Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 8

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 8: Dẫn nhập về Kỹ Thuật mở Đệ Tam Nhãn

Một quán trọ nghèo nàn như bao nhiêu quán trọ ven đường. Trời đã về chiều, những tia nắng cuối cùng còn sót lại trên triền đồi. Ðoàn bảo tiêu chuẩn bị ăn cơm tối. Gió lộng từng cơn, rừng cây xào xạc. Ông Tổng Quản và Tam Tiểu Thư ngồi ở góc phòng, ánh đèn leo lét, vừa đủ để nhìn thấy các món ăn trên bàn.

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng quản ơi! mình vừa ăn tối vừa nói chuyện nhe ông. Hôm nay ông nói cách nào để giúp tôi mở nhãn đi ông. Tôi mà mở nhãn được, là việc đầu tiên sẽ xem chừng nào tôi lấy chồng, việc thứ hai là xem kiếp trước ông là ai mà kiếp này ông giỏi vậy, việc thứ ba là coi tôi và ông có nhân duyên gì với nhau, việc thứ tư là ...
- Ông Tổng Quản (cắt ngang): Sao cô có nhiều việc cần biết thế? Thế thì nên tự mình tập luyện để mở Nhãn đi; chứ suốt ngày cô bắt tôi xem Tạp Thư rồi nói cho cô nghe cũng phiền phức lắm cô ơi. Tôi thì già rồi, sống nay chết mai. Đâu ở bên cạnh cô mãi được chứ.

- Tam Tiểu Thư: Ông có lý đó, tôi muốn biết nhiều thứ lắm. Vậy ông bắt đầu chỉ tôi đi. "Thank you" ông trước nhé.
- Tổng Quản: Theo yêu cầu của cô, tôi tạm gác lại việc giải thích về lý thuyết liên quan đến Con Mắt Thứ Ba; và đại loại những gì đó giống như Con Mắt Thứ Ba mà có thể nhìn, thấy biết được bao nhiêu thứ, và việc thấy biết này là cái gì. Tạm thời tôi cứ trình bày về vấn đề Đệ Tam Nhãn trước, rồi sẽ quay lại những vấn đề nêu trên sau.

Việc đầu tiên Cô cần phải hiểu một số vấn đề liên quan đến Đệ Tam Nhãn. Chuyện này sẽ giúp Cô tránh được những hệ quả không mong muốn xảy đến trong tương lai do chuyện thiếu hiểu biết gây ra; thí dụ như mở Huệ Âm (dân gian thường gọi như vậy), ma nhập, điên loạn. Việc mở Đệ Tam Nhãn chắc chắn không đơn giản, vì nếu đơn giản thì nhiều người đã làm được rồi. Hiện nay có rất nhiều người mong muốn có Đệ Tam Nhãn; chẳng hạn như người Tu Chuyên nghiệp, Khoa học gia Chuyên nghiệp. Nhưng để hiểu được Con Mắt Thứ Ba này thực sự là gì; chưa nói đến vấn đề đạt được nó, thì hình như người ta cũng chưa làm được. Tài liệu Đệ Tam Nhãn, ý tôi nói thực sự là Đệ Tam Nhãn, thì lại do những người có hai mắt, viết về Con Mắt Thứ Ba. Tôi nghĩ là chính những người viết này cũng chẳng biết nó là cái gì.

Không phải một mình Tam Tiểu Thư, mà có lẽ chính quý độc giả, sau khi đọc quá nhiều trang trong những bài viết trước, cũng thấy dường như đó chỉ là những vấn đề lý thuyết chung chung; chẳng có gì là thực tế cả. Nhưng sự thật là: Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả đã, đang hoặc sau này sẽ có Con Mắt Thứ Ba, thì sẽ nhận thấy những trang viết trên của cuốn Tạp Thư là những thông tin “tạp nhạp” không nơi nào có. Một khi thực sự Tam Tiểu Thư hoặc quý độc giả đã có ít nhiều Con Mắt Thứ Ba, thì những thông tin “tạp nhạp” này, đôi khi cũng rất được việc đó.

