều quan điểm với em. Sở dĩ em phải nêu ra như vậy, vì những điều mà em dẫn chứng căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp, là những thông tin mang tính chất thiếu chính xác rất cao. Ít có trường phái nào mà lại có quá nhiều không gian, thời gian trống trải, để cho các bộ óc có trí tưởng tượng phong phú mặc tình thao túng. Những tài liệu gọi là Vi Diệu Pháp bằng tiếng Việt Nam nhiều vô số kể, từ ngữ sử dụng khác nhau và tệ hại hơn nữa, nội dung cũng khác nhau và thậm chí là mâu thuẫn với nhau. Do đó, không biết đâu là tài liệu thật hay là tài liệu ngụy tạo. Có nhiều chương trong một tài liệu Vi Diệu Pháp nào đó, có người đã bỏ ra nhiều thập kỷ để đọc, cũng chẳng hiểu nói gì, mặc dù là viết tiếng Việt Nam. Lỗi này là của dịch giả hay do người đọc thiếu trí tuệ nên không đủ sức để hiểu?

Lại một lần nữa, em xin đóng góp ý kiến với quý độc giả Hổ nước tương và quý độc giả Úc Đại Lợi. Em xin nhắc lại toàn bộ bản văn cuối cùng của quý độc giả:


- Hổ nước tương: @ Cuộc họp báo 18

“Nhân tiện xin Tam Tiểu Thư giải thích thêm … Làm thế nào để một hành giả nhận biết được qui trình mình đã Quán Tưởng thành công và đạt Đạo Quả? Đạo Tâm hoặc Niết Bàn?

Cám ơn Tam Tiểu Thư.”


- Tam Tiểu Thư
Kính thưa quý độc giả, để em thử cố gắng góp ý với phần đóng góp của quý độc giả đưa ra.

Hạnh phúc, an tịnh, sự khô cạn của các Phiền Não … là một số từ ngữ mà các tài liệu thường dùng để mô tả về trạng thái Niết Bàn. Theo em hiểu, Niết Bàn chỉ là một trạng thái tâm lý, trạng thái tinh thần tùy quan điểm của từng chủ thể bất kỳ. Với ai đó có thể là vườn Địa Đàng mà mình đã từng đánh mất. Với người khác thì đó là cuộc hôn phối vĩnh cửu với Đấng Vĩnh Hằng. Với nhà phát minh thì được nhìn thấy lý thuyết của mình trở thành hiện thực. Với một con người lãng mạn thì đó là sự thăng hoa của tình yêu … Em thiết nghĩ còn rất nhiều dạng khác mà chúng ta không thể kể hết.

Dù ở bất cứ trường phái Thiền Định nào, nếu những người thực hành thực sự có kết quả, đều có thể cảm nhận hiện tượng khách quan như sau: 


Tính chất hạnh phúc nhẹ nhàng, an lạc … Mức độ thì từ thô thiển như hạnh phúc thế gian, cho đến càng ngày càng trở nên tinh vi, tế nhị, đồng biến với các lớp Thiền Định. Một điều làm cho người tu Thiền Định bất ngờ, đó là kể cả ở những lớp Định nào đó, dù tinh vi tế nhị … rồi cũng làm cho ta sinh Tâm nhàm chán. Do nhu cầu của chúng ta càng ngày càng tinh vi, nên tiến trình gạn lọc Thân Tâm kéo dài dường như bất tận. Mặt khác, công cụ quan sát thế giới khách quan cũng như chủ quan, cũng trở nên tế nhị, tinh vi từ từ. Tri thức luận lành mạnh, chiếc gạch nối, chiếc cầu để ý thức được thế giới khách quan, thế giới chủ quan, làm cho chúng ta vô cùng kinh ngạc. Nó khiến chúng ta có thể hiểu được những điều, biết được những việc hoàn toàn nằm ngoài tầm hoạt động của con mắt và các giác quan bình thường khác. Nói một cách cụ thể, chúng ta đã có những giác quan, quan trọng nhất là một hệ thống Tri Thức Luận, một mô hình Luận Lý Hình Thức hoàn toàn mới. Nhờ những sự biến đổi này, mà bất cứ ai Thực Chứng Thiền Định, đều có cảm tưởng về một ấn tượng Niết Bàn nào đó.

Đời sống ở cõi Thiền Định thanh thoát nhẹ nhàng, Phiền Não dường như không còn. Tuy nhiên qua chiều dài của những buổi Nhập Định, đâu đó người ta vẫn thấy tính chất hạn chế. Ai cũng có tâm trạng là nếu các cõi Thiền mà đã như thế này, thì ắt hẳn phải có một cõi nào đó: Không sanh, không diệt, không sáng, không tối … Nói một cách khác, ở đó không có cái gì cả … Người ta mơ hồ nhận ra rằng, dường như có một trạng thái vĩnh hằng có thể nằm trong tầm tay của người tu Thiền Định.

