Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 5

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 5: Gặp Phật, Chúa, Thánh Thần 
           dưới góc nhìn của Vi Diệu Pháp

Cõi tôi, cõi nát, cõi tàn,
Cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua,
Cõi vui thân thể cỗi già
,
Cõi lang thang mượn mái nhà hư không
,
(Cõi tôi - Du Tử lê)

Trời tối đen, gió lồng lộng. Trong quán trọ ở một huyện lẻ heo hút, ông tổng quản và Tam tiểu Thư sau khi dùng cơm tối, cùng ngồi trò chuyện về câu chuyện dang dở lúc trước.

- Tam Tiểu Thư: Tổng quản ơi, ông có mệt không? Tôi không có cuốn tạp thư, cũng không có mắt thứ ba, nhưng tôi biết Võ lâm Quán này có một loại trà nổi tiếng lắm, đó là trà Long Tỉnh đó ông. Tôi gọi trà cho ông uống nhé, rồi ông kể chuyện tiếp cho tôi nghe được không?
- Ông Tổng Quản: Kể chuyện gì Tam Tiểu Thư nhỉ?

- Tam Tiểu Thư: Trời ơi! Ông lẩm cẩm quá à. Ông còn nhớ không? Ông có hứa với tôi là để ông xem Cuốn Tạp Thư, xem nó nói gì về việc con mắt thứ 3 và con mắt thứ ba có thể nhìn thấy những gì đó.
- Ông Tổng Quản: À, nhớ ra rồi, tôi có xem cuốn Tạp Thư rồi, nó bảo thế này: có rất nhiều trạng thái tinh thần và vật chất, mà người ta cho là mình đã nhìn thấy, đã biết, đã nghe hay có cảm giác … về cái gì đó. Việc này có thể xảy ra do các yếu tố khách quan, thí dụ như các kích thích cơ học hoặc sóng điện từ hoặc là các hóa chất … tác động vào não bộ. Hoặc có thể do các yếu tố chủ quan như khi ngủ say, hôn mê, tu thiền định, trạng thái cận tử, nhìn thấy hào quang … Cuốn Tạp Thư cũng có nêu ra một bản liệt kê sơ bộ sau đây, để cho người xem dễ nhớ.

Yếu tố khách quan:
- Bị thôi miên.
- Bị các loại gọi là ma nhập.
- Kích thích các loại cơ học, điện từ … vào não bộ.
- Do tác động của các loại hóa chất: Rượu, thuốc ngủ, chất kích thích …

Yếu tố chủ quan
-  Do tu thiền mở được con mắt thứ 3. 
-  Nhìn thấy cái gì đó vì bẩm sinh có con mắt thứ 3. 
-  Nhìn thấy hào quang do bẩm sinh hay do tập luyện. 
-  Các loại tự kỷ ám thị, ảo giác (Mysticisme, Obsession, Hallucination)
-  Nhìn thấy hình ảnh như một video clip là thuộc về Định Dục Giới. 
-  Nhìn thấy các điểm sáng (thường gọi là Hà sa), một khối sáng (Mô ni châu), một vầng sáng … người mới tu Thiền thường thấy như vậy là việc bình thường. 
-  Nhìn thấy các biểu tượng như những icon ở trên máy vi tính là thuộc về Thiền Hữu Sắc. Điển hình như các con giáp: Tý, Sửu, Dần Mão ... của người Á Châu và Aries, Taurus, Gemini, Cancer ... của người Âu Châu. 
-  Không nhìn thấy gì cả, nhưng vẫn biết là thuộc Thiền Vô Sắc. 
-  Nhìn thấy chút ít, nhưng vẫn hiểu là thuộc Định Vô Tưởng. 
-  Bất chợt thấy ma. 
-  Nhìn thấy hình ảnh trong giai đoạn Cận Tử. Cái thấy này rất giống với cái thấy của người mới tu Thiền Định: Họ thấy một đường hầm, nửa tối nửa sáng hoặc gặp ai đó; có thể quen có thể lạ, nhìn ra xa thấy ánh sáng rực rỡ chói lòa … có người thì thấy mình như đang ở trong một đáy giếng. 
-  ...
Theo Cuốn Tạp Thư, bản thống kê nói trên, chỉ có tính cách tượng trưng về việc con người có thể nhìn thấy cái gì ở một số trạng thái. Trên thực tế thì số lượng được nhìn thấy là nhiều hơn rất nhiều.

