BỐI CẢNH
Đây là cuộc trao đổi bên lề cuộc họp báo 17. Tam Tiểu Thư chọn một quán cà phê yên tĩnh bên bờ sông Sài Gòn. Thiên nhiên thoáng mát. Không gian thư giãn.
- Tam Tiểu Thư:
Em xin trân trọng kính chào quý vị! Trước nhất, em xin phép được đóng góp ý kiến với quý cử tọa Thiên Thu, lý do là quý cử tọa Thiên Thu yêu cầu em đóng góp ý kiến sớm nhất có thể.
- Thienthu: @ Cuộc họp báo 17
Cô Tam Tiểu Thư ơi!
Giờ mới hiểu ra chuyện thì tụi con lỡ vào hstđ xin đề mục và đã được cho đề mục rồi (Niệm Phật Quán Chấm Đỏ), vậy phải làm sao hả Cô? Con nghe mấy bạn nó lôi kéo, nói là " Phải nhiều phước báu lắm mới gặp được Pháp Môn này ... " nên cũng nghe theo mà chưa hiểu gì cả. Thời gian gần đây mới bắt đầu có thời gian để tìm hiểu và lại có duyên nhảy sang đọc trang blog này mới biết mình đã sai.
Nhưng con sợ bị tội "vượt pháp" lắm! Nghe các bạn nó hù nữa nên con không biết phải làm sao. Nếu con cứ im lặng rồi tu tập theo Pháp Môn khác không phải đề mục mà hstđ cho thì có bị gì không Cô? Những kiếp tương lai của con có còn gặp được Chánh Pháp nữa không Cô?
Con lo lắng lắm, mong Cô trả lời cho con sớm nhé!
Kính
- Tam Tiểu Thư:
Kính thưa quý cử tọa Thiên Thu. Theo như tinh thần đóng góp của quý cử tọa, thì quý cử tọa đã giải quyết được một vấn đề khó khăn nhất của đời người. Đó là hiểu biết cái gì đó chưa đúng với sự thật. Em nhớ đâu đó có một câu nói như thế này:
"Khiếm khuyết lớn nhất trong đời người là thiếu hiểu biết".
Cứ đặt giả thuyết rằng ai đó bị vấp té trên đường đời dù ở bất cứ lãnh vực nào, thì cũng là một sự việc thường tình. Có một câu nói khác:
"Đáng khâm phục nhất của đời người, là đứng lên sau khi ngã".
Câu nói sau đây có thể giúp ích cho quý cử tọa rất nhiều:
"Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng".
Trong cuộc sống này, ai trong chúng ta đến tuổi trưởng thành cũng đều phải đi qua những sự chọn lựa thử thách.
* Để thuận tiện cho việc di chuyển như đi học, đi làm, ai cũng cần phải có một chiếc xe. Với chiếc xe đầu tiên, vì thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu hiểu biết, chúng ta đã mua một cái xe không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Chúng ta cũng có thể mua lầm phải một nhãn hiệu, mà lúc bán lại sẽ rất mất giá. Thế rồi khi có chút kinh nghiệm, thì những chiếc xe sau sẽ đáp ứng được yêu cầu một ngày một sát với thực tế hơn. Chúng ta biết chọn lựa một chiếc xe tiết kiệm ít hao nhiên liệu hơn. Nói một cách bình dân thì món hàng chúng ta mua được đạt tiêu chuẩn "ngon bổ, rẻ đẹp". Ai cũng phải học từ kinh nghiệm mà ra. Nói cách khác là "rút kinh nghiệm".
* Đến giai đoạn nào đó trong đời đi học, chúng ta phải chọn ngành nghề. Cũng vì thiếu kinh nghiệm, chúng ta đã chọn một trường nghề, một trường đại học … có khi hoàn toàn không thích hợp. Lý do chọn sai thì vô vàn, nào là ham vui, nào là nghe theo bạn hoặc theo lời khuyên của cha mẹ. Cũng có thể khi học, mới phát hiện ra chuyên môn đó không phù hợp với mình. Ngành chuyên môn của mình khi ra trường thì xã hội ít có nhu cầu … Lúc đó chúng ta tự hối tiếc rằng phải chi lúc đó tôi khôn hơn một tí, chọn trường này, chọn trường kia … thì đâu có thất nghiệp như hôm nay.