- Tam Tiểu Thư: Ông càng nói, tôi càng tò mò muốn biết về Con Mắt Thứ Ba này. Ông giỏi mà, lại có Tạp Thư nữa, nên làm ơn chỉ tôi đi. Ông muốn gì tôi cũng sẽ hậu tạ ông hết.
- Ông Tổng Quản: Như tất cả chúng ta đều biết, khoa học đồng nghĩa với việc các kiến thức được hệ thống hóa. Do đó, để bắt đầu đi vào thực tập về vấn đề Con Mắt Thứ Ba, tôi sẽ trình bày một cách hệ thống cho cô nghe một số vấn đề sau đây:

1. Cách chọn kỹ thuật để thực hiện việc tập luyện mở Con Mắt Thứ Ba:
   a. Lịch sử cho chúng ta biết gì về vấn đề Con Mắt Thứ Ba
       Mục đích tìm hiểu lịch sử để chọn ra phương pháp tối ưu để luyện tập.
   b. Căn cứ vào một số tài liệu phổ thông.
       Người ta nói gì về vấn đề kỹ thuật của Con Mắt Thứ Ba.
   c. Vấn đề Con Mắt Thứ Ba.
       Thực tế tại Việt Nam và một số nước trên thế giới.

2. Phân loại Con Mắt Thứ Ba: Có ít nhất hai loại Con Mắt Thứ Ba.
3. Làm sao để duy trì Con Mắt Thứ Ba.
4. Hệ quả của việc có Con Mắt Thứ Ba.

- Tam Tiểu Thư (lên giọng): Ông tổng quản ơi, tôi chán ông quá à. Sao ông cứ tiếp tục nói lung tung, mơ hồ vậy? Ông nói trực tiếp vào vấn đề đi ông, tôi sốt ruột lắm rồi! Còn bao nhiêu quí độc giả cũng nôn nóng muốn biết nữa. Ông thiệt là kỳ quá!
- Ông Tổng Quản (bình thản mỉm cười): Tam Tiểu Thư ơi! Không phải là tôi không hiểu tâm trạng của cô, nhưng cô cần phải kiên nhẫn. Mở Đệ Tam Nhãn, không phải là chuyện ăn một chén cơm hay uống một chén trà … Tam Tiểu Thư, cô rất giỏi về Âm nhạc Cổ điển. Cô còn nhớ khi học trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn, bộ môn Ghi ta Cổ điển, cô phải học ít nhất là bốn năm, nào là nhạc sử, ký âm, xướng âm, lý thuyết âm nhạc … Nếu cô không hiểu gì về hòa âm, cô chơi nhạc chỉ có một bè, chính vì thế cô phải học cả hòa âm nữa. Cũng như học tiếng Pháp cũng phải học một, hai năm để có kiến thức tối thiểu. Trên cơ sở này, cô mới có thể học phân tích tự loại, phân tích mệnh đề. Học tiếng Trung Quốc, ít lắm cũng phải biết vài ngàn chữ, mới có thể làm thơ được … 

Vấn đề Con Mắt Thứ Ba cũng vậy. Nó là một khái niệm, một thực trạng … đòi hỏi cô phải có rất nhiều kiến thức, rất nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, kỹ thuật, tay nghề về vấn đề Thiền Định … Tôi nói để cô nghe nhe; kể cả khi cô có những kiến thức nói trên, cũng chưa chắc gì cô đã tập được. Tôi nói không phải để dọa cô đâu, mà để chuẩn bị tâm lý cho cô. Giống như ngày xưa cô tập võ, cô học đàn Flamenco vậy thôi. Những chuyện mở Đệ Tam Nhãn mà cô đã đọc trên các trang web, trong đó nó được mô tả như đi dạo phố, như đi mua hàng ở Siêu thị … thì e rằng, nó là loại Đệ Tam Nhãn “Made in China” mà chưa được thông qua đăng ký chất lượng. Một là hàng xách tay, hai là hàng trốn thuế …

1. Chọn lựa kỹ thuật Nhập Định:

Chưa nói tới trên thế giới, chỉ nói riêng tại Việt Nam mà thôi, không ai dám đoán chắc rằng, có bao nhiêu trường phái, có bao nhiêu hệ phái của Phật giáo và các Tôn giáo khác liên quan đến Thiền Định. Có lẽ nói không quá đáng, rằng nó tiến lên bằng cấp số nhân. Thông tin đại chúng, nhất là cơ quan hữu trách thỉnh thoảng phát hiện đây đó, có vị này, vị kia truyền giáo, chữa bệnh, không được phép của bộ y tế. Đó là số bị phát hiện, còn số không bị phát hiện là bao nhiêu, thì đến cơ quan chính quyền có lẽ cũng chẳng biết. Thông tin đại chúng còn cho biết rằng việc mở Luân Xa, dẫn Luồng Hỏa Xà đi lên là vô cùng đơn giản nữa.

