Búp bê Matryoshka là sản phẩm của nước Nga, được chế tác năm 1980. Búp bê này có nhiều con giống nhau, lồng vào nhau (Object within similar object), búp bê lớn ở ngoài có thể là một thôn nữ người Nga, mặc áo choàng dài. Nếu chúng ta mở búp bê này ra, thì tuần tự sẽ có những búp bê nhỏ hơn, tuổi cũng nhỏ hơn, cuối cùng là một búp bê nhỏ nhất là một em bé sơ sinh. Về giới tính, những búp bê nằm trong là nam cũng có thể là nữ.
Số lượng búp bê đầu khoảng từ 5 đến 8, nhưng đến nay số lượng có thể tăng lên vài chục con. Về sau số chủ đề (themes) của búp bê Matryoska càng trở nên đa dạng hơn: Có thể là những nhân vật thần tiên, cổ tích, người máy, các chính trị gia Liên Xô thuộc giai đoạn đổi mới tư duy (Perestroika).
Tại sao chúng tôi lại đề cập tới bộ búp bê dễ thương và nổi tiếng này trong đề tài thiền định?
Xin mời quý độc giả theo dõi bài viết sau đây. Lần lượt được trình bày qua 3 phần:
- Chưa chắc các con đường đều hướng về La Mã.
- Gót chân Achilles của trường phái thiền định Phật Giáo.
- Khủng hoảng về khái niệm Sắc của hệ thống thiền định Hữu Sắc.
- ...
I. CHƯA CHẮC các CON ĐƯỜNG ĐỀU HƯỚNG về LA MÃ:
Nguyên tắc búp bê Matryoshka (Russian Nesting Dolls Principle) có một sự tương thích kỳ lạ và mô hình hóa rất nhiều hệ thống thiền định. Như quý độc giả đã biết, trường phái Tiểu Thừa kinh điển đề xướng một lối tập luyện tiệm tiến, qua nhiều giai đoạn (5 giai đoạn, 8 giai đoạn, 9 giai đoạn ... rất có thể còn nhiều giai đoạn hơn nữa) và mục đích cuối cùng là hy vọng tìm được yếu tố TỊNH (yếu tố Santi); yếu tố có thuộc tính duy nhất và là bản chất của NIẾT BÀN. Người tu thiền định thường lấy mô hình mẫu của Sakya Muni làm thước đo, làm chuẩn mực. Để vào được Niết Bàn, chúng ta cần:
1. Hiểu được công thức bất tử nổi tiếng của Phật Giáo (Matrika) là Vô thường, Vô ngã và Khổ não.
2. Tu tập qua 4 giai đoạn trong nỗ lực dập tắt 10 phiền não, bao gồm: Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục ái, Sân, Sắc ái, Vô sắc ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh.
Tuy nhiên, Niết Bàn chưa chắc là một điểm hẹn, một vùng đất hứa đối với tất cả mọi thực thể. Thật vậy, như quý độc giả đã biết, cô Kiều của Nguyễn Du ba chìm bảy nổi và được khuyên là:
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thế nhưng nàng Kiều lại có quan điểm riêng của mình:
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai,
Nợ tình chưa trả cho ai,
Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Thượng Đế dường như rất công bằng trong việc phân chia đồng đều cho mọi người về ý thức đạo đức, phân chia khái niệm: Chân, Thiện, Mỹ. Ngài còn phân chia cả tự do cho tất cả mọi thực thể.
"Tôi không có tự do, tôi là tự do" (Je n'ai pas la liberté, Je suis la liberté) là câu nói nổi tiếng của trường phái Hiện sinh trong thế kỷ trước. Vì "tôi là tự do" nên mỗi người đều có quyền thể hiện cá tính riêng của mình.
Ở Dục Giới, do các Bất Thiện Tâm có vẻ có một vai trò ưu thế trong cá tánh của một thực thể bất kỳ; thế nên thông thường trong cuộc chiến này thì phần thắng lại luôn nghiêng về các Tâm Bất Thiện; trong đó ông Trời Dục Giới cũng không thoát khỏi:
Đụng vào tình ông Trời cũng mệt,
Trời lúc yêu cũng méo mặt mo,
Thất tình Trời cũng nằm co,
Em ơi! Làm phúc thí cho ... tí tình.
Trường phái thiền định nào cũng rất khó. Lý do đơn giản là vì thiền định chống lại chính mình, chống lại con người thật của mình đang sống trong cảnh Dục Giới.
Trở về với con búp bê dễ thương Matryoshka của chúng ta. Có người lại muốn chỉ có 2 con búp bê mà thôi: Con búp bê lớn ngoài cùng là chúng ta hiện nay và con nhỏ nhất, nhỏ tuổi nhất nằm trong cùng ... là Như Lai Tạng hay Phật Tánh. Trực tiếp như vậy sẽ nhanh hơn, đơn giản hơn. Vậy thì mô hình này quý độc giả đều biết: Đó chính là mô hình của Đại thừa; còn gọi là tâm truyền tâm, trực tiếp, thoại đầu, công án … Khi tu tập pháp môn này có người đã than thở:
Nói gì chỉ quán, tham thiền,
Thoại đầu, công án, ngã kềnh như rươi.
Xin phép được nhắc lại cùng quý độc giả những câu chuyện nổi tiếng: Truyền thuyết kể rằng Tôn Giả Culapanthaka 4 tháng không thuộc nổi một đoạn kinh, Huệ Năng thì không biết chữ nhưng lại được kế thừa sự nghiệp của Tổ; trong khi Thần Tú và Anan đều là những bác học lại bị từ chối. Lý do cho nghịch lý này là tâm truyền tâm không qua trung gian ngôn ngữ, lời không diễn tả được chân lý. Phần nhận xét xin dành cho quý độc giả ...
II. GÓT CHÂN ACHILLES hay ĐIỂM YẾU của THIỀN ĐỊNH:
Cho đến tận ngày hôm nay, các bài viết về thiền định nói chung - Ở Âu Châu cũng như Mỹ Châu - cũng đều ghi nhận những hệ quả tích cực, đáng ca ngợi của thiền định, và cho rằng thiền định nên được thực hành và nhân rộng đến cho tất cả mọi người, kể cả trẻ em.