* Rồi đến một giai đoạn nào đó trong đời người, đại đa số chúng ta sẽ lập gia đình. Thêm một lần nữa, chúng ta lại khốn khổ vì sự thiếu kinh nghiệm của mình. Nhiều khi chỉ vì yêu một ánh mắt, yêu một giọng cười ... mà ta cưới lầm cả một con người. Ai cũng vậy cả thôi, chẳng ai tài giỏi hơn ai … Do đó, luật pháp mới dự trù từ khế ước hôn nhân cho đến việc ly thân, ly hôn.
* Việc chọn một trường phái để tu tập, tình hình có lẽ còn xấu hơn rất nhiều. Hầu hết tất cả mọi người chúng ta đều là chứng nhân và nạn nhân khi có ý định tu tập rồi theo đuổi một trường phái nào đó. Thật vậy, căn cứ vào thống kê về số lượng tín đồ của các trường phái, thì con số này phải tính bằng nhiều tỉ.
Những công việc quan trọng của đời người này chúng ta đều làm theo cảm tính. Không có một trường lớp nào hướng dẫn hay đào tạo chúng ta kỹ năng làm những việc đó.
Chọn lựa trường phái nào đó để tu tập cũng vậy, chúng ta tự do tu theo một pháp môn nào đó mà không biết chính xác việc tu hành này dẫn chúng ta đi đâu về đâu. Nói tóm lại, đây là một thị trường thả nổi. Một thị trường khá béo bở nhưng lại không có một quy chế hay luật lệ nào chi phối cả. Nếu nhìn vào góc độ kinh tế, khi quan sát các cơ sở tôn giáo hoành tráng, thì chúng ta sẽ nhận ra đây là một mảng kinh doanh siêu lợi nhuận. Không cần phải đầu tư nhiều, kể cả vật chất lẫn tinh thần … Một người bình thường như tôi, như bạn, để tốt nghiệp một vài trường đại học nào đó, cha mẹ chúng ta phải đầu tư cho chúng ta, thời gian từ 15 đến 20 năm, mà chưa chắc lúc ra trường đã có cái gì ổn định. Thậm chí là khi tốt nghiệp xong, thì ngành nghề của chúng ta đã trở nên quá thừa nhân lực.
Trường hợp của quý cử tọa Thiên Thu không phải là một trường hợp cá biệt. Trong những khó khăn trước mắt, em hy vọng quý cử tọa sẽ tìm ra trường phái nào thích hợp với mình. Người Mỹ thường nói "người ta học từ kinh nghiệm mà ra".
Chúc quý cử tọa, sớm tìm được trường phái thích hợp, phiền não khô cạn, và ngày nào đó đến được bờ giải thoát.
- Tam Tiểu Thư:
Tiếp theo đây, em xin phép trao đổi với quý cử tọa Nặc Danh 18 tháng 8. Ý kiến của quý cử tọa như sau:
- Nặc danh: @ Cuộc họp báo 17
Tôi đề nghị TTT coi lại lịch sử Phật giáo vì Mã Minh theo tôi đọc Mã minh là người Ấn độ, chớ không phải ở TQ. dẫn chứng không có đúng thì các điều mình nói cũng sai???
- Tam Tiểu Thư:
Em xin trân trọng kính chào quý cử tọa Nặc Danh. Mặc dù quý cử tọa am tường vấn đề một cách sâu sắc, nhưng vẫn tạo cơ hội, để mọi người có dịp tìm hiểu chính xác, tường tận hơn. Xin cám ơn quý cử tọa đã tạo ra phản đề cho đề tài này.
Trước nhất, em xin mời quý cử tọa Nặc Danh, cùng toàn thể quý vị, tìm hiểu về nhiều tiểu sử của ngài Mã Minh Bồ Tát.
1. Theo tài liệu Luận Đại Thừa Khởi Tín: (In tại nhà in Sen Vàng, 245 Đường Sư Vạn Hạnh Chợ Lớn, giấy phép 20/6/1962). "Ngài Mã Minh Bồ Tát, người xứ Ba-La-Nại, phía Tây Ấn Độ, ngài là tổ thứ 12 ở Thiên Trúc".
