Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 26

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 26: Ðối Thoại của Ông Tổng Quản & Độc Giả - Phần 2

             - Tình Dục, Giấc Mơ, Bảo Vệ & Phản Biện.
             - Ðọc Kinh & Trì Chú: Thực sự có Chân Ngôn hay không?
             - Vấn đề giữ Giới.


- Cô Tâm Như: Ông Tổng Quản ơi, tôi nghĩ rằng bản năng tình dục thì cũng giống như những bản năng khác thôi. Thí dụ như đói thì cần phải ăn chứ. Nếu đói mà không ăn thì sẽ chết đói. Chuyện tình dục thì cũng thế thôi. Tình dục đúng nghĩa thì nó là sự thăng hoa của tình yêu mà. Nhân gian thường cho là: “Sống mà không có Tình Yêu thì như Chết mà biết Thở.” Nhà thơ Xuân Diệu cũng nói rằng:

Làm sao sống được mà không Yêu,
Không nhớ, không thương một kẻ nào?"

Tôi nghĩ ông thì trí tuệ cũng hơi bị nhiều, vậy ông có ý kiến gì không? Đừng nói với tôi là nên sống một mình, hoặc cứ sống 2 mình nhưng phải dẹp tình dục qua một bên nha ông. Tôi thì rất thích Tu Thiền Định, nhưng vấn đề là làm cách nào để dập tắt được bản năng này chứ?

- Ông Tổng Quản: Thế này cô nhé, để tránh thái độ chủ quan, chủ nghĩa duy tiêu cực, thì thiết nghĩ rằng nếu chúng ta đã đề cập đến Bản Năng Tình Dục và Giấc Mơ ở góc cạnh tiêu cực, thì nay chúng ta cũng thử đề cập đến góc cạnh tích cực, của hai đề tài nói trên. Cô đồng ý không?

- Cô Tâm Như: Ông Tổng Quản à! Ông có lầm không vậy? Tôi tuy chẳng thâm sâu gì Phật Giáo, nhưng khi đề cập tới giới của Phật Giáo, thì người ta thường hiểu như là mình không nên có những hành động liên quan đến: Sát, Đạo, Dâm … Còn chuyện Giấc Mơ thì ít khi nào có Giấc Mơ đẹp. Phần lớn các Giấc Mơ là vô nghĩa hoặc rất dễ sợ … Nói cách khác là Ác Mộng đó ông.
- Ông Tổng Quản: Có lẽ chính vì hầu hết mọi người, ai cũng nghĩ như cô vừa nói xong; do đó tưởng không phải là thừa, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu nhiều hơn, để có được cái hiểu biết đúng đắn hơn, rất có lợi cho tâm lý mình khi Tu Thiền Định. Chính vì không hiểu rõ nên mình luôn luôn tự trách mình. Chúng ta hay tự trách mình là tại sao tôi lại tồi tệ, xấu xa như thế này? Hoặc tại sao khi người khác tu thì họ rất thanh cao thánh thiện, còn tôi duy nhất là người tội lỗi … nên mình phát sinh mặc cảm tự ti.

Thưa cô Tâm Như!

Tôi muốn cô hiểu được rằng những thành quả vĩ đại, về vật chất cũng như tinh thần mà con người đã đạt được qua chiều dài của lịch sử, là hệ quả của bản năng tình dục được thăng hoa. Khoa Tâm Lý học cho biết hầu hết các nhà bác học, các nghệ sĩ … đều có bản năng tình dục mạnh hơn người thường rất nhiều. Đúng ra phải nói rằng nếu không có tình dục thì sẽ chẳng có gì cả: Nghệ thuật, phát minh … thậm chí không có cả lịch sử con người; vì con người có tồn tại đâu mà có lịch sử. Nói một cách khác, lịch sử con người là con số không nếu không có bản năng tình dục.

Không ai dám khẳng định là con người xuất hiện bắt đầu ở đâu và từ lúc nào trên trái đất này. Nhân chủng học thì cho rằng dường như con người xuất hiện lần đầu tiên ở lục địa Phi Châu; còn theo Kinh Thánh, thì Adam và Eva xuất hiện ở vườn Địa Đàng … Thế nhưng tất cả chỉ là giả thuyết.