Trên thực tế, có lẽ thiền định chưa chắc đã mang lại những kết quả lạc quan như vậy! (rất mong quý độc giả đã tu thiền lâu năm đóng góp ý kiến). Bên cạnh mặt tích cực, không ai ngờ rằng thiền định có thể có những hệ quả tiêu cực. Có 2 khả năng xẩy ra cho người tu thiền định:
1. Cho dù là tập luyện một vài năm hay nhiều năm mà nếu không nhập định được thì không có gì để nói. Vì tôi vẫn là tôi, bạn vẫn là bạn.
2. Nếu ít nhiều thực sự nhập định được, thì vấn đề lại khác. Có rất nhiều hệ quả không thể nói hết được và khó phân biệt đâu là tích cực đâu là tiêu cực như:
a. Tự Kỷ Ám Thị sanh ra Hoang Tưởng.
b. Do quá mong muốn, không giữ Giới, nên bị Nhập từ nhẹ đến nặng.
c. Mở Huệ Âm, thấy mình đi nơi này nơi kia, biết quá khứ vị lai ... chữa bệnh cho nhiều người, giảng pháp tu hành, biện tài vô ngại một cách tự nhiên, nhưng không đề cập tới giới luật: Sát, Đạo, Dâm, Vọng v.v... Thậm chí viết cả Kinh sách, viết cả Kinh A di đà (người viết bài này từng chứng kiến).
d. Có người thực sự không bình thường, vì vay nợ của cõi âm quá nhiều, phải để người ta sử dụng thân xác mình để thỏa mãn các nhu cầu ở Dục Giới.
Khi xảy ra các hệ quả nói trên, người tu lại tưởng là mình Thiền Định thành công.
Tu Thiền mà không giữ Giới thì thường sanh ra các hệ quả không thể lường trước được. Có lẽ có một điều rất nên quan tâm, là do những cõi giới khác không có thân xác vật chất nên họ rất cần thân xác vật chất để thỏa mãn các nhu cầu ở Dục Giới như: Ăn uống, uống chất gây say, quan hệ nam nữ, thích được gọi là Cô, Cậu, Thầy ...
Trì Giới là mẹ của an toàn, Kiết Giới có lẽ không bằng Trì Giới - Đạo đức trọng Quỷ Thần kinh - Tâm tạo tác tất cả, Tâm nào Pháp đó. Có lẽ quý độc giả cũng chẳng lạ gì với 2 đại tác giả của thời hiện đại là Blavasky và Barbara Ann Brennan, từng có những tác phẩm viết về Tâm Linh nổi tiếng khắp thế giới. Chính các vị này tự kể lại rõ ràng là họ bị Nhập.
Trên đây chỉ là những hiểu biết hạn hẹp của người viết. Rất mong được quý độc giả đóng góp ý kiến chỉ bảo những sai lầm, xin chân thành cảm ơn!
Có vị độc giả đưa ra ý kiến sau đây, mà đây cũng là ý nghĩ của rất nhiều người: "Tu thiền mà phải học hành khó khăn quá, có nhiều trẻ em không cần học hành hiểu biết mà vẫn tu tốt có sao đâu? ". Thực sự thì chẳng ai muốn:
"Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại tìm những lối đoạn trường mà đi".
Tu tập cách này thì thiền Đốn Ngộ đã đề cập từ lâu lắm rồi; từ sau khi Phật nhập Niết Bàn. Nhưng trên thực tế bạn và tôi đã gặp ai thành công chưa? Sau đây chúng ta thử kể một số vị nổi tiếng trên thế giới đại diện cho một số trường phái:
Yogananda: Đại diện cho trường phái Cria Yoga.
Vivekananda: Đại diện cho trường phái Raja Yoga.
Milarepa: Đại diện cho trường phái Mật Giáo Tây Tạng.
Lopsang Rampa: Đại diện cho trường phái Mật Giáo Tây Tạng.
Barbara Ann Brennan: Đại diện cho trường phái Kundalini Yoga.
Tất cả những vị nói trên, đều phải học hành, thực tập rất gian khổ trong nhiều năm. Chúng ta thử xem qua chương trình học tập của Phật Giáo Tây Tạng (theo tài liệu Présence du Bouddisme / France - Asie).
1. Nyaya: 4 năm.
2. Prajnaparamita: 4 năm.
3. Vinaya: 1 năm.
4. Madhyamaka: 2 năm.
5. Abhidharma: 2 năm.
Theo lời kể của Lobsang Rampa, sau khi tốt nghiệp tại Tây Tạng, ông được chỉ định sang Châu Âu để truyền bá Mật Giáo Tây Tạng. Tại Anh Quốc, ông đã tốt nghiệp bác sỹ Y khoa, tốt nghiệp Phi Công ... Ông viết rất nhiều tác phẩm mà đến ngày nay còn giá trị.
Qua phần trình bày trên, tự quý độc giả lựa chọn cách tu học nào là thực tế và hữu hiệu cho bản thân mình.
Yogananda từng nói: "Cái gì Thượng đế cũng giúp được, nhưng muốn thi đỗ thì phải học bài", hình như Ngài hiểu định luật Nhân Quả rõ hơn các vị cho mình là Phật Tử.
Vấn đề trẻ em tu Thiền, thì không phải là đề tài mới. Ở Tây Tạng gọi là Tulku, hiện tại phỏng định có khoảng 500 Tulku ở khắp Tây Tạng. Trước khi bị Trung Quốc chiếm đóng thì số lượng lên đến vài ngàn. Mỗi vị Tulku đều có những đặc điểm về tái sinh. Thí dụ: Vị Đại Lạt Ma thứ 14 là tái sinh của vị thứ 13, vị Đại Lạt Ma thứ 13 lại là hiện thân của Quán Tự Tại Bồ Tát, đó là vị Bồ Tát của Từ Bi, tay cầm cành sen trắng. Hầu hết Tulku là nam giới, cũng có nữ giới. Khi sắp qua đời, các vị này thường xác định trong đời sau họ sẽ xuất hiện ra sao, họ để lại lá thư hay bài hát, mô tả về nơi sau này để người ta đi tìm.