Có 3 nguyên nhân khiến người ta gọi ngài là Mã Minh:
- Khi vừa sanh ra, các con Ngựa buồn và kêu to lên.
- Mỗi khi Ngài chơi đàn, thì các con Ngựa đều buồn và kêu to lên.
- Khi Ngài thuyết pháp, các con Ngựa đều rơi nước mắt kêu to lên, không ăn.
2. Theo tài liệu của Chùa Hải Quang:
Ngài là người thắp sáng ngọn đuốc Đại Thừa ở đầu thế kỷ thứ 6. Một hôm đang thuyết pháp, có một ông già gầy ốm, ngã xuống đất, chợt thấy dưới đất vọt lên một người con gái, nàng nói như sau: "Cúi đầu lễ trưởng lão. Hiện nhận lời Phật ghi. Nay ở xứ này, Độ chúng sanh khỏi tử". Nói xong chớp mắt không thấy cô ta nữa. Bỗng chốc gió mưa ầm ĩ, trời đất mù mịt. Ngài Mã Minh bảo: "Đây là báo hiệu ngoại đạo sẽ đến. Ta sẽ trừ chúng". Ngài chỉ tay lên hư không, hiện ra con rồng vàng to lớn, khiến pháp ngoại đạo tan biến … Còn rất nhiều diễn tiến khác.
3. Giáo sư Kern: Thì cho là ngài Mã Minh không phải là nhân vật lịch sử. Ngài chỉ là nhân cách hóa của thần Ka La, một hình thái của thần Shiva.
4. Theo ngài Tuệ Viễn: Trong một tài liệu, ngài cho biết là Mã Minh Bồ Tát xuất hiện sau khi Phật nhập Niết Bàn 370 năm.
5. Theo những tài liệu khác: Thì có đến 5 ngài Mã Minh Bồ Tát, nếu kể cả ngài Mã Minh Bồ Tát của Tuệ Viễn, thì có đến 6 vị. Ngài xuất hiện chính xác trong thời gian nào thì không ai biết. Niên đại giao động trong 300 năm!
Kính thưa quý cử tọa Nặc Danh, ngài Mã Minh còn rất nhiều bản tiểu sử khác không thể kế hết. Do đó, nếu muốn xác định về lý lịch, về quốc tịch của Mã Minh Bồ Tát, em thiết nghĩ chỉ có những chuyên gia khảo cổ với đủ các trang thiết bị hiện đại cần thiết, may ra mới có thể hiểu được phần nào về lý lịch của vị Bồ Tát Mã Minh.
Nói tóm lại, ít nhất đến giờ phút này, với một quan điểm khoa học thận trọng, không ai dám khẳng định, vị Bồ Tát Mã Minh là nhân vật lịch sử có thật hay không, ở thời đại nào, quốc tịch nào …
Cứ giả thuyết rằng tài liệu Đại Thừa Khởi Tín Luận là tác phẩm của Mã Minh Bồ Tát. Chúng ta thử quan sát một vài trang đầu tiên của tác phẩm.
Nguyên nhân nào tạo Luận này?
"Ngài Mã Minh Bồ Tát, vì thấy Tiểu Thừa nổi lên tranh chấp rất đau lòng, để xô tà đỡ chánh, trừ những nghi ngờ của Tiểu Thừa".
Từ ngữ Đại Thừa, được định nghĩa theo nguyên ngữ của chữ Trung Quốc.
Luận này lấy gì làm Đại Thừa?
Lại một lần nữa câu trả lời là chữ "Tâm", chữ "Tâm" được cắt nghĩa theo nguyên ngữ của Trung Quốc. Để minh họa chữ viết Trung Quốc có bài thơ sau đây:
“Ba chấm như ngôi sao,
Uốn cong tợ trăng tà,
Chúng sanh từ đây có,
Chư Phật cũng do đây.”
Tài liệu này duyệt xét toàn bộ vấn đề "Bản Thể Luận" của con người với những khái niệm hoàn toàn khác hẳn tài liệu Vi Diệu Pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy:
- Chân Như: là tánh ướt của nước.
- Như Lai Tạng: là nước.
