Pages

Thiền Định thực hành: bài 1



           D ẫ n  n h ậ p  k h á i  n i ệ m  s ơ  b ộ  v ề  . . .
           l ý  t h u y ế t  &  t h ự c  h à n h  T h i ề n  Đ ị n h
 
           b  à  i    1   
           * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * 
            t h ự c  h à n h


Nên hành Thiền ở đâu?

Chọn một địa điểm nào mà quý vị cho là phù hợp với mình. Ai cũng có một chỗ ngủ nào đó nên có thể địa điểm này là thực tế nhất, vì đây là nơi riêng tư của cá nhân mình. Tránh tìm những địa điểm nặng về hình thức, gây phiền phức cho chính mình và cho mọi người. Địa điểm nào mà mình biết khai thác, tùy nơi, tùy lúc, thì vẫn là một địa điểm tốt. Thực tế, cũng có rất nhiều người có điều kiện để tạo những nơi thực hiện công phu nhưng thực sự chủ nhân lại không sử dụng tới.

Nên hành thiền vào lúc nào?

Mỗi người có những sinh hoạt khác nhau, nên việc chọn thời điểm nào là thuận lợi nhất phải tùy theo công việc của mình, tùy theo sinh hoạt của mình. Có một điểm cũng rất đáng quan tâm là thời điểm hành Thiền phải phù hợp với sinh lý, tâm lý của từng cá thể riêng biệt.

Có trường phái bảo người ta phải công phu lúc 12 giờ khuya. Nhiều cơ sở Tôn Giáo khác lại công phu lúc 4, 5 giờ sáng. Một số quý vị đã từng sinh hoạt ở trong trường nội trú, nhất là lúc chúng ta còn đang là những thanh niên thiếu nữ, thì việc thức giấc vào giờ này đúng là một cực hình. Có những người tu chỉ có mười mấy tuổi, thậm chí ở nhà mẹ còn tắm cho, nay phải thức dậy sớm để gõ chuông, tụng kinh … Quý vị nghĩ sao? Liệu có thể có một kết quả tốt trong việc Tĩnh Tâm hay không?

Hành Thiền cần sức khỏe.

Chỉ cần bước vào một tiệm ăn chay, chúng ta có thể đọc những câu như là "Sức khỏe và sự hiểu biết là cái gì quý giá". Ở kỷ nguyên chúng ta đang sống thì tất cả mọi người đều biết, tập thể dục là liều thuốc vạn năng, hoàn toàn không cầu kì, tốn kém. Chạy bộ, chạy nhảy tại chỗ là thể dục cơ bản nhất và ở đâu cũng tập được. Nó không lệ thuộc ở trời mưa, trời gió, chỉ cần vài thước vuông trong một căn phòng là cũng có thể tập được rồi. Kinh nghiệm thực tế cho biết, tùy theo thể trạng và tình hình sức khỏe của từng cá nhân, chúng ta phải tập qua một ngưỡng nào đó, thì mới có sức khỏe tốt.

Người hành Thiền nên có cuộc sống như thế nào?

Trường phái Phật Giáo, trường phái Khổng Giáo, văn hóa của người Pháp … đều có từ ngữ, nói về một chủ thuyết gọi là Trung Dung, trái ngược với chủ thuyết cực đoan.

Chúng tôi xin mượn lời của trường phái Lão Tử, để minh họa về lối sống này "Sống hòa hợp với Thiên Nhiên Tạo Hóa, tuân theo quy luật Thiên Nhiên, tu luyện để sống lâu … Người thuận theo Đất > Đất thuận theo Trời
> Trời thuận theo Đạo > Đạo thuận theo Tự Nhiên … Hành động theo Tự Nhiên thì thường có hiệu quả lớn hơn là việc chống lại nó".

Vấn đề Tình Dục thì sao?

