Pages

Thần Thông









DẪN NHẬP KHÁI NIỆM SƠ ĐẲNG về THẦN THÔNG

1. Dẫn nhập

Khi nói tới Thần Thông, người ta liên tưởng đến tu Thiền Định. Những tu sĩ Upanisad được phỏng đoán là những người tu Thiền Định đầu tiên, và do vậy Thần Thông đã là một đề tài quá cổ xưa; ít nhất cũng đã mấy ngàn năm qua. 

Tuy vậy cho đến tận hôm nay, chủ đề này vẫn nóng, không những cho người tu mà cho cả các khoa học gia. Josephson là một khoa học gia và đã từng được giải thưởng Nobel vật lý, đã bỏ chuyên ngành của mình để bước vào nghiên cứu ngành tâm linh.

Tại sao ngành này lại có sức hấp dẫn như vậy? Lý do là vì đã qua nhiều ngàn năm với nhiều nỗ lực tìm hiểu nhưng người ta vẫn chưa tìm ra được câu trả lời. Bộ môn này trên thế giới không thể tìm được nguồn tài trợ, vì nhà tài trợ không biết dựa vào cơ sở khoa học nào để tài trợ. Có lẽ chỉ có vài chục nhà Bác Học được trả lương cho công việc khảo cứu bộ môn này. Và so với trên 7 tỷ nhân loại có mặt trên hành tinh thì số lượng này quả là quá khiêm tốn. 

Những bộ môn liệt kê sau đây có bản chất tương tự như nhau. Tuy nhiên nếu chỉ nghe đọc tên thì chúng ta cảm thấy nó rất khác nhau:

- Iddhi.
- Psychokinesis.
- Parapsychologgy.
- Paranormal powers.
- Supernatural powers.
- Misdiretion technique (Kỹ thuật ảo thuật).
- Pouvoir surnaturel (qui excede les forces de la nature).
- Pouvoir surnaturel (Thần Thông)
- Force magique (Thần Lực).

- Thần là Thánh Thần, là màu nhiệm, phi thường, tự tại, thù thắng, linh diệu, bất trắc không thể nghĩ bàn. Thông là vô ngại không có gì ngăn trở nổi, lưu thông tự tại. - Lực là sức mạnh phi thường (từ ngữ Thần Thông và Thần Lực được giải thích theo nguyên ngữ từ chữ Hán).

Những từ ngữ này nói chung mô tả những hiện tượng được gọi là khác thường. Những hiện tượng này được ghi chép lại từ một số tài liệu cổ xưa, mà đến nay người ta vẫn còn biết đến của hai trường phái Yoga và Phật Giáo … đặc biệt nhất là trường phái Thiền Định và Mật Giáo Tây Tạng. 

Người ta thường nghĩ những trường phái này có đầy vẻ huyền bí, cao siêu, thậm chí là phép thuật kỳ lạ đáng sợ … kiểu như Milarepa đã tạo một trận “bão táp sa mạc” (phỏng theo huyền sử của đời ông). Nhưng trên thực tế, người tu Thiền Định, ngồi công phu từ 1, 2 năm cho đến 20, 30 năm … kể cả Tam Tạng ngồi cả đời, chai cả bàn tọa … chẳng đắc pháp thuật kỳ lạ gì cả; thế nên chỉ cần một Tiểu Yêu Tinh cũng bắt được Ngài. 

Ngay cả những Đàn Pháp (Mandala) to lớn tốn kém, cũng chẳng thấy có gì nhiệm màu để người ta phải quan tâm. Trước kia Đàn Pháp được mô tả là chân truyền, huyền bí. Ngày nay vào thời đại @, có cả Đàn Pháp trên máy vi tính. Tất cả những chuyện trên đã khiến những người tu tập theo trường phái này, có người đã tu trên nửa thế kỷ, cũng đâm ra hoang mang mất phương hướng, chẳng biết giải quyết làm sao. Thôi thì phóng lao thì phải theo lao!

Việc này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ - đúng hơn là đã mấy ngàn năm rồi. Ai cũng hy vọng có ngày tìm ra được câu trả lời. Chân lý vốn đơn giản. Nhưng có lẽ cũng chính tại con người lắm “mưu thần chước quỷ” nên tự hại chính mình. Lão Tử đưa ra chủ thuyết Vô Vi; còn chúng ta có lẽ cũng nên xem lại cách suy nghĩ, ứng xử của mình.

