Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 39

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 39: Trận Chiến Cuối Cùng Armageddon
             giữa Con Người Thần Chết (phần 5)

             Kỹ Thuật Xuất Hồn của con người là  
             trụ cột chđộng tạo ra cái Chết An Lạc

 

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi! Ông đã nói tôi nghe rất nhiều về chuyện Xuất Hồn. Tôi muốn ông xác định lần nữa: Xuất Hồn thực sự là xuất cái gì? Xuất cái Tôi hay xuất cái Hồn? Ông rắc rối thiệt đó!
- Ông Tổng Quản: Ok. Cô chú ý những gì tôi sắp nói sau đây nhé vì nó là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm và là cơ sở không thể thiếu được của việc
Xuất Hồn.

Phải nói ngay với cô, sự thật là xuất cái Tôi chứ không phải xuất cái Hồn. Cái "Tôi" là một sự thật hiển nhiên. Khi đề cập đến cái "Tôi" là hàm ý phân biệt với người khác. Chúng ta nói: "cái Hồn của Tôi" chứ không thể nói: "Tôi của cái Hồn". Nói theo một trường phái Phật Giáo, Tôi là sở hửu chủ, đồng thời chính là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, … là Luồng Tâm Thức không bao giờ ngưng nghỉ …

Có một tác giả viết về vấn đề "Astral travel" xin phỏng dịch là Xuất Hồn như sau: "Think of you’re the astral body gradually, easily separating from the physical body", "your astral body will be able to look at your physical (body)". Chúng ta chỉ đọc hai câu này thôi, trong nhiều chương của một tác giả nói về vấn đề
Xuất Hồn, thì chúng ta có nhận xét là, con người có hai cái Tôi. Một cái Tôi thuộc về thân xác vật lý (your think of) (your astral) và cái Hồn lại cũng có một cái Tôi. Do đó, cái Hồn mới có thể nhìn biết thân xác vật lý (to be able look at).

Theo tâm lý học cổ điển, một người mà có hai cái Tôi thì được gọi là nhị trùng bản ngã, thực tế có thể là bị điên; vì thông thường nếu hai cái Tôi cùng tồn tại trong một cơ thể, thì nó thường không thể nào hòa hợp hay thỏa thuận được với nhau.

- Tam Tiểu Thư: Thôi đi ông Tổng Quản ơi, ông phải nhớ tôi là chuyên gia lướt “web” chứ! Tài liệu mà ông đang đề cập tới đó rất là nổi tiếng. Nói không quá lời, đó là tài liệu có tính cách tiêu biểu của thế kỷ 20 chứ đâu phải tầm thường. Có nhiều người từng đọc, từng tin và từng tập. Chẳng lẽ tài liệu này nói sai? Chẳng lẽ chúng ta vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của tài liệu nói trên sao? Nghe mà đau khổ thiệt đó. Vậy người viết kinh nghiệm Xuất Hồn trong đó là xuất cái gì? Đúng là:

Ma đưa lối, Quỷ đưa đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
.

Ông nói thế tôi tạm chấp nhận, nhưng tôi muốn chỉ ra chỗ “phi lý” của ông. Theo tôi biết thì người ta làm gì có “Ngã”. Ông tu thiền mà, chẳng lẽ ông không biết từ “Vô Ngã”? Đã vô ngã mà còn xuất cái “Tôi”! Đúng là điên đầu quá!

- Ông Tổng Quản: "Khổ, Vô Thường, Vô Ngã" được gọi là Tam pháp ấn của Phật giáo. Thế nhưng có lẽ người ta không nên coi Thuyết Nhân Thể - Pudgala (thuyết hữu ngã) là ngoại đạo, là tà giáo, dị giáo. Trong cuộc sống, cái Tôi là một thực tại hiển nhiên, một thực tại tối hậu thật sự hiện hữu, không cần phải chứng minh. Người Pháp cũng có những phát biểu tương tự "Tôi tư duy vậy thì Tôi hiện hữu", “con người là một cây sậy biết tư duy”. Pudgala là sỡ hữu chủ của rất nhiều thứ, di trú từ đời sống này qua đời sống khác theo nhân quả. Trong các tài liệu của Phật Giáo, có rất nhiều từ ngữ để mô tả cái Tôi, phù hợp với tinh thần của từng tác phẩm, thí dụ: Chân Tâm, Phật Tánh, Luồng Tâm Thức …

Nếu chúng ta đặt giả thuyết ngược lại là con người không có cái Tôi thì chúng ta … không thể Xuất cái Tôi, vì có cái Tôi đâu mà Xuất. Như vậy cái “Tôi” là cần thiết cho việc Xuất Hồn.