Việc xác nhận Tulku đôi khi rất mơ hồ và mâu thuẫn. Theo các sử gia Tây Tạng, vị Lạt Ma thứ 5 đã viết trong bản tự thuật của mình: "Người ta đưa cho tôi rất nhiều đồ vật, nhưng tôi không nhận diện được, khi ông bước ra khỏi phòng tôi nghe ông nói với mọi người rằng tôi đã thành công trong cuộc trắc nghiệm. Sau đó Ông trở thành người đỡ đầu, giám hộ gia sư (Tutor)".
Vào năm 2009, trong phim tài liệu Tulku, có người đã nhận xét: "Nếu người dân Tây Tạng không cẩn thận thì hệ thống Tulku sẽ làm tiêu tan, làm phá sản (ruin) Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo quan trọng hơn là hệ thống Tulku". Đây là một kịch bản đầy kịch tính của xã hội Tây Tạng ngày hôm nay mà chính quyền Tây Tạng đang rất quan tâm giải quyết. Chúng ta vẫn hy vọng lịch sử về Tulku sẽ không tái diễn tại Việt Nam.
Thời gian gần đây có thêm một thành viên mới trong sân chơi Thiền Định, đó là trường phái Công Giáo hay Thiên Chúa Giáo. Theo tài liệu phổ biến tại khu vực thành phố Sài Gòn gần đây cho biết, Thiên Chúa Giáo đã thực hiện Thiền Định rất lâu, từ nhiều thế kỷ. Người ta có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như Moses với: "Hãy về tĩnh tọa trong phòng, căn phòng dạy ta mọi sự", Thánh Pantaenus học Dhyana tại Ấn Độ, sau đó truyền cho Thánh Clement. Thời Trung cổ có giáo sĩ Richard (1173). Hai Tổ Thiền là Thomas Merton (1915 - 1968) và John Main (1926 - 1982). Cũng trong tài liệu này có ghi lại rất nhiều nhận xét, định nghĩa, giải thích về Thiền Định là gì, có cả kỹ thuật Thiền Định.
Thiền Định theo trường phái này là gì?
Ta đừng rơi vào cạm bẫy tìm hiểu thiền qua những giảng giải đầy chữ nghĩa, thiền là một chứng nghiệm sống không thể giảng giải - "Dù nói mãi về đồ ăn, cũng không làm ta no bụng".
Thiền không phải là một hệ thống tư tưởng. Thiền là cầu nguyện tập trung (Centering prayer); cầu nguyện không đọc kinh ... Về kỹ thuật Thiền thì giữ lưng thẳng, hơi thở điều hòa, mắt nhắm lim dim, miệng tụng mantra: "maranathan" rồi chìm vào hư vô. Ngồi xuống, giữ lưng thẳng, tụng mantra "maranathan" ngoài ra không kỳ vọng bất cứ điều gì. (Maranathan có nghĩa là: "Lạy Chúa! Xin hãy đến". Đây là ngôn ngữ Aramiac. Ngôn ngữ của Đức Chúa Giêsu dùng ngày xưa).
Theo tài liệu Thần Học thiêng liêng của tác giả Hoành Sơn. (Phần A, chương 9): "Con đường nội tiến: Suy niệm và Nhập Định" là tài liệu chính quy để học tập. Căn cứ vào tài liệu kinh thánh, mọi việc bắt đầu liên quan đến loài người là vấn đề Tội Tổ Tông. Eva, (đã nghe lời xúi dục của con Rắn) ăn trái cấm và xúi Adam ăn nên biết điều Thiện và điều Ác. Họ chỉ chưa kịp ăn trái cây trường sinh để trường thọ. Sau đó bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng Eden; Từ nay Adam phải làm lụng vất vả mới có ăn, Eva phải chịu mang nặng đẻ đau mới sinh được con. Con rắn (hiện thân của quỷ Satan) " ... bị nguyền rủa ... phải đi bằng bụng, phải ăn bụi đất ... Ta sẽ tạo niềm thù hận giữa ngươi và đàn bà (Eva) ... "
Thiền Định và sự hiểu biết là một mô hình đối xứng không thể tách rời, Minh Triết là một thuộc tính tất nhiên của Thiền Định ... Thiền định mà không đưa đến minh triết, thì Thiền định để làm gì?
Pháp môn Raja Yoga từng nói:
"Không tu Raja thì không có sự minh triết"
"Không minh triết thì không tu được Raja Yoga".
Sakya Muni cho là:
"Thiếu sót lớn nhất trong đời người là thiếu hiểu biết"
"Tài sản lớn nhất trong đời người là hiểu biết và sức khỏe".
Căn cứ vào Kinh Thánh, thì kịch bản của Eva và Adam do ăn trái cấm, nên có sự hiểu về điều Thiện và điều Ác ... Sự hiểu biết này đã không được thưởng mà trái lại còn bị phạt rất nặng và làm liên lụy tất cả nhân loại đến tận ngày hôm nay. Nói tóm lại, sự hiểu biết rõ ràng là một tội lỗi theo quan điểm của Chúa.
Sở dĩ người ta cần phải suy nghĩ về vấn đề Tội Tổ Tông, vì nó là nguồn gốc của toàn bộ cuốn Thánh Kinh chứa đựng trong cả ngàn trang giấy. Theo hiểu biết của người viết bài này thì việc xử tội Eva và Adam có lẽ không phù hợp với luật pháp bình thường của các quốc gia có nền dân chủ. Một người không thể tự ý vừa làm ra luật pháp, vừa xét xử, vừa thi hành án ... Luật pháp phải được viết trên sự công bằng bác ái, phải ghi thành văn bản rõ ràng và phải được thực thi một cách nghiêm túc, không có bằng chứng thì không thể kết tội, chế tài phải rõ ràng ... Eva và Adam không có trạng sư để biện hộ, như vậy có lẽ việc xét xử đã không theo một trình tự tố tụng dân sự hoặc hình sự ... nào cả.
Tác phẩm: "What the Bible really says" người dịch là (Mark Howson - Wings Books - New York 1980 _ P29_IB_28) viết về Chúa như sau: "He is ruthless, wrathful, vengeful, jealous peace loving - But about all - he is almighty". Để tránh hiểu lầm là người viết bài này có ác ý. Xin quý độc giả vui lòng tự dịch.