- Tam Tiểu Thư: Ồ! vậy à, nhưng tại sao, ý tôi muốn hỏi là vì sao lại có nhiều những loại thấy như vậy?
- Tổng Quản: Tôi thì không biết đâu, nhưng Cuốn Tạp Thư giải thích như sau: Nếu chúng ta quy ước với nhau dựa vào tài liệu Vi Diệu Pháp, thì mình biết rằng con người có cấu tạo gồm 28 Sắc Pháp và có gần 200 Tâm. Nếu Sắc và Tâm ở trạng thái phối hợp, thì số lượng tổ hợp hay phối hợp của Tâm và Sắc với nhau sẽ rất lớn, có lẽ là một con số vô hạn. Do đó, nếu chấp nhận tiên đề này, thì việc nhìn thấy tất nhiên là vô hạn.

- Tam Tiểu Thư (xen ngang): Thôi tôi nhớ ra rồi, lần trước ông đã nói cho tôi nghe là con mắt thứ ba lệ thuộc vào:
1. Sắc.
2. Tâm.
3. Chất và lượng của định tâm.
4. Cảnh giới tương ưng mà mình đang hiện hữu.
- Ông Tổng Quản: À! đúng rồi đó, giải thích cho cô nghe thiệt không uổng công chút nào! Hai người cùng cười vang trong một góc quán. Vài lữ khách giang hồ quay sang nhìn. Tách trà nóng tỏa mùi thơm ấm cúng.
- Tổng Quản (nhấp một ngụm trà và nói tiếp): Tài liệu truyền thống của Phật Pháp có một tạng kinh gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Theo kinh này thì người tu Thiền Định có thể gặp đến 50 ấm ma. Có lẽ vì không có phương án để phân biệt đâu là thật, đâu là giả, người ta đành đưa đến một phát biểu đầy tính chất tiêu cực “gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma”.

- Tam Tiểu Thư: Nói một cách khác là đành bó tay phải không ông tổng quản?
- Ông Tổng Quản: Không hẳn như vậy đâu. Chắc cô còn nhớ người ta thường nói “cảnh do tâm biến hiện” hoặc là “Vạn pháp duy tâm”, “Tâm đứng đầu, tâm tạo tác tất cả”. Nếu cô cho là quan điểm này là vô căn cứ, lạc hậu, quê mùa …, thì tôi đan cử quan điểm của Tâm Thần Học. Đó là một ngành Y Khoa chuyên nghiên cứu về cái mà người ta gọi là tâm lý, cảm xúc, linh hồn, … người Tây phương không có từ ngữ rõ ràng về quan điểm này. Theo bộ môn này, thì tâm lý con người được coi là một bộ phận hữu hình của cơ thể con người, cũng giống như các bộ phận như: Tim, não, bao tử … Nó có khả năng tạo ra rối loạn, bệnh hoạn cho các bộ phận khác của con người. Nói một cách khác, là nếu ta giải quyết cái căn nguyên gốc rễ là “Tế bào tâm”, hoặc là hiểu được nó; thì mọi việc sẽ khác đi.

- Tam Tiểu Thư: Ồ! Hay quá nhỉ.
- Tổng Quản: Chúng ta có thể làm một thử nghiệm hết sức đơn giản: Bây giờ đang là ban đêm, Tam Tiểu Thư và quý độc giả hãy thử nhắm mắt lại. Quý vị thấy không, nó tối đen, nhìn có lẽ đáng sợ vì không ai muốn thấy màu đen trước mắt, ai cũng muốn mở mắt ra càng sớm càng tốt, để thấy lại ánh sáng. Tuy nhiên, quý vị chỉ việc tưởng tượng là mình đang đứng ở chợ Bến Thành của thành phố Sài Gòn vào lúc 12 giờ trưa, nắng chói chang gay gắt, trời rất nóng bức không một ngọn gió, chúng ta phải tìm một bóng mát để tránh nắng. Tam tiểu thư và quý vị thấy không, bây giờ bóng tối đã được thay thế bằng ánh nắng của Sài Gòn, chỉ bằng một thao tác tư tưởng vô cùng đơn giản. Mình có thể tự chứng minh, không cần một trung gian nào cả. Rõ ràng là “Tâm nào thì cảnh đó”. Thật vậy, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