- Cô Tâm Như: Ông Tổng Quản ơi, vậy là ông không biết rồi. Tôi nghe nói là con Người tiến lên từ loài Khỉ đó ông ơi. Mỗi lần đi chơi trong khu du lịch Sinh Thái, tôi hay tranh thủ ngắm nhìn mấy con Khỉ và tự hỏi rằng không biết đến thời gian nào thì con những con Khỉ này sẽ tiến lên thành Người đó ông. Mà cũng kỳ lạ thật đó, dường như con Khỉ ngày xưa mới biến thành người được, còn con Khỉ ngày nay chắc không biến ra người được nữa thì phải.
- Ông Tổng Quản: Đúng rồi, thuyết Tiến Hóa thì cho biết con người tiến lên từ loài Linh Trưởng. Tuy nhiên, thuyết này càng ngày càng bộc lộ những yếu kém. Mẹ ruột của lý thuyết Tiến Hóa từng nói “Con có thể là con của loài Khỉ, nhưng Mẹ thì không”. Tài liệu Missing Link đã tiết lộ, chiếc răng mà người ta cho là của một sinh vật đang tiến hóa, giữa Người và Khỉ là ngụy tạo. Chính nhà bác học, tác giả của công trình này đã thú nhận như vậy! Ðến ngày hôm nay, ngoài suy luận bằng lý thuyết thì chẳng có một chứng cứ cụ thể nào, có thể bảo đảm là loài Khỉ là tổ tiên của con người. Chẳng cần phải có một kiến thức quá ư là hàn lâm về Nhân Chủng Học, cô vẫn nhận ra điều này: Nếu lý thuyết Tiến Hóa về tiến trình của con người là đúng, thì chúng ta đã không tìm thấy trong lịch sử cũng như ở hiện tại này, một không gian nào đó, có những tổ tiên loài người đang tiến hóa. Nói cách khác là có một sinh vật nào đó, đang ở trạng thái giữa Người và Khỉ.

- Cô Tâm Như: Chắc ông nói đúng đó. Chính xác nhất thì con người đẻ ra con người. Hành động giao phối; một biểu hiện cụ thể của bản năng tình dục, là hành động cần thiết để xã hội loài người nói riêng và đa số sinh vật nói chung trên hành tinh này tồn tại và phát triển.
- Ông Tổng Quản: Nếu việc giao phối không đưa lại khoái cảm lớn lao, xét về mặt bản năng như là một mục đích, thì chưa chắc sinh vật nào lại chấp nhận việc giao phối, con người cũng chẳng ngoại lệ. Có lẽ nếu có một Thượng Ðế, thì ngài đã phải suy tư mất nhiều ngày nhiều đêm, để tạo ra bản năng này, tạo ra động cơ để con người chấp nhận giao phối.

Chúng ta thử hình dung, nếu một ngày nào đó, Thượng Ðế vì một lý do chủ quan hay khách quan, thí dụ như Thượng Ðế thấy các bệnh truyền nhiễm không thể kiểm soát được, thuốc điều trị HIV Truvada không hiệu quả như lúc thử nghiệm … thì Ngài buộc lòng phải tước đoạt bản năng tình dục của con người. Hệ quả thật tai hại khôn lường. Thiếu tuyến nội tiết của giống đực hoặc giống cái, con người uể oải, yếu đuối, tinh thần cũng như vật chất chẳng muốn làm gì cả … Thế nên việc giao phối chỉ còn là kỷ niệm của dĩ vãng, được người ta kể cho nhau nghe trong tiếc nuối! con người già đi … trẻ em không được sanh ra, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đương nhiên là phải đóng cửa. Bác sĩ, y tá thất nghiệp, các hoạt động xã hội chậm lại từ từ, không điện, không nước, không thực phẩm, không giao thông, xã hội từ từ tê liệt. Thượng Ðế hoặc ai đó có một lương tri lành mạnh, có lẽ không bao giờ mong muốn một kịch bản của xã hội loài người như mô tả ở trên.

Có lẽ nhân loại nên cám ơn Thượng Ðế, đã ban tặng cho con người một quà tặng thật quý giá, đó là bản năng tình dục.