Vậy làm sao tu Thiền Định được đây. Trí tuệ thông suốt là hệ quả tất yếu của Tứ Thiền Hữu Sắc ... điều này quý độc giả ai cũng biết. Rất có thể một số quý độc giả đang đọc bài này, có khả năng nhận biết ít nhiều quá khứ, vị lai ... Vậy Chúa sẽ đưa ra hình phạt nào cho cái tội hiểu biết loại này? Rất mong quý độc giả vui lòng góp ý kiến để Chúa có thể đưa ra quyết định phù hợp hơn với quy luật khách quan.
Nếu tôi hoặc bạn là một giáo dân và có ý định tu Thiền, hoặc đang tu Thiền, thì chắc chắn dù bạn hay là tôi cũng sẽ có 2 mối lo:
1. Kinh nghiệm lịch sử mà Thánh Kinh đã ghi lại, Tổ Tiên loài người bị trừng phạt vì ăn Trái Cấm đưa đến sự hiểu biết.
Nay tôi tu Thiền Định thì hệ quả tất yếu là sự Minh Triết (Minh Triết có gốc chữ Hán là: Sáng suốt, tách bạch, chẻ ra ... để hiểu cho rõ). Kết quả này có lẽ còn trầm trọng hơn cả cái "biết" mà Tổ Tiên loài người đã vi phạm. Vậy tôi có bị trừng phạt không? Chúa là: " ... He is almighty". Như thế này thì tôi bị trừng phạt là cái chắc.
2. Theo tài liệu được phổ biến thuộc khu vực Sài Gòn của Công Giáo, thì kỹ thuật tu Thiền Định là ... đọc mantra là "maranathan". Maranathan có nghĩa là: "Lạy Chúa! Xin hãy đến". Nếu Chúa thực sự đến, xuất hiện với hình tướng: "He is ruthless, wrathful, vengeful, jealous ...", thì liệu đây có phải là một Công Án, một Thiện Pháp để Quán Tưởng không? Câu trả lời có lẽ chúng ta phải tự tìm lấy.
III. KHỦNG HOẢNG về KHÁI NIỆM "SẮC" của các HỆ THỐNG THIỀN ĐỊNH:
Nhạc sĩ Phạm Duy trong bản nhạc Đố Ai đã viết:
Đố ai nằm ngủ không mơ,
Biết em nằm ngủ hay mơ,
Nửa đêm trăng xuống, đứng chờ ngoài hiên,
Nửa đêm anh đến … bến bờ yêu thương ….
Đúng vậy, tất cả mọi người đều nằm mơ khi ngủ. Đó là một sự thật. Ca sĩ Trúc Lam, Trúc Linh đã từng mơ:
Đêm qua em nằm mơ, mơ thấy anh lìa xa cuộc đời.
Anh đi anh bỏ em, không gởi lại một lời trăn trối.
Em khóc như trời mưa!
Ngày xưa Kiều cũng mơ thấy Đạm Tiên, theo lời kể của Nguyễn Du:
Sương in mặt, tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa.
Rước mừng đón hỏi dò la:
"Đào Nguyên lạc lối đâu mà đến đây?"
…
Gió đâu lay động bức mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.
Trang Tử mơ rồi tự hỏi:
“Tôi là bướm hay bướm là tôi”
Với cái nhìn của nhà Phân tâm học như Erich fromm, thì cá tánh con người là một tập hợp tâm lý bao gồm: Bẩm sinh và tập thành (inne’s et acquises). Chính vì lý do này mà tạo ra cá tánh. Vẫn theo tác giả này khi phân tích giấc mơ thì có lẽ 2 cô gái kể trên được sắp vào loại “melancolique” (buồn bã), có khuynh hướng của “masochisme” (tự làm khổ mình) … Theo tài liệu “Interpretation du Rêve” thì giấc mơ chỉ là một hình thức để giải thoát ẩn ức. Các ẩn ức ở khu vực tiềm thức có cơ hội được giải thoát khi người ta nằm mơ.
Vi Diệu Pháp với đề tài “Sắc” đã đưa ra một cái nhìn mà khoa học, cho đến tận ngày hôm nay, hình như cũng không ai hiểu cả.
Có thể có hai lý do để giải thích cho chuyện không hiểu này:
1. Có người thực chứng Thiền định nhưng lại thiếu hiểu biết về lý thuyết và kỹ thuật của Vi Diệu Pháp.
2. Hoặc là chỉ hiểu được nghĩa của chữ, chứ không phải ý nghĩa ở sau hàng chữ. Không thực chứng cũng như thiếu kinh nghiệm về Thiền định.
Tài liệu Vi Diệu Pháp có lẽ được viết từ quan sát kinh nghiệm thực tế trong khi Thiền, chứ không phải là một tài liệu phát xuất từ trí tưởng tượng của con người bình thường. Có thể vì hai yếu tố nói trên, Vi Diệu Pháp là Kinh Vô Tự nên “Vô tri nên Bất mộ”. Chúng tôi chỉ trình bày sự thật, không có ý đề cao, khen chê bất cứ ai. Rất mong quý độc giả hiểu và thông cảm với thiện chí của người viết. Chúng tôi thành thật xin lỗi nếu có gì không hài lòng quý độc giả.
Bây giờ chúng ta đan cử một giấc mơ điển hình của bất cứ ai: Mơ đi đâu đó, gặp một số người quen, hoặc không quen, nói chuyện … Có khi sợ quá, mừng quá nên muốn kêu lên hoặc la lên nhưng cứ ú ớ, không thể thốt thành lời … cho đến khi tỉnh dậy. Giấc mơ kể trên có những đặc điểm đáng ghi nhận sau đây:
- Trong mơ chúng ta không thấy được thân xác vật chất của mình.
- Không nói, không nghe được; nhưng vẫn nhìn được và cảm thấy mình nói chuyện bình thường …
- Có khi tai nạn xẩy đến trong giấc mơ như bị dao chém, bị lửa cháy, nhưng cơ thể lại không bị tổn thương, hư hỏng …
Sắc của Vi Diệu Pháp đã giải thích như sau:
Căn cứ lý thuyết về Sắc:
- Ở Cảnh Dục Giới: Sắc có đủ 28 yếu tố Sắc Pháp mà cụ thể là thế giới vật chất. Trên thực tế có rất nhiều hình thức và kết hợp khác nhau.