- Tam Tiểu Thư: À! Ông hay quá, đúng rồi. Tôi có đề nghị này, hay là ông chỉ tôi cách mở Nhãn đi ông. Nhưng tôi không có nhiều thời gian, tôi bận rộn lắm. Ông chỉ tôi cách nào mà học tắt cho nó lẹ. Hay là ông chỉ cho tôi vài “độc chiêu” của ông cũng được. Tôi làm lễ bái sư ông nhé? Có cách nào học tắt cho nó nhanh hay không? Thời buổi này mình phải chạy đua với thời gian nên cái gì cũng cần nhanh; ngay chuyện ăn cũng có mì ăn liền mà.
- Ông Tổng Quản (cười hiền hòa): Tam Tiểu Thư biết đấy, Thành La Mã không thể xây dựng trong một ngày. Kể cả toán học, chúng ta cũng không thể tiếp cận với bộ môn này bằng những thú vui nhẹ nhàng. Tất cả những bộ môn nghiêm túc đều được hình thành trong những gian nan và khó khăn. Khoa học gia phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi là chính sinh mạng của mình. Chẳng lý thuyết khoa học nào mà được người đương thời đón nhận, đặc biệt đó lại là một lý thuyết mang tính chất cách mạng. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, lý thuyết Tương Đối, lý thuyết Lượng Tử, kể cả lý thuyết Tôn Giáo như Phật Giáo … đều không được chấp nhận. Lý do là người ta không hiểu những lý thuyết này muốn nói gì. Do đó, nếu cô muốn học, cô phải kiên nhẫn và chịu khó, chúng ta đang tiếp cận một bộ môn, mà cả khoa học lẫn tôn giáo từ trước tới nay hình như đều chưa quan tâm đúng mức.

- Tam Tiểu Thư: Ông cũng có lý, thôi tôi đành nghe lời ông vậy. Ông nói tiếp đi.
- Ông Tổng Quản: Thế này cô nhé: Trong cuộc sống bình thường, ai cũng biết phân biệt cái này là thật, cái kia là ảo … thí dụ như chúng ta biết hình trong gương là ảo. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chúng ta đang đề cập tới, nó lại dựa trên một cơ sở rất khác … Chúng ta có thói quen là quan tâm tới các định luật vật lý, xem nó có phù hợp với không gian này hay không gian kia, kiểu như không gian đối xứng bị phá vỡ. Ở đây lại khác. Người ta tự hỏi, cái gì đã đẻ ra các định luật Vật Lý. Đây là cách suy nghĩ rất khác với Vật Lý hiện đại. Cụ thể, cái gì đã cấu tạo ra các loại thực thể như con người và các thực thể khác? Những thực thể có các loại tư duy nào, ở loại không gian và thời gian nào. Trong khi đó thì khoa học hiện đại lại dường như chấp nhận một cách mặc nhiên, là quy luật tư duy của con người gần như không có vấn đề gì cần phải xem xét lại. Căn cứ vào quy luật tư duy của con người, người ta cho là có nhiều loại vũ trụ, có nhiều loại không gian …

Có một câu hỏi rất thiết thực được đặt ra là con người biết gì về chính mình? Để trả lời vấn đề này, rất nhiều bộ môn khoa học hiện đại đã tìm cách chia chẻ con người thành nhiều phần để quan sát, và người ta có vẻ khá yên tâm về sự hiểu biết này. Rất nhiều ngành đã được lập ra để nghiên cứu về con người như: Giải phẫu cơ thể học, Sinh lý học, Tâm lý học, Phân tâm học, Tâm thần học, Nhân chủng hình thể học, Nhân chủng xã hội học, … nhưng thực sự khi tự hỏi Tôi là cái gì, thì chắc chắn không phải một mình Tam Tiểu Thư mà kể cả quý độc giả khi đọc đến đoạn này, dù quý độc giả là Bác sĩ, nhà Khoa học, nhà Tôn giáo … chắc cũng đều cảm thấy bối rối. Thật vậy, chúng ta dùng công cụ gì để biết về cái Tôi. Từ xưa đã có người nói “Tôi là một cây sậy biết suy tư”, “Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu”,  nhưng thực sự Tôi biết gì về Tôi?

Phân tâm học đưa ra một loại tôi khác, biến thể của cái tôi chứ không phải là bản sao của cái tôi. Sigmund Freud mô tả một mô hình cấu trúc tâm lý con người bao gồm ba phần là cái ấy (Id), cái tôi (ego) và siêu bản ngã (super ego).



