Pages

Lá thư từ độc giả

Kính thưa quí độc giả, 
Tuần qua nhóm CTR nhận được lá thư chia sẻ từ bạn Diệu Minh. CTR tôn trọng ý kiến của bạn Diệu Minh và xin phép đăng tải nguyên văn lá thư này:

Kính gởi nhóm CTR cùng quí độc giả đang theo dõi loạt bài viết " Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp ".

Tôi là một độc giả theo dõi bài viết của nhóm ngay từ đầu. Khi đọc đến bài 18, lòng tôi có một cảm giác bàng hoàng, buồn vui lẫn lộn. Có một điều gì đó thôi thúc tôi thu hết can đảm để viết bài chia sẻ cùng quí vị.

Là một người rất kính ngưỡng Sakya Muni và Phật Giáo, tôi đã nghĩ đến chuyện tu tập năm 1993, lúc tôi 35 tuổi. Hiểu biết về Thiền Định và Phật Pháp gần như không có, nhưng lòng say mê tu tập quá lớn nên tôi đã gặp người Thầy đầu tiên dạy tôi về Thiền Nhân Điện. Cách tu tập là người Thầy này khai mở các Luân Xa và sau đó tôi tu tập bằng cách tập trung vào các Luân Xa này và làm cho nó chuyển động. Sau 3 tháng tu tập, tôi đạt được chút tiến bộ là cảm nhận được 7 Luân Xa quay khi Thiền.


Thầy hướng dẫn đề nghị tôi chuyển sang tu một phương pháp bí truyền. Cách hành trì là ăn Chay trường và luyện Tinh Khí Thần, dẫn luồng khí xuống Đan Điền và xuyên ra phía sau chạy dọc lên cột sống, sau đó thoát ra đỉnh đầu. Việc tập luyện giúp tôi đạt được chút ít Thần Thông. Thí dụ như nghe được âm thanh ở cự ly xa, và thỉnh thoảng ngẫu nhiên biết đúng là ai sắp đến thăm hoặc gọi điện thoại cho mình. Lúc này tôi bắt đầu đọc sách về Phật Giáo và nảy sinh thắc mắc là mình đang tu theo Pháp Môn gì, đó có phải đạo Phật không và có dẫn đến Giải Thoát không. Phát hiện ra là Phật Giáo không có trường phái tu này, cộng với rất nhiều tài liệu đả kích Thần Thông, nên tôi lo lắng, nhất định cho rằng mình đã đi lạc đường. Nhiều tài liệu khác thì nói phương pháp tôi đang thực hành là luyện đơn của tu Tiên. Tôi quyết định chấm dứt hành trì vào tháng 10/1994. 

Ba năm tiếp theo, tôi bắt đầu hoang mang, vì tôi chỉ thích Thiền Định, không muốn tu theo Tịnh Độ. Thời điểm này ở Việt Nam sách dạy tu Thiền rất ít, còn internet thì chưa phát triển. Tình cờ đọc được cuốn sách: “Phép lạ của sự tỉnh thức” của Thiền sư T.N.H. và tôi say mê những tác phẩm dạy tu tập của Thiền Sư. Theo những hướng dẫn trong sách, tôi bắt đầu tu tập, nhưng do "phước mỏng nghiệp dày" nên không thành công. Lý do là vì trong quá trình tự tu tập, tôi nảy sinh quá nhiều thắc mắc nghi ngờ không biết hỏi ai. 

Cuối năm 1997 do vài nhân duyên đưa đẩy, tôi trở thành đệ tử của một vị Thiền sư nổi tiếng ở Việt Nam, với phương pháp tu “biết vọng không theo”. Đọc sách rất nhiều, cộng với hành Thiền mỗi ngày, nên tu có chút ít kết quả là tôi cảm thấy mình rất nhạy cảm với ý nghĩ. Biết được ý nghĩ xuất hiện và buông bỏ. Khi đó đạt được vài thoáng giây vô niệm, thấy thân thể biến mất. Nhiều lúc thấy mình ý thức được tất cả những động tác của mình khi cử động, đi đứng … Thế nhưng thắc mắc lại nảy sinh. Tư tưởng thì như một dòng nước không bao giờ ngừng chảy, nên những phút không có niệm trong đầu chỉ là thoáng chốc. Vậy làm cách nào để duy trì trạng thái Vô Niệm này? Tôi tăng giờ hành Thiền, và thỉnh thoảng tu tập trung vài ngày trong Thiền Viện. Nhưng kết quả không cải thiện được, và tôi bắt đầu nản. Do mình là người tu tại gia, còn vướng mắc sinh nhai cuộc sống, không thể tu chuyên nghiệp được. Tôi cứ tu cầm chừng như vậy trong 12 năm trời; vì cũng chẳng biết có cách gì hay hơn nữa. Tuy vậy trong lòng vẫn ước nguyện sẽ gặp một Pháp Môn phù hợp. 