28 yếu tố Sắc là Đối Tượng của thị giác. Trong lúc mơ, mắt ta vẫn còn nên nhìn thấy. Tuy nhiên Sắc vi tế hơn, do đó “Sen vàng lãng đãng như gần như xa!”. Vì Tâm tạo ra Sắc, Tâm trong lúc mơ đã có sự biến đổi, nên ta không có thân (body), không có miệng, mũi, lưỡi … Nếu có chỉ là cái hình thức gọi là Phù Trần Căn nhưng tịnh Sắc không còn, vì không còn sử dụng … vào việc gì cả. Hình thức của các giác quan như miệng, mũi, lưỡi chỉ có hình thức tượng trưng, có tính chất trang trí là chính … Vì thế, bị xe đụng, dao chém trong mơ … chỉ sợ chứ không sao cả.
Ngày nay, người ta tốn trên 2 tỷ USD để chế tạo ra xe tự hành. Xe này có khả năng đáp xuống sao Hỏa sau mấy tháng di chuyển trong không gian và hoàn tất quãng đường dài 12 phút theo vận tốc ánh sáng. Nhờ vào năng lượng nguyên tử rôbốt có thể vận hành khảo cứu lâu dài về sao Hỏa. Nhưng từ 2000 năm trước, Vi Diệu Pháp đã là cỗ xe tự hành, ít tốn kém, đã đi sâu vào trong Tâm con người, cho ta thông tin về số lượng Tâm, Sắc, Cảnh Giới … Có lẽ đây là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, một phát minh tìm ra chính mình, con người thật của mình và quan trọng hơn nữa là tìm ra tương lai cho thân phận con người.
Vi Diệu Pháp chính là tài liệu “Chiến lược vĩnh cửu vãn hồi hy vọng”, giải thoát con người khỏi quyền năng của Thượng Đế. Được trang bị kiến thức và kỹ thuật VDP, con nguời trở thành một vị thần Titan dưới mắt Thượng Đế! Nói tóm lại, bạn và tôi chính là tự do, tôi và bạn tìm được chính mình qua lý thuyết và kỹ thuật thiền định vi diệu của VDP.
Chúng ta đã biết từ thủa Sakya Muni và mãi cho đến sau này là Thiền Định đem đến sự Minh Triết. Chúng ta biết được "Sự Thật" và thừa nhận có nhiều Thực Thể ở nhiều Cõi, nhiều Cảnh Giới khác nhau. Khái niệm Thượng Đế là sản phẩm tưởng tượng do con người đẻ ra. Sau đó ta lại dùng sản phẩm này để dọa dẫm mọi người, cũng như dọa dẫm chính mình! ... Các Tôn Giáo hay dùng khái niệm là có Sứ Giả, nhà Tiên Tri (một hình thức như Bộ Trưởng Ngoại Giao) của Thượng Đế được mặc khải (Revelation) đến báo tin - Thực sự là một hình thức ủy nhiệm thư theo ngoại giao ngày hôm nay.
Con người bị lầm lẫn vì kịch bản có vẻ chính qui, từ ngữ có vẻ chính thức … Với mặc cảm tự ti bẩm sinh, con người công nhận Thượng Đế để bù đắp nổi lo âu, sợ hãi vốn có của mình. Thật sự chúng ta có gặp được người nào nói họ đã từng gặp Thượng Đế bao giờ đâu?
Trong giới “Giang Hồ Thiền Định” đầy hiểm ác, thì chắc chắn ai tu tập thiền định cũng muốn có được bí kíp “Vi Diệu Pháp Chân Kinh”. Trong truyện kiếm hiệp nổi tiếng “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, Nhạc Bất Quần dù đoạt được Tịch tà kiếm phổ, nhưng phải "dẫn đao tự cung" (tự thiến mình) để luyện. Cách tập luyện theo Vi Diệu Pháp Chân Kinh thì không đến nỗi phải “vung tay tự thiến - xưng hùng thiên hạ”, nhưng cũng phải dùng đến gươm, dao theo một cách khác là:
Gươm trí tuệ đoạn dứt vô minh,
Dao từ bi đến bờ giải thoát.
Chính vì lẽ “Kẻ thù lớn nhất trong đời là chính mình”
Định Dục Giới và Định Hữu Sắc:
Nhập định là vấn đề cốt lõi của Thiền Định. Nhưng Định Dục Giới và Định Hữu Sắc giống nhau hay khác nhau? Sau đây chúng ta thử tìm hiểu xem thực sự Định Dục Giới và Định Hữu Sắc có đơn giản như xưa nay người ta vẫn thực hành hay không?
Vấn đề phải đặt ra ngay đầu tiên:
Sắc là một thuộc tính của thế gian, nghĩa là của cảnh Dục Giới. Nhưng Sắc cũng thuộc về Thiền Hữu Sắc, thế là sao? Vậy Sắc thật sự là gì?
Đây là việc rất cơ bản và cần phải làm rõ. Khi thực hành Thiền Định mà không hiểu rõ mình đang làm gì thì sanh ra Tâm Nghi. Nghi là một Bất Thiện Pháp cơ bản quan trọng. Nghi còn là một trong 10 phiền não, có Tâm này thì không thể Nhập Định được. Đây là quan điểm của tinh thần truyền thống Vi Diệu Pháp. Người ta đã không có câu trả lời cho vấn đề này suốt 25 thế kỷ. Chúng ta cần phải tìm ra câu trả lời có trách nhiệm, khoa học, nghiêm chỉnh, đáng tin cậy, có cơ sở thật sự và mang tính chất thực dụng và hiệu quả cho kỹ thuật Thiền Định của hệ thống Thiền Hữu Sắc.
Theo tài liệu Vi Diệu Pháp chương 6 với đầu đề là RUPA thì Sắc có 4 phần:
a. Phân loại các Sắc pháp.
b. Sắc sinh khởi.
c. Tổng hợp các Sắc.
d. Diễn biến Sắc pháp.
Chúng ta thử tóm lược về sắc:
Sắc là cái gì luôn luôn biến động, chỉ chung các Sắc Pháp và chỉ riêng Đối Tượng của con mắt. Rupa là hình tướng và màu sắc.
