Pages

Nhập Định: Thiên đường hàng nhái


Nhập Định là một tiến trình phản tự nhiên cho nên rất khó thực hiện. Có Nhập Định được cũng dễ bị thối Định. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho bất cứ ai theo đuổi bộ môn này. Chắc chúng ta còn nhớ trong Tây Du Ký, các vị Yêu Tinh thấy thực hiện việc Nhập Định khó quá nên đưa ra phương án ăn thịt Đường Tăng, với hy vọng tiếp thu được Định Lực của Đường Tăng qua ngàn năm tu luyện.

Nếu chúng ta chỉ xét ở góc cạnh kỹ thuật, thì Thiền Định được coi như là một kỹ thuật, một tiến trình, một thao tác của các Tâm. Mục đích để làm sao tạm thời làm ngưng các hoạt động của ý thức bình thường; nghĩa là làm ngưng việc sử dụng công cụ vốn có của nó là các quy luật cơ bản của tư duy. Chính quy luật cơ bản tư duy này là chiếc cầu nối để phản ảnh thế giới tự nhiên khách quan. Nay thực hiện kỹ thuật Nhập Định, chúng ta hy vọng tìm ra những con người khác, tìm ra những Thực Thể khác của chính mình. Hy vọng những Thực Thể này sẽ xuất hiện, kèm theo một hệ thống quy luật tư duy khác và đến được những Cảnh Giới khác tốt đẹp hơn.

Trên thực tế, việc Nhập Định có đáp ứng được niềm hy vọng của người tu Thiền Định hay không? Việc này vẫn còn là một ẩn số với đại đa số người tu Thiền Định. Thật vậy, thiếu sự hiểu biết sẽ đưa đến những lầm lẫn, mà tất nhiên chẳng ai muốn nó xảy ra. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần phải xem xét lại và quy ước một số chuẩn mực. Dựa trên những cơ sở này chúng ta mới có thể hiểu được phần nào vấn đề.

A. NHẬP ĐỊNH:

Có rất nhiều hình thức Nhập Định hay những hình thức ít nhiều tương tự như Nhập Định. Nhập Định có thể do sử dụng kỹ thuật, có thể do tình cờ ai đó trong lúc ngồi chiêm nghiệm. Nhập Định có thể do Định Lực của chính mình hoặc nhờ vào Tha Lực. Nhập Định cũng có thể do sử dụng chất say hoặc do nhiều phương tiện hỗ trợ khác ... Chúng ta nên đặc biệt chú ý và ghi nhớ điều này: Nhập Định chỉ là điều kiện "cần", chứ không phải là điều kiện "đủ" để đưa chúng ta tới hệ thống Thiền Hữu Sắc

Nhập Định chỉ là một chuỗi thao tác kỹ thuật của Thân Tâm. Nhập Định là một công cụ. Nó chỉ là một cánh cửa mở ra để đi vào những Cảnh Giới chưa xác định được: Có thể là Cảnh Giới thấp hơn Cảnh Người, có thể là Cảnh Thiên cao hơn Cảnh Người, chứ chưa chắc là đến được Cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc. Nhập Định có rất nhiều cấp độ và có rất nhiều mục đích khác nhau. Đỉnh cao của việc Nhập Định cho một người tu là thời khắc vô cùng quan trọng, đáng ghi nhớ. Đó chính là ngày sinh nhật thứ hai trong kiếp người.

B. CẢNH GIỚI:

Cảnh Giới có nhiều vô số kể. Để đơn giản hóa chúng ta tạm quy ước theo lối chia của trường phái Phật Giáo:
* Thấp hơn cảnh Người: Như mọi người đều biết, đó là cảnh Atula, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục.
* Cao hơn cảnh Người: Như mọi người đều biết, gồm 7 cảnh Thiên: Tứ đại thiên vương … Tha hóa tự tại.
* Sau Cảnh Giới này: là hệ thống Thiền Hữu Sắc.