- Cô Tâm Như: Nãy giờ nghe ông nói, tôi thấy cái nhìn của ông có vẻ chịu chơi so với các Thiền Sư khác. Ít có người thầy dạy Tu Thiền chịu nói thẳng thắn về vấn đề này lắm. Theo ý kiến của ông thì bản năng tình dục xấu hay tốt? Chúng ta phải hiểu thế nào về bản năng tình dục?
- Ông Tổng Quản: Có lẽ bản năng tình dục, bản chất chẳng xấu cũng chẳng tốt, mà lệ thuộc ở con người có lương tri, tri thức luận lành mạnh để sử dụng nó. Chắc mọi người còn nhớ, có một tài liệu đã được in tại Việt Nam có nhan đề “Tu mau kẻo trễ”. Ta thử hình dung, một xã hội mà tất cả mọi người đều đi Tu thì xã hội đó sẽ ra sao?

Những tiện ích xã hội: Giao thông vận tải, điện, nước, thực phẩm … nói tóm lại là những nhu yếu phẩm, ai sẽ đứng ra đảm trách? Có một tài liệu thống kê đã đưa ra một xếp hạng từ cao đến thấp về mức độ làm lợi ích cho xã hội. Bảng thống kê này sắp xếp như sau: Sĩ quan quân đội, cảnh sát, điều dưỡng viên … là những người có lợi cho xã hội nhất và đứng đầu bảng. Ngược lại, thầy tu và những cô gái hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục là những người không có lợi cho xã hội nhất, được sắp ở thứ hạng 27. Thông tin này chỉ mang tính chất thông tin thuần túy, không có ý định đề cao hay phản bác ai đó.

- Cô Tâm Như: Tôi nghe ông nói, có lẽ cũng giải tỏa được một phần lớn những mặc cảm, những tự ti không có thật. Tôi cảm thấy yên tâm nhiều hơn trên con đường tu đạo. À Ông Tổng Quản ơi! Theo như lời ông nói, thì Giấc Mơ cũng có mặt tích cực của nó, ông có thể trình bày cho tôi nghe được không?
- Ông Tổng Quản: Bình thường ai cũng phải sinh hoạt trong một xã hội nào đó, kể cả người tu. Và xã hội nào cũng có những chuẩn mực quy ước do con người đặt ra hoặc tự hình thành. Vì xã hội buộc mỗi con người phải kiềm chế nhiều ham muốn, nên ý thức của tất cả mọi người chỉ chấp nhận, tiếp nhận một số hiện tượng khách quan mà mình cho là phù hợp. Nó chỉ đi vào khu vực ý thức khi đã được kiểm duyệt, dù trong lúc tỉnh hay trong giấc mơ, nên mỗi cá nhân đã vô tình tích trữ nhiều “dồn nén”. Bình thường thì ý thức con người vẫn thành công trong việc ngăn trở, không cho “những sức mạnh vô thức đen tối” bị dồn nén kia xuất hiện. Chính vì lý do này, những hiện tượng khách quan không được ý thức chấp nhận, trở thành những kẻ vô gia cư, lang thang không biết đi về đâu. Nó phải tự tìm ra một con đường, là đi vào căn phòng kế bên vô ý thức, sống ở đó ngoài vòng kiểm soát của ý thức. Nhưng cư dân ở vô ý thức một ngày một đông, tạo ra áp lực dân số, những cuộc tranh chấp nội tâm, bản chất của sự dồn nén. Ai đó không thể giải quyết được nạn nhân mãn này, thì có thể từ thác loạn tâm lý cho đến trở thành điên. Thượng Ðế cũng khá tinh vi và cẩn thận, đã trang bị cho khu vực này một bộ phận tự xả an toàn, công cụ đó chính là: Giấc Mơ. Theo Phân Tâm Học, Giấc Mơ là một công cụ cần thiết để giải thoát ẩn ức, nếu không có công cụ này thì con người không thể chịu đựng được, khi dồn nén vượt qua một giới hạn nào đó.

Lại một lần nữa chúng ta nên cám ơn Thượng Ðế, đã ban cho chúng ta một công cụ, khả năng nằm mơ.