Đó là vấn đề mà người tu thực sự cần quan tâm. Thông thường người ta có hai thái độ: Một là, tìm đủ mọi cách để khước từ, lừa dối chính mình về sự hiện diện của nó. Hai là, im lặng vì chẳng biết giải quyết làm sao và chấp nhận những cuộc phiêu lưu không bờ bến.

Tài liệu kinh Phật cho là làm thân Người là quý, mà Người tất nhiên là phải có Nam, có Nữ. Như CTR có dịp trình bày trước đây, thì những tài liệu của Phật Giáo Nguyên Thủy, cụ thể là những bài nói về Sắc, chấp nhận sự hiện hữu của Nam và Nữ với thuật ngữ: "Bản Tánh Sắc". Điều đó có nghĩa đây là một hiện tượng khách quan tự nhiên, không tốt không xấu. Vì cấu tạo của các Thực Thể này, nhìn ở góc cạnh Sắc thì nó là như vậy. Phật Giáo công nhận hiện tượng khách quan Nam, Nữ, và nó chỉ chấm dứt khi bước vào Tứ Thiền Hữu Sắc. Căn cứ vào phần cuối của tập 2 tài liệu Vi Diệu Pháp, con người được chia ra làm 3 loại, trong đó có đề cập tới một loại người không được hoàn chỉnh. Hiểu như vậy, thì là Nam hoặc Nữ mới là hoàn chỉnh. Ngoài Phật Giáo thì Lão Tử cũng công nhận thế giới chúng ta sinh hoạt là Thế Giới Nhị Nguyên (đạo sanh ra Âm và Dương > Tứ Tượng > Bát Quái …)

Việc quan hệ tính dục thuần túy là vật chất đối với các Súc Sinh. Khi tiến đến con người, thì gồm có sự pha trộn của tinh thần và vật chất. Đến cảnh Tha Hóa Tự Tại, quan hệ Nam Nữ chỉ còn tồn tại ở dạng tinh thần. Khi đạt được Sơ Thiền Hữu Sắc, thì quan hệ Nam Nữ chỉ còn là kỷ niệm của dĩ vãng không hơn, không kém.

Do đó trên con đường tiến hóa, chúng ta không nên đánh giá quá thấp Bản Năng Tình Dục. Nó chỉ là một tính chất hữu duyên, hữu lậu và hữu vi … có nghĩa là có tính chất tạm thời trên bước thang tiến hóa. Nó là đối tượng của dục vọng, là nguồn gốc của khổ đau và lệ thuộc ở Ngũ Uẩn. Nói một cách khác, khi tiến đến một nấc thang tiến hóa nào đó, cụ thể là Sơ Thiền Hữu Sắc, thì muốn hay không, dù có luyến tiếc cách mấy, chúng ta cũng phải nói lời chia tay với Libido. Làm sao chúng ta không luyến tiếc cho được, vì nó chính là tác nhân của Thẩm Mỹ Học. Biết bao nhiêu tác phẩm Hội Họa, Văn Chương, Âm Nhạc, Khoa Học … đều xuất phát từ Bản Năng Tình Dục của con người. Thiếu vắng
Bản Năng Tình Dục, xã hội con người sẽ tự diệt vong. Rất mong quý độc giả đừng đánh giá quá thấp Bản Năng Tình Dục quý báu của con Người.

Theo Phân Tâm Học, để tránh tạo ra dồn nén, thì
Bản Năng Tình Dục có hai lối thoát: Thăng Hoa và Đồi Trụy. Thí dụ chúng ta đầu tư vào thể dục, lao động trí óc, sáng tác … đó là một dạng Thăng Hoa. Đây là cách khôn khéo sử dụng Bản Năng Tình Dục có lợi cho mình, cho xã hội. Ngược lại thì quý vị cũng biết …




Sau đây là cách chọn Đối Tượng để Quán Tưởng:

Chúng ta nên chọn Đối Tượng Trung Tính, không có Nhân, vì nó không câu hữu với: Tham, Sân, Si hoặc Vô Tham, Vô Sân, Vô Si.

