Pages

Cuộc họp báo (16) Tiêu Cục Xuyên Vân Kiếm Pháp













          Dẫn Kênh ?
                              . . .  * h u ệ  â m  * ả o  g i á c  * h o a n g  t ư ở n g  . . .


BỐI CẢNH
Một buổi họp báo như mọi ngày, Tam Tiểu Thư chắp hai tay trước trán, nghiêm trang và dịu dàng chào quý cử tọa.

- Tam Tiểu Thư:
Em xin kính chào toàn thể quý cử tọa, hôm nay em xin phép được đóng góp ý kiến với quý cử tọa Nặc Danh ngày 11 tháng 8, và bổ túc về vấn đề Niết Bàn trong ý kiến đóng góp của một quý cử tọa lần trước. Trước nhất, em xin giới thiệu toàn văn của quý cử tọa 11/8

- Nặc danh: @ Cuộc họp báo 13
 

"...theo quan điểm Phật Giáo ... dù là một vị Phật, … đều phải chấp nhận những quy luật khách quan này chi phối."
Kính chào Tam Tiểu Thư (TTT), em có thắc mắc chỗ này: em nghe trong kinh nói rằng Ngài Sakya Muni có thể kéo dài thêm 1 kiếp sống nếu ngài muốn mà?! còn ví dụ về ông Khổng Minh, em nghĩ rằng (hi hi) chắc ổng không học theo phương pháp của ngài Sakya Muni nên mới thế (hi hi).
Dạ em chắc cũng chậm hiểu giống như anh 2 ì ach, đọc bài trên không biết mình hiểu có đúng không?! (đúng theo ý của TT muốn truyền tải đến người đọc).
Em đọc trên mạng các thầy giảng như là: "Tu là chuyển nghiệp, vượt qua nhân quả, làm chủ nhân quả”..v.v..
Dạ, em muốn hỏi nhiều, nhưng type bị mất 2,3 lần phải viết lại.
Em cũng thuộc dạng ngại đưa ý kiến lên các diễn đàn, thấy blog này TTT vui vẻ nên em bạo dạn 1 chút hi hi.
Chào TTT


- Tam Tiểu Thư:

Trước nhất em xin cám ơn quý cử tọa 11/8. Là một người ngại đưa ý kiến lên các diễn đàn, nay được quý cử tọa đóng góp, thật là một vinh dự cho em. Em sẽ cố gắng trình bày, đóng góp với tất cả khả năng của mình.

Kính thưa quý cử tọa Nặc Danh, căn cứ vào văn bản của quý cử tọa, quý cử tọa cho biết những thông tin mà quý cử tọa có được là do "Em nghe trong kinh nói
", "Các Thầy giảng như là"

Thưa quý cử tọa!

Chắc chúng ta đều biết lịch sử tôn giáo của Ấn Ðộ nói chung và Phật Giáo nói riêng, đã cách đây khoảng 4000 cho đến 2500 năm. Kể cả ngài Sakya Muni khi giảng pháp nói bằng ngôn ngữ nào, người ta cũng chẳng thống nhất được với nhau. Có người cho là, có lẽ Sakya Muni đã nói bằng một loại Thổ Ngữ gọi là Mogadhi. Thời này không có chữ viết ghi lại, thế nên mọi thứ còn lưu lại cho đến ngày hôm nay, đều do truyền khẩu từ người này qua người khác. Chuyện này không phải xảy ra duy nhất cho những tài liệu của trường phái Phật Giáo, mà với những trường phái khác cũng vậy. Mức tin cậy phải bảo là rất là thấp. Khi chúng ta hình dung những lời nói của một người nào đó, mà tư tưởng của họ lại quá phức tạp, đi ra khỏi thời đại, thí dụ như tư tưởng của trường phái Phật Giáo, thì ai dám bảo đảm là sẽ không có sự sai lạc? Ta lấy một thí dụ về những tư tưởng của những tài liệu Luận thuộc trường phái Nguyên Thủy. Đến tận ngày hôm nay, nhiều quý học giả uyên bác, dường như cũng không hiểu tài liệu đó nói gì. Huống chi học thuộc lòng một tài liệu gì đó mà người ta không hiểu, với độ dài đến hàng trăm trang, hàng ngàn trang, thì đến cái máy photo cũng có sự lầm lẫn, đừng nói là tâm lý con người. Chúng ta không thể mong chờ chuyện ghi nhớ thuộc lòng này sẽ khách quan hơn cái máy.