- Tam Tiểu Thư: Giải thích của ông cũng không phi lý chút nào. Theo huyền sử thì Ngài Sakya Muni đã nhập định, bỏ cái xác vật chất lại thế gian và nhập vào Niết Bàn. Tất nhiên ai cũng phải tự hỏi, cái gì nhập vào Niết Bàn? Tự Tánh, Chân Như, Phật Tánh … ? Sự thật hiển nhiên không cần phải chứng minh là phải có một cái Tôi của Sakya Muni nhập vào Niết Bàn. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi: "Ai nhập Niết Bàn?" .

Nếu ngày hôm nay chúng ta tái phát hiện ra kỹ thuật mà ngài Sakya Muni đã từng sử dụng trong quá khứ, thì chúng ta cũng có khả năng làm những gì mà ngài Sakya Muni từng làm. Bộ môn nào cũng khó khăn, gian lao, vất vả cho người khai sơn phá thạch, nhưng một khi nó đã được công nghiệp hóa, mang tính chất phổ cập thì trở nên dễ dàng.

- Ông Tổng Quản: Qua kinh nghiệm của chính bản thân mình, tôi biết là chúng ta có thể tồn tại ngoài thân xác vật lý. Chúng ta có ít nhiều kinh nghiệm về cái chết chủ động của mình khi chưa hết vòng đời. Có lẽ đây là những kinh nghiệm bản thân có một không hai … !

- Tam Tiểu Thư: Nghe ông nói, tôi thấy tương lai về cái chết có vẻ lạc quan. Trong thời buổi @ hiện nay, những ai quan tâm tới vấn đề này sẽ có cơ hội đọc rất nhiều tài liệu. Thế giới phẳng nên thông tin vừa nhanh chóng vừa đa dạng. Tôi đánh chữ “xuất hồn” vào google, kết quả có 32.640.000 trong vòng 0.26 giây! người Tây Phương cũng tham dự rất tích cực trong lãnh vực này. Biết bao nhiêu quý độc giả đã bỏ ra nhiều chục năm để tập luyện; và rất nhiều người kết quả có lẽ chỉ là con số không! Người ta thất bại trong luyện tập mà cũng chẳng hiểu lý do tại sao. Dưới con mắt của các khoa học gia thì việc xuất hồn không những được coi là không thuyết phục không ấn tượng, mà thậm chí là bị coi là mất trí, là hoang tưởng …

Vậy mà hôm nay, chúng ta lại đưa ra một sản phẩm "Made in Viet Nam", vô danh tiểu tốt, nhiều tình cảm tiêu cực với người tiêu dùng. Tôi e là chỉ mới đọc lời mở đầu thôi, là người ta đã không muốn đọc tiếp rồi, nói gì tới việc mang ra ứng dụng trên thực tế. Ông coi chừng bài viết của chúng ta làm cho blog của CTR khánh tận, phá sản đó nha ông!

- Ông Tổng Quản: Những phát minh khoa học vĩ đại, đổi đời, thường bắt đầu những gì nhỏ bé khiêm tốn. Radium được phát minh bởi hai vợ chồng Curie (Pierre và Marie) trong một căn phòng nhỏ hẹp thiếu tiện nghi.

Lý thuyết du hành vũ trụ được viết bởi một giáo viên tỉnh lẻ. Thuốc giảm đau là một phát minh của một nha sĩ vô danh. Phát hiện ra vi trùng không phải là một Bác Sĩ. Phát minh ra máy bay không phải là kỹ sư hàng không. Vào thời gian đó người ta đã không tin là vật gì đó nặng hơn không khí mà có thể bay được. Sau này người ta không tin là có nhiên liệu gì đủ sức để làm cho hỏa tiễn đạt được vận tốc 11 km/s để có thể bay ra ngoài vũ trụ. Nhưng rồi những cái gì không thể đã trở thành có thể.

Lịch sử khoa học cho người ta thấy rằng: "phát minh thường là của người ngoại đạo". Sáng kiến chỉ có thể phát triển khi thoát khỏi vỏ bọc thành kiến, quan điểm kinh điển. Ở bất cứ thời đại nào và bất cứ ở đâu, những vị có chức có quyền ở trong một tổ chức nào đó thường kinh sợ những phát minh đột biến tư tưởng, vì e ngại sẽ tổn hại tới vị trí và quyền lợi của bản thân mình.

Con đường truyền thống, con đường kinh viện là con đường an toàn nhất. Còn phát minh, sáng kiến … chỉ là thủ phạm mang lại tai họa cho chủ nhân của nó.