2. Những quan niệm khác nhau về Thần Thông:

Có rất nhiều quan điểm chung quanh vấn đề này:

- Không thừa nhận sự tồn tại của Thần Thông, Thần Lực. Nó tồn tại trái ngược với nền tảng khoa học mà con người thiết lập được từ thời Phục Hưng. Nếu công nhận sự tồn tại của nó, có nghĩa là bác bỏ những thành tựu Khoa học của 300 năm qua. Nó đi ngược lại các quy luật vật lý như Bảo toàn, Dẫn truyền, Tiêu hao năng lượng. 

- Thần Thông, Thần Lực chỉ là mê tín dị đoan, không có, thật khó kiểm chứng, sự thật là không thể kiểm chứng được. Không đáp ứng yêu cầu của Luận Lý Hình Thức.
- Có người cho là trình độ khoa học hiện nay, không đủ khả năng để giải thích Thần Thông, Thần Lực. Vấn đề này nằm ngoài giới hạn của Khoa học hiện hành.
- Có người thì lại cố gắng sử dụng lý thuyết của Khoa học hiện hành, thí dụ như tác giả Barbara Ann Brennan, cũng có những tác giả người Việt Nam, để lý giải Thần Thông.
- Nếu đứng trên quan điểm của Tôn giáo của trường phái Phật Giáo, thì người ta công nhận có Thần Thông và quan niệm rằng: 
   * Thần Thông là pháp tu rất cao và khó.
   * Thần Thông không liên quan đến Nhân Quả.
- Có người cũng công nhận có Thần Thông, bằng cách sao chép những tài liệu nói về Thần Thông.
- Rất nhiều người khác, tạm mô tả là tu hành có hình thức, thường đến một nơi thờ phụng Tôn giáo nào đó, làm những nghi thức Tôn giáo và họ chẳng biết gì về vấn đề Thần Thông. Nói chung là người ta thờ ơ với vấn đề này.

3. Liệt kê các loại Thần Thông:

Quý độc giả có thể tham khảo rất nhiều tài liệu về các cách liệt kê các loại Thần Thông như kinh Patanjali, Trung bộ kinh, Vi Diệu Pháp … và còn nhiều tài liệu khác nữa.

Để tiện việc nghiên cứu, tham khảo …, chúng tôi xin được liệt kê một số - tạm gọi là khả năng Thần Thông. Phần liệt kê này, xin được chú thích thêm những từ ngữ chuyên môn để tiện cho quý độc giả khi có nhu cầu truy cập, tham khảo. Những từ ngữ sau đây có tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức.

Xuất hồn (Out of body experience).
Thấu thị (Clairvoyance).
Thần giao cách cảm (Telepathy).
Di chuyển đồ vật (Psychokinesis), kinh sách gọi là Thần Lực.
Tiên tri (Precognition).
Hậu tri (Retrolognition).
Luân hồi (Reincarnation).
Ma quấy rối (Poltergeist).
Ma ám (Haunting).
Và còn nhiều các thể loại khác.

4. Phân loại các hiện tượng Thần Thông:

Chúng tôi tạm phân các hiện tượng Thần Thông ra làm 3 loại:   

- Các hiện tượng Tự nhiên Khách quan.
- Hiện tượng bị Nhập, từ cá nhân đến tập thể (dedoublement du personnage - Nhị trùng bản ngã).
- Thần Thông do con người tạo ra.

a. Hiện tượng Tự nhiên Khách quan: Có nhiều vô số. Để tránh chìm đắm trong quá nhiều thông tin, ta chỉ nêu ra một số trường hợp nổi tiếng điển hình: 

Chắc mọi người đều biết hiệu ứng Uri Geller, là tên của một người lính nhảy dù người Do Thái. Ông có khả năng bẻ cong chiếc muỗng bằng tư tưởng của mình. Năm 1974, trong một buổi trình diễn trên tivi, khán thính giả đang xem truyền hình tại nhà của mình thấy các vật dụng kim loại trong nhà cũng bị cong. Ông đi trình diễn khắp thế giới, gặt hái rất nhiều kết quả khả quan, kiếm được khoảng 1 triệu đô la.