Trong trao đổi lần tới, em hy vọng sẽ được trao đổi cùng quý độc giả về việc chúng ta có ý định xây dựng một giáo trình, để mọi người đều có khả năng sử dụng. Trước khi chấm dứt, em xin có vài lời để trao đổi sơ bộ về vấn đề này. Chắc quý độc giả cũng biết, ít nhất đến giờ này, chúng ta không hề thấy một tài liệu, phải bảo là nghiêm túc, đáng tin cậy … để hướng dẫn về việc tu Thiền Định. Khi nhìn vào các tài liệu của những người Tây phương, kể cả những khoa học gia tu Thiền Định và viết về vấn đề này, thì chúng ta có cảm tưởng dường như vấn đề mới được nhìn ở một phía.

Trân trọng kính chào tạm biệt quý độc giả!




3 comments:

Chào Tam Tiểu Thư,

Bài phân tích của TTT rất hay nhưng CĐ không hiểu rõ chỗ này:
Magga: là Quả Vị (nói về vị trí mà mình đạt được (position).
Phala: là Quả Tâm. (sự ý thức được việc này)
Xin TTT vui lòng giải thích thêm là khi một vị A La Hán đã giải quyết 10 phiền não và đạt Hữu Dư Niết Bàn có nghĩa là vị này đã đạt tới VÔ NGÃ. Nếu đã vô ngã thì AI sẽ Ý THỨC được Quả vị này?
Khi Đức Phật đản-sanh, Ngài thị hiện đi 7 bước... và xướng lên rằng : " Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn ".
Vậy chữ Ngã ở đây là gì? là hữu ngã hay vô ngã? Kinh Phật có nhiều mâu thuẫn quá nên CĐ không biết cái nào đúng cái nào sai nữa.

Cảm ơn TTT


Chào Tổng Quản, Tam Tiểu Thư và các bạn ...

Trước hết cho phép Kangaroo (độc giả Úc Đại Lợi) gởi lời cảm ơn 1 bạn ở Melbourne đã bỏ thời gian quý báu để sắp xếp cho Kangaroo được trực tiếp tham vấn với Ông Tổng Quản và Tam Tiểu Thư qua điện thoại ... Kangaroo cũng không quên cảm ơn bạn "hổ nước tương" cùng các bạn đã đặt những câu hỏi thật hay để tôi có cơ hội học hỏi thêm thật nhiều điều bổ ích trong quá trình hoàn thiện chính mình.

Đây là một cuộc điện đàm thú vị nhất từ trước tới giờ về mặt tâm linh, cũng như tìm hiểu về giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Mong có được nhiều những cơ hội hữu ích này trong tương lai.

Thưa Tổng Quản và Tam Tiểu Thư, trong bài:
"Cuộc họp báo 18: Cách tu PG Nguyên Thủy / Sắc (Rupa) & yếu tố Đất (Pavithi) qua các cảnh giới ..."
http://vidieuphapctr.blogspot.com.au/2013/09/cuoc-hop-bao-18-tieu-cuc-xuyen-van-kiem.html

Tôi đã thật ngỡ ngàng và thú vị khi thấy TTT đã trình bày một cách ngoạn mục phần SẮC (Rupa) và đơn cử một thí dụ về ĐẤT (Pavithi) một yếu tố cấu tạo nên Sắc Pháp, biến thiên qua các vùng Cảnh Giới ... Đây là cách trình bày độc đáo, dễ hiểu dễ nhớ và dễ thâm nhập. Thật đúng như lời TTT đã tiếp thị: "SẮC (rupa), em mạnh dạn quảng cáo rằng đây là một trong những đề mục mang những họa tiết rực rỡ nhất, những đường cong thẩm mỹ nhất, của tác phẩm Vi Diệu Pháp."

Còn lại 3 yếu tố: Nước / Gió / Lửa ... Rất mong được TTT tranh thủ trình bày tiếp cho mọi người cùng học hỏi?

Cũng vậy, đối với loạt bài về: "Tốc Hành Tâm" đã được TTT trình bày thật cặn kẻ qua sự so sánh và giải thích rõ ràng những thuật ngữ (terminology). Thật lý thú khi được học hỏi một tài liệu phức tạp và khó thâm nhập nhất qua cách này. Chúng tôi là những người con đang loay hoay với phương pháp nhập định, lắm khi cũng không biết phải đặt câu hỏi thế nào cho hợp lý. Vì đây cũng là một Chương hay nhất trong Vi Diệu Pháp như TTT đã giới thiệu. Vậy nếu thấy cần nhấn mạnh ở điểm nào trong Chương này cũng xin TTT & TQ từ bi chỉ dạy thêm?

Thành thật cảm ơn.

hổ nước tương tranh thủ vào cảm ơn Tam Tiểu Thư đã trả lời quá hay & bạn Kangaroo đã bổ túc câu hỏi để chúng ta có bài trả lời thật rõ ràng đầy đủ ...

Chúc Tam Tiểu Thư và cả nhà một cuối tuần vui vẻ.

Đăng nhận xét