C. ĐỊNH LUẬT NHÂN QUẢ TƯƠNG ƯNG:

Nhập Định chỉ là một điều kiện "cần". Nó giống như việc mở ra được cánh cửa. Nhưng chúng ta đến được Cảnh Giới nào còn lệ thuộc vào điều kiện "đủ", bao gồm định luật Nhân Quả: Nghiệp Lực, cấu tạo Tâm, cấu tạo Sắc … và định luật Tương Ưng. Thật vậy, cùng dấu thì hút nhau khác dấu thì đẩy nhau.

Do đó, những quan điểm cho rằng: Do tu Thiền Định lâu ngày lâu năm, do Tinh Tấn, do Thắng Giải, cho rằng mình có Định Lực rất mạnh nên có thể tự do đến bất cứ Cảnh Giới nào mình muốn là một điều sai lầm. Định Lực bản thân là một thứ Thần Thông do tập luyện mà có. Tuy vậy chúng ta nên nhớ lại Thần Thông không thể chi phối quy luật tự nhiên khách quan của trời đất là Nhân Quả và Tương Ưng

Do đó, tùy vào công cụ Nhập Định mà mình sử dụng, tùy vào mục đích Nhập Định, tùy theo hệ quả của Nhân Quả, tùy theo quy luật Tương Ưng … mà Nhập Định sẽ đưa chúng ta đến những nơi mình tương thích, chứ không phải đưa đến những nơi mà mình mong muốn.

D. HỆ QUẢ của NHẬP ĐỊNH:

Chúng ta thử đan cử một mô hình điển hình và bình thường của một con người ở cảnh Dục Giới. Nếu giải thích theo quan điểm của Vi Diệu Pháp thì loại cấu tạo Tâm và Sắc của loại Thực Thể này sẽ đưa họ đi về đâu? Một con người bình thường có nhiều trăm Tâm với trên 28 Sắc Pháp, giới tính có thể là Nam hay Nữ hay Trung tính. Con người có miệng và mũi rõ ràng để hấp thụ dưỡng chất, có tứ chi chân tay để sinh hoạt phù hợp với môi trường đang sinh sống. Để phát triển con người có khả năng giao phối, và để tồn tại họ có bản năng tranh giành thực phẩm và tranh giành quyền giao phối. Người ta gọi là cuộc tranh sống (struggle for life) và đó là định luật đào thải tự nhiên của tập thể con người. Chính vì những lý do nêu trên con người phải đánh nhau, chiến tranh nổ ra từ cá nhân cho đến tập thể. 

Con người còn có thú vui và nhu cầu sử dụng chất say, ăn thịt các sinh vật, ăn thịt đồng loại … Họ còn có nhu cầu vui chơi: Chơi cờ, đánh bài. Những biểu hiện này là sự thể hiện của các Bất Thiện Tâm cơ bản: Tham, Sân, Si … Với cấu tạo cơ bản của một con người bình thường như thế này, thì khi Nhập Định có rất nhiều khả năng vẫn tồn tại lanh quanh trong khu vực Dục Giới. Điều này tùy thuộc ở những Sắc Pháp nào mang tính chất chế ngự, có vai trò ưu thế; tùy thuộc vào những Tâm nào nổi trội và lấn át những Tâm khác.