Thí dụ: Mặt Trăng / 1 bông Hoa Hồng / 1 ánh sáng đèn led / 1 viên bi (có màu sắc rõ ràng)

Còn rất nhiều những Đối Tượng khác mà quý vị có thể tự lựa chọn, nhưng xin nhắc lại, nên chọn những Đối Tượng là không Nam tánh, không nữ Tánh, Vô Nhân như đã nói ở trên.

Để ghi nhớ hình ảnh của những Đối Tượng mà chúng ta có ý định sử dụng để Quán Tưởng, trước nhất chúng ta phải quan sát hình ảnh đó cho kỹ. Thực tế chúng ta có thể làm như thế này: Mở máy computer, chọn hình ảnh "MặtTrăng" nào gây ấn tượng nhất cho chúng ta, ngắm nhìn cho kỹ, sau đó nhắm mắt lại để hình dung hình ảnh xem có rõ ràng hay chưa, nếu chưa đạt được yêu cầu thì nhắc lại thao tác.

Tư thế nào là tốt nhất khi Thiền Định?

Các tài liệu chuyên ngành nói chung, đều nhắc nhở người tu Thiền Định, nên chọn vị thế đơn giản, dễ thực hiện, cảm thấy thư giãn thoải mái. Vị thế ngồi chỉ là một phương tiện giúp chúng ta tu
Thiền Định, chứ không phải mục đích chúng ta tập ngồi.

Khi bước vào công phu thực sự, tốt nhất nên chọn một vị thế quen thuộc. Quý hành giả nên kiểm soát cách ngồi, kiểu ngồi xem liệu có thể ngồi lâu dài được hay không?

Nên tránh những vị thế kiểu cọ cầu kì, nặng về hình thức, nhìn đẹp mắt … nhưng không vững chắc hoặc gây tê buốt vì nó sẽ dẫn đến hệ quả là tinh thần căng thẳng không thể ngồi được lâu dài.

Có thể thực hành Thiền Định ở mọi tư thế đi đứng nằm ngồi không?

Một số Thiền Sư đạo cao đức trọng hay quả quyết một điều mà chính họ cũng không làm được là: Đi, Đứng, Nằm, Ngồi đều Thiền Định được cả.

Cách mô tả này là nhái theo mô hình "đại ngôn" của người Trung Quốc. Nếu chúng ta tin rằng Ngài Sakya Muni là một nhân vật có thật, thì theo truyền thuyết Ngài cũng phải ngồi nhiều ngày dưới cây Bồ Đề trong một cuộc Đại Định có một không hai, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hành Thiền. Nếu quý vị nào nghĩ chuyện này chỉ là hư cấu thôi, thì rõ ràng người viết lại câu chuyện này với khả năng tưởng tượng phong phú cách mấy, cũng chỉ dám tưởng tượng quá lắm là Ngài Sakya Muni ngồi dưới cây Bồ Đề, chứ không hề có việc đi đứng lung tung mà Nhập Định.

Trên thực tế hành Thiền có lẽ quý hành giả cũng rút ra được từ chính kinh nghiệm bản thân là chẳng có cách nào Đi Đứng mà Nhập Định được.

Cách ngồi Kiết Già có phải là cách ngồi tốt nhất không?

Cách ngồi Kiết Già rất khó thực hiện. Nếu muốn, người ta phải tập luyện từ nhỏ. Điều này hoàn toàn nghịch lý, vì khi còn nhỏ thì ngồi dễ dàng, nhưng thực tế thì hiếm có ai tu Thiền Định từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, muốn tu Thiền Định thì ngồi
Kiết Già không được; nếu có ngồi được thì cũng rất đau đớn, không thể ngồi lâu. Việc đau đớn là tất nhiên vì giây thần kinh, mạch máu bị ép quá lâu trong 1 tư thế. Những người dạy Thiền cứ cố tạo ra một mô hình làm cho mọi người mơ ước, mà không thực hiện được.