Tuy nhiều ảo thuật gia cho màn biểu diễn đó chỉ là ngụy tạo, nhưng lại có những viện khảo cứu của những trường đại học tại Anh Quốc xác nhận hiệu ứng Uri Geller là có thật. Randi, một o Thuật Gia thì lại không công nhận. Năm 1996 Randi quyên góp được 670.000 đô la và nói sẽ thưởng cho ai có thể làm cong được chiếc muỗng. Tiền thưởng một ngày một tăng lên, nhưng cho đến nay chẳng có ai lãnh được cả.

Thông Thiên Học có kể đến bà Blavasky từng tạo ra một vật dụng dùng để ăn cơm, nửa giống muỗng, nửa giống nĩa không rõ ràng. Quay trở lại hiệu ứng Uri Geller, có biết bao nhiêu bộ sách, bộ phim làm ra nhưng vẫn chưa có lời giải. Phải kể thêm một điều đáng gọi là kỳ lạ, Uri Geller được đăng lên trang bìa của một tờ báo cùng với lời cảnh báo “chỉ nhìn vào hình này thôi các vật kim loại cũng cong”. Sau đó có 300 cuộc gọi điện thoại xác nhận việc cong các vật dụng kim loại. 

Việc nhìn thấy hào quang của con người hay các sinh vật, từ xưa vốn được coi là một đặc sản của các Tu sĩ. Nhưng kể từ năm 1939 thì việc đó đã hoàn toàn thay đổi. Một kỹ sư người Nga tên Kirlan, trong khi sửa chữa máy điện cao tần, ông bị phóng điện. Ông nảy ra tư tưởng chụp hình các vật để trong điện trường cao tần và các vật đã phát ra hào quang. Hiệu ứng này sau đó được mang tên ông, gọi là hiệu ứng Kirlan. 

Người ta giải thích hiệu ứng như sau: Khi đặt một vật trong điện trường cao tần, thì vật đó cũng hấp thụ và phản xạ. Năm 1950 ông được cấp kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm. Năm 1970, George Hadjo, người Anh, phát minh ra máy chụp hào quang, phát minh này nói lên phần nào hiện tượng hào quang mà các tu sĩ từng nhìn thấy. Tuy nhiên, việc chẩn trị bằng hào quang như Lobsang Rampa từng nói tới trong những bài viết của mình, thì khoa học chưa xác định được .

Vấn đề Khí công hay còn gọi là Nhân điện … của những Thầy chữa, Võ sinh, người tu Thiền định, rất ít người có được. Một cuộc thử nghiệm tại Đại học Showa Tokyo, tỷ lệ 3/37 người có khả năng phát được tín hiệu. Người ta đo được từ 3 cho đến 4 miligauss. Ngoài ra còn ghi nhận được bức xạ nhiệt sau khi phát công, khoảng từ 20 đến 30 phút, nhiệt độ ghi nhận được ở bàn tay từ 40 C đến 60C.

- Những con Voi có khả biết trước có sóng thần. 
- Chó biết trước chủ về, mặc dù còn cách rất xa.
- Chim, Bướm di trú nhiều ngàn cây số.
- Thôi Miên được coi như hiệu ứng Mesmer vì ông đã tìm ra nó, rồi sau đó là Jean Charcote, Sigmund Freud cũng tham gia vào vấn đề thôi miên năm 1885. Đến nay người ta vẫn không hiểu, không có một lý thuyết nào đáng tin cậy để giải thích về hiệu ứng thôi miên. Vì vậy Thôi Miên hay Tác Pháp vẫn còn là ẩn số.

b. Hiện tượng bị Nhập từ cá nhân đến tập thể (Dedoublement du personnage: Nhị trùng bản ngã). Chúng ta sẽ đề cập tới 3 vấn đề:

- Tại sao bị Nhập?
- Ai Nhập vào con người?
- Nhập vào để làm gì?

Tại sao bị Nhập?

Vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều trong những bài viết trước. Chúng ta có thể đưa ra một mô hình phản biện khá đơn giản: Có một Chư vị bất kỳ nào đó thích tìm cách Nhập vào thân xác của một người, mà người đó giữ 4 giới cơ bản: Sát, Đạo, Dâm, Vọng không? Tại sao các Chư vị lại không thích Nhập vào? Mong quý độc giả tự tìm câu trả lời. Chúng ta có thể phát biểu gần như là một công thức sau đây: Hiện tượng bị Nhập xảy ra khi Dục Vọng của người tu Thiền Định hay Pháp Môn nào đó tương thích với Dục Vọng của một Thực Thể muốn Nhập. Một cách bình dân mà nói thì đó là “Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã”. 

Tu bất cứ trường phái nào mà giữ Giới, giảm thiểu Dục Vọng, thì chẳng có Thực Thể nào muốn Nhập cả. Thật thế, Nhập mà chẳng thỏa mãn được Dục Vọng nào cả; chẳng hạn như thỏa mãn cái Tôi, được người khác xưng tụng bằng Cô, Cậu …, biết chữa bệnh mà chẳng học trường Y khoa nào cả, chỉ bảo Tu Hành, nhưng không chỉ bảo giữ Giới … như thế thì Nhập có được ích lợi gì? Nói tóm lại, việc bị Nhập là “Dục Vọng lại gặp Dục Vọng - đó là sự đồng thuận của đôi bên”, chủ nhà mà không muốn, không mời thì không ai có thể vô nhà mình được. Hơn thế nữa, có người còn cảm thấy thích thú vì có người Nhập vào mình.

Ai nhập vào con người?

Số lượng Thực Thể có khả năng Nhập vào con người không thể kể hết. Thí dụ như Thần Quyền, Phật Quyền, cầu mong có sức mạnh khác thường để đánh thắng người khác. Rất có thể các Vong Linh là các Súc Sanh, do định luật Tương Ưng đã nhập vào mình. Có người thích chữa bệnh như Barbara Ann Brennan và bị các Thực thể là các Thầy Chữa Nhập vào. Chính bà đã xác định điều này. Có người thích viết sách về những chuyện huyền bí như Blavasky thì có các vị Chân Sư Nhập vào.

Có 1 cách chủ quan để phân biệt nếu quý độc giả đã đọc bài nói về SẮC. Chỉ cần căn cứ vào số lượng Sắc, thì chúng ta có thể phân biệt được một cách chính xác các Cảnh Giới, không lầm lộn Cảnh Giới này với Cảnh Giới khác. Nếu người học Thần Quyền cho rằng Phật Nhập vào mình, thì có lẽ quá ngây ngô và ngớ ngẩn! 

Nhập vào để làm gì?

Không cần nói quý độc giả cũng biết, ở những Cảnh Giới có hiểu biết cao hơn con người chúng ta, thì họ chẳng dại dột gì lại sử dụng thân xác vật chất. Chúng ta có bao giờ nghe nói một vị nào đó ở cảnh Tứ Thiền Hữu Sắc trở lên, mà lại nhập vào xác con người không? Trước nhất, Cảnh Giới này do trình độ Thiền Định phát triển hơn con người rất nhiều, phần Nhãn thấu suốt nhiều vấn đề, Cảnh Giới gần như không còn khổ đau, thì một logique đơn giản là Nhập vào thân xác con người liệu có lợi gì?

Lá thư sau đây là bản tin thời sự mới nhất (ngày 16/8/2012), mời quý độc giả tham khảo và ứng dụng những gì mà bài viết này nói về vấn đề nhập. Chúng tôi không dịch để giữ tính chất trung thực, kèm theo cả “hình minh họa”.
(an image of what these aliens look like)



They "repair" him, he never gets sick, but they do many painful and ugly things to him ... like putting their hands into his stomach or his head. He told me that he sometimes managed to kill some aliens. He can also withstand their paralysis ... so I want to ask you to find out what these beings want from him and why they always visit him every night and visit any person that are his friends or family. I also sent you an image of what these aliens look like.

c. Thần Thông do con người tạo ra:

Đối với các hiện tượng thiên nhiên trong giai đoạn bình minh của lịch sử, tổ tiên của loài người cảm thấy quá nhỏ bé trước các thảm họa thiên nhiên: sấm, chớp, lụt bão v.v… Con người có thể có 3 khả năng sau đây:
  1. Do kém hiểu biết, sợ hãi, van vái cầu xin các vị Thần Sấm, Thần Sét … có thể đó là nguồn gốc của Đa thần. 
  2. Kỹ thuật đẻ ra do yêu cầu của cuộc sống, vào hang động tránh mưa gió, chế tạo vũ khí để tự vệ và săn mồi. 
  3. Có những người lại nghĩ ra cách khác, không chống lại thiên nhiên. Ngược lại, họ hòa nhập vào thiên nhiên. Có lẽ lịch sử của Thiền Định đã bắt đầu như thế. Với việc Tĩnh Tọa, Trầm Tư Mặc Tưởng về điều gì đó, bỗng nhiên họ rơi vào trạng thái Nhập Định. Thế rồi cùng với chiều dài lịch sử, kỹ thuật Thiền Định dần được cải tiến, phát xuất từ thực nghiệm. Do đó, nếu chúng ta nghiên cứu thực sự những tài liệu cơ bản, sẽ phát hiện ra những lời nói được gọi là Kinh, phát xuất từ kinh nghiệm. Sau đó lý thuyết được xây dựng dựa trên chính kinh nghiệm thực tế đó. Công thức của trường phái Phật Giáo, cũng như trường phái Yoga, thực sự chỉ là những bản photo. Tiến trình Nhập Định hoàn toàn giống nhau:
- Raja Yoga: Dharana, Dhyana, Samadhi.
- Phật Giáo: Tầm, Tứ, Nhất tâm.

Sau đây là công thức tu Thiền Định:
- Raja Yoga: Kỷ luật bản thân, Kiểm soát tinh thần, Tham Thiền Nhập Định.
- Phật Giáo: Giới, Định, Huệ.

Lúc nào thì Thần Thông xuất hiện?
  1. Raja Yoga: Samyama gồm 3 bước: Dharana, Dhyana, Samadhi. Thần thông xuất hiện ở giai đoạn Samahdi.
  2. Phật Giáo: Cũng không khác gì Raja Yoga. Thần Thông là hệ quả tất yếu của Tứ Thiền Hữu Sắc.
Lúc này người tu Thiền Định có 1 loại thân xác gọi là Hữu Sắc của hệ thống Thiền Hữu Sắc. Ở hệ thống này, Tâm và Thân của người tu Thiền Định hoàn toàn khác với lúc mới ngồi để bắt đầu Thiền Định.

Chúng ta thử thuyết minh cho rõ phần này:
Thân Tâm lúc ngồi để tu Thiền Định
     * Tâm: Cấu tạo bằng nhiều trăm Tâm. 
     * Thân: Có ít nhất 28 Sắc Pháp. 
Thân Tâm này cần phải ăn ngủ để tồn tại, sử dụng trong cảnh Dục Giới, cảnh Thế gian, trong các cử động vật chất và trong các cử động tinh thần.
Thân của Thiền Hữu Sắc: 
     * Tâm: Chỉ còn 50, giảm xuống còn 2, 3 tâm. 
     * Thân: Chỉ còn 23 Sắc Pháp hoặc ít hơn nữa. 
Nếu vô tình bước vào Vô Tưởng Định, số Sắc Pháp còn ít hơn nữa, thân này sống bằng Hỷ Lạc (không phải là thực phẩm, nước uống, không khí). Sắc Pháp tế nhị, hình dáng lờ mờ, lúc có lúc không. Cụ thể không có thân, không có miệng, mũi, có khi không có mắt (vì không cần nhu cầu thực phẩm, nước, không khí). Thân Tâm này sử dụng trong cảnh Hữu Sắc, đôi khi là Vô Tưởng, các động tác của loại Thân Tâm này chính là cái người ta gọi là “Thần Thông”. 
Sẽ là một sai lầm rất lớn nếu người ta tưởng các Thần Thông là cử động của Thân Tâm Dục Giới. Thật vậy, khi ngồi công phu, sau khi thật sự Nhập Định, chúng ta có thể đi từ nơi này đến nơi kia nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng, chúng ta có thể đi xuyên qua tường, xuyên qua cửa một cách vô ngại, nói không dùng miệng, không có âm thanh mà vẫn hiểu rõ ràng, không gian xa gần không trở ngại, biết quá khứ vị lai, hiểu được tâm ý dễ dàng … 