Cái ấy
Cái tôi
Siêu bản ngã
E (English)
Id: vô thức
Ego: kiểm soát ý thức
Super ego: cai trị, kiểm soát cái tôi. Thí dụ: ý thức đạo đức
F (French)
Le ca
Le moi
Le sur moi
G (German)
Das es
Das ich
Das uber ich


Người tu Thiền Định bị nhập khá đông đảo. Họ nhìn, nghe, cảm thấy được chuyện này chuyện khác …, và chính họ lại tự thấy mình là một vị nào đó cao cả linh thiêng. Họ thuyết giảng về cách tập luyện tu hành, làm thơ về tôn giáo, có thể làm bài thơ dài cả ngàn câu; thậm chí còn viết những tài liệu gọi là kinh, chữa bệnh, tiên đoán tương lai. Họ cho biết nửa kín nửa hở rằng họ có khả năng liên hệ được với những người quá cố, có thể giúp cho người đã chết rồi đến một nơi tốt hơn. Tín đồ các Tôn giáo đã tốn kém tài vật về vấn đề này khá nhiều. Nếu đứng trên quan điểm của Phật Giáo, tạm gọi là chính thống, thì những việc trên đã thách thức quy luật Nhân Quả, thách thức những quy luật về Thần Thông. 

Cứ cho là Kinh Sách là một loại tài liệu nào đó tùy theo quan điểm của từng người, thì chắc mọi người, từng đọc tài liệu của Phật Giáo đều biết, đệ nhất cao thủ thần thông như Mục Kiều Liên cũng không giúp gì được cho mẹ ruột của mình ở Địa Ngục. Câu chuyện này, có lẽ tác giả muốn hàm ý nhắc nhở với những tín đồ là: Thần thông không liên quan đến nhân quả, định luật nhân quả là một định luật không thể thay đổi, nó mang tính chất khách quan của thế giới tự nhiên.

- Tam Tiểu Thư (ngạc nhiên): Ông Tổng quản ơi, tôi thắc mắc quá. Tôi hỏi ông này, tại sao số người tu Thiền Định hay bị nhập như vậy, cái gì đã nhập vào họ và nhập vào để làm chi vậy ông? Ông nói làm tôi sợ quá, tôi không nhờ ông dạy tôi tu Thiền nữa đâu.
- Tổng Quản (chặc lưỡi): Có một sự thật mà ít ai dám nhìn nhận, đó là cho đến tận ngày hôm nay bộ môn Thiền Định vẫn là một bộ môn đầy tính chất mơ hồ. Số người tu Thiền Định rất đông đảo; cô có biết là theo nguồn tin đại chúng, thì kể cả cựu Tổng Thống siêu cường quốc Hoa Kỳ Bill Clinton, cũng tu Thiền Định để nhằm cải tiến sức khỏe đó cô. Vậy nên cô cũng tập tu Thiền Định đi cô chủ nhỏ ạ.

- Tam Tiểu Thư: Ông nói cũng hay, nhưng mà ông có thể giải thích thêm để tôi yên tâm thực hành chuyện này chứ?
- Tổng Quản: Nói về lợi ích của tu Thiền Định thì cô cứ mở ipad và truy cập vào trang web là thấy liền. Khắp nơi trên thế giới, ở đâu người ta cũng ca ngợi hệ quả tích cực của việc thực hành Thiền Định. Thế nhưng lại không thấy ai đề cập tới mặt tiêu cực của việc tu Thiền Định. Theo cuốn Tạp Thư, cũng như trên thực tế, thì có rất nhiều người bị ma nhập, bị điên vì tu Thiền Định.

Việc này khiến chúng ta tự hỏi, là có một chuẩn mực nào mang tính chất bắt buộc để người thực tập bộ môn này yên tâm theo đuổi không? Chắc chắn là câu trả lời còn ở đằng trước. Ai cũng bảo mình là chân chánh, chính quy. Nhưng thật sự là họ chỉ nhờ vào bộ quần áo khác với người đời bình thường mà có thể thuyết phục được mọi người. Có thống kê nào về số môn đồ bị thác loạn tâm lý, bị ma nhập hoặc bị điên … được công bố đâu! Chắc quý độc giả, Tam Tiểu Thư, cũng như tôi … chẳng ai muốn mình là con chuột bạch cả.

