Pages

Giả thuyết lượng tử Tâm


Có lẽ tấn thảm kịch lớn nhất của con người là việc sinh ra và chết đi mà không có một sự chuẩn bị nào cả. Nếu giả định có một vị Thượng Đế nào đó đã tạo ra con người như một phiên bản, một tác phẩm nghệ thuật, thế thì thật tình chúng ta nên phàn nàn, kêu ca. 

Ai cũng biết bất cứ một sản phẩm chính quy bất kỳ nào, khi được sản xuất ra thì đều phải có một tài liệu kèm theo hướng dẫn cách sử dụng, những trở ngại, cách sửa chữa, và địa chỉ bảo hành Thế nên nếu xét trên phương diện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa này, Thượng Đế thật vụng về và thiếu sót khi tạo ra một sản phẩm mà không hề có một tài liệu hướng dẫn sử dụng kèm theo.

Chúng ta ra đời với đầy rẫy những mặc cảm, những bản năng … mà chúng ta không hề hay biết. Có lẽ không phải là sai khi triết học hiện sinh đánh giá con người chúng ta là khách lạ.

Con người đã cất tiếng khóc khi chào đời, tiếng khóc như một tín hiệu cho biết một Thực Thể hiện hữu ở một không gian mới. Nói tóm lại, chúng ta không biết gì về mình cả. Tác nhân đáng trách nhất có lẽ là một vị Thượng Đế nào đó, ít nhất ngài cũng phải gắn cho mỗi con người một tấm giấy nhỏ, ghi rõ tối thiểu về những tính năng của một sản phẩm như:

- Thực Thể này chỉ sử dụng tốt trong không gian ba chiều. Cài sẵn phần mềm là chương trình Luận Lý Hình Thức (điều này Aristote đã phát hiện ra từ thuở sinh thời).
- Giới tính: Nam, Nữ, Trung tính (điều này văn minh Ấn Độ và Trung Hoa từng đề cập đến).
- Loại Thực Thể: Con người.
- Công suất cực đại: Không cho biết.
- Momen xoắn cực đại: Không cho biết. (Mô-men xoắn đặc trưng cho khả năng chịu tải tức thời của động cơ).
- Sản phẩm này có thể chỉ sử dụng trong điều kiện thông thường, không sử dụng để đánh nhau vì có thể gây hư hỏng, bị thương hoặc chết.
- Không được sử dụng để tu Thiền Định (vì tu Thiền Định sẽ phát hiện ra được Sự Thật, Chân Lý, biết rõ Thượng Đế không hiện hữu nên sẽ bể mánh).  
- Nếu sử dụng sai chỉ dẫn, sẽ không được bảo hành.

Để bù đắp sự thiếu sót của Thượng Đế và tính hay quên của Ngài, các luận sư của truyền thống Phật Giáo đã biên soạn ra tài liệu Vi Diệu Pháp. Có thể nói đây là cẩm nang để sử dụng con người. Trong khoa học tự nhiên, mô hình nguyên tử đã được các nhà khoa học Hy Lạp biết đến từ lâu, nhưng lại bị chìm vào quên lãng. Phải đợi đến nhiều thế kỷ sau, người ta mới bắt đầu nhớ lại. Số phận của tài liệu Vi Diệu Pháp cũng chẳng may mắn gì hơn, dường như cũng bị lãng quên trong nhiều Thế kỷ. Chính cuộc khủng hoảng trong bộ môn Thiền Định đã là động cơ làm cho Vi Diệu Pháp phải hồi sinh. Thật vậy, khoa học tự nhiên, tâm lý học, tâm lý phản xạ, y học ... đều bất lực trước việc lý giải các hiệu ứng: Cận Tử, Thiền Định v.v... 

Dựa trên cơ sở Vi Diệu Pháp, dựa trên quan sát các hiện tượng của thế giới tự nhiên, “Giả thuyết Tâm lượng tử” cần thiết phải ra đời, để lấp đầy chổ trống, khoảng cách mà các bộ môn khoa học khác chưa đáp ứng được. Để tiếp cận với vấn đề này, cần phải xác định hệ quy chiếu và quan sát viên. Quan sát viên ở đây là một Thực Thể bất kỳ; là con người hiện hữu trong một không gian ba chiều. Đây là một khái niệm thường được mặc định như vậy. Người ta cũng mặc định với nhau là Luận Lý Hình Thức với 4 quy luật cơ bản và những loại lý luận phổ thông, là công cụ cơ bản của một tri thức luận được mô tả là lành mạnh. 