Ngày nào mà con người chưa bắt được một con Ma, thì những bài viết về dạng đề tài "Xuất Hồn" là những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy bất trắc. Hy vọng là Ghost Lab trong kênh truyền hình Discovery sớm thực hiện được việc bắt
Ma đem về chăm sóc tại một địa điểm nào đó rồi thẩm vấn xem Ma sống như thế nào.

- Tam Tiểu Thư (cười lớn): Tôi nghĩ ông đã đi quá xa rồi, ông nên quay về về vấn đề Xuất Hồn đi ông.
- Ông Tổng Quản: Như tất cả mọi ngành nghề chuyên môn, chuyên sâu … chẳng hạn như phi công lái máy bay, muốn bay một chiếc Tiềm Kích đời mới của không lực Hoa Kỳ, cũng phải có học vị … và phải học tập nhiều năm.

Quay lại chuyện xuất hồn, mặc dù chúng ta đã trao đổi rất nhiều lần về vấn đề này, nó vẫn còn rất nhiều tồn tại, mà những vị tự cho mình là Phật Tử không thể chấp nhận được. Vấn đề cái Tôi là một đề tài điển hình. Vô Thường, Vô Ngã, Khổ Não được đại đa số cho là Chân Lý bất tử và tuyệt đối, không còn gì để bàn cãi.

Có lẽ nhiều quý vị không ngờ rằng Phật Giáo Nguyên Thủy lại còn một Trường Phái tồn tại song song đó là trường phái Nhân Thể Luận. Trường phái này công nhận con người có một cái Tôi thường hằng. Theo trường phái này thì có rất nhiều lý do khá đơn giản để thấy sự hiện hữu của một cái Tôi:

- Ai tu Thiền, ai đắc Thiền, ai đạt Niết Bàn?
- Ai tạo Nghiệp, ai là người thọ nhận hệ quả của Nghiệp Lực?
- Ai là sở hữu chủ của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức?

Cái Tôi vừa là sở hữu chủ, đồng thời cũng là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Có thể một số quý độc giả cho là cách trình bày này vi phạm nguyên tắc đồng nhất trong logic học (Trong quá trình lập luận mọi tư tưởng lập luận phải đồng nhất với chính nó). Câu trả lời là chính xác là: "đúng". Nhưng chúng ta nghĩ gì về trường hợp ánh sáng: Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng.

Để trả lời cho những câu hỏi “Ai” ở trên thì chính cái Tôi là đáp án.

Chính cái chìa khóa của việc gọi là Xuất Hồn nằm ở chổ này. Và cũng chính vì lý do này mà chúng ta phải đề cập nhiều lần về đề tài cái Tôi.

Thật vậy, nếu chúng ta khăng khăng chủ trương thuyết Vô Ngã thì việc Xuất Hồn thực tế không thể thực hiện được. Không có cái Tôi thì làm sao có thể Xuất cái Tôi? Thêm vào đó còn có những khó khăn bất cập. Nếu chúng ta chỉ có thân xác vật lý kèm với một số loại thân xác khác có những cái tên khác thì chúng ta vẫn thiếu một sở hữu chủ.

Nếu quý độc giả nắm được tinh thần những bộ Luận của trường phái Phật Giáo, thì không khó lắm để giải thích về vấn đề Hồn. Các lý thuyết khoa học hiện đại trong lãnh vực này, dường như không có khả năng để giúp chúng ta, do đó chúng ta không đề cập tới.

- Tam Tiểu Thư: Vậy theo ông thì cái gì đã tạo ra con người?
- Ông Tổng Quản: Thực tế có 4 yếu tố là:

1. Cái Tôi.
2. Các Tâm.
3. Các Sắc.
4. Cùng Năng lượng của Nghiệp Lực đã tạo ra một con người, đa dạng, uyển chuyển, luôn luôn thay đổi. Chính vì lý do "vạn vật biến chuyển không ngừng" nên khi nằm mơ, hoặc khi nhập định, chúng ta không bao giờ đến một nơi hai lần, gặp ai đó hai lần. Trường phái Phật Giáo có một phát biểu được coi như một định đề; đó là: "Tâm đứng đầu, Tâm tạo tác tất cả". Tâm chúng ta thì lại luôn luôn thay đổi, nên từ đó suy ra, chúng ta có vô số các loại Hồn tùy vào trạng thái cấu tạo Tâm của chúng ta.

- Tam Tiểu Thư: Nếu giải quyết được tư tưởng của hai vấn đề: Cái Tôi / Cái Hồn thì sẽ tập luyện xuất hồn như thế nào?
- Ông Tổng Quản: Tôi sẽ trình bày cho cô và quý độc giả những thao tác, những kỹ thuật của việc Xuất Hồn.