- Tam Tiểu Thư: Ông càng giải thích tôi càng thấy rối quá. Ít ra là cũng phải có cách gì để giải quyết vấn đề này chứ?
- Tổng Quản: Để tìm hiểu và làm rõ vấn đề này, chúng ta có thể vận dụng một số bộ môn khá phổ thông như:

1. Vật Lý.
2. Vi Diệu Pháp.
3. Phân Tâm Học, Tâm Thần Học.
4. Luận lý hình thức.

Đầu tiên tôi sẽ phân tích cho Tam Tiểu Thư hiểu, là Vi Diệu Pháp có thể đóng góp được gì cho vấn đề này nhé. Để tránh ngộ nhận mà dân gian gọi là “ông nói gà, bà nói vịt”, còn quy luật tư duy số một của luận lý hình thức thì gọi là quy luật “đồng nhất”, chúng ta phải xác định, hay nói đúng hơn là thỏa thuận với nhau về vấn đề tài liệu Vi Diệu Pháp.

Như mọi người đều biết, cho đến ngày hôm nay, tài liệu Vi Diệu Pháp nhiều vô số kể, các nội dung lại không nhất quán, khác nhau từ ít tới nhiều. Rất có thể có quý độc giả nào đó, khi thấy những trích dẫn tài liệu VDP từ cuốn Tạp Thư, thì quý độc giả đó có thể cho rằng tài liệu Tạp Thư đã lầm lẫn vì không giống với tài liệu Vi Diệu Pháp mà quý độc giả đang có. Tôi nói cô nghe, tài liệu VDP mà chúng ta chọn lựa ở đây, là loại tài liệu khá phổ thông, bình dân, thế nhưng tài liệu này lại có ưu điểm là tương đối nhất quán, ít nhiều cũng tương thích với những tài liệu nguyên thủy của trường phái Phật giáo.

Chúng ta cùng quay lại với hiện tượng người tu thiền định nhìn thấy các linh ảnh của các vị giáo chủ … của các tôn giáo. Theo quan điểm của Vi Diệu Pháp, thì con người và các thực thể khác là một tổ hợp của Sắc và Tâm, hoặc là của Tâm mà không có Sắc, từ nhiều Tâm đến ít Tâm. Trong phần mở đầu, tài liệu này cho biết thực thể bất kỳ ở cảnh Dục Giới là một sự kết hợp khoảng 180 Tâm và 28 yếu tố Sắc. Có lẽ con số này, chỉ mang tính tượng trưng, biểu tượng, chứ không mang tính chất chính xác. Con số này có thể lớn hơn rất nhiều dựa vào nguyên tắc xác suất, khi chúng kết hợp với nhau. Nếu chúng ta thỏa thuận với nhau để công nhận tiên đề này, thì hệ quả có thể như sau:

Số tổ hợp Tâm và Sắc của một con người bất kỳ vốn có, có thể rất lớn. Xét về mặt cảnh giới, thì những con người này thuộc về cảnh thế gian Dục Giới. Do sử dụng kỹ thuật Thiền Định, kèm theo sự may mắn, nói theo kiểu thế gian, thì họ có khả năng đến những cảnh giới cao hơn; đó là:
- Định Thiên Dục Giới.
- Định Hữu Sắc, v.v…

Căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp, vào thực tế của người tu Thiền Định, thì khi người tu Thiền Định ở vào cảnh giới này, khả năng thị giác vẫn còn, nên có thể nhìn thấy cái gì đó … Nói cụ thể hơn, là Tâm và Sắc còn là công cụ hữu ích của thị giác. Cần phải nói thêm rằng, một khi đã đi qua cảnh giới nói trên rồi, thì cơ quan thị giác sẽ không còn hiện hữu, và tất nhiên là việc nhìn thấy cái gì đó là hoàn toàn không thể thực hiện được.

Bây giờ dựa vào VDP, chúng ta lại xét về cấu tạo Tâm và Sắc của các vị Giáo chủ của các Tôn giáo. Theo truyền thuyết, cũng như người ta thường mặc định, cho là các vị này tồn tại ở Thiên đường, Niết bàn, cõi Cực lạc … Điều đáng chú ý là ở Thiên đường hay Niết bàn, thì các vị này sẽ không có một yếu tố Sắc nào cả, số lượng Tâm thì rất ít, mà số lượng Tâm này lại hoàn toàn không tương thích với người đang tu Thiền định, ở tất cả các cảnh giới.