Giữa năm 2007 tôi tình cờ đọc cuốn sách dịch “Giải Thoát Học” của thiền sư Thích Quang Tông, dạy cách vừa Niệm Phật vừa chú ý tìm điểm Niệm Phật để có thể vào được vùng đất “Thanh Lương”, có thể thấy Pháp Thân. Đúng là phương pháp này rất dễ định Tâm, nhưng khi định Tâm được, thì lại không thể duy trì trạng thái An Chỉ Tâm này. Năm 2010 tìm được nơi dạy Thiền “Quán Niệm Hơi Thở” và tiếp tục thay đổi cách hành trì. Vào Thiền Viện tu tập trung 10 ngày, mỗi ngày hành Thiền khoảng 10 tiếng. Sau đó về nhà tiếp tục mỗi ngày hành thiền 1-2 giờ. Sau 1 năm tu tập vẫn không đạt được ấn chứng “Nimitta” để có thể tiến lên các bước Thiền cao hơn. Một vài vị Thầy khác thì lại nói rằng Quán Niệm Hơi Thở chỉ dẫn người tu tới Cận Định thôi, không Nhập Định được đâu làm tôi thực sự nản lòng. Nghĩ rằng kiếp này mình quá thiếu Phước Báu, nên đi lòng vòng từ năm 1993 đến giờ vẫn chưa biết Nhập Định là gì.

Bài viết: "Xuyên Vân Kiếm Pháp 18" của CTR làm tôi hiểu ra tại sao tôi không thành công trong tu tập với một khoảng thời gian không hề ngắn ngủi cho một đời người. Đó là vì thiếu kiến thức nền tảng căn bản cho việc làm này. Tất cả mọi vị Thầy đều nói Pháp Môn của mình là hay nhất, là ngắn nhất, là thù thắng nhất. Vấn đề là nếu chúng ta; những người yêu thích Thiền Định, thiếu hiểu biết về chuyện này, thì lấy gì để phán đoán được cái gì là hay, cái gì là không hay. CTR nói đúng. Phật giáo VN là một “Melting Pot”. Nó khiến cho những người tìm cầu tu tập gặp vô vàn chướng ngại. Thậm chí có nhiều vị Thầy của Phật Giáo còn phản đối Thiền Định bằng cách nói rằng: “Chỉ có Pháp Môn Tịnh Độ là con đường duy nhất dễ tu và thù thắng nhất” mà thôi.

Tôi nghĩ mình không phải là người duy nhất phải trải qua nhiều pháp môn tu tập; mà có nhiều người giống như vậy. Các bạn nào lâm vào trường hợp giống tôi, có cảm thấy đó là một kỷ niệm buồn giống như tôi không? Năm 2013 là năm đánh dấu 20 năm kể từ ngày khởi sự hành Thiền. Ông Tổng quản ơi, ông làm ơn mở cuốn Tạp Thư xem giúp tôi bây giờ nên làm gì nữa ông?

Chân thành cảm ơn nhóm CTR. Kính chúc nhóm nhiều sức khỏe và mong được đọc thêm những bài viết tiếp theo của nhóm.