- A Lại Da: là sóng.
Theo tài liệu này, thì 3 yếu tố nói trên chính là Bản Thể Luận của con người.
Tài liệu này khuyên mọi người nên siêng năng lễ bái, cúng dường Tam Bảo.
Đức tin được thêm lớn, cầu đạo vô thượng. Nhờ sức gia hộ của Tam Bảo, Nghiệp Chướng được tiêu trừ, nhờ Thần Lực của Tam bảo gia hộ, nên các Tội được tiêu trừ.
Người ta phải tin cái gì? Tin có Chân Như, Phật, Pháp, Tăng.
Trong tài liệu Đại Thừa Khởi Tín Luận có ghi những điều sau đây:
Phật dạy: "Nếu người chuyên tâm niệm Phật A Di Đà ở thế giới cực lạc Tây Phương … sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu hành giả quán Chân Như Pháp Thân của Phật A Di Đà … sẽ được sanh vào hàng ngũ Chánh Định".
Cuốn Đại Thừa Khởi Tín Luận có phải kinh Ngụy tạo không?
Những luận cứ sau đây đã được đưa ra để cho rằng kinh Đại Thừa Khởi Tín, kinh Vu Lan … là lời của Phật nói đích thực.
A. Luận cứ thứ nhất như sau: Căn cứ vào lời Đức Phật dạy khi kết tập kinh điển, mỗi kinh phải có đủ sáu cái hiện chứng: 1) Tín, 2) Nghe, 3) Thời, 4) Phật, 5) Xứ, 6) Chứng. Đây là sáu cái bằng chứng cho người sau biết chính là kinh Phật:
1. Như vậy (Như thị), làm Tín thành tựu, tín đây là tín của ngài A Nan.
2. Tôi nghe (Ngã Văn), làm Văn thành tựu, có nghĩa là A Nan tự mình được nghe.
3. Một thời (Nhất thời), làm Thời thành tựu để chỉ thời gian Đức Thế Tôn thuyết bộ kinh nầy.
4. Phật, làm Chủ thành tựu, chỉ rõ Phật là chủ thuyết pháp.
5. Tại … Tinh xá Kỳ Hoàn, trong thành Thất La Phiệt, làm Xứ thành tựu, chỉ rõ chốn đạo tràng thuyết pháp.
6. Lấy các chữ "Cùng Đại Tỳ kheo chúng", và cuối bộ kinh có ghi "Sau khi Phật thuyết kinh nầy rồi ... tất cả đại chúng đều hoan hỷ thọ trì lời Phật dạy, ân cần đảnh lễ lui ra", làm Chúng thành tựu.
B. Luận cứ thứ hai cho rằng những cuốn Kinh Đại Thừa, không phải là ngụy tạo: Vì có bản viết bằng chữ Phạn.
C. Có thể có luận cứ khác nữa em không được biết.
Song song với những luận cứ để bảo vệ tính chính xác của những bộ kinh Đại Thừa, còn có những thông tin trái chiều. Chúng ta hãy xem những chuyên gia khảo cứu về tài liệu Phật giáo nghĩ gì về vấn đề này.
Người ta cho là những kinh điển Ngụy Tạo thường thuộc về các Tôn Giáo bản xứ, nhưng lại cố gắng chứng minh, là mình cùng có nguồn gốc với Phật Giáo Ấn Độ. Hầu hết các kinh Ngụy tạo, như chúng ta vừa xem, thì trong những phần cuối của tài liệu Đại Thừa Khởi Tín Luận đã ghi hẳn là lời Phật nói. Đa số các kinh Ngụy tạo Trung Quốc thường rơi vào hai cực đoan là:
* Ca ngợi đức tin và
* Cách thực hành Phật Giáo, như là một phương tiện để thu hoạch lợi ích trần gian và tâm linh.
- Theo tác giả Kyoto Tokuno, tài liệu:
Đại Thừa Khởi Tín Luận
là một trong những bộ kinh Ngụy tạo.