Những động tác tinh thần và Sắc nói trên của Thực Thể Thiền Hữu Sắc chỉ là những động tác bình thường, cơ bản, bền vững, chẳng có gì là Thần Thông cả. Do đó, có thể có nhiều quý độc giả, nếu thực sự đắc Thiền Hữu Sắc, thì tất nhiên đã có những động tác Tâm, Sắc bình thường, nhưng đó là Thần Thông thực sự mà quý độc giả vô tình không biết. Rất nhiều người lầm tưởng đó là Thần Thông thuộc về Thân Tâm Dục Giới. Điều này tuyệt đối mâu thuẫn và sai lầm so với lý thuyết Phật Giáo cũng như Raja Yoga. Thần Thông xuất hiện ở Samadhi hoặc Tứ Thiền Hữu Sắc (nhất tâm: Samadhi). Không có tài liệu chính qui nào nói về Thần Thông xuất hiện ở Thân Tâm thế gian, Dục Giới

Lý thuyết về Luồng Tâm Thức của Vi Diệu Pháp lại một lần nữa khẳng định vấn đề này một cách rõ ràng và chắc chắn, không thể lầm lẫn được. Thần Thông xuất hiện ở giai đoạn Javana Tốc Hành Tâm (lúc Nhập Định) - thuộc hệ thống Thiền Hữu Sắc - không hề có tài liệu nào nói Thần Thông xuất hiện trước khi Nhập Định, lúc người tu đang ở cảnh thế gian, Dục Giới … xin quý độc giả vui lòng xem lại Trung Bộ Kinh, các bộ Vi Diệu Pháp, chân ngôn Patanjali.

Đây có thể là một tin mừng cho một số quý độc giả lâu nay tưởng lầm là mình tu tập chẳng có kết quả gì cả. Cũng thông tin này, lại có thể có một số quý độc giả lâu nay tưởng lầm rằng mình đắc Thần Thông, nhưng thật ra là Thần Thông của Tha Lực, không phải thực sự do định lực mà có. Đa nhân cách là một hiện tượng rất phổ thông.

Sự thật Thần Thông theo quan điểm của Phật Giáo và Raja Yoga không phải là mục đích di sơn, đảo hải, sờ mặt trăng mặt trời, bay trên mây. Mục đích thực sự của tu Thiền Định là đạt được sự Minh Triết. 

Câu 5: (Phần 3 của Kinh Patanjali đã ghi rõ) Thực hiện được Samyama là tiến đến giai đoạn tri giác. 
Câu 9: Tinh thần tự chủ đó là trạng thái tinh thần phát huy quyền lực trên mọi biến thể. Đây là những câu mở đầu cơ bản nhất của chương nói về thần thông. Trường phái Phật giáo cũng định nghĩa về thần thông: Thông tuệ, Trí tuệ, Thông suốt, biết mình và người trong, ngoài. Tóm lại, cả hai trường phái đều gặp nhau trong một từ chung: Minh Triết. 
Câu 51: Từ bỏ Thần Thông đã có, thì diệt được các điều xấu xa đi đến đích giải thoát, tự do.

5. Tập luyện Thần Thông khó hay dễ? Hậu quả của Thần Thông ở mặt tích cực, tiêu cực là gì và Thần Thông nào là cao nhất?

     a. Tập luyện Thần Thông khó hay dễ còn lệ thuộc vào việc người ta quan niệm thế nào là Thần Thông.