A. Bước chuẩn bị sơ bộ:
- Tìm một nơi, một địa điểm, có tính cách riêng tư, yên lặng.
- Cố sắp xếp thời gian thật sự không vướng bận.
- Thường xuyên tập luyện thể lực để có sức khỏe tốt.
- Một đời sống tinh thần tự nhiên, không gượng ép, không giả tạo, tránh đạo đức giả, tránh tạo vẻ thần bí thiêng liêng.
- Chọn một vị thế công phu không cầu kỳ, một vị thế phù hợp sức khỏe và tuổi tác của mình.
- Phải thư giãn thoải mái … nhiều người cho rằng vị thế nằm của người chết là tốt nhất, không làm trở ngại thần kinh và tuần Hồn .

B. Người ta khó có thể tin một người không có khả năng Nhập Định lại có thể Xuất Hồn được. Những từ ngữ mà người Tây Phương sử dụng lẫn lộn: Trạng thái Thôi Miên, Thiền Định, thư giãn … nó chỉ chính xác trong lãnh vực khoa học hiện đại. Nhưng trong lãnh vực Xuất Hồn, thì những từ ngữ nói trên bộc lộ, phản ảnh tính chất ngây thơ về lãnh vực này. Khả năng Thiền Định, Định Lực là một công cụ không thể thiếu được. Quý vị nào có ý định tập luyện bộ môn này phải vô cùng quan tâm, làm sao tạo cho mình có một tài khoản Định lực đáng tin cậy (nói theo từ ngữ máy tính). Thật vậy, thiếu Định lực phải bảo là một tai họa. Xuất Định, thối Định, không làm chủ được Định lực thì không thể tập được cái gì, trong đó tất nhiên có thao tác Xuất Hồn. Tài liệu của trường phái Phật Giáo cũng cho là "Thần Thông là hệ quả tất yếu của Tứ Thiền Hữu Sắc".

C. Trong lúc đang sinh hoạt bình thường, chúng ta phải tự khuyến dụ mình như sau: Tôi sẽ Nhập Định để Xuất Hồn (trong trường phái Thôi Miên, người ta gọi là khuyến dụ bằng lời nói Suggestion Verbale). Căn cứ vào kỹ thuật Tác Pháp của trường phái Mật Giáo và kỹ thuật Khuyến dụ bằng lời nói của trường phái Thôi Miên, thì việc tự khuyến dụ mình đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động tinh thần của mình.

Chúng ta bây giờ bước vào Nhập Định, cố gắng làm sao đạt được trạng thái định cao nhất, mạnh nhất, lâu dài nhất. Ở trong trạng thái này, Tôi sẽ ra một cái lệnh, ngắn gọn, dể hiểu, cương quyết và dứt khoát: "Tôi sẽ ra khỏi thân xác vật lý".

Tại sao chúng ta phải sử dụng công cụ Thiền Định? Căn cứ vào các tài liệu, và chính kinh nghiệm của người tu Thiền, thì khi Nhập Định, mức Định càng cao thì tâm lý chúng ta càng uyển chuyển, mềm dẻo, nhu nhuyễn, dễ bảo … Bất cứ ai có kinh nghiệm về Thiền Định đều thấy được điều này một cách rõ ràng. Chính ở trạng thái này Tôi mới có khả năng, có hy vọng, tách ra khỏi thân xác vật lý một cách chủ động.

Kỹ Thuật:

Đầu tiên chúng ta làm một thao tác đơn giản nhất là Tôi thấy Tôi ngồi ở một cái ghế nào đó, đối diện với thân xác vật lý đang ngồi Thiền Định.

- Tam Tiểu Thư: Điều này nói thì dễ, nhưng tôi nghĩ thực hiện sẽ vô cùng khó khăn. Ông đã từng giải thích rằng chúng ta được cấu tạo bởi 4 yếu tố. Những yếu tố này lại có tính chất cố hữu, lệ thuộc vào nhau và rất khó tách rời. Nay chúng ta muốn chủ động tách cái Tôi ra khỏi thân xác vật lý thì không phải chuyện dễ.

Mặt khác, ông cũng biết rằng chúng ta lại có một khuynh hướng bẩm sinh mang tính chất bản năng: Đó là sinh hoạt trong không gian 3, 4 chiều. Do đó, chúng ta phân biệt: Trước, sau, trên, dưới, trái, phải … Điều này là do thân xác mình có một bộ phận định hướng không gian nằm ở tai trong; từ ngữ y học gọi là tiền đình. Tiền đình có ba ống bán khuyên để nhận và truyền các thông số về toạ độ của đầu con người trong ba chiều không gian. Do đó cái Tôi xuất ra khỏi thân xác vật lý, rất khó để quay lại nhìn về phía thân xác vật lý, vì lý do ngược chiều trước sau giữa cái Tôi và thân xác vật lý.