- Tam Tiểu Thư: Đúng rồi, hôm trước tôi có xem trên ti vi ở Việt Nam; người ta có phỏng vấn một số vị nào đó về vấn đề này, và họ cũng cho những thông tin tương tự như ông mới nói đó. Tôi muốn hỏi ông câu này, tại sao đa số người bình thường như chúng ta, người phàm mắt thịt, thì chẳng hề gặp một vị nào mở Đệ Tam Nhãn cả. Nếu là chuyện đơn giản thì mình phải gặp được nhiều người mở được Đệ Tam Nhãn chứ. Tôi đi Chùa nhiều lắm đó ông, chứ không phải chỉ làm bảo tiêu đâu. Sau chuyến đi này, tôi sẽ tiếp tục cúng Chùa và làm từ thiện.
- Tổng Quản: Căn cứ vào cuốn Tạp Thư, thì Mật giáo Tây Tạng cho biết là “Đệ Tam Nhãn là một quyền năng mà nhân loại ít ai có được”. Tài liệu Mật giáo còn cho biết thêm nhiều thông tin khác chung quanh vấn đề này nữa. Chúng ta có thể đoán chắc rằng, bất cứ ai từng tu Thiền Định ít nhiều có tính cách chuyên nghiệp, đều có nghe đến, biết đến vấn đề Đệ Tam Nhãn. Nhưng khổ một nỗi, chúng ta từng đi tìm đỏ con mắt nói theo cách bình dân, cũng chẳng gặp ai có Đệ Tam Nhãn cả. Ngược lại, khi gặp một ai đó, tỏ cho chúng ta biết nữa kín nữa hở là mình có Đệ Tam Nhãn, thì e rằng những người này lại không có.

- Tam Tiểu Thư (ngạc nhiên): Ồ! vậy à. Ý ông nói là "người nói thì không biết, còn người biết thì lại không nói hả ông? Sao kỳ vậy chứ. Tôi mà có Đệ Tam Nhãn là tôi khoe cho mọi người biết liền. Trí tuệ mà!!!
- Tổng Quản: Người có Đệ Tam Nhãn thực sự, thường thì có lẽ họ không muốn cho mọi người biết vì một lý do rất đơn giản. Họ không muốn người thế gian coi họ như một người Thầy bói, một Thầy bùa, Thầy ngải … Mặc khác, Đệ Tam Nhãn là một ngọn đèn siêu sáng, đánh bật bóng tối của Vô Minh, ít nhất nhìn được ra sự thật. Nhưng oái oăm là người thế gian lại không thích nghe sự thật, bởi vì sự thật làm vỡ tan những ảo mộng. Điều này khiến con người sẽ lúng túng trong cuộc sống, chẳng biết ứng xử làm sao. Người có Đệ Tam Nhãn, không phải là một Thầy bói; vậy nên họ không thể dùng khả năng của mình, để nói những điều thân chủ thích nghe.

   a. Căn cứ vào lịch sử:
Có lẽ đến ngày hôm nay, chỉ còn có hai Trường phái là Trường phái Phật Giáo và Trường phái Raja Yoga, là có để lại những tài liệu nói về Kỹ thuật mở Con Mắt Thứ Ba. Ít nhất chúng ta cũng phải nhận ra ngay rằng những vị Giáo Chủ này; những người khai sơn phá thạch Trường phái của mình, đều sử dụng Kỹ Thuật Thiền Định. Ngoài ra không hề có Kỹ Thuật nào khác. Sakya Muni cũng như Patanjaly không hề làm những việc sau đây:

- Không hề lần Chuỗi.
- Không hề tụng Kinh bao giờ. Mà sự thật, cũng chẳng có Kinh để mà đọc.
- Không hề tụng Chân Ngôn, rất có thể lúc đó cũng chẳng có Chân Ngôn để mà tụng.