Nó dường như không có phiên bản tương ứng trong Phật Giáo Ấn Độ. Tài liệu này tái tạo Phật giáo chính thống, bằng cách tổng hợp 3 khuynh hướng chính của học thuyết Ấn Độ:
- Tánh Không / A lại da thức / Thai Tạng Giới
Chính tài liệu này là một chất xúc tác, cho các tư tưởng Phật Giáo Trung Quốc phát triển như:
- Thiên Thai / Hoa Nghiêm / Thiền Tông
* Quan điểm của nhóm CTR như đã nhiều lần khẳng định, là không ủng hộ hay bài bác trường phái nào cả. Chúng tôi chỉ cố gắng trình bày với tinh thần càng khách quan càng tốt, trên tinh thần:
"Sự thật không che đậy".
Em rất hy vọng sẽ được quý cử tọa dành chút thời gian để gởi lời comment.
Trân trọng kính chào!
5 comments:
Kính chào cô Tam Tiểu Thư,
Đọc những lời cô dạy mà nghe những ám tưởng, sợ hãi cùng những gánh nặng dường như bị trút bỏ hẳn khỏi đôi vai con cô ạ.
Thật cảm động, con rất biết ơn sự nhân từ này, cô đã kiên nhẫn an ủi con bằng cách diễn giải cho con nghe những lầm lẫn của một con người qua những giai đoạn cuộc đời từ việc chọn cho mình từ một chiếc xe, một ngành học, một cuộc hôn nhân và cuối cùng một pháp môn tu tập v.v...
Một lần nữa con xin cảm ơn cô đã dành nhiều thời gian quí báu của mình để viết một bài thật cặn kẽ cho con. Con sẽ cố gắng dành thật nhiều thời gian để tiếp tục đọc, học hỏi cho thật kỹ trước khi thật sự chọn cho mình một pháp môn tu tập.
Chúc cô sức khỏe dồi dào để tiếp tục trả lời cho tụi con. Tiện cho con gởi lời cám ơn đến Ông Tổng Quản, cùng các cô chú CTR luôn cô nhé!
Kính
Chào Tam Tiểu Thư,
Bài viết thật thuyết phục, chi tiết rõ rằng, "nói sách mách chứng" luận cứ vững vàng logic ... phải nói là một nhà hùng biện mới đúng.
Mặc dù " hợp lý thì không đồng nghĩa với Chân Lý " nhưng theo tôi thì muốn đạt được Chân Lý thì ít nhất phải bắt đầu bằng sự hợp lý? Còn nếu đã nghịch lý thì sẽ mãi xa rời Chân Lý?
@ thienthu:
Chúc mừng bạn đã thoát được những "Ám Tưởng" (chữ của bạn). Tôi hoàn toàn đồng ý với lời của Tam Tiểu Thư, bạn đã thực rất can đảm và đã thật trí tuệ khi vượt được chính mình.
Tôi vẫn nhớ Tổng Thống Mỹ, Franklin D. Roosevelt đã phát biểu:
"... the only thing we have to fear is fear itself ..." (during his first inaugural address on March 4,1933, speaking of the Great Depression, and its effect on the morale of the USA).
Xin chia vui với bạn, mong bạn sớm chọn cho mình pháp tu thật đúng đắn.
Trân trọng
@ thienthu:
" ... Khi chọn lựa một cái gì đó mà nó ảnh hưởng đến toàn thể hoặc bất cứ giai đoạn nào của đời người, thì người ta phải thận trọng là điều tất nhiên. Hơn bất cứ chuyện gì khác, việc chọn lựa cách tu sẽ có ảnh hưởng đến phút lâm chung và đến nhiều kiếp khác (nếu người ta tin là có Luân Hồi, Sanh Tử)... "
Một đoạn khác:
" Ðừng làm cho mình, trở nên vĩ đại, nổi trội trước đám đông. Tự xưng mình là Thầy, đồng nghĩa với tự sát. Nên sống cuộc sống giản dị, khiêm tốn. Mật Giáo Tây Tạng cho là nên sống đời sống của một con Chó, con Heo; bình thản tự tại … "
Lại một đoạn nữa:
" ... ý định muốn nổi tiếng là do Tâm Si. Đó là một Tâm mê muội, yếu đuối, làm nền móng cho Tâm Tham phát triển. Đây là những Bất Thiện Tâm, không phù hợp với Thiền Tâm, Tịnh Quan Tâm của người tu Thiền.