Vị thế Thiền Định nào phù hợp với thế giới khách quan tự nhiên,
qua kinh nghiệm thực tế ?

Những cuộn phim ghi lại hình ảnh về người tu Thiền Định cho thấy những người tu trong vị trí ngồi (ngồi bao lâu thì chúng ta không biết) đổ sụp xuống.

Ở Tây Tạng, những người tu chuyên nghiệp sử dụng một cái hộp bằng gỗ, có chỗ để tựa lưng, và có một sợi giây để cột người tu khỏi đổ sụp (giống như seat belt của xe hơi). Việc này cho chúng ta thấy về cấu tạo cơ thể học của con người, thì cũng chẳng ai Thần Thánh hơn ai. Khi ngồi lâu và Nhập Định mất ý thức hoặc ngủ gục, đều sụp xuống.

Tuy nhiên có một câu chuyện nhỏ sau đây, đã được tường thuật từ kinh nghiệm của một người tu Thiền Định. Họ kể lại rằng trong lúc nhập định, thì bỗng dưng một hiểu biết đến trong ý thức của họ, là một người ngồi sếp bằng (hình ảnh ngồi Thiền khá phổ thông của người Á Châu), trông giống với hình thể của một cái chuông lớn ở trong Chùa. Mọi người đều biết, cái chuông phát ra âm thanh "Om"; mà âm thanh này là nguồn gốc của tất cả các âm thanh. Do đó cách ngồi sếp bằng, là mô phỏng theo mô hình của cái chuông, phù hợp với hình thể của thế giới khách quan tự nhiên.




Tập trung vào Đề Mục như thế nào?

Sau khi điều thân, giữ hơi thở bình thường, tay phải để trên tay trái, nhắm mắt lại một cách nhẹ nhàng, tập trung vào huyệt Ấn Đường (người ta còn gọi là Luân Xa Ajna). Giả sử chọn Mặt Trăng là Đối Tượng Thiền Định, chúng ta cố tưởng tượng, nhìn thấy hình ảnh "Mặt Trăng", gãy góc, sắc nét, độ phân giải cao. Tự nhắc nhở mình như sau: 

"Tôi chú Tâm vào hình ảnh Mặt Trăng, đến nỗi tôi không còn biết gì đến xung quanh".

Nhắc đi, nhắc lại ý nghĩ này, đồng thời cố hình dung tưởng tượng ra hình ảnh "
Mặt Trăng" (thuật ngữ chuyên môn gọi là Sắc Pháp). Liên tục nhắc đi, nhắc lại lời nói như trên …

"Tập Trung Tư Tưởng vào một Đối Tượng duy nhất" là "
Mặt Trăng" … đến mức độ mọi đối tượng khác đều biến khỏi phạm vi nhận thức …

Hãy suy nghĩ là tôi tập trung tư tưởng một cách mãnh liệt vào một Đối Tượng duy nhất là "
Mặt Trăng" … Tôi không còn biết gì đến xung quanh … Đến một lúc hành giả sẽ thấy "Mặt Trăng" với "mình" là một.

Việc tập trung cần phải có 3 tính chất sau:

     * Cao độ * Cường độ * Trường độ

Diễn tiến này là một diễn tiến tích cực, ai cũng mong muốn xảy ra.

Ở đây xin nhắc thoáng qua một chút về lý thuyết. Khi làm những việc trên, là chúng ta đang cố ý biến đổi một Đối Tượng từ "vật chất" qua "tư tưởng", rồi Đối Tượng này được định vị ở các Sát Na Tâm của luồng Tốc Hành Tâm (Javana). Nói tóm lại, thao tác này hy vọng đưa đến Định Tâm, vượt qua cảnh Định Dục Giới. Thực tế rất nhiều trường phái (Quán Phật A di đà,
Quán Phật Bà Quan Âm, Quán Dakini hoặc Yidam …) rơi vào Định Dục Giới một cách vô tình mà mình không hay biết. (Việc này sẽ được giải thích cặn kẽ ở phần sau). 