Thật ra những vị này chỉ tu Thiền Định. Nếu họ làm những công việc kể trên, thì Tâm sẽ trở nên quá náo nhiệt, làm sao tĩnh Tâm mà tu Thiền Định được chứ. Tam tiểu thư cũng như quý độc giả, có bao giờ đọc được một tài liệu Nguyên Thủy nào, mà nói các vị nói trên, tụng kinh, đọc chú … bao giờ đâu.

Ngược lại, theo những tài liệu Nguyên Thủy, thì sau khi Sakya Muni đắc đạo, thời khóa biểu của Ngài dày đặc những công việc, cho Chư Thiên, cho Người và cho việc tu Thiền Định. Chắc chắn ai cũng còn nhớ, cuộc Nhập Định của Sakya Muni là một cuộc Nhập Định lịch sử. Nó được mô tả là kéo dài tới 49 ngày. Tuy chỉ là một cuộc Nhập Định của một cá nhân, nhưng có ai ngờ rằng đó là một cuộc Nhập Định mang tính chất lịch sử, một bước tiến vĩ đại của nhân loại. Chính cuộc Nhập Định này đã phát minh ra công thức bất tử để đời: “Vô thường, Vô ngã, Phiền não”. Sakya Muni đã tìm ra con đường chiến thắng Phiền não, đập tan ảo giác về cái Tôi, phá vỡ được biên giới của Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, và cuối cùng dẫn dắt con người ra khỏi vòng Luân Hồi Sanh Tử. Nhờ đâu mà Ngài đạt được thành quả rực rỡ như trên? Chính là nhờ vào Con Mắt Thứ Ba, con mắt của sự Minh Triết, của Từ Bi và lòng Dũng Cảm. Ngài xứng đáng là Thầy của tất cả các Thực Thể. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Sakya Muni đã tìm ra yếu tố Santi; bản chất của Niết Bàn.

- Tam Tiểu Thư (nước mắt lưng tròng): Tổng quản ơi! Từ xưa tới giờ tôi kính ngưỡng Sakya Muni lắm. Những lời ông nói hôm nay làm tôi cảm động quá. Chắc ngày xưa tôi từng là đệ tử của Ngài, mà tu không ra sao nên bây giờ còn ở đây đó ...
- Tổng Quản: Căn cứ vào lịch sử của tài liệu Phật Giáo thì “Thần thông là hệ quả của Tứ Thiền Hữu Sắc”. Nói một cách khác, theo truyền thống Phật Giáo, Con Mắt Thứ Ba là hệ quả của Tứ Thiền Hữu Sắc.

Căn cứ vào tài liệu Patanjaly của trường phái Raja Yoga, muốn mở Con Mắt Thứ Ba phải đi qua 3 giai đoạn: Dharana / Dhyana / Samadhy.

Nếu so sánh với trường phái Phật Giáo, thì tiến trình kỹ thuật này tương ứng với 3 giai đoạn của Phật Giáo là: Tầm / Tứ / Nhất tâm.

Vẫn theo tài liệu Patanjaly, thì cách tập luyện khá đơn giản: Thí dụ chúng ta dùng một Luân Xa ở cổ họng, mà Luân Xa này người ta quen gọi là: Vi su đa. Người tu luyện lấy đó là một Đối Tượng để Quán Tưởng, liên tục duy trì Quán Tưởng và sau đó sự thật sẽ được phô bày, nói theo ngôn từ của kinh Patanjaly. Một thí dụ khác, người tu Thiền Định muốn làm chủ được nhịp tim, hay biết Tâm ý người khác, thì lấy Trái Tim làm Đối Tượng, cũng làm công việc như trên, có nghĩa là chú Tâm vào Đối Tượng, liên tục chú Tâm vào Đối Tượng, cuối cùng sự thật được phơi bày.