Ta nên cảnh giác, một Thực Thể khác, ở một khung tham khảo khác, các hiệu ứng sẽ không còn giống như hệ quy chiếu chúng ta đang hiện hữu. Thí dụ: Người Nhập Định thấy quá khứ, tương lai (căn cứ vào tài liệu trường phái phật giáo, thì đó là hệ quả tất yếu của Tứ Thiền Hữu Sắc) vì họ đã chuyển qua những chiều không gian khác, có một hệ thống tri thức luận khác. Chúng ta thử xét một Tâm có tính chất "Vương" của con người (Tâm Vương): Ghét hoặc Yêu.

Ghét:
     Khi đã ghét nhìn dơi hóa chuột,
     Muốn lấy cuốc đào đất chôn luôn,
     Gặp nhau chi để chán chường,
     Ghét cay ghét đắng con đường đã đi.

Yêu:                 
     ... cũng ham giải thoát,
     Nhưng chợt đâu lại thấy bóng Kiều,
     Giật mình mới biết đang yêu,
     Niết Bàn thôi cũng bỏ liều cho ai!

Tâm lý học kinh viện đã dạy chúng ta rằng yêu và ghét, khoái lạc và đau khổ là hai thái cực của đời sống tình cảm của con người, thần tiên cũng không tránh khỏi và buộc chúng phải sống chung với nhau suốt đời. Loại Tâm này được mô tả như là món nợ lớn nhất của đời người. Loại Tâm kể trên được Vi Diệu Pháp đề cập ở những trang đầu tiên. Biểu tượng trái tim thay cho tất cả các loại ngôn ngữ.


PHƯƠNG TRÌNH ĐO LƯỜNG TÂM 

     Dò sông dò biển dễ dò,
     Đố ai lấy thước mà đo lòng người.

Đúng vậy, cho đến giờ chưa có thước đo Tâm. Khoa học tự nhiên có truyền thống muốn tất cả mọi thứ được định lượng, nói một cách bình dân là: cân, đo, đong, đếm. Đối tượng nào không đạt được những yếu tố trên, duờng như bị khoa học tự nhiên loại ra khỏi sân chơi của mình.

Do đó, để định lượng Tâm Yêu, Ái dục, Tham dục, Si thì bắt buộc ta phải tìm ra cách để sử dụng ngôn ngữ toán học. Tất nhiên như mọi người đều biết, ngôn ngữ này mang tính chất biểu tượng cao, phổ quát cao và chính xác cao. Khó khăn trước mắt của chúng ta là lấy đâu ra những con số để đo lường một đối tượng không hình, không ảnh? Vi Diệu Pháp chính là chiếc phao cứu sinh cho vấn đề này.

Chúng ta cùng xem lại tiến trình Tâm theo Vi Diệu Pháp:

Giải thích về Tâm sát na hay tiến trình Tâm:

Tình trạng thụ động của Tâm, khi được trôi chảy không bị một kích thích nào, được gọi là Hữu Phần hay luồng Bhavanga. Các Tâm khởi lên trên mặt Bhavanga rồi chìm xuống vào Bhavanga. Thông thường, chúng ta không thể giữ mãi một Tâm mà không cho chìm xuống Bhavanga. 

Một Tâm có thể so sánh như một làn sóng nổi lên trên mặt biển, tồn tại trong một thời gian rồi chìm xuống để làm nổi dậy một làn sóng khác rồi đến một làn sóng khác. Cũng như vậy, một Tâm khởi lên trên mặt Bhavanga, được nhận thức rồi Tâm ấy chìm xuống để làm khởi dậy một Tâm khác và một Tâm khác nữa. Như vậy một Tâm có ba giai đoạn: 

          Sanh (Uppàda)Trụ (Thiti) /  Diệt (Bhanga).