- Cô Tâm Như: Mỗi ngày tôi Trì Chú Đại Bi 108 biến, khi rảnh tôi xem giáo lý Phật giáo, khi đi tập thể dục hay đi chợ tôi luôn niệm ADIDAPHAT hoặc Trì Chú trong Tâm. Phần này nhờ ông Tổng Quản chỉ dạy thêm, bởi khi tôi Trì Chú hay niệm Phật thì Tâm tôi Thanh Tịnh hơn nhiều so với trước khi Thiền Định. Nhưng theo ông Tổng quản nói là thời Đức Phật không có Tụng Kinh Trì Chú ... vậy thời nay mình có thể làm vậy không? Khi tôi nhổ cỏ thì Tâm tôi đặt nghi vấn: "nó cũng là một chúng sanh, nó cũng có sự sống, vậy thì tôi có sát sinh một sinh linh nhỏ bé không?". Tôi Trì Chú Đại Bi cho các chú Sâu bé nhỏ và các chú Ốc Bưu ... nghe. Không hiểu sao khi tôi muốn mở miệng nói chuyện gì, tôi luôn nói chuyện tốt, lúc đó tôi cũng chưa rõ đó là Bát Chánh Đạo. Tôi nghe hầu hết các bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa, càng nghe tôi càng thấm thía, càng thấm nhuần trong Tâm trí tôi, tôi càng thương cho các bạn đồng cảnh ngộ với tôi, vì nơi tôi ở chỉ là tiếng hoa (Taiwan), và bấy giờ đa số họ không biết xử dụng vi tính nên tôi phát Tâm in ấn sách, đĩa CD, VCD mong tất cả các bạn ấy được nghe thấy. Hầu như tất cả mọi nơi đều có sách Phật Giáo bằng tiếng Việt gần nơi tôi cư ngụ, sau đó tôi làm Blog và phát triển phổ biến Giáo Pháp Phật. Sau này mới biết "tu là phải có phương pháp tu, tu cho chính mình, chứ không phải chạy lòng vòng bên ngoài, đó chỉ là lót đường cho việc tu sau này thôi, không phải là giải thoát sanh tử"!

- Ông Tổng Quản: Cô Tâm Như à! Một con người bình thường như cô, như tôi, như quý độc giả, chẳng có ai bẩm sinh là chuyên viên, chuyên gia về bất cứ lãnh vực nào cả. Thật vậy, nếu có khả năng gì hơn người, thì người ta đã gọi là thần đồng … Tuy nhiên, các khảo cứu cho thấy, hy vọng của con người vào thần đồng sẽ có những phát minh có lợi cho nhân loại, là việc không có thực.

Lần đầu tiên tiếp cận với bộ môn nào đó, tất cả chúng ta chỉ là một A ma tơ (Amateur) … vì vậy chúng ta lầm lẫn đủ thứ từ việc chọn môn học ở Ðại Học, chọn mua một cái xe, chọn một cô vợ, một ông chồng … Đối với Tôn Giáo cũng chẳng ngoại lệ. Việc này lại càng nổi bật khi chúng ta tiếp cận với Phật Giáo. Khi có cơ hội nào đó lần đầu tiên trong đời, cầm một tài liệu liên quan tới Phật Giáo, chúng ta mang tâm trạng trân trọng, cho đó là một cuốn kinh, vì thực sự chúng ta cũng chẳng hiểu các tài liệu của Phật Giáo được phân chia hay xếp loại thế nào! Ðối với đại đa số mọi người, cái gì chúng ta cũng gọi là Kinh sách. Ðại thụ Phật Giáo to lớn hơn ta tưởng rất nhiều, không ai dám nói rằng mình đã đọc hết những tài liệu của Phật Giáo. Kể cả đối với một Chuyên Gia, cũng khó phân biệt đâu là Chân Kinh, đâu là Ngụy Kinh! Tài liệu nào khi đọc chúng ta cũng thấy là Phật nói như thế này, nói như thế kia … Tất nhiên với lối viết như vậy chẳng ai dám bình luận gì cả; nhưng thực sự có phải lời của Phật nói hay không thì chẳng ai biết. Các tác giả của các tài liệu này là “Chân Tiểu Nhân hay Ngụy Quân Tử”? Cô Tâm Như cũng như quý độc giả, không ai có thể trả lời được.