Nói thì nghe đơn giản vì nếu dễ như vậy thì ai mà chẳng tập được. Thực tế còn rất nhiều chi tiết mà trong tài liệu chẳng hề đề cập tới. Trước nhất, nếu gọi là con mắt thứ ba, thì đây là loại con mắt thứ ba nào? Tam tiểu thư nên nhớ là tầm hoạt động của con mắt này sẽ lệ thuộc vào cảnh giới. Hơn nữa, cho dù người có con mắt thứ ba này biết được các sự việc nêu trên, nhưng lại không hiểu gì về ngôn ngữ, ý nghĩa của ngôn ngữ thuộc cảnh giới này, thì cũng hoàn toàn vô dụng! Việc này, chúng ta sẽ bàn tới trong những chương sau, vì lý do thiếu quá nhiều kiến thức, và những từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành mà chúng ta chưa thống nhất được ý nghĩa của chúng.

   b. Căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp:
Cuốn Tạp Thư khuyên những người muốn mở nhãn, nên tìm đọc một cuốn hay vài cuốn Vi Diệu Pháp, mà người đọc có thể hiểu được. Thật vậy, tài liệu này đã từng được dịch ra tiếng Việt Nam; thế nhưng mặc dù quý độc giả là người Việt Nam, nhưng khi đọc thì quí vị cũng sẽ có cảm giác là, hình như mình không hiểu nó nói gì. Mặc dù chúng ta cố gắng đọc nó qua nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Ðúng là một nghịch lý.

Ðể minh họa về vấn đề này, chúng tôi xin nêu ra một số tác giả mà chính họ là những người dịch ra cuốn Vi Diệu Pháp bằng tiếng Việt Nam. Có một vị là tác giả của cuốn Vi Diệu Pháp cho biết: “Thời gian tôi đi học một trường Phật giáo ở nước ngoài, tôi nghe người ta nói rằng tài liệu này rất hay, nên tôi có ghi lại tài liệu này một cách rất chi tiết, in ra thành sách và phổ biến tại Việt Nam để phổ biến cho mọi người cùng xem. Nhưng thật tình, tôi không hiểu nó nói gì cả”.

Một tác giả khác, phải bảo là, đạo cao đức trọng, thông kim bác cổ, thì lại chính thức cho biết tài liệu Vi Diệu Pháp là cuốn tâm lý học của truyền thống Phật giáo. Còn nhiều tác giả khác, có những ý kiến khác về tài liệu VDP … phần nhận xét xin dành cho quí dộc giả.

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng quản ơi, đúng rồi. Tôi có "download" tài liệu VDP xuống ipad của tôi và đọc hoài à. Nhưng nói thiệt ông nghe, tôi chẳng hiểu gì nhiều hết. Hay là ông copy cái trang mà cuốn Tạp Thư nói về VDP cho tôi đi, để tôi coi có khác gì không ông?
- Tổng Quản: Cuốn Tạp Thư là một tài liệu “tạp nhạp” về các thông tin phổ thông bình dân. Nhưng theo tôi nó  lại là một tài liệu có một không hai, vì đã đề cập đến những vấn đề kỹ thuật, mà chưa từng có một tài liệu nào trong lịch sử của con người có được. Rất nhiều kiến thức mà vật lý học hiện đại nhất hôm nay chỉ mới đưa ra những khái niệm giả thuyết, thí dụ: Alter Ego, vũ trụ song song, lý thuyết đối xứng, phá vỡ đối xứng, thông tin toàn ảnh (Hologram). Vi Diệu Pháp thật sự khó hiểu, vì nó được viết không phải để cho con người xem. Những kiến thức của VDP là thuộc về những cảnh giới khác. Nhưng đối với người tu Thiền Định, thực sự đắc định, chắc chắn có rất nhiều thắc mắc, thì nó lại là một cuốn Bách Khoa Toàn Thư, có thể trả lời tất cả những gì mà mình cần hỏi. Nhận xét này, đúng hay sai thì nó còn lệ thuộc ở khả năng Thiền Định, chất lượng Thiền Định của quý độc giả, của những người đã từng tu Thiền Định, của những người đang và sẽ tu Thiền Định.

2. Có bao nhiêu loại con mắt thứ ba trên thực tế?

Chúng ta đã từng được xem những bản liệt kê về các loại nhìn thấy khác nhau, của các loại con mắt khác nhau. Nó là nhiều vô số kể. Người ta còn kể rằng những người bị nhiễm trùng, ở các thể loại, khi sốt cao cũng thấy những cái gì đó … Do đó việc nhìn vô cùng đa dạng không thể kể hết.