- Những hiện tượng tự nhiên khách quan như có người có thể hút các đồ vật, làm toán rợ … thì chẳng cần phải tập luyện gì cả.
- Dựa vào các Thực Thể, các Chư vị ở các Cảnh giới khác thì cũng không phải tập luyện gì nhiều. Người ta thường gọi đó là bị Nhập: lên Đồng, , Cậu, Trạng … Rất nhiều người gọi là tu Thiền Định cũng ở trạng thái này; trong đó có những tập thể như: Phật Giáo Cao Đài, Subut, La Ti Thăng …
- Tu Thiền cũng như Thôi Miên, thực sự sử dụng Định Lực của chính mình, tập trung tư tưởng, để làm cái gì đó lại là một vấn đề khác hẳn - Quý độc giả nào tự mình tập luyện để đạt được một khả năng nào đó, chắc chắn đã thấy việc tập luyện không phải là dễ - Tập Thần Thông không phải là chuyện dễ dàng, tự nhiên mà có, nó cũng phải đi qua rất nhiều giai đoạn, mất rất nhiều thời gian, công sức …

Nếu chúng ta qui ước với nhau phát biểu sau đây: “Thần Thông là những cử động của Sắc và Tâm của các Thực Thể ở các Cảnh Giới khác với Cảnh Giới loài Người”, thì với phát biểu này, người tu có quyền chọn lựa khá rộng rãi: Từ Thần Quyền … cho đến tập luyện nhãn của các vị ở cõi Thiền Hữu Sắc, kể cả ở các cõi cao hơn nữa, đó là sự tùy chọn của quý độc giả.

Chúng ta đã định nghĩa “Thần Thông là cử động của Tâm và Sắc …”. Cử động, đi, đứng … cũng phải tập từ từ, từ bò đến đi chập chững rồi mới chạy nhảy … thì ở cảnh giới khác cũng vậy. Ở cảnh Dục Giới thế gian có em bé nào - dù là Thần Đồng - 12, 13 tuổi mà lái được máy bay Tiềm kích, Trực thăng … bao giờ đâu! Đào tạo phi công tiềm kích, trực thăng … không phải chuyện đơn giản.

     b. Hậu quả của Thần Thông:

Chỉ duy nhất trong lúc đang Nhập Định, chúng ta phát hiện ra một loại Thân Tâm mà mình vốn có, đó là Tâm và Sắc của hệ thống Thiền Định Hữu Sắc. Trong trạng thái này, Thân Tâm của người tu Thiền Định, ngồi im bất động, chỉ có tác dụng là một công cụ hữu duyên, tạm thời. Thân Tâm ở cảnh Hữu Sắc này có những sinh hoạt hết sức bình thường, con người chúng ta lại gọi là Thần Thông, đây là một loại Thần Thông không phải xuất phát từ Dục Vọng, không cầu, không mong, chỉ là quả báo tất yếu của Thiền Hữu Sắc. Vậy mà Vi Diệu Pháp vẫn coi những Tâm này có tính chất Dị Thục có nghĩa là tạo ra Quả Báo, cũng may là Thiện Quả.

Lại có một loại Thần Thông do các Thực Thể ở cảnh Dục Giới, xuất phát từ Tâm Tham Ái, Chấp Ngã do tin tưởng mình có một cái Tôi thực sự, trường tồn, hạnh phúc Loại Thần Thông do Tâm Mạn thực sự là một cuộc chạy đua vũ trang trên vòng đua Olympic, mang tên cuộc đua Thập Nhị Nhân Duyên”, còn gọi là vòng đua của Luân Hồi Sinh Tử hay vòng đua của Thần Chết, mà đích đến là Địa Ngục trong chính Tâm của mình. Đó là một trò chơi giải khát bằng rượu độc.

Thần Thông Phiền Não là một hàm số đồng biến. Thần Thông phát triển thì Phiền Não tăng trưởng, chẳng làm gì trong lòng cũng buồn phiền một cách kỳ lạ. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Quý độc giả nào từng trải qua việc tập luyện Thần Thông thực sự sẽ cảm nhận được tâm trạng này. Truyền thống Phật Giáo, cũng như Raja Yoga luôn cổ vũ, để có Tâm “Duy Tác”. Raja Yoga khuyến dụ tu sĩ phải từ bỏ Thần Thông, bỏ Tâm Mạn, đừng nghe lời nịnh hót của Thần Thánh, nếu muốn giải thoát.

     c. Thần Thông nào cao nhất?:

Thần Thông cao nhất có lẽ là không có Thần Thông, vì Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, điều này người tu ai mà chẳng biết. Thật vậy, bước ra khỏi vòng Luân Hồi Sanh Tử thì Thần Thông dùng để làm chi? Một nơi không có chiến tranh, thì vũ khí dùng để làm gì? Cổ nhân từng nói “quân tử phòng thân tiểu nhân phòng gậy”. Thần thông chỉ có giá trị ở một môi trường, một tập thể nhất định nào đó mà thôi!