Vậy thì căn cứ vào định luật Tương ưng, vào cấu tạo Tâm và Sắc, vào Cảnh giới, thì việc người tu Thiền Định nhìn thấy bằng cơ quan thị giác các vị Giáo chủ, Thiên thần của các Tôn giáo là điều không thể nào có được. Do những vị này không có Sắc, nên phương tiện thị giác là Sắc, của tất cả các cảnh giới có Sắc, không thể nào sử dụng được. Do đó, việc nhìn thấy các vị giáo chủ là vô lý, là hoang tưởng, là ảo giác. Có lẽ chính vì lý do này, mà tài liệu Thủ Lăng Nghiêm, do không thể giải thích được nên đã đưa ra một phát biểu nổi tiếng là: “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma”.

- Tam Tiểu Thư: Ông nói có lý, nhưng nó chỉ đúng cho Định Dục Giới và Định Hữu Sắc thôi. Điều gì xảy ra khi người tu Thiền đạt được cảnh giới cao hơn như Vô Sắc chẳng hạn? 
 - Tổng quản: Kịch bản thứ 2, có thể có tiến trình như sau. Một người tu Thiền Định bất kỳ, đã đi qua được cảnh Thiên Dục Giới, cảnh Hữu Sắc, và nay đã đến được cảnh Vô Sắc. Ở trạng thái này thì việc nhìn thấy các vị Giáo Chủ nào đó … lại còn trở nên tồi tệ hơn. Cô suy nghĩ đi nhé, bản thân người tu Thiền Định, do nỗ lực đã đạt được cảnh Vô Sắc, do đó họ không có Sắc. Như mọi người đều biết, các giác quan bình thường, Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt … không còn có việc gì để dùng cả, nên nó không hiện hữu. Bản thân người tu Thiền Định do tiến hóa tâm linh đã bỏ đi tất cả các giác quan rồi. Nói theo kiểu dân gian là họ tri giác được hoặc biết được là do trực giác chứ không phải do nhìn thấy hình ảnh, Chính bản thân người tu thiền định không có Sắc, các vị Giáo Chủ cũng không có Sắc, thì làm sao nhìn thấy gì.

Do đó, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: ở một tôn giáo bất kỳ nào đó, dù trong bất cứ tình huống nào, thì việc nhìn thấy các vị Giáo Chủ, khi các vị Giáo Chủ đó thực sự đang tồn tại ở nơi không sanh không diệt, không thời gian, không không gian, thì việc nhìn thấy này là hoàn toàn vô lý.

- Tam Tiểu Thư: Vậy nếu vị Giáo Chủ này giáng xuống cảnh giới thấp hơn để cứu độ chúng sanh thì sao? Mình có thể trông thấy không hả ông Tổng quản? 
- Tổng Quản: À, kịch bản thứ 3 này có thể giả thuyết như sau: Các vị Giáo Chủ, vì một lý do nào đó, cứu độ, giúp đời … nên lùi lại nấc thang tiến hóa một cách có chủ ý. Nếu việc này xảy ra, thì Tâm và sắc của vị giáo chủ đó, phải tương thích với cảnh giới mà vị đó muốn đến và phải phù hợp với các thực thể ở cảnh giới đó. Giả sử kịch bản này là hoàn toàn có thật, thì các vị Giáo Chủ, nếu đến cảnh giới con người thì họ cũng chỉ là những con người bình thường, tính chất Phật, Chúa không còn nữa. Lý do là vì cấu tạo tâm sắc của họ giống như con người bình thường, Thực tế này cũng thấy ở những người tu Thiền Định. Thật vậy, lúc Nhập Định chúng ta là những con người khác hẳn, hiện hữu ở những nơi khác. Nhưng khi xuất định, người ta lại trở lại con người bình thường.