Nhưng đối với người tu Thiền Định, mà chúng ta tạm gọi là một người bình thường như quý độc giả, như tôi, thì có hai khả năng xảy ra. Một là mở nhãn bình thường, tiếng miền Nam hay gọi là mở Huệ. Nhãn này có thể khiêm tốn về khả năng nhìn biết, nếu kiên trì tập luyện, thì sẽ tiến lên từ từ.

Khả năng thứ hai, mà người thế gian bình thường gọi là mở Huệ Âm. Đây là một từ ngữ khá phổ thông trong giới tu Thiền Định. Thực tế là những người mở Huệ âm này, họ hay thấy Ma, thấy Quỷ. Họ thường nhìn thấy các Chư Ma, các Chư Quỷ, dùng lưỡi của mình để liếm thực phẩm của các bữa cơm trước khi con người ăn được. Chúng tôi chỉ tường thuật lại. Đó là ảo giác, hay là sự thật, chắc chắn không ai biết được. Người mở Huệ Âm, tâm tính bất thường lúc vui, lúc buồn, hay bị xuống tinh thần. Họ nhìn thấy Chư Ma làm việc này việc kia! 
Phần nhận xét đóng góp ý kiến chờ mong ở quí vị độc giả.

3. Làm sao duy trì con mắt thứ ba:

Có được con mắt thứ ba, hay dân gian gọi là mở Huệ chắc chắn không phải là một việc dễ. Để duy trì được nó thì lại là một việc khác. Như quí vị cũng biết, tâm chúng ta, ngoài lúc Thiền Định thì bản chất là “Tâm viên ý mã”. Ðúng vậy, "Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông" (Triết Gia: Heraclitus). Do đó, việc bảo trì, giữ gìn Đệ Tam Nhãn cũng không kém phần khó khăn. Phật Giáo thường nói “Giới, Định, Huệ”. Kinh Patanjaly thì dạy cho con người ta một công thức tương tự như của Phật Giáo, phải có kỷ luật bản thân, luôn luôn kiểm soát tinh thần, chăm chỉ Tham Thiền Nhập Định. Nói thì dễ nhưng việc thực hành là một áp lực tinh thần đè nặng lên người tu Thiền Định suốt cả đời, cho đến lúc chết.

4. Hệ quả của việc có con mắt thứ ba:

Tâm lý ai cũng vậy, có một món đồ gì quý giá thì cũng cảm thấy vui vui. Ðặc biệt nhất là một món đồ mà không ai có được gọi là đệ tam nhãn. Lúc đầu, vì thiếu kinh nghiệm, nên thường sử dụng vào đủ thứ việc linh tinh. Người mở nhãn cũng có thể phát sinh tâm lý là thấy là mình biết cái gì đó hơn hẳn người đời. Những phản tác dụng của việc thiếu kinh nghiệm này làm cho mình phải dè dặt hơn. Cuộc sống bình thường thì ai cũng thấy như ai. Nhưng với con mắt thứ ba, thì chúng ta lại thấy thân nhân ruột thịt của mình, những vị đạo cao đức trọng ở một góc cạnh khác, mà người đời không thể ngờ được. Tâm lý trở nên hoang mang vì thấy con người không phải như xưa nay mình nhìn thấy. Cuộc đời xuất hiện trước mặt quá ảm đạm và bi quan.

Kinh Mật giáo từng nói, nếu con người có được Đệ Tam Nhãn thì cũng phải biết cách để làm sao đóng nó lại, vì nếu không thì cuộc đời trở nên không thể chịu đựng nổi.

Ðệ Tam Nhãn dường như con dao hai lưỡi. Mong quí độc giả tham gia ý kiến về những kinh nghiệm riêng tư của mình, để mọi người có cơ hội học hỏi.

- Tam Tiểu Thư (nhìn xa xăm): Bức màn đêm đang dần dần buông xuống. Cô hạ giọng: Ông tổng quản à! cuốn Tạp Thư của ông tuy “tạp nhạp” nhưng cũng rất sâu sắc. Chắc tôi phải dành thời gian để cân nhắc, suy nghĩ về những thông tin này ...

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!



0 comments:

Đăng nhận xét