Làm sao để đánh giá được mức độ chú tâm?

Đây là một câu hỏi khá đơn giản, nhưng câu trả lời không phải là dễ dàng. Chúng tôi xin đề xuất lại phát biểu sau đây:

  
     * Chú Tâm vào một Đối Tượng nào đó (Mặt Trăng chẳng hạn) ...
     chúng ta hoàn toàn không còn biết gì đến xung quanh chúng ta.
    
* Chú Tâm đến nỗi mình thấy mình là một với Đối Tượng (Mặt Trăng) đang chú Tâm.

Nếu quý độc giả suy nghĩ Nhập Tâm và triển khai trên thực tế như vậy, thì hy vọng là sẽ có kết quả, có thể làm cho độc giả ngạc nhiên.

Nếu Định Tâm chỉ đơn giản vậy, thì tại sao ít người làm thành công?
Một cách kinh điển người ta cho rằng, có 5 thứ trở ngại cho việc hành Thiền là: 

Sân Hận / Tham Dục / Hôn Trầm / Phóng Tâm / Hoài Nghi. Thế nhưng chúng ta đừng nản lòng vì những trở ngại này thì ai cũng là nạn nhân cả.

Diễn tiến tiêu cực thường xảy ra như sau:
Chúng ta cố gắng để hình dung Đối Tượng Quán Tưởng, mạnh nhất, rõ nhất, liên tục nhất trong tưởng tượng. Nhưng khi càng cố đi tìm, càng cố duy trì … thì những tư tưởng khác lại xen vào. Đó được gọi chung là Phóng Tâm.

Chúng ta biết rõ điều này, nên vẫn cố gắng tiếp tục. Nhưng hiện tượng này không phải là quá dở như mọi người nghĩ. Lý do là vì chính việc cố gắng đi tìm Đối Tượng, duy trì Đối Tượng một cách vất vả, mệt nhọc, đã làm cho Tâm chúng ta phải cố gắng chú Tâm vào chính việc đi tìm này và bất chợt đạt được Tâm An Chỉ trong các Tốc Hành Tâm. Nói một cách khác, phản ứng phụ, phản tác dụng của việc Chú Tâm vào một Đối Tượng (ở đây là Mặt Trăng), lại hóa ra hay, phụ thành chánh và chánh lại trở thành phụ. Mặt Trăng quán chưa ra nhưng nhờ phản ứng phụ là Phóng Tâm trong thao tác này, lại làm cho chúng ta Nhập Định được. Việc này có thể đã xảy ra nhiều lần với nhiều quý độc giả, làm cho quý độc giả ngỡ ngàng không hiểu tại sao. Thật ra diễn tiến của hai tiến trình nói trên, vẫn nằm trong tiến trình kinh điển của việc nhập định là: Tầm, Tứ, Nhất Tâm … Quý độc giả thử xem lại nhận xét trên có đúng hay không?

Nếu Nhập Định được thì hành giả sẽ tiến vào Cảnh Thiền Hữu Sắc?

Phần trình bày trên là bước cơ bản, để chúng ta bước qua ngưỡng cửa của ý thức để tiến vào lãnh thổ của Thiền Hữu Sắc.

Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, là quý hành giả rất cần phân biệt một cách rõ ràng rằng: Không phải cứ Định Tâm, là chúng ta đã bước vào Cảnh Thiền Hữu Sắc. Chính vì sự hiểu lầm này mà có quá nhiều cuộc tranh luận dường như bất tận, trên các diễn đàn tu tập.

CTR sẽ giải thích kỹ hơn về nền tảng của cách thực hành tu tập đã trình bày trên đây trong phần: "Thiền Định Lý Thuyết 1".