Tóm lại có tất cả là 28 Sắc Pháp:
4 Ðại Chủng.
5 Tịnh Sắc.
4 Hành Cảnh Sắc.
2 Bản Tánh Sắc.
1 Tâm Cơ hay Tâm Sở Y Sắc.
1 Mạng Sắc.
1 Thực Sắc (cộng là 18 Sắc).
Lại thêm 10 Phi Sở Tạo Sắc:
1 Hạn Giới Sắc.
2 Biểu Sắc.
3 Biến Hóa Sắc và
4 Tướng Sắc.
Diễn biến Sắc Pháp:
a. Do nghiệp lúc mới gá sanh. Hậu quả của 25 loại Tâm trong quá khứ:12 Bất Thiện Tâm cộng với 8 Thiện Tâm thuộc Dục Giới và 5 Thiện Tâm thuộc Sắc Giới.
b. Tâm từ sát na thứ 2 sanh ra Sắc Pháp.
c. Thời tiết cũng sanh ra Sắc Pháp.
d. Thực phẩm khi tiêu thụ cũng sanh ra Sắc Pháp.
Khi lâm chung đến sát na thứ 17 của tử Tâm, các Sắc Pháp chấm dứt. Thời tiết chấm dứt khi thi thể hoàn toàn phân hủy.
Số lượng Sắc Pháp ở các Cảnh Giới:
a. Dục Giới: Có 28 Sắc Pháp.
b. Sắc Giới: Có 23 Sắc Pháp.
- Không khởi lên: là mũi, lưỡi, thân, tánh sắc.
- Những cái khởi lên: Mắt, tai, tâm sở ý, mạng căn. Có các Sắc Pháp do Tâm và thời tiết sanh.
c. Vô Tưởng Thiên: Có 17 Sắc Pháp. Mắt, tai, tâm sở ý. Có các Sắc Pháp do thời tiết sanh. Không có các Sắc Pháp do Tâm sanh.
d. Vô Sắc Giới: Không có Sắc Pháp nào cả.
Phần trình bày trên đây có thể là một loại Kinh Vô Tự đối với một số quý độc giả, vì khi đọc không hiểu nói gì cả.
Có thể giải thích lý do như sau: Chúng ta muốn có một cái gì, thì cũng phải bỏ ra một cái gì. Có lẽ đây là định luật của trời đất. Lopsang Rampa từng nói “In order to get, you must give”. Thật vậy, đối với một số quý độc giả khác thì lại thấy đây là Bí Kíp, đây là Chân Kinh, đây là câu trả lời cho câu hỏi mà mình đã bỏ ra cả đời để đi tìm.
Chúng ta thử đan cử một số thí dụ mà người tu Thiền Định thường gặp, nhưng có lẽ không ai hiểu tại sao cả … Lúc công phu chúng ta nhắm mắt, có lẽ ai cũng vậy cả. Chúng ta từng gặp rất nhiều các Chư Vị khác nhau, nhưng chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc xác định họ thuộc Cảnh Giới hay Cõi Giới nào, vì chúng ta chẳng có một tiêu chuẩn nào để đánh giá.
Thông thường nhất người ta lẫn lộn cảnh Dục Giới với cảnh Sắc Giới, cách phân biệt như sau: Chúng ta nên nhớ lại, Dục Giới là có đủ 28 Sắc Pháp. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào cách phối hợp các Sắc Pháp, tùy thuộc vào Sắc Pháp nào chiếm ưu thế, Sắc Pháp nào không chiếm ưu thế.
Cảnh Thiên của Dục Giới thì Sắc Pháp tế nhị hơn nên chúng ta không nhìn thấy được (Tâm sanh ra Thân, Tâm khác thì Sắc Pháp khác, tất nhiên Thân phải khác. Do đó, chúng ta quan sát con người chẳng ai giống ai, cụ thể là dấu tay người ta khác nhau). Thực thể của cảnh Thiên Dục Giới thường có những hoạt động, quần áo thì nhiều màu sắc, điều đáng lưu ý là có Nam, có Nữ rất dễ phân biệt.
Do đó, khi Nhập Định thực sự, ta hay gặp một số Chư Vị, trang phục màu sắc không rõ ràng, họ cũng có những bộ phận: Mũi, thân … nhưng không dùng được, vì thực sự các bộ phận này không có việc để dùng. Chúng ta vẫn giao tiếp bình thường, có nói chuyện qua lại, nhưng các Vị đó và cả chúng ta đều không mở miệng, nhưng vẫn hiểu được nhau, một điểm nữa nên chú ý, cử chỉ của họ nhẹ nhàng, tế nhị, khoan thai … ít cử động, có khả năng các Vị thuộc Cảnh Sắc Giới.
Đây có phải là hoang tưởng hay là ảo giác không? … khi xuất Định, chúng ta làm những công việc mà mình và Vị đó đã trao đổi, thực tế này chứng minh cho ta thấy đây không phải là hoang tưởng, hay mơ màng … Thực tế có nhiều chi tiết chính xác, chúng ta có thể kiểm chứng được trên thực tế vật chất.
Người viết bài này đã có kinh nghiệm thực tế là trong lúc Nhập Định, đã được chỉ dẫn là đi đến một nơi ở tại Sài Gòn, mà mình chưa hề đến bao giờ, gặp một người được báo trước lấy để một tài liệu vật chất là Đàn Pháp “Quán Âm Tự Tại”. Khi thực sự cầm Đàn Pháp này trong tay, mình còn tưởng mình là mơ.
Việc này thường xẩy ra cho người tu Thiền Định. Chính đề tài Sắc Pháp đã giúp chúng ta hiểu rõ họ thuộc Cảnh Giới nào … tránh lầm lộn với các vong linh cho chúng ta một cái gì đó và cũng đòi hỏi chúng ta phải đáp lại một cái gì đó.