Như những bài viết trước của nhóm CTR, những biến thể của đạo Phật bên Trung Quốc không thể kể hết, số tài liệu chồng chéo, Thiên Kinh vạn quyển. Có thể nói những tư tưởng của Phật Giáo rất phổ thông ở tại Việt Nam ngày hôm nay đều bắt nguồn ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc là chính. Một tài liệu có thể gọi là nền móng của Phật Giáo Đại Thừa là “Ðại Thừa Khởi Tín Luận”, không biết có quá đáng hay không, nếu người ta nói rằng tài liệu này mang đầy màu sắc, tính chất điển hình Trung Quốc. Nổi bật nhất là cách trình bày một vấn đề gì đều nói hàng hai. Xin mời cô Tâm Như và quý độc giả tham khảo.

Cuốn Tạp Thư có kể đến ở tại Việt Nam, có một vị đã viết một cuốn Kinh A Di Ðà, nói theo kiểu báo chí “chuyện khó tin mà có thật”. Vị đó còn đặt tên con của mình là tên của các vị Phật!

Tôi xin đóng góp ý kiến để cô Tâm Như tham khảo. Trong lá thư chia sẻ, cô có đề cập đến: “Phật giáo gọi là tinh khí thần bị suy”. Thưa cô, cùng quý độc giả, đây có thể một trường hợp điển hình của tư tưởng Phật Qiáo Trung Quốc: Luyện Tinh thành Khí, luyện Khí thành Thần. Khái niệm này có thể là một khái niệm dân gian của xã hội Trung Quốc. Cũng rất có thể bắt nguồn từ tư tưởng Đạo Đức Kinh của Lão Tử “Ðạo sanh ra vạn vật, vạn vật ôm khí âm, cõng khí dương”. Sau đó tư tưởng này lại được Việt Nam hóa một lần nữa, người ta quen gọi là lối tu luyện của Đạo Gia. Chúng ta có thể khẳng định rằng khái niệm Tinh Khí Thần hoàn toàn xa lạ với Phật Giáo Nguyên Thủy.

Tất nhiên qua tiến trình của lịch sử, sự thay đổi của địa lý, Phật Giáo cũng phải biến thể để sinh tồn, đó là quy luật khách quan của bất cứ Tôn Giáo nào.

Tôn Giáo nói chung, Phật Giáo nói riêng, hay bị lợi dụng như một liều thuốc phiện xét ở mặt tiêu cực (ai cũng biết mocphin được sử dụng một cách tích cực cho người bị ung thư ở giai đoạn cuối). Thần quyền và thế quyền lẫn lộn trong đời sống chính trị, mượn đạo tạo đời là hiện tượng bình thường của cuộc sống thường ngày. Ðơn giản mà nói, lợi dụng Tôn Giáo, Tín Tâm của các Tín Đồ, với mục đích mưu lợi cá nhân: Tiền tài, của cải vật chất, danh vọng, tình dục … thời đại lịch sử nào cũng có, ở đâu cũng có.

- Cô Tâm Như: Cám ơn Ông đã đóng góp một số ý kiến, làm cho tôi vỡ lẽ hiểu ra một số mặt trái. Ðúng rồi! Tôi không phải là người duy nhất, cũng không phải là người đầu tiên và dĩ nhiên chẳng phải là người cuối cùng đụng phải những rắc rối này. Còn vấn đề Tụng Kinh Trì Chú thì sao ông?
- Ông Tổng Quản: Rất mong cô Tâm Như cũng như quý độc giả, nếu quý vị có thời gian, xin vui lòng hãy đọc lại những bài viết trước của nhóm CTR, đã từng đề cập, tuy không trực tiếp, nhưng khá tỉ mỉ về vấn đề này.

Có lẽ mọi người ít nhất cũng đồng ý với nhau một vấn đề sau đây: Khi Sakya Muni tại thế, thì chỉ có một Sakya Muni, không hề có một vị thứ hai. Sakya Muni là tác giả, là người đã khai sinh, là kiến trúc sư của Trường Phái Phật Giáo. Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Giới, Định, Huệ … là tác phẩm riêng của Sakya Muni, không có ai cộng tác với Sakya Muni trong việc phát hiện các phát biểu nói trên.