Tâm lý thích làm Thầy là cũng do những Bất Thiện Tâm như nói ở phần trên. Ðây còn là một loại ma sự, không biết hỗ thẹn, ý nghĩ sai lạc lầm lẫn. Tâm túy này làm tăng trưởng cái Tôi, bản chất là Não Ma, tiền đề của nguồn gốc Luân Hồi Sanh Tử. Nói tóm lại, việc thích làm Thầy, lợi thì ít, hại thì nhiều. Mặt khác, việc nuôi mạng không Chân Chánh, còn vi phạm Định Luật Nhân Quả một cách trầm trọng. ... "
Đó là lời Tổng Quản, thienthu rảnh vào đọc lại bài:
"Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 22"
Tập 22: Từ Lý Thuyết đến Thực Hành, Kinh Nghiệm Thực Tế
của Thiền Định Phật Giáo Nguyên Thủy …
và những Bất Cập
http://vidieuphapctr.blogspot.com.au/2012/12/con-mat-thu-ba-xuyen-van-kiem-phap-22.html
Chúc mừng, Chúc mừng nghen!
Tam Tiểu Thư quí mến,
Xin TTT vui lòng giải thích giúp em chuyện pháp môn Niệm Phật. Em thì hoàn toàn đồng ý với TTT vì em không tin có cõi Tịnh Độ. Thắc mắc của em là nếu người ta tu niệm Phật thì vẫn có đủ tiêu chuẩn để tiến tới cảnh giới sơ thiền hữu sắc mà.
* Tầm: là hướng tâm đến câu niệm Phật
* Tứ là tập trung vào câu niệm
* nhờ có tầm, tứ nên sẽ phát sinh Hỷ , Lạc
* từ đó đạt được nhất tâm (như các kinh sách hay nói là niệm Phật đến nhất tâm bất loạn)
Cách tu này có giống như "chú tâm vào một vật duy nhất" mà CTR hay đề cập không?
Nhiều người lập luận là "đường nào thì cũng về La Mã". Nếu cõi Tịnh độ không có thật, nhưng pháp môn tu vẫn đúng đường thì nó cũng vẫn dẫn mình về Niết Bàn phải không ạ? Còn nếu cách dụng công này không đạt được nhất tâm, thì nó bị sai ở chỗ nào?
Em kể cho TTT nghe chuyện có thật đàng hoàng. Em có biết 1 vị thày tu theo thiền tông VN. Lúc đó em cũng theo trường phái "biết vọng không theo" này. Em ráng theo đuổi nhưng không kết quả gì nên em tìm Thày và đặt câu hỏi rằng "cụ thể bản thân Thày đã dụng công thế nào?" thì thày nói là bước đầu thày tập trung niệm Phật ??? đi đứng nằm ngồi đều niệm. Một ngày kia bỗng dưng khối nghi bùng vỡ và thày "Ngộ". Em hỏi tiếp là thày ngộ điều gì, thì thày nói ai ăn nấy no, nóng lạnh tự biết chứ không giải thích được.
Trên đây là tu Tịnh Độ "chính gốc". Còn Tịnh Độ "chế biến" quán linh ảnh Di Đà rồi thành người "dẫn kênh" gì đó thì em mới nghe gần đây. Em chưa dám thử vì sợ lạc đường.
Em bị nhiễm kinh đại thừa nhiều lắm nên nói với TTT như sau: "ĐẠI NGHI ĐẠI NGỘ, TIỂU NGHI TIỂU NGỘ". Em bắt chước nhái theo " KHÔNG NGHI KHÔNG NGỘ".
TTT có kiến thức hơn em, xin vui lòng bớt chút thời gian giải thích cái "NGHI" này cho em để em "NGỘ" nha. Cảm ơn TTT vô cùng.
Chúc TTT và CTR cuối tuần an lạc
Cô Tam Tiểu Thư ơi,
Con cứ suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu cái "Đảnh" là gì? Con cũng không tìm thấy ở đâu nói là Đức Phật Thích Ca ngồi trên đầu của các vị đệ tử mình? Vậy chuyện này thế nào, khi nào có thì giờ Cô giải thích cho con nghe nha Cô?
Kính
Đăng nhận xét