8 comments:

Xin kính chào quý bác trong nhóm CTR, Tam tiểu thư!
2 ì ạch thật không biết nói gì, chỉ biết là vô cùng phấn khởi. Từ nay quyết theo giáo trình này mà tập luyện cho tới khi nào "ngủm củ tỏi" thì thôi. Việc thành - bại để....kiếp sau tính tiếp, kiếp này 2 ì ạch tui tự biết mình "Phước mỏng, Nghiệp dày" nên chỉ biết cố gắng hết sức tập trung tập luyện thôi, không dám mơ gì cả.
@ "Tào lao xịp bụp": cảm ơn bạn đã quan tâm đến một kẻ ì ạch như 2 tui nhé.
Một lần nữa tui xin kính chào và gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Tổng quản, CTR và Tam tiểu thư!

Xin phép được góp ý!
2 ì ạch tui đã đọc kỹ phần I này. Xin phép được góp ý như sau: huyệt Ấn đường, chính xác là chỗ nào, rất mong Tam tiểu thư cho thêm cái hình để tụi tui xác định cho nó chính xác. Vì tui thấy có tài liệu nói là điểm giao nhau ở giữa 2 chân mày; có tài liệu lại nói trung tâm Ajna là giữa trán.
Kính!

Bài viết đã mô tả một cách rất chi tiết, tỉ mỉ các công đoạn của một quá trình thực hành thiền định. Các câu hỏi được đặt ra sẵn và trả lời tường tận. Đây giống như một giáo trình của một Giáo sư giảng dạy đã hiểu được hết tâm lý và thắc mắc của học viên.

Người viết đã truyền đạt lại kiến thức cho Độc giả theo một phương pháp sư phạm hoàn chỉnh nhất - Đó là làm cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng vào thực hành.

Tuy nhiên, Tác giả đã sử dụng mấy từ Nước ngoài mà chưa được dịch ra sát ý với tiếng Việt. (Không phải 100% Độc giả đều sử dụng được Ngoại ngữ đâu ạ.)

Ví dụ như từ: Seat belt

Đây là từ tiếng Anh, mà nghĩa của nó là “cái dây an toàn”. Nhưng Tác giả lại chỉ nói là “ giống như seat belt, giống như trong xe hơi.”.Theo ý em hiểu thì ý Tác giả là: Giống như cái dây an toàn ở chiếc ghế của xe hơi. ( Cũng may mấy từ đó không quan trọng vì nó không ở trong phần kỹ thuật Thiền Định ).


Ngoài việc chỉ dạy về kỹ thuật, Tác giả cũng quan tâm, trình bày tường tận những vấn đề của cuộc sống như sức khỏe và bản năng tình dục - cũng là nhu cầu tự nhiên của đời sống Con Người.

Và những điều trên đã giải quyết được những băn khoăn, e ngại và thắc mắc của rất nhiều người, nhất là những Cư sĩ tại gia. Họ sẽ không còn phải e ngại hoặc dồn nén cuộc sống sinh lý - mà đời sống sinh lý là điều cần thiết cho những người Bạn đời sống bên cạnh họ. Và đó cũng là cách giữ gìn Tổ ấm cho gia đình ( những tế bào của Xã hội ). Những “ Tế bào Xã hội ” này khỏe mạnh thì sẽ có một xã hội khỏe mạnh, văn minh và từ đó có thể tập trung vào xây dựng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Con Người.

Và hơn nữa điều này cũng giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc khuyến khích người Bạn đời và những người thân của mình cùng tham gia tu tập.

Xin cảm ơn tác giả!

Chúng em rất mong mỏi được đón nhận những phần tiếp theo của giáo trình này ra đời.

Một lần nữa xin cảm ơn Tác giả và chân thành cảm ơn CTR!

Xin cho em hỏi:

1. Về phần tư thế Thiền định: Tác giả nói rằng chọn tư thế nào mà cảm thấy thư giãn và thoải mái nhất. Vậy nếu như những người hay bị đau lưng do thoái hóa cột sống và không thể ngồi lâu thì có thể chọn tư thế nằm khi Thiền định được không ạ?