Sakya Muni chỉ có tu Thiền Định suốt cả cuộc đời, thậm chí đến lúc chết. Theo truyền thuyết thì Ngài cũng Nhập Định, không có tài liệu nào cho biết là Sakya Muni đã Tụng Kinh Trì Chú …

Dù có thái độ bi quan nhất, thì người ta cũng cho là dường như có một vị Sakya Muni, đã sáng tác ra một hệ thống tư tưởng mà người thế gian sau này gọi là Phật Giáo. Xét ở góc cạnh Học Thuật, gọi Trường Phái này là một Tôn Giáo thì e là không chính xác, vì Phật Giáo không có giáo điều nào cả.

Có nhiều người cho là lời nói của Phật là Chân Ngôn, là Kinh, là Sự Thật vĩnh cửu. Cái khó cho chúng ta là làm sao biết được chắc chắn là lời nói đó của Phật? Vì sự việc đã xảy ra cách đây nhiều ngàn năm rồi. Các Chuyên Gia cũng chẳng thống nhất với nhau là Sakya Muni thời gian đó nói bằng ngôn ngữ nào. Nhiều trăm năm sau, những tài liệu này lại được dịch qua quá nhiều thứ tiếng, trước khi dịch ra tiếng Việt Nam. Nếu hiểu lịch sử như thế, ai dám khẳng định những lời mà người ta cho rằng đó là lời của Phật nói, có đáng tin cậy hay không? Cũng cần phải ghi nhận thêm, ở tại Ấn Ðộ người ta không ghi lại lịch sử - như quý vị cũng biết - nhiều trăm năm sau không có chữ viết. Ðiều này lại càng làm cho chúng ta e ngại về tính chất trung thực của lời Phật nói.

Hãy thử nhìn vào vấn đề ngôn ngữ của xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây, có nhiều từ ngữ đã hoàn toàn biến mất, cũng có những từ ngữ hoàn toàn mới. Như vậy việc trôi qua nhiều ngàn năm, ai dám khẳng định là lời nói nào đó là đích thực của Sakya Muni? Do đó nếu cho là, những lời Phật nói là: Chân Ngôn, Kinh … có đáng tin cậy hay không?

Mời cô Tâm Như cùng quý độc giả tham gia ý kiến.

Cô Tâm Như à! Có lẽ chúng ta nên đặt ra một số vấn đề:

Việc cho lời nói thực sự 100% là của Phật thì nên cân nhắc lại. Nếu không phải là lời nói của Phật thực sự 100%, thì việc gọi là Chân Ngôn, lời nói của Sự Thật, cần phải suy nghĩ lại.
Nếu chúng ta bỏ qua khái niệm tính xác thực về lời nói của Phật, mà chỉ dùng những lời nói này là một Đối Tượng để Quán Tưởng, thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Thật vậy, chúng ta có thể xây dựng lên một đối tượng bất kỳ nào đó, với những cấu tạo Tâm là Thiện Tâm, mang tính chất Phật Tính, thì hoàn toàn thuận lợi.
Tụng Niệm Trì Chú với hiểu biết Chân Chánh, thì chúng ta đã tạo dựng được một Mandala. Vô tình chúng ta đã sử dụng cách tu tập của các tu sĩ Tây Tạng. Mandala là một sáng tác của con người, nếu người Trung Quốc đã làm ra sẵn, thì chúng ta chỉ việc sử dụng, đỡ mất công để sáng tác ra Đàn Pháp.

- Cô Tâm Như: Lúc bấy giờ tôi giữ giới tuyệt vời, dù trong mơ có thấy sinh vật bé tí tôi cũng nhặt mang đi phóng sanh, có khi thấy trong mơ ăn thịt chúng sinh, khi tỉnh dậy lòng buồn vời vợi và luôn tự trách mình. Tôi tu tại gia nhưng cũng có người này người kia mang đồ cho (giống Cúng Dường vậy), nhưng trong thâm Tâm tôi nghĩ: "bản thân cần làm Phước nhiều hơn, sao lại nhận của người khác? Tiêu Phước thì hết Phước, nhưng ngặt nỗi đó là do người ta cảm thấy mến mình, nên tặng cho mình nào tiền của vật chất, ... nhưng tôi sợ nhận của lắm, tôi gởi cả về VN làm Phước dùm họ (in ấn sách Phật Giáo, Kinh điển ...).