Ðời sống của một Tâm, từ khi khởi cho đến khi chìm xuống gọi là Tâm sát na (Cittakhana) và diễn ra như sau:

1. Khi một kích thích ở ngoài (đối tượng phức tạp) được thọ lãnh ngang qua 5 căn.
2. Sự trôi chảy yên tịnh của Bhavanga bị rung động trong một Tâm sát na và được
gọi là sự rung động của Hữu Phần (Bhavangacalana).
3. Rồi dòng Bhavanga đứng dừng lại trong một Tâm sát na và gọi là sự dừng đứng của Bhavanga (Bhavangupaccheda). Rồi cùng trên một đối tượng ấy, những tâm sát na sau này khởi lên, tiếp nối nhau một cách mau lẹ, khởi lên rồi chìm xuống.
4. Ngũ Môn Hướng Tâm.
5. Tiếp Thọ Tâm.
6. Suy Đạc Tâm.
7. Xác Định Tâm.
8 - 15. Javana (Tốc Hành Tâm). Tâm này mạnh đến 7 sát na
16 - 17. Ðồng Sở Duyên Tâm. Tâm này gìn giữ và ghi nhận vào trong tiềm thức và lập đi lập lại đến hai sát na. Như vậy, từ luồng Bavangha Hữu Phần đến Đồng Sở Duyên Tâm có đến 17 Tâm sát na hay còn gọi là tiến trình Tâm.

Sự tương quan giữa Tâm vật chất.

Giáo lý về Vô Thường cho biết sự vật luôn luôn biến đổi theo từng sát na. Câu hỏi đặt ra là nếu sự vật thay đổi biến dịch mau chóng như vậy, thì làm sao một lộ trình của Tâm dài đến 17 Tâm sát na có thể diễn tiến trên một sự vật làm đối tượng? Vi Diệu Pháp đã giải thích rằng sự biến dịch của sự vật chậm hơn sự biến dịch của Tâm đến 17 lần.

Căn cứ theo Vi Diệu Pháp, Tâm có 3 giai đoạn là 1, 2 và 3 (Sanh, Trụ và Diệt). Số liệu này giúp ta liên tưởng rằng sóng Tâm có thể có hình dạng tương tự như một hàm sóng sin (sin wave). Vẫn theo tài liệu trên, một Tâm muốn đạt được sức mạnh lớn nhất (chưa nói về Nghiệp Lực) thì phải hoàn tất 17 tiến trình. Như vậy, một lần nữa chúng ta lại biết biên độ của sóng Tâm là 8,5.

Sau đây ta qui ước với nhau: 
     8.5   =   1   =   H (hằng số năng lượng Tâm).
Ở đây chúng ta tạm lấy hằng số tượng trưng là 8.5 = 1. 

Lý do là vì những đối tượng của sự nhận thức ngang qua Ý Môn sẽ thuộc về Dục Giới. Và đối tượng ở Dục Giới có thể rõ ràng có thể không rõ ràng. 
- Khi đối tượng rõ ràng, tiến trình của Tâm mới kéo dài cho đến Ðồng Sở Duyên Tâm; nghĩa là gồm 17 Tâm sát na. 
- Nếu đối tượng không rõ ràng, tiến trình Tâm sẽ ngắn hơn (thí dụ chỉ đến giai đoạn 14 Tâm sát na, hoặc 8 Tâm sát na rồi chìm trở lại xuống Hữu phần). Điều này có nghĩa là biên độ sóng Tâm không còn là 8.5 nữa mà giảm xuống chỉ còn 2/3 hoặc một nửa. 

Vậy Tâm mạnh hay yếu lệ thuộc vào cái gì?

Nếu chúng ta qui ước:  
- T: là thời gian Tâm hướng về đối tượng.
- F: là tần số. (là số lần Tâm hướng về đối tượng trong khoảng thời gian là T)
- E: là năng lượng Tâm.

Phương trình đo năng lượng Tâm sẽ là như sau:

     E   =   F (tần số)  x   H (hằng số)

Giả sử trong thời gian T = 1 phút, Tâm hướng về đối tượng 50 lần, thì tần số F sẽ là 50. Đối tượng rõ ràng với 17 sát na, nên biên độ sóng là 8.5 và hằng số Tâm H = 1.

     E (năng lượng Tâm)  =   50   x   1   =   50

Nếu tần số F càng lớn, thì Tâm càng mạnh; ngược lại thì Tâm sẽ yếu.
Nếu H càng nhỏ thì Tâm sẽ càng yếu.


Tác giả: CTR



3 comments:

Như vậy??? cái chốt vấn đề là làm sao kiểm soát được tầng số F thì sẽ đạt được năng lượng tùy mục đích.

Có nghĩa là niệm liên tục cái tên đề mục của chính tu sĩ, và đồng thời cố gắng dùng tư tưởng để vẽ cho ra cái đề mục đó.

Đề mục càng rõ thì càng tiến gần về với biên độ của sóng tâm 8.5

Đăng nhận xét