Chúng ta thử tưởng tượng một kịch bản hư cấu như sau: Có một hôm, ti vi khắp thế giới thông báo, Tổng thống của một số nước: Nga, Iran, Serya, North Korea, … đồng loạt tuyên  bố “I have no ego” (tôi không có ngã) … cổ phiếu khắp thế giới sẽ tăng vọt như diều gặp dông! … 11 Hàng Không Mẫu Hạm của Mỹ, F35, F22, trực thăng Hybrid Osprey V22, Apache Block III mang ra sale off … Thần thông của người tu thiền định lúc đó … cũng phải "For Lease" … vì không còn việc phải dùng. Địa đàng Eden không có kho để tồn trữ Thần Thông và vũ khí. Bách khoa từ điển Wikipedia tại Eden không có từ ngữ chiến tranh, quan trọng hơn nữa không có chữ: ICH, IO, JE, I, NGÃ, TÔI, …

6. Nhóm CTR không có ý định chống lại khoa học hiện đại đại diện cho Satan.
   
Qui luật tư duy hiện đại giúp gì cho bộ môn này?

     * Qui Luật Tư Duy (mà chúng ta đang sử dụng) thực sự có chắc là phản ánh được TOÀN BỘ, TRUNG THỰC, CHÍNH XÁC thế giới Tự Nhiên Khách Quan không?
     * Nhiệm vụ của Qui Luật Tư Duy (luận lý hình thức) là cây cầu nối giữa qui luật logic và thế giới Tự Nhiên Khách Quan - Cây cầu nối này thực sự có làm tốt được sứ mệnh của mình 100%? 
     * Toán học chỉ là một dạng cụ thể hóa, hữu hình hóa, ngôn ngữ hóa, những Qui Luật Tư Duy chủ quan của con người, chứ chưa chắc cụ thể hóa, hữu hình hóa, ngôn ngữ hóa các qui luật tự nhiên của thế giới khách quan. Chính bản thân Qui Luật Tư Duy của con người lại chẳng biết dựa vào đâu! Có người bảo: “dựa vào thực tế khách quan …”

Do đó, phát biểu của Stephen Haw King “Một lý thuyết khoa học là một mô hình toán học mô tả và chuẩn tác hóa được các quan sát” và coi đây là một lý thuyết “tốt”. Đây là một hướng đi đúng, hay là một sai lầm lớn lao mang tính cách lịch sử, làm phương hại đến tiến hóa của nhiều tỷ người trên hành tinh này?

Có thể có rất nhiều hệ thống, Qui Luật Tư Duy khác, hoàn toàn không cần đến ngôn ngữ toán học. Hay nói một cách khác, toán học sản phẩm tư duy của con người không có chỗ đứng trong nhiều hệ thống tư duy khác. Thí dụ điển hình: 
     * NOSTRADAMUS
     * VANGA
Những người này không cần và không thể sử dụng công cụ toán học. Họ sử dụng một hệ thống Qui Luật Tư Duy khác. Trong tác phẩm “Những thế kỷ”, chúng ta không thấy một dấu vết nào của toán học. Vanga “l' horacle Bulgarie” nhà Tiên tri Bulgarie khiếm thị - được gọi là “sage de la campagne” (thông thái nhà vườn) - có lẽ không biết đến bộ môn toán học hiện hữu trên đời này. 

Khả năng tiên tri (precognition) của hai vị này chẳng liên quan đến một mi li mét trường phái toán học nào cả. Người chết có lẽ có bức xạ tàn dư để có thể trông thấy, còn tương lai thì có bức xạ nào? Có lẽ khoa học hiện đại sắp nói lời chia tay với con người. Phần nhận xét xin dành cho quý độc giả.

Thay lời kết:

Có Tài mà cậy chi Tài,
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần,
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng lẫn trách Trời gần, Trời xa,
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài,
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
(Kiều - Nguyễn Du)


Tác giả: CTR 


 

0 comments:

Đăng nhận xét