Có một không hai - có hai chết liền ...
Tập 18: Thiền Định có lẽ là hạ tầng cơ sở thực nghiệm
của 6 Trường Phái Ấn Độ UPANISAD.
đồng nghĩa với việc mất đi Linh Hồn, mất đi Sức Sống.
Đoàn bảo tiêu Xuyên Vân Kiếm Pháp ra khỏi bìa rừng và tiến vào một thị trấn nhỏ. Không khí nhộn nhịp hẳn lên với dãy hàng quán buôn bán ven đường. Trái với thói quen thường ngày là hay cười nói, Tam Tiểu Thư đi một cách lầm lũi im lặng bên cạnh ông Tổng Quản.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản à! Tôi đang suy nghĩ đây ông. Như ông biết đấy, nếu tính theo cuộc sống ngoài đời thì tôi cũng hơi bị được nha ông. Văn võ song toàn, đâu có thua ai, có khi còn hơn người là đằng khác. Tuy nhiên khi lao vô Con Mắt Thứ Ba này, tôi thấy nhiều thứ khó nói quá!
- Ông Tổng Quản: Có gì thì cô cứ nói, có gì đâu mà nói không được? Cô yên tâm, tôi có cuốn Tạp Thư, đa năng, đa hiệu … khó cách mấy cũng có câu trả lời, thậm chí còn hơn cả Google nữa.
- Tam Tiểu Thư: Việc tập Thiền Định, để mở Đệ Tam Nhãn, tôi thấy mình có lẽ … hơi bị đuối rồi … Tôi thấy nó khó quá, có cái gì đó không ổn! Cảm giác của tôi là hình như tôi thiếu căn bản về Thiền Định, giống như việc học tắt … Hiểu thì tôi có thể hiểu được