- Tam Tiểu Thư: Nghe ông nói tôi buồn 5 phút đó. Từ xưa tới giờ tôi ao ước được nhìn thấy Phật Bà Quan Âm thị hiện đó ông. Tôi có tấm hình Phật Bà Quan Âm nhìn đẹp lắm.
 - Tổng Quản: À nghe cô nói thế tôi nhớ ra điều này: Những người nhìn thấy các vị Giáo Chủ thường kể lại là họ thấy Phật Bà Quan Âm, Đức mẹ Maria, ông Phật A Di Đà, ông Phật Chuẩn Đề … nói chung là những vị này có tên và có giới tính rõ ràng. Căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp mà chúng ta đã đề cập ở phần trên, thì chỉ ở cảnh giới như: Thế gian dục giới, Thiên dục giới, mới có giới tính, có quan hệ nam nữ. Do đó, khi nhìn thấy các vị Giáo Chủ có giới tính rõ ràng, thì các vị này, chỉ ở Thiên Dục Giới mà thôi; chứ không phải ở Tây Phương Cực Lạc hay là Niết Bàn. Phải nói rằng, đây là một mâu thuẫn hiển nhiên đã tồn tại qua 20, 30, 40 thế kỷ mà chúng ta không thấy bất cứ một tài liệu nào đề cập tới cả. Nói một cách khác, khả năng tưởng tượng quá phong phú của con người đã lấn át sự thật.

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi, những gì ông nói đúng là có một không hai, có hai chết liền!
- Ông Tổng Quản: Thôi Tam Tiểu Thư ơi! khuya lắm rồi mình đi nghỉ đi, ngày mai còn phải lên đường sớm. 

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!



5 comments:

"đệ nhất cao thủ thần thông như Mục Kiều Liên cũng không giúp gì được cho mẹ ruột của mình ở địa ngục"
vậy là không có chuyện "độ tử"!
yeah!
Cám ơn Nhóm CTR nhiều lắm!

Thân chào CTR,

Chử Tâm ở đây nghỉa như thế nào? Là ký ức chăng? vì tới mấy trăm tâm.Sự hiễu biết thông thường chỉ có 1 cái Tâm.nếu nói về cảm xúc thì chỉ có vài loại:Tham, sân si, hỉ,nộ,ái ,ố.Nhưng ký ức thì quá nhiều,
CTR có thể xác định lại mấy trăm tâm ở đây nằm ở phạm trù căn bản nào chăng? Trước khi chúng ta có thể xé Mây đằng phương.

Thienthangaycanh

TSHĐ xin chào CTR

Rất cám ơn CTR Đã đưa 2 nhân vật trong " XUYÊN VÂN KIẾM PHÁP " đến với mọi người. Cô Tam Tiểu Thư thông minh xinh đẹp văn võ song toàn cùng Ông Tổng Quản Gìa hiền lành bên ngoài có vẻ lù khù nhưng có một bộ óc rất minh triết, hiểu biết của Ông thì vượt không gian và thời gian

Nhờ có Cô Tam Tiểu Thư khéo chất vấn Ông Tổng Quản. Nên người đọc nhất là TSHĐ đã có cơ hội ghi lại tóm tắt những kiến thức hiểu biết của Ông tổng quản về con mắt thứ 3. Để sau này làm tài liệu nghiên cứu.

Mà Ông tổng quản này sở hữu một kho kiến thức trong quấn "Tạp Thư". Nên Ông ấy phân tích một vấn đề giống như một nhà khoa học thực thụ, thật là thuyết phục

Nhưng có một điều, khối lượng kiến thức Ông tổng quản đưa ra tuy có ích nhưng hơi khó hiểu tý.Làm TSHĐ phải đọc đi đọc lại mới ngộ được, toàn kiến thức mới lạ hihi.

Trân thành cám ơn CTR. TSHĐ đang đón chờ những bài viết tiếp theo.

Hồi hướng cho người đã mất hay Độ tử, đã gây nhiều tranh cải gay gắt, và có nhiều người đã không tin vậy mà cách thức này đã có từ thời của Ngài Milarepa. thế kỷ thứ 11.

Trích dẫn : Cuộc đời của Milarepa trang 201

... Ngay sau đó Milarepa nhớ lại những lời dạy của Lama Marpa : Hợp nhất tâm thức của Ngài với tâm thức của mẹ, và với tâm giác ngộ của chư Lama dòng Kagyu, Milarepa ngồi trên bộ xương của mẹ và thiền định với một sự tỉnh giác thanh tịnh, không một khoảnh khắc phóng dật trong thân , ngữ, tâm. Ngài thấy rõ khả năng giải thoát cho cha và mẹ khỏi sự khổ đau của sinh tử luân hồi...
vuhanp

cảm ơn rất nhiều! hôm nay đọc lại thấy thấm thía làm sao,và sẽ đọc đi đọc lại trên đường tu.

Đăng nhận xét