Một điều đáng quan tâm là Ấn Ðộ không có lịch sử. Do đó việc khảo cứu để tìm mức độ chính xác, có lẽ là một điều khó có thể thực hiện được. Chưa kể đến chính trong trường phái Phật Giáo lại có sự phân hóa. Có lẽ khái niệm Ðại Thừa, đã nhen nhúm ngay tại quê hương của Sakya Muni, sau khi Ngài nhập diệt 300, 400 năm sau.

Như những bài viết trước, em đã có nhiều dịp để trình bày về các tài liệu gọi là ngụy tạo. Theo thiển ý của em, thì có lẽ toàn bộ những tài liệu gọi là Ðại Thừa đều là ngụy tạo cả. Em xin lỗi trước vì đó là quan điểm chủ quan của em. Em xin đưa ra một luận cứ, hết sức là đơn giản và kinh điển. Trong những lần gọi là Kiết tập Kinh điển, chúng ta không thấy sự có mặt của những bộ kinh Ðại Thừa. Mặt khác, không biết em nói có cường điệu quá không, nhưng điều sau đây có thể cả trẻ em cũng không tin nổi. Những tài liệu này tường thuật lại từng câu từng chữ, vị này nói thế này, vị kia nói thế kia. Những tài liệu này không phải chỉ dài vài chục trang, mà là hàng trăm, có khi là cả ngàn trang. Em thiết nghĩ, có lẽ quý vị cũng đồng ý rằng không thể có bộ óc nào lại có thể nhớ trung thực một cách tuyệt đối, qua chiều dài của lịch sử mấy trăm năm, mà không thêm bớt gì cả. Em rất mong quý cử tọa đóng góp ý kiến.

Do đó, khi quý cử tọa căn cứ vào, bộ Kinh này hoặc bộ Kinh khác, hoặc các Thầy giảng như là … em e ngại là mức độ tin cậy, cần phải được kiểm chứng lại một cách nghiêm khắc. Như em vừa trình bày ở trên, những kinh ngụy tạo quá nhiều, chính bản thân những người thuyết giảng, (em xin lỗi trước) cũng không biết những tài liệu họ mang ra thuyết giảng đó, có phải đúng là kinh Phật hay không?

Ngay cả những tài liệu gọi là Kinh sách Nguyên Thủy, mức độ tin cậy chưa chắc đã cao. Ngài Thích Minh Châu cũng cho là có thể nhiều phần đã được ngụy tạo bởi những người ngoài trường phái Phật Giáo.

Do đó, chúng ta chỉ có thể có một nhận xét là những tài liệu Nguyên Thủy nói chung có tính chất nhất quán. Có nghĩa là tư tưởng trong toàn bộ các tài liệu có một logic nào đó, mang tính chất thống nhất, nếu bỏ qua những chi tiết.

Dường như tư tưởng của trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy đã được tóm gọn trong những tài liệu gọi là Luận, cho là có một số định luật khách quan của thế giới tự nhiên. Ðịnh luật này nói theo kiểu Hữu Thần là Thượng Ðế. Hoặc nói một cách khác, Thượng Ðế chính là những định luật này. Do đó, việc quý cử tọa đưa ra là ngài Sakya Muni hoặc Khổng Minh có thể kéo dài tuổi thọ, đi ngược lại với những định luật của thế giới khách quan thì e là không chính xác. Phật Giáo có một câu nói rất nổi tiếng "Thần thông không liên quan tới nhân quả". Phát biểu này có một hàm ý rất sâu sắc về vấn đề định luật tự nhiên của thế giới khách quan.