Xin phép được nhắc lại một lần nữa về hiện tượng giấc mơ:
Hiệu ứng nêu trên có thể xẩy ra với đại đa số mọi người trong lúc nằm mơ. Chắc chắn chúng ta ai mà chẳng mơ. Diễn tiến có thể là một kịch bản như sau: Chúng ta có thể bất chợt đến một nơi nào đó, thậm chí là bay lúc cao, lúc thấp đến một nơi nào đó, nhưng chúng ta đều không thấy thân xác của mình, chúng ta giao tiếp với những Thực Thể không xác định được, chúng ta định nói nhưng không nói được, chúng ta không thấy mùi vị … có khi gặp các tai nạn vô cùng khủng khiếp, chúng ta chỉ ú ớ không nói nên lời, sau đó tỉnh dậy thấy mình không sao.
Sắc Pháp giải thích như sau: Như chúng ta đã biết có 4 yếu tố sanh ra Sắc Pháp. Tâm ta lúc nằm mơ đã thu nhỏ lại, do đó Sắc Pháp cũng thay đổi. Do định luật Tương Ưng, như đã được trình bày trong những bài viết trước, chúng ta đến những cảnh giới Hữu Sắc, khả năng thuộc Dục Giới, tương ứng với cấu tạo tâm của mình. Chúng ta không có thân, không có mũi … do đó chúng ta có thể đi qua bức tường, bay lúc cao lúc thấp.
Theo Vi Diệu Pháp thì chúng ta có bao nhiêu loại mắt?
- Xin thưa có 5 loại mắt, điều này đối với khoa học ngày hôm nay thì hoàn toàn bất lực. Khoa học ngày nay quan niệm về cái nhìn (vision) như sau: Chúng ta chỉ thấy chính xác là ánh sáng (light, và bản thân ánh sáng là lưỡng tính sóng hạt), một vật là nguồn sáng, một vật là phản chiếu ánh sáng, mắt chỉ là một công cụ quang học giúp tiếp nhận hình ảnh, sau đó đưa vào não để xử lý, nếu não bị hư hỏng ở phần nhìn và hiểu, thì chúng ta chẳng thấy, chẳng hiểu gì cả.
Theo tài liệu Vi Diệu Pháp, có đến 5 thứ Nhãn:
1. Nhục Nhãn: Của xác thịt.
2. Thiên Nhãn: Của Chư Thiên, của người tu Thiền Định.
3. Huệ Nhãn: Trí Huệ.
4. Pháp Nhãn: Trí Huệ.
5. Phật Nhãn: Bao gồm các loại Nhãn kể trên.
Thực sự mà nói, có bao nhiêu loại Tâm thì có bấy nhiêu loại Nghiệp Lực. Có bao nhiêu loại Sắc, thì bấy nhiêu loại Mắt. Do đó, chúng ta thấy Mắt con người chẳng ai giống ai.
CÔNG THỨC BÚP BÊ MATRYOSHKA VÀ SẮC
BÚP BÊ SỐ 1: Sắc của Dục Giới.
1. Đối tượng Quán Tưởng: Đối tượng là Sắc Pháp đầy đủ (28 Sắc Pháp). Dùng để Quán Tưởng khi Thiền Định: Lúc mở mắt để nhìn gọi là Sơ Tướng; khi nhắm mắt thì gọi là Thô Tướng.
2. Phương tiện để Quán Tưởng: Là Nhục Nhãn, là mắt thịt. Ở trạng thái mở mắt và nhìn thấy vật chất gọi là Sơ Tướng. Ở trạng thái nhắm mắt thì tưởng tượng ra Thô Tướng và Quang Tướng. Đây là hình ảnh (image) do tưởng tượng, khác với ở trên là nhìn thấy vật chất của một vật.
3. Chủ thể Quán Tưởng: Con người bình thường có cấu tạo trên 200 Tâm và 28 Sắc Pháp.
4. Môi trường thực hiện: Là Dục Giới.
5. Mục đích: Nhập Định.
6. Công cụ: Kỹ thuật Thiền Định của Vi Diệu Pháp.
BÚP BÊ SỐ 2: Sắc của Sắc Giới.
1. Đối tượng quan sát: Sắc vi tế, chỉ có 23 Sắc Pháp. Quang Tướng là Sắc Pháp dùng làm đối tượng để Quán Tưởng.
2. Phương tiện Quán Tưởng: Thiên Nhãn, nhắm mắt chỉ thấy hình ảnh.
3. Chủ thể Quán Tưởng: Là con người bình thường, tự bỏ đi một số Sắc Pháp là các giác quan vốn có, ở trong trạng thái Nhập Định, có ít hơn 50 Tâm.
4. Môi trường: Là Sắc Giới.
5. Mục đích: Định Hữu Sắc.
6. Công cụ: Kỹ thuât Thiền Hữu Sắc của Vi Diệu Pháp.
Tiến trình Thiền Định này mang mầu sắc của chủ nghĩa đào thải tự nhiên. Đây chính là chủ nghĩa Darwinisme. Một sự trùng hợp khá kỳ lạ của hai chủ nghĩa Duy vật và Duy linh.
PHỤ LỤC ĐỂ GIẢI THÍCH VỀ SẮC
Giải thích Vi Diệu Pháp và đem những kiến thức này ứng dụng vào Thiền Định là một công việc “lành ít, dữ nhiều” và khả năng “thân bại danh liệt” là rất cao. Có lẽ đó là một công việc ngây thơ và ngớ ngẩn. Trải qua suốt chiều dài của lịch sử, phần đông người ta chỉ làm công việc sao chép các bảng thống kê, thêm bớt chút ít, rồi viết tên vào thế là xong. Công việc này tuy mất công nhưng ít nguy hiểm và có thể gọi là “lành” nhất.
Cũng giống như lý thuyết tương đối của Einstein, muốn hiểu được lý thuyết này thì kinh nghiệm sống hằng ngày không giúp gì cho chúng ta cả. Ngược lại nó còn làm trở ngại trong công việc tìm hiểu, học hỏi lý thuyết tương đối. Việc này cũng xẩy ra tương tự như tìm hiểu và học tài liệu Vi Diệu Pháp. Điều này quý độc giả sẽ nhận biết ra khi đọc phần sau của bài viết.