Tôi cũng muốn hỏi ông là làm cách nào để xác định là cái Tôi đã ra ngoài thân xác vật lý rồi và đoan chắc điều này là có thật, chứ không phải chỉ là tưởng tượng?

- Ông Tổng Quản: Để chắc chắn điều đó thì ...
* Tôi phải liên tục duy trì Định Lực mạnh nhất có thể,
* Tôi tự thấy mình là ngồi ở một cái ghế nào đó trước mặt thân xác vật lý,
* Tôi tự bảo mình là nhìn về phía những đồ vật cùng với thân xác vật lý.

Việc này phải kiên trì, và phải dùng hết nghị lực. Có thể đến lúc nào đó, chúng ta thấy mình hoàn toàn đang hiện hữu ngồi ở cái ghế trước mặt thân xác vật lý, đồng thời dường như có khả năng nhìn về thân xác vật lý. Diễn tiến này đòi hỏi một nỗ lực tinh thần cao độ, một chất lượng của Thiền Định ở mức tốt nhất.

- Tam Tiểu Thư: Khi nhìn về phía đồ vật cùng với thân xác vật lý, thì ông sẽ thấy nó như thế nào? Nó có giống như lúc trước khi xuất cái Tôi ra không?
- Ông Tổng Quản: À! Chúng ta chỉ thấy thân xác vật lý thoáng qua thôi, không bao giờ nhìn thấy lâu. Sau đó thế giới khách quan ở phía thân xác vật lý sẽ hiện hữu tương xứng với cấu tạo cái Tôi của chúng ta. Cụ thể là, không phải chúng ta nhìn thấy căn phòng vật chất như nhiều người mô tả, mà thực sự chúng ta nhìn thấy thế giới tự nhiên khách quan tùy thuộc vào cấu tạo Tâm cái Tôi của mình.

- Tam Tiểu Thư: Ông cho tôi hỏi là tại sao khi mới xuất hồn ra thì mình lại thoáng thấy thân xác vật lý rồi sau đó không thấy nữa? Ông từng nói mình có thể xuất hồn khi nằm mơ phải không ông? Tôi từng nằm mơ và đúng như ông nói, tôi chẳng bao giờ thấy thân xác vật lý của tôi đang nằm ngủ cả. Tại sao vậy ông?
- Ông Tổng Quản: Vì cấu tạo Sắc của cái Tôi xuất ra này không giống với Sắc của thân xác vật lý. Cô biết là Sắc của thân xác vật lý gồm 28 yếu tố. Trong giai đoạn chuyển tiếp, Sắc của cái Tôi xuất ra chỉ hơi khác thân xác vật lý (thí dụ là 27 hoặc 27.5 yếu tố) nên cô có thể trông thấy thân xác này nhưng chỉ thoáng qua. Khi đã xuất ra lâu, thì cái Sắc của cái Tôi xuất ra sẽ khác đi nhiều. Do đó chúng ta sẽ thấy thế giới khách quan tương xứng với cấu tạo của cái Tôi này. Dĩ nhiên cái Thấy về thế giới của người xuất hồn này nó sẽ khác cái thấy về thế giới khách quan vật chất mà chúng ta đang sinh hoạt.

- Tam Tiểu Thư: Thôi tôi hiểu rồi. Cái Tôi xuất ra chắc chắn không thể thấy nhà cửa, bàn ghế, cây cối ... như người ta từng mô tả. Và rõ ràng là không có thể vào siêu thị chọn đồ để ngày mai quay lại mua!
- Ông Tổng Quản: Những gì mà chúng ta mô tả ở trên, chỉ là một trường hợp có tính chất tích cực nhất. Thực tế việc Xuất cái Tôi này nó lệ thuộc ở quá nhiều yếu tố nên người ta phải tập luyện nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm … Thậm chí có thể là không bao giờ thành công cả. Có thể có hai lý do cơ bản nhất và phổ biến nhất để lý giải việc thất bại:

* Thiếu kiến thức về lý thuyết và kỹ thuật, cái này có thể học được.
* Thiếu bản lĩnh về Thiền Định: Thật sự đây là một vấn đề rất khó giải quyết. Chúng ta phải nói thật, nói trung thực là không phải ai cũng có thể tập Thiền Định được.


Còn tiếp ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!




0 comments:

Đăng nhận xét