Nếu căn cứ vào trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy thì việc "Vượt qua Nhân Quả, làm chủ Nhân Quả, chuyển Nghiệp …" dường như mâu thuẫn với khái niệm Nghiệp Báo. Nghiệp Báo không phải là một sản phẩm của Phật Giáo, mà nó đã có từ trước. Chỉ đến khi xuất hiện Ngài Sakya Muni, thì việc tìm hiểu về Nghiệp Báo được triển khai một cách có hệ thống.

Trong tài liệu Vi Diệu Pháp, vấn đề Nghiệp cũng được duyệt xét một cách có hệ thống và tỉ mỉ. Muốn biết là chuyện có thể vượt qua được Nhân Quả hay không, thì chúng ta có thể tìm hiểu việc thành hình của các loại Nghiệp trong diễn tiến của Luồng Tâm Thức. Các loại Nghiệp đã cấu tạo như thế nào và các loại Nghiệp sẽ xuất hiện ở trong thời gian nào … Nếu hiểu rõ vấn đề này thì chúng ta sẽ thấy việc vượt qua Nhân Quả, làm chủ Nhân Quả, e là không có trên thực tế!

Trên đây chúng ta trình bày nặng về vấn đề lý thuyết. Sau đây em xin phép trình bày về những kinh nghiệm thực tế. Em được biết có một người thường biết trước những việc sẽ xảy ra, bất lợi cho mình. Mặc dù biết trước những việc xảy ra có hại, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được.

Em xin cám ơn quý cử tọa đã đóng góp ý kiến. Rất mong được quý cử tọa không ngại đưa ý kiến trên trang blog của CTR.

Kính thưa quý cử tọa, chắc quý cử tọa còn nhớ trong lần họp báo 15, có một quý cử tọa Nặc Danh đã đặt vấn đề là Niết Bàn ở đâu?

- Nặc danh: @ Lá thư từ độc giả 5: Khui Hụi Tiếp ...

 
@hoa nở mùa đông:
hề hề... Bạn tặng bài thơ đó cho TTT ko khéo cô ấy mắc nghẹn đó. chứ vui vẻ gì... thế mà lại có người mỗ tay tán thưởng mới ghê chứ... thật hài hước.
- Là người tu đạo lại cứ thích làm trò mỉa mai, đá xoáy người khác cho dù người ta có làm sai, làm ác chứ đừng nói cùng là người tu đạo. Các vị từ bi quá ha... hề hề...


Chứ vậy các Ngài có thể cho tôi biết "Niết Bàn" ở đâu không ạ? haha...


- Tam Tiểu Thư:

Mặc dù đã đóng góp qua nhiều trang, tuy nhiên, em thiết nghĩ những điều đóng góp trong lần họp báo vừa rồi cũng chưa đủ mức sáng tỏ để mọi người có thể nắm được vấn đề.

Chúng ta không thể trả lời trực tiếp vào vấn đề Niết Bàn ở đâu. Em cho là điều cần thiết chúng ta cần hiểu là tại sao qua quá trình tu Thiền Định, lại nảy sinh ra nhu cầu gọi là Niết Bàn. Từ ngữ Niết Bàn, không phải là từ ngữ duy nhất của trường phái Phật Giáo. Từ ngữ này phổ biến trong nhiều tôn giáo ở tại Ấn Ðộ, tuy nhiên nó có ý nghĩa và mục đích không giống nhau. Chính Phật Giáo đã vay mượn từ ngữ này của các tôn giáo bên Ấn Ðộ.

Ðể có một khái niệm tối thiểu về vấn đề Niết Bàn, chúng ta buộc lòng phải đưa ra một khái niệm chung chung về từ ngữ Niết Bàn của trường phái Phật Giáo. Niết Bàn của trường phái Phật Giáo có thể mô tả như là "Một trạng thái tâm lý An Tịnh". Tất nhiên, mô tả này không phải là hoàn hảo, nhưng ít nhất cũng làm cho chúng ta có một khái niệm tối thiểu.