Một con người thích ăn các loại thịt động vật, có thể ăn thịt cả đồng loại (thí dụ như con gấu, sư tử …) thì khi Nhập Định sẽ đương nhiên tương ưng với các Súc Sanh, Ngạ Quỷ, chỉ ăn thịt để sống: Cọp, Beo, Chó … Các Thực Thể này nổi bật ở Tâm Tham và Sân. Thật vậy, dù no rồi vẫn cứ giết, đó là những Tâm không cần ai nhắc bảo, còn câu hữu với Tâm Hỷ và Xả. Một người ưa thích quan hệ Nam Nữ, khi Nhập Định sẽ Tương Ưng với các loại Súc Sanh thích giao phối. Đây là biểu hiện của Tâm Tham Dục, không cần mách bảo, câu hữu với Tâm Xả. Một người có thú vui sử dụng chất say, các loại chất say … thích chơi cờ, thích chơi bài … khi Nhập Định họ sẽ Tương Ưng với cảnh Thiên của Dục Giới … Chư Thiên, Chư Tiên ở cảnh Dục Giới có cuộc sống nhàn nhã vui chơi, không phải làm việc vất vả như con người, có Nam có Nữ, có quan hệ Nam Nữ vi tế hơn con người, cuộc sống mang tính chất tập thể, bầy đoàn, xã hội. Vì vậy người thế gian chúng ta có thói quen gọi là: Quần Tiên, Chư Tiên do họ không sống một mình. Chi tiết này khá giống với xã hội loài người.

Do đó, dù Nhập Định được thì một con người bình thường, nếu không có một sự chuẩn bị nào cả, không được học tập, thiếu hiểu biết chúng ta có thể khẳng định rằng - do định luật Tương Ưng, do định luật Nhân Quả - hoàn toàn không có khả năng đến được cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc.

E. HỆ THỐNG THIỀN HỮU SẮC HY VỌNG:

Thật vậy, hệ thống Thiền Hữu Sắc hoàn toàn khác với Dục Giới. Một người không được học tập hoặc không Thực Chứng thì không thể nào hình dung nổi. Các Thực Thể ở Cảnh Giới Thiền Hữu Sắc này không sinh hoạt tập thể, xã hội … họ sinh hoạt một mình, sống trong tình trạng Tâm Định Tĩnh, tất nhiên là chỉ có một mình, yên bình, phẳng lặng … Thực phẩm là niềm vui gần như bất tận, nhưng loại thực phẩm này không liên quan gì đến thực phẩm ở cảnh Thiên của Dục Giới. Như quý vị đều biết, các Chư Vị ở hệ thống Thiền Hữu Sắc, họ không có miệng và mũi để tiếp nhận các chất nuôi dưỡng cơ thể. Họ không có khái niệm gì về giới tính Nam Nữ. Do đó, vì không có nhu cầu giành quyền giao phối, giành quyền kiểm soát thực phẩm, nên tuyệt đối không có chiến tranh. Trong khi ở cảnh Thiền Hữu Sắc của Dục Giới thì dường như chiến tranh liên tục cũng chẳng khác gì loài người. Ở hệ thống Thiền Hữu Sắc, các Bất Thiện Tâm dường như vắng bóng, quý độc giả nào Chứng Cảnh Giới Thiền Định này thì biết rõ việc này hơn ai hết.

Tuy nhiên, ở cảnh Thiền Hữu Sắc các Phiền Não vẫn tồn tại. Họ tưởng rằng có một cái Tôi ở cảnh giới Thiền Hữu Sắc, họ tưởng rằng cái vui là bất tận, họ kiêu hãnh vì điều này, họ tưởng rằng Định Tĩnh là có thật và trường tồn. Tệ hại nhất, họ không ngờ rằng Tâm và Sắc dù tế nhị cách mấy cũng phải tuân theo định luật: Sanh, Trụ, Hoại, Diệt. Chính vì lý do này, những chư vị ở cảnh giới Thiền Hữu Sắc này cũng không thoát nổi sự can thiệp của Thần Chết.

Vậy có cách nào để nhập vào hệ thống Thiền Hữu Sắc?