Cũng thời gian này, khi tôi nhìn vào không gian thì thấy những hạt li ti màu trắng sau này mới biết đó là hạt Hằng Sa, nhìn vào ngọn lửa của cây đèn cầy thì thấy có một hình vòng tròn dạng elip, trong cái elip đó có một tu sĩ đầu trọc, nhưng bây giờ không có những hiện tượng đó nữa.


- Ông Tổng Quản: Về vấn đề Giới là gì, giữ Giới ra sao, nếu Cô Tâm Như cũng như quý độc giả có hứng thú, xin vui lòng tham khảo tài liệu “Thanh Tịnh Đạo Luận”, của tác giả Buddhaghosa được viết khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Về vấn đề Giới, cuốn Tạp Thư lại có những thông tin khá khác biệt. Theo tài liệu này thì Giới bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế tu Thiền Định của người tu Thiền Thực Chứng, bất cứ là ai, ở đâu, vào thời điểm nào … đều chứng được các Cảnh Giới. Do chứng nghiệm thực tế về các Cảnh Giới, người tu Thiền mới đưa ra các Giới.

Nguồn gốc của Giới là gì? Chúng ta biết rằng các Cảnh Giới bất kỳ có những hành vi, ứng xử, phong tục, tập quán, lề lối sinh hoạt đặc trưng của Cảnh Giới đó. Lấy thí dụ cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc. Ở cảnh giới này không có Bản Tánh Sắc (không có giới tính là Nam hay Nữ). Do đó, nếu người tu Thiền Định, có ý định tương ứng với cảnh giới Sơ Thiền Hữu Sắc, thì phải tập cách sinh hoạt của Cảnh Giới này, là không có Bản Tánh Sắc, quan hệ Nam Nữ phải chấm dứt.

Tại cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc, các Thực Thể không phải ăn uống để sinh tồn. Khái niệm về "Đoàn Thực" không giống như cảnh Dục Giới chúng ta. Mạng Căn của Cảnh Giới này là cái vui chứ không phải là thực phẩm. Do đó ở cảnh giới này không có miệng và mũi để hấp thụ dưỡng chất, là đồ ăn và không khí. Muốn tương thích với cảnh giới này, thì phải bỏ việc ăn thịt, uống rượu. Việc ăn thịt, uống rượu là bình thường của cảnh thế gian Dục Giới, nhưng ngược lại với cách sinh hoạt ở cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc.

Mặt khác, việc ăn uống rượu thịt không tương thích với cấu tạo Tâm của cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc, chứ chưa nói tới những Cảnh Giới cao hơn nữa. Sát sanh là do Tâm ThamTâm Sân, có cơ sởTâm Si, câu hữu với tà kiến, là hiểu sự việc không đúng với sự thật. Những Tâm vừa kể trên, là những Bất Thiện Tâm hoàn toàn không tương thích không phù hợp với cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc. Sơ Thiền Hữu Sắc được cấu tạo bởi những Tâm Thiền Thiện Tâm. Do đó, nếu cho rằng uống rượu, ăn thịt và sát sanh … mà đắc được Sơ Thiền Hữu Sắc, là hoàn toàn phi lý với quan điểm của Phật Giáo.

Giới quyền lợi tối thượng của người tu Thiền Định.

Chúng ta không thể có hạnh phúc trên sự đau đớn của các Chúng Sanh khác do bị sát hại. Chúng ta không thể nhân danh bất cứ cái gì - nhất là Đạo Đức - để giết hại các Chúng Sanh. Ðây là quan điểm của một số Tôn Giáo có thể là lạc hậu, với tục lệ dùng các Sinh Vật như Của Lễ để Tế Thần.

Có lẽ thà là Chân Tiểu Nhân", còn hơn là "Ngụy Quân Tử.

- Cô Tâm Như: Chắc tôi cần rất nhiều thời gian để suy nghĩ về những điều ông nói, các thông tin từ cuốn Tạp Thư của ông.

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!