Chúng ta có thể giải thích như sau: Trạng thái Niết Bàn không có một vị trí địa lý như cõi Cực Lạc của ngài Tuệ Viễn, cũng không phải là Vườn Địa Đàng của trường phái Công Giáo … Do đó, việc đi tìm một vị trí địa lý cho Niết Bàn là một việc không thể thực hiện được. Đúng ra nó là một trạng thái, có thể gọi là đỉnh cao của người tu Thiền Định; khi mà các Phiền Não đã bị dập tắt, Ngũ Uẩn không còn, Nghiệp Lực đã khô cạn … (nói theo ngôn từ trường phái Phật Giáo).

Niết Bàn đã xuất hiện như thế nào?

Em thiết nghĩ đây chính là tiên đề mà chúng ta phải quan tâm tới. Phải chăng Niết Bàn là một nhu cầu của người tu Thiền Định, là hệ quả tất yếu của người tu Thiền Định?

Em xin phép mô tả diễn tiến của một người tu Thiền Định như sau:

Có hai khả năng xảy ra cho một người tu Thiền Định, bất cứ thuộc trường phái nào, bất cứ ở đâu, bất cứ vào lúc nào.

a. Bất cứ ai ở trường phái nào tu Thiền Định, thì hay có khả năng xảy ra diễn tiến sau đây: Nếu Nhập Định được ít nhiều, cho dù sử dụng các loại kỹ thuật Thiền Định khác nhau, nhưng có chung một mục đích là đưa đến Định Tâm. Cụ thể là ý thức bình thường đã mất đi và Định Tâm hay ý thức của Thiền Định xuất hiện …

Lúc đầu chẳng có việc gì xảy ra. Họ cũng cảm thấy hệ quả hỉ, lạc bình thường như tất cả mọi người tu Thiền Định. Ở trạng thái này, người tu Thiền Định cũng cảm thấy thích thú về trạng thái hỉ lạc mà Thiền Định mang lại cho họ. Nhưng hầu hết những người đạt được trạng thái này là do sự nỗ lực, chịu khó, tinh tấn mà có. Nói cho đúng ra là do sự tình cờ may rủi, vì sự thật chẳng có một kỹ thuật nào cả. Họ cũng chẳng biết phải tiến đi đâu, phải lùi đi đâu … Theo định luật Tương Ưng, thì có những Thực Thể Tương Ưng đến giao tiếp với người tu Thiền Định. Người tu Thiền Định lần đầu tiên có cơ hội giao tiếp với những Thực Thể không phải là con người, thì lấy làm thích thú và ít nhiều kiêu hãnh. Họ hoàn toàn mù tịt không biết gì lý lịch về Thực Thể mà mình giao tiếp. Do đây là một sự việc khác thường, nên người tu cho là những Thực Thể mà mình giao tiếp đó là Thần Tiên, là Thánh, là Phật, Bồ Tát … tùy theo Tôn Giáo và trí tưởng tượng mà người đó gán ghép cho những Thực Thể mà họ tình cờ giao tiếp.

Chúng ta tạm dùng một từ ngữ (mà có lẽ không có trong các trường phái Tôn Giáo) là "dẫn kênh". Việc này đầu tiên hơi khó khăn. Nó tương tự như một dạng cầu truyền hình. Thế rồi việc này càng ngày càng trở nên thuần thục. Điều tệ hại hơn nữa là người tu Thiền Định tự kỷ ám thị, tưởng mình là người dẫn kênh, cụ thể là gặp và giao tiếp được với các Thực Thể. Về sau trở thành một dạng ảo giác, ảo ảnh, hoang tưởng … Thậm chí có nhiều người trở nên điên loạn.