2. Sau khi điều thân, tư thế ngồi thiền là "tay phải đặt lên tay trái". Điều này có ý nghĩa hay tác dụng gì không? Tay trái có thể đặt lên tay phải được không? Việc hai tay đặt lên nhau này là tạo tư thế tập trung tốt hơn hay có tác dụng thu hút năng lượng của Vũ trụ?
Hay có ý nghĩa nào khác không?

3. Nếu không ngồi được mà nằm Thiền thì hai tay không thể đặt lên nhau giống như tư thế ngồi. Vậy có thể thả lỏng hai tay, đặt lên bụng một cách thoải mái nhất được không?

4. Sẽ có rất nhiều Độc giả cũng có chung ý kiến giống như Độc giả 2 ì ạch, vì họ sẽ không hiểu trung tâm Ajina ( hay còn gọi là huyệt Ấn đường) ở đâu. Vì vậy ngoài phần lý thuyết, xin CTR cho thêm những hình vẽ minh họa cụ thể để cho Người thực hành dễ hiểu và làm theo.

@ 2 ì ạch:
Anh 2 ì ạch thân mến!

Theo em hiểu thì Ajina là cái huyệt ở trên trán, ở giữa phần hai chân lông mày giao nhau, nhưng cách chân lông mày lên phía trên trán khoảng 1cm. Nhưng điều này còn tùy vào cấu tạo cơ thể và phần trán cao thấp khác nhau của từng người. Em nghĩ tốt nhất là anh chờ nghe câu trả lời của Tam Tiểu Thư hoặc chờ xem phần minh họa dẫn dắt của CTR.

Xin chúc anh 2 ì ạch cùng Bà con tinh tấn và an lạc

Kính chào!
TLXB đã rõ các bước chuẩn bị cơ bản trước khi vào Thiền rồi. Việc "tình dục" cũng đã được nói rõ, nhưng còn cái việc "ăn uống" và "ăn nói" thì không thấy đề cập tới. Cái vụ này theo TLXB thì cũng cực kỳ quan trọng không kém chuyện tình dục đâu. Ở một bài viết nào đó của CTR, TLXB nhớ mang máng đại ý là: phải có một đời sống trong sạch như thế nào đó thì mới tương ứng với cảnh giới Thiền nào đó. Theo cái hiểu của TLXB thì muốn tiến tu thì phải giữ Giới, chứ không thể tuỳ tiện ăn uống (ý là ăn mặn), ăn nói xạo sự sao cũng được, không biết hiểu như thế có trật đường rầy không. Rất mong TTT bổ sung thêm vào giáo trình cái mục "ăn uống" và "ăn nói".

Anh Tào Lao Xịt Bụp thân mến!

Đây là giáo trình Thiền Định dạy về lý thuyết và cách thực hành. Hay nói cách khác là dạy về kỹ thuật là chính. Nếu như lại còn dạy cả về tư cách đạo đức thì cũng... hơi kỳ.

Tất nhiên khi tu hành thì việc ăn chay trường là tốt nhất. Nhưng cũng có những người chưa ăn được chay trường thì họ sẽ không dám thực hành nữa hay sao. Và tất cả chúng ta cũng biết chuyện “ ăn nói” thì không chỉ những người theo Đạo Phật mà ngay cả những chuẩn mực đạo đức của Xã hội ( không những chỉ phương Đông mà cả phương Tây ) đều mong muốn mọi Công dân của mình có ứng xử văn hóa, văn minh, không nói những lời thô lỗ, tục tĩu, vô văn hóa cùng những hành vi không đúng Nhân cách...

Những người có Văn hóa ngoài Xã hội cũng đều mong muốn điều đó, huống chi chúng ta là những người con của Đạo Phật càng nên phải giữ gìn lời ăn tiếng nói cũng như hành vi của mình.

Nếu những ai mà có thói quen nói những lời nói chưa đẹp trong cuộc sống hàng ngày thì em nghĩ cũng nên sửa lại mình. Vì tất cả con người chúng ta ai cũng đều muốn hướng tới : " Cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ". của cuộc sống. Đó là sự chân thực, sự hướng thiện và cả những nét đẹp từ lời ăn tiếng nói, hành động cử chỉ của Con Người.