Vâng, việc này hoàn toàn khả thi cho một con người bình thường. Trước nhất sử dụng kỹ thuật Thiền Định để Nhập Định, sắp xếp cấu tạo Tâm, cấu tạo Sắc sao cho tương thích với những quy luật khách quan của hệ thống Thiền Hữu Sắc. Thí dụ như Cảnh Giới này không có chiến tranh, chúng ta phải tập luyện rời bỏ sát sanh: Thân, Tâm, Khẩu, Ý. Cảnh Giới này chúng ta nên nhớ không có mũi, miệng để thọ thực, hấp thụ dưỡng chất. Do đó, sát sanh như ăn thịt cá … hoàn toàn không phù hợp với lối sinh hoạt của các vị ở hệ thống Thiền Hữu Sắc. Cũng vậy, nếu chúng ta sử dụng chất say như: Rượu bia, thuốc phiện … thì làm cho Tâm yếu đuối muội lược, đây là một Tâm cơ bản, là nền móng của tất cả các Bất Thiện Tâm. Hành động này, lối sống này, hoàn toàn không tương thích với cách sinh hoạt ở hệ thống Thiền Hữu Sắc.

Giới luật căn bản như tất cả mọi người đều biết, là quyền lợi của bản thân người tu Thiền Định vì nó tập cho chúng ta có một lề lối sinh hoạt, ở những hệ thống cao hơn, của những Thực Thể cao hơn. Nói tóm lại, Nhập Định vào hệ thống Thiền Hữu Sắc cũng khó mà cũng dễ. Điều này lệ thuộc vào ý chí của người tu Thiền Định.


Tác giả: CTR



5 comments:

Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

. "Đó chính là ngày sinh nhật thứ hai trong kiếp người." Xin hỏi vậy sinh nhật lần thứ hai trong kiếp người là khi nào?
Mong Phật Bồ Tát gia hộ cho con ăn chay lại, loại bỏ đồ bất tịnh và tin tấn công phu,bài này thấm thía quá!Cám ơn Nhóm CTR!

Trong chu kỳ sinh và tử của vòng Luân Hồi thì cứ một lần sinh nhật là một lần sống lại với những thói quen củ kèm theo một tý thay đổi nào đó. Tý thay đổi này sẽ lưu lại trên thân xác này, và được đúc kết lại qua lời trình bày của những người có khả năng coi lại tiền kiếp như sau:
Thể xác này nếu so sánh với thể xác của kiếp trước thì nó:
1. Không giống hoàn toàn 100%
2. Nhưng nó cũng không khác gì nhiều, khi căn cứ vào các thói quen, phản ứng trong sinh hoạt hằng ngày.

Thiền định nếu làm đúng cách thì sẽ làm thay đổi tận gốc các thói quen củ.
Cho nên cứ mỗi khi thiền xong thì thân thể có những thay đổi:
1. Giọng nói bớt chát chúa
2. Nét mặt tươi trẻ hơn, trong đó sự trong sáng của cặp mắt là một biểu hiện rõ ràng nhẩt.
3. Tính tình dịu dàng hơn. Không còn cộc cằng, thô bỉ, giận hờn vớ vẫn như vùng vằng bỏ đi...

Do những thay đổi từ bên trong này mà nó biểu hiện được ra bên ngoài cho nên CTR gọi không có trật tý xíu nào hết khi nói:

Đây là sinh nhật thứ hai trong kiếp người.

Thật sự rất cám ơn CTR ,TN có thắc mắc như vậy bởi vì nghe mấy ông Thầy tu nói sinh nhật lần thứ hai là quy y Tam Bảo,mà TN quy y Tam Bảo đến 2 lần nên....hihihi không hiểu.Sau khi CTR giải thích rỏ,cặn kẻ ,tỉ mỉ,...lại dể hiểu nữa,thành thật cảm ơn nhiều!

Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Những quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là những tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” và nhiều quyển sách quý giá khác của dịch giả Vũ Toàn. Vô cùng cảm ơn công sức dịch thuật của tác giả và sự chia sẻ vô vụ lợi của Ông. Tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” là “ Đối thoại sấm sét, trực chỉ giữa một người ở ngoài Tâm và những người còn quanh quẩn trong Tâm ”. Xin mời các bạn. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi sách đến các bạn

Đăng nhận xét