Dạng dẫn kênh này vô cùng phổ thông trong lịch sử của nhân loại. Từ thuở bình minh của lịch sử Tôn Giáo cho đến ngày hôm nay, đầy rẫy những Giáo Chủ đã xây dựng giáo phái của mình dựa trên cơ sở những học thuyết cho là của các Đấng như Thần Thánh, Tiên Phật, Chúa do các đấng này đã tiết lộ cho mình biết, những điều huyền bí kỳ diệu.

Những tài liệu Veda cũng cho biết là nó đã được xây dựng, dựa vào việc dẫn kênh của các tu sĩ của trường phái này. Họ uống một loại dược liệu gọi là Soma, làm mất đi lý trí. Họ tự Thôi Miên mình là đã gặp những vị Thần Thánh.

Sau này những người Ðại Thừa Phật Giáo cũng sử dụng Thiền Định và tự cho là mình đã dẫn kênh được các vị Phật. Do đó khi viết các tài liệu kinh sách, thì viết là Phật nói như thế này, Phật nói như thế kia. Thậm chí họ còn cho rằng họ phát hiện ra cả những tài liệu cho là bí mật được cất giấu. Ngài Tuệ Viễn người Trung Quốc; người khai sinh ra trường phái Tịnh Ðộ; khi ngồi công phu, cũng kể lại là dẫn kênh được vị Phật A Di Ðà và tùy tùng của Ngài. Dường như chính Ngài là tác giả của kinh A Di Ðà. Ở bên trời Tây, những tác giả như Blavasky, Lobsang Rampa, Barbara Ann Brennan … đều thuộc về dạng dẫn kênh … Người Công Giáo cũng dẫn kênh với Thánh nữ Theresa Avila … Ở Việt Nam, việc dẫn kênh cũng xảy ra như trường phái Phật Giáo Cao Ðài … Còn rất nhiều trường phái khác cũng làm những việc tương tự.

Đối với những trường phái kể trên, thì nhu cầu Niết Bàn không cần phải đặt ra. Lý do là vì Niết Bàn của những trường phái này sẽ theo mô hình mà trường phái đó phác họa; thí dụ như cõi Cực Lạc của ngài Tuệ Viễn, việc sát nhập với Thượng Ðế của trường phái Bà La Môn …

Quý cử tọa nghĩ gì về nhận xét sau đây của tài liệu Patanjali:

"Ðừng nghe lời nịnh hót của Thần Thánh"

Qua nhận xét này, dường như Patanjali đã cảnh giác những người tu Thiền Định về tai họa tiềm tàng của việc dẫn kênh với những Thực Thể không rõ nguồn gốc.

b. Đạt được đỉnh cao của Thiền Định là Niết Bàn, đầu tiên ta phải kể đến Sakya Muni. Chính bản thân của ngài Sakya Muni đã đi qua cả một tiến trình khá phức tạp của các lớp Thiền Định. Chính nhờ vào kinh nghiệm này mà tài liệu Vi Diệu Pháp đã ra đời. Tài liệu VDP mô tả về cấu tạo, cách thức vận hành của Tâm con người và các Thực Thể nói chung. Hai yếu tố là Sắc và Nghiệp Lực, cũng được xem xét như vấn đề cấu tạo Tâm ở trên. Dựa trên cơ sở hiểu biết về cấu tạo và tính chất cơ học của Tâm - Sắc - Nghiệp Lực, người ta đã mô tả được cấu tạo và tính chất cơ học của kỹ thuật Thiền Định ở tất cả các lớp, Hữu Sắc, Vô Sắc, Vô Tưởng, Siêu Thế Tâm … một cách rõ ràng. Kỹ thuật Thiền Định kể từ nay đã có một văn bản khai sinh, một thời điểm khai sinh và được minh họa một cách tường tận bằng tài liệu Vi Diệu Pháp.