Sắc là gì? Nói một cách nôm na thì Sắc là vật chất. Chúng ta chọn từ ngữ này để cho dễ hiểu, nhưng từ ngữ vật chất này không thể hiểu hoàn toàn giống như chúng ta từng học ở trong trường. Vật lý học cho chúng ta biết là thế giới vật chất được xây dựng nên do khoảng 117 nguyên tố. Căn cứ vào mô hình chuẩn thì vũ trụ được tạo dựng nên do 3 hạt hạ nguyên tử Lepton, Quart, Higgs … Higgs tạo ra vật chất cho các hạt khác.
Sắc lại cho chúng ta một khái niệm hoàn toàn khác. Thế giới vật chất chúng ta được cấu tạo bởi 28 yếu tố, gọi là 28 Sắc Pháp với khoảng 21 kiểu phối hợp. Khái niệm này không thể kiểm chứng được nhưng khi đem ứng dụng vào thực tế trong nhiều trường hợp lại tỏ ra rất hữu dụng. Kiến thức này có thể giải thích một cách có hiệu quả một số trường hợp nêu sau:
a. Rất có thể quý độc giả trong lúc Thiền Định gặp rất nhiều Thực Thể, chủng loại đa dạng về Sắc, rất khác con người. Có Thực Thể có 3 đầu, có Thực Thể chỉ là một đống thịt.
b. Nếu chúng ta giả thuyết là có Ma (rất có thể quý vị độc giả đã từng gặp rồi), thì Sắc Tướng của Ma cũng rất đa dạng. Theo lời kể, thì chẳng có Ma nào giống Ma nào. Mặt khác, Ma hãy dọa dẫm người ta. Hiện tượng này chứng tỏ cấu tạo Tâm của Ma chẳng khác gì cấu tạo Tâm của con người đang sống. Có khác chăng chỉ là cấu tạo Sắc Pháp khác nhau mà thôi.
c. Khi mơ, mình vẫn biết mình là mình, suy nghĩ không khác, kiến thức không thay đổi, chứng tỏ cấu tạo Tâm không khác là bao nhiêu. Tuy nhiên, cấu tạo Sắc Pháp lại hoàn toàn khác, chúng ta không thấy thân xác mình, không nói được, không làm chủ được các cử động, một người từng học võ trong mơ lại không có khả năng đánh võ.
Nguồn gốc của vật chất khác hẳn những gì chúng ta học tại nhà trường. Theo truyền thống Vi Diệu Pháp thì Nghiệp, Tâm, Môi trường, Thực phẩm, … tạo ra Sắc Pháp. Nghiệp và Tâm tuy vô hình vô ảnh nhưng lại có khả năng tạo ra Sắc Pháp (chúng ta nhớ lại Trường sanh ra Chất. Năng lượng sanh ra Khối lượng). Nghiệp tạo ra gần như toàn bộ con người và vật chất, Tâm tạo ra thân, miệng và lời nói.
Tác giả: CTR
4 comments:
Xin chào nhóm CTR và anh Cả nhóm!
1.Xin hỏi thời Đức Phật Thích Ca có chuyện "độ tử " không ah?Bởi TN thấy cũng lạ nếu có thì Phật Bồ Tát đã độ hết rồi sao lại để TN sót lại ở đây buồn gúm ah!Nếu có thì nhân quả thì .thì ....thì....lại càng khó hiểu hơn ah?
2.Xin hỏi thời Đức Phật mới tu cũng bỏ Thầy ra đi, như vậy có gọi là "vượt pháp" không ah?
3.Xin hỏi có kinh nào Phật đề cập đến "vượt pháp" không ah?
4.Xin hỏi nhân quả cho người dẫn sai đường ,chỉ sai đường,hậu quả?(bởi vì TN thích góp nhặt rồi đem lên blog chia sẽ nhưng chẳng biết mô tê vì bản thân cũng là phàm phu,chỉ có mỗi cái tâm thiện muốn mọi người cùng tắm chánh pháp!)
Thành thật cám ơn!
1. Về chuyện độ tử:
Không có kinh nào Nguyên Thủy lại nói về chuyện này cả. Ngoại trừ kinh Đại Thừa.
Tuy nhiên có một chi tiết khó hiểu là:
Thái Tử Tất Đạt Đa trốn chạy ra khỏi những chỗ ... ăn chơi do chính Vua xây dựng.
Sau khi tu hành thành công rồi thì Ngài có về thăm gia đình và không có ai đủ lý do để mà mời Ngài ở lại trong kinh thành để mà tu hành. Chính Đúc Vua cũng không đủ hơi sức để viện ra một lý do nào đó, để mà giữ chân Ngài ở lại.
Và dĩ nhiên là Ngài cũng không có ở lại chỗ này để… "làm gì"!
Chi tiết này rất là khó hiểu!
Cũng do đọc sách, cho nên tất cả những mỹ nữ đã thi hành xong nhiệm vụ với Thái Tử đều bị cực hình và đều bị nhốt trong một cái làng. Những ai sóng được thì cứ sống, còn những ai chết thì cứ chết.
Chi tiết bị cực hình ra sao? Vì quá là ghê gớm, Kẻ Nặc Danh không thể kể lại ở đây được. Nhưng chắc chắn Đức Phật biết rất là rõ và rành.
Ngài chắc chắn là có làm chuyện độ tử này, nhưng không có "tự thuyết" cho bất cứ ai nghe.
Chi tiết duy nhất có ghi lại cái chuyện Ngài có độ tử cho Mẹ của Ngài bằng cách thuyết pháp trên cung trời Đao Lợi và khi Mẹ nghe Ngài thuyết Pháp về "Vi Diệu Pháp" thì Mẹ Ngài nhập lưu!
Rất cám ơn có lời hồi âm của bạn!
Mình có đọc một trong các bài của CTR ,có một câu mình cũng cảm thấy tuyệt"đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên còn không cứu được Mẹ" .Nếu có chuyện "độ tử" mình nghĩ ngay lúc ấy ,Phật TC cũng đã thuyết cho đệ tử nghe rồi,bạn nghĩ xem có phải không?
Chúc Thầy tôi và các bạn đồng tu tắm trong Chánh Pháp và cùng phát triển tâm linh,tu giải thoát sanh tử luân hồi.
Bài đầu tiên em đọc đây ạ.
Vậy là sang năm 2014 này chưa có bài viết nào cả.
Rất cần có thời gian để đọc kỹ và nhận xét.....
Đăng nhận xét