Kính

Diệu Minh

4 comments:

Suốt cuộc đời người ta đi tìm kiếm một cái gì đó,khi đạt đến trung tâm của sự tìm kiếm thì hạnh phúc mất đi và người ta trở lại từ đầu ở một tìm kiếm khác.Cứ như vậy mà người ta đi từ sự tìm kiếm này qua tìm kiếm khác.
Chúng ta sinh ra và được sự giáo dục của cha mẹ về tôn giáo,chúng ta phần đông tin theo vì truyền thống,vì huyết thống và tin rằng nếu làm như vậy,sống như vậy sẽ có một đời sống tốt,một hứa hẹn sau khi khuất núi sẽ đến một nơi an lành,Công giáo gọi là thiên trước phật giáo là niết bàn ....tịnh độ v....v
Chuyện gì xẫy ra nếu chúng ta làm điều gì ngược lại Huyết thống ,truyền thống?hoặc không tuân theo ? Có lẽ chúng ta rơi vào tình trạng hoang mang,vô định và bất an vì không biết mình sẽ đi đâu ,về đâu ? Vì gia đình vốn dĩ là niềm tin ban đầu duy nhất mà người ta gửi gấm ở đó.
Thật sự các bậc thầy có thể nói lên được một chân lý ? Mà diều này không dính dáng tới Truyền thống?Hay người ta cũng chỉ lập lại những gì của tiền nhân để lại?Giữa bạn và tôi ai có thể nói được một điều gì đó liên quan đến chân lý,mà khồng phải thông qua mội giới của kinh nghiệm ?

Vo minh

Diệu Minh và các dộc giả gặp phải tình trạng tương tự hãy nghé qua trang web này sẽ tìm được đường đi : http://www.hoasentrenda.com/

Xin lỗi bạn ND,tôi nghĩ chưa chắc tìm được đường đi khi qua trang hoasentren,tôi từng trong lò đó ra nên tôi ít nhiều hiểu,thứ nhất Thầy Tibu bảo rằng ăn ngay nói thật nên tôi mạo muội nói thật (mít lòng trước đặng lòng sau!).Bạn về hỏi dùm tôi chuyện "độ tử" là thật?Đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên còn ko độ được Mẹ mà Ngài được sự chỉ bảo của Phật Thích Ca là cúng dường Chư Tăng và cầu siêu cho Mẹ chứ Phật Thích Ca ko hề dạy độ tử,hay chăng tất cả người trên HSTD hơn cả thần thông và tu giỏi hơn cả Mục Kiền Liên và Phật Thích Ca?,bài XVKP của CTR tập 21 có ghi :tu Thiền Định mà không giữ Giới, thì chắc chắn mang họa vào thân, khổ cho mình và khổ cho người" "Tuyệt đối không thể ăn thịt và uống rượu bia".Trên hstd những người trong đó có mấy ai ăn được chay???.Nếu việc độ tử là viễn vong thì chuyện sát sinh để được "độ tử"thì đã phạm giới sát,tôi còn nghe nói Nhất Sanh Bổ Sứ trong HSTD còn dẫn người ta đi phá thai nữa!Trời ah!ngó xuống mà xem,nhân quả ở đâu?
CTR:"Do đó, nếu sát sanh ở bất cứ hình thức nào; từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm; thực tế là ăn thịt; thì điều này không thể chấp nhận được trong việc tu Thiền Định.

Sát sanh thuộc về Tâm Bất Thiện của Dục Giới, Tâm này không thể hiện hữu, trong bất cứ lớp Thiền Định dù cạn cợt nhất. Xét về mặt Cảnh Giới, Cảnh Giới của Thiền Định không có sát sanh.

Do đó, tu Thiền Định mà sát sanh thì tự mâu thuẫn với chính mình. Thật vậy, Bất Thiện của Cảnh Dục Giới, không thể nào trộn lẫn với Thiền Thiện Tâm của Cảnh Thiền Hữu Sắc. Ðây là hai loại Tâm khác hẳn nhau, để mô tả cho dễ hiểu, ta chọn một từ ngữ hóa học, gọi là Heterogene.

Tu Thiền Định mà giữ lại Tâm của Cảnh Dục Giới, đó là người nằm mơ giữa ban đêm. Ðó là những giấc mơ đẹp của Cảnh Dục Giới, chắc chắn không thể có trong Cảnh Giới Thiền Định"
Tôi ko chê cười bạn vì bạn cũng như tôi đã từng u mê,tôi hy vọng những dòng nhỏ to tâm sự này hy vọng thức tỉnh được bạn và một số bạn!,riêng tôi thì vậy đó,có sao nói vậy ko sợ mít lòng ai vì sau khi hiểu ra vấn đề bạn mới hiểu được tấm chân tình của tôi.
Tamnhu kính!

Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

Đăng nhận xét