Do đó, khi tu Thiền Định bằng những kỹ thuật nói trên, thì những diễn tiến sẽ xảy ra mang nặng tính chất cơ học và tất yếu. Cụ thể là ở bất cứ lớp Thiền Định nào, hệ quả Lạc (tức là vui) là hệ quả tất yếu. Qua tiến trình của các lớp Thiền Định, thì cái vui này càng mạnh mẽ hơn, sâu đậm hơn và lâu dài hơn. Tuy vậy, ngay cả ở lớp Thiền Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, thì cái vui này dù cho có tinh vi cách mấy, vẫn chứa mầm mống của Phiền Não. Hơn nữa đó không phải là cái vui bất tận. Không thể có cái vui bất tận khi mà các Phiền Não vẫn còn tồn tại cho dù là rất vi tế. Thật vậy, vui có thể sanh ra do Thiền Định, thì tất nhiên phải nằm trong định luật Sanh, Trụ, Hoại Diệt. Tâm lý người tu Thiền Định thì yêu thích trạng thái này gọi là Ái, muốn giữ gìn trạng thái này gọi là Thủ … đó là bản chất của
Phiền Não.

Nói tóm lại, bất cứ người tu theo trường phái nào, chứ chẳng phải là một mình ngài Sakya Muni, đều biết là mình cần phải vượt qua lớp Thiền Định Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng.

Nhưng phải làm sao đây?

Người tu Thiền Định ý thức được rằng có rất nhiều yếu tố Phiền Não bủa vây xung quanh. Trước nhất có hai loại
Phiền Não ngay trước mắt là Thân KiếnNghi. Nếu ứng dụng công thức: Vô thường, Vô ngã, Khổ não, thì chúng ta sẽ làm như thế này:

Ở bất cứ lớp Thiền Định nào đó, khi Tâm đã định, cụ thể là đạt được Tốc Hành Tâm, thì tôi Quán Tưởng thân của tôi được cấu tạo bởi: Tâm, Sắc, Nghiệp Lực … Những yếu tố cấu tạo nên thân tôi, lúc hợp lúc tan, có thể của tôi, có thể của người khác. Như vậy những yếu tố này có tính cách Vô ngã và Vô thường.

Thực tế là thân tôi ngày hôm nay đang hiện hữu, là do những yếu tố: Ái, Thủ, Nghiệp, Đoàn thực … Những yếu tố này đã cấu tạo nên thân tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai … Cách Quán Tưởng như thế này, từng bước một sẽ làm triệt tiêu những
Phiền Não.

Khi giải quyết từng vấn đề này thì nó nảy sinh ra một nhu cầu, phải có một loại hạnh phúc, một cái vui có tính cách lâu dài hơn … Chính vì lý do này, mà người ta cho Niết Bàn là hệ quả tất yếu của người tu Thiền Định.
 

Còn tiếp ...




1 comments:

Dạ thưa Tam Tiểu Thư(TTT),
Em là Nạc danh trong Bên lề cuộc họp báo 13, đọc phần trình bày của TTT, em cảm thấy vẫn chưa thông cho lắm(thiệt là chậm hiểu quá!).

Như vậy là định mệnh(số mệnh) không thể thay đổi được phải không ạ?
Như vậy rốt cuộc là Tu để làm gì?

Dạ, em cũng biết “sâu sắc” câu này “Thần thông không liên quan tới nhân quả.”. Ngoại đạo (là những người không Tu theo Phật giáo) cũng có thần thông phải không ạ?
Dạ, em cũng hơi hơi hiểu được là Nhân nào thì Quả nấy ạ.

Trích:
“Sau đây em xin phép trình bày về những kinh nghiệm thực tế. Em được biết có một người thường biết trước những việc sẽ xảy ra, bất lợi cho mình. Mặc dù biết trước những việc xảy ra có hại, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được.”
Một lần nữa em tự đặt câu hỏi: chắc tại người mà TTT biết không Tu theo PP của ngài Sakya Muni. Còn nếu người mà TTT nói đến là ông Tổng Quản, thì … daulasuthat.