Nếu chúng ta nhìn thấy một ngôi nhà đẹp, một con người đẹp hay những bông hoa đẹp chúng ta có thích không? Bản thân em là một phụ nữ mà em nhìn thấy một phụ nữ đẹp em cũng thấy thích. Nhưng chúng ta còn thích hơn nếu xung quanh ta mọi người đều nói những lời hay, ý đẹp. Và còn vui hơn nữa nếu chúng ta gặp gỡ và tiếp xúc với những con người ăn nói văn minh, nhẹ nhàng, lịch sự.

Tất cả mọi Con Người đều muốn người khác cư xử với mình bằng những tình cảm chân thật, bằng lòng từ bi, bác ái, và bằng những hành vi và cử chỉ đẹp.

Nhưng trước tiên, chúng ta đừng đòi hỏi mọi người cư xử như thế nào. Hãy bắt đầu từ chúng ta trước.

Em xin cảm ơn Tào Lao Xịt Bụp với những đóng góp ý kiến như trên!

Xin kính chúc Bà con cô bác chúng ta cùng tinh tấn!

Hoa Đồng Nội

Anh Tào Lao Xịt Bụp thân mến!

Vừa rồi HĐN đã hiểu sai ý của anh rồi. Xin lỗi anh nghe!

Như vậy cái từ " ăn nói xạo sự " của anh ở đây là không được nói dối.

Và ý của anh TLXB là " Ăn " thì phải ăn chay, mà " Nói " thì phải ăn ngay nói thật, không nên nói dối.

HĐN rất đồng ý với quan điểm của anh về chuyện " Ăn" và " Nói"

Nhưng đôi khi có những người chưa ăn được chay trường thì cứ khuyến khích họ ăn dần dần cũng được. Vì ăn chay là tránh được sát sinh, em cũng ủng hộ quan điểm này lắm!

Tuy nhiên có những người chưa ăn được chay mà cứ ép họ ăn chay thì họ sợ chẳng dám tu Thiền Định nữa.

Còn chuyện " Nói" thì chúng ta cũng nên ăn ngay nói thật, không nên nói dối hay còn gọi là nói xạo ( theo tiếng miền Nam ).

Tuy vậy, trong cuộc sống, nếu nói những lời không chân thật mà để cho người khác không đau lòng cũng nên làm.. Còn chuyện nói dối hại người mới đáng ngại. Tuy nhiên theo em thì chúng ta cũng tránh nói dối càng nhiều càng tốt, vì nói dối là những điều không được khuyến khích với người tu hành.

Và cũng như anh nói: Muốn tiến tu thì phải giữ giới, không được nói dối. Em rất đồng tình và ủng hộ quan điểm của anh

Chúc anh vui, khỏe, hạnh phúc và an lạc!

Chào cả Nhà!
Những bài viết trên trang vidieuphapCTR tuyệt vời trên cả tuyệt vời đúng không các bạn?TN rất mang ơn nhóm CTR và để tỏ lòng biết ơn TN cố gắng công phu ,bên cạnh đó ,TN không quên copy các bài của CTR qua trang blogspot và facebook của mình ,hy vọng cùng san sẽ những niềm vui hạnh phúc với tất cả mọi người.
Niềm mơ ước của TN mong các bạn là những" Ngọn Nến Tiên Phong" vì tất cả các bạn được tính là có duyên rất sớm với nhóm CTR nói riêng và chân lý chánh pháp nói chung,hãy cùng nhau thắp sáng chân lý này!
Hãy chia sẽ và thắp sáng để mỗi cá nhân là một Ngọn Nến!
Kính chúc Cả Nhà an lạc ,mạnh khoẻ và tinh tấn công phu.
@Cố gắng hành Bát chánh đạo !

Đăng nhận xét