Thưa TTT, các kiến thức về Phật giáo của em còn hạn hẹp, chủ yếu nhờ internet mà tìm hiểu hầm bà lằn lắm ạ.
Cho em hỏi là TTT có phải là người phát ngôn chính thức (cũng như CTR truyền tải cốt lỏi tinh thần ) của ông TQ hay không?

Thú thật là em biết đến Blog này cũng từ trang hstd (trang này em thường xuyên vào đọc tìm hiểu, nhưng chưa đăng ký thành viên) qua đó em được biết ông TQ là người đã chứng đắc bậc cao nhất. Thông qua người chủ trì hstd, ông TQ có xác nhận một người nữa cũng đạt được thực chứng bậc Alahan là TL TTL (*)(em đã cũng tìm hiểu phần lớn các sách và các pháp thoại của T.Lão và cả các bài phản biện TL trên khắp các diển đàn). Vòng vo như vậy, em muốn nói là những câu ‘vượt qua nhân quả, làm chủ nhân quả” là những câu thường xuyên nhắc lại trong các bài giảng của TL TTL.
Em nhớ trên trang chủ của blog trước đây có câu đại ý là chỉ có Phật Nhãn là đúng sự thật khách quan. Vậy thì bậc Alahan đã có Phật Nhãn rồi phải không ạ? Và Phật Nhãn của bậc Alahan có khác nhau không hay là do nghiệp lực khác nhau nên cái thấy (Phật Nhãn) cũng khác nhau. ( theo thiển ý phàm phu của em thì cái thấy chân lý không thể sai khác được!?) Mong TTT giảng giải thêm cho em được rõ ạ.
Nếu (*) không có hoăc không đúng thì vấn đề lại khác( bởi vì nó không liên quan nhau).

Trích:
”Trong tài liệu Vi Diệu Pháp, vấn đề Nghiệp cũng được duyệt xét một cách có hệ thống và tỉ mỉ. Muốn biết là chuyện có thể vượt qua được Nhân Quả hay không, thì chúng ta có thể tìm hiểu việc thành hình của các loại Nghiệp trong diễn tiến của Luồng Tâm Thức. Các loại Nghiệp đã cấu tạo như thế nào và các loại Nghiệp sẽ xuất hiện ở trong thời gian nào … Nếu hiểu rõ vấn đề này thì chúng ta sẽ thấy việc vượt qua Nhân Quả, làm chủ Nhân Quả, e là không có trên thực tế!”
TTT lấy Vi Diệu Pháp (VDP=tiên đề) chứng minh như thế, thì em biết như thế (thật tình là chưa hiểu lắm). Tất nhiên với logo bên phải của Blog “Minh Triết …kho Thực Chứng”, rất hấp dẩn và ấn tượng, em nghĩ là với trí tuệ của ông TQ thực chứng đã gián tiếp xác nhận VDP là đúng phải không ạ?

Có một ví dụ minh họa về Nhân Quả đại ý là về nhún muối được bỏ trong cái ly và khi được bỏ trong cái hồ(chắc TTT cũng biết phải không ạ!). Bây giờ xét trường hợp thứ nhất, vd này là ngụy tạo(theo TTT), em không có gì để hỏi. Trường hợp thứ hai là có trong Kinh Nguyên Thủy và do ngài Sakya Muni thuyết giảng, thì theo VDP được giải thích như thế nào ạ? (không biết em đặt vấn đề như thế này có đúng không nữa).

Câu hỏi cuối của em là VDP ra đời khi nào? Có phải ngài Sakya Muni thuyết không?( nếu đã có viết trên Blog này cho em xin cái link ạ, em có search “ Vi Diệu Pháp” trên ô, thì ra quá nhiều không biết chổ nào, à! mà tên Blog là vidieuphapctr, sao em không thấy một bài viết riêng biệt giới thiệu về VDP nhỉ?)

Em cám ơn Tam Tiểu Thư đã đưa ý kiến của em lên và trả lời trong cuộc họp báo ạ.
Ps: em định thay đổi Nặc danh thành daulasuthat mà không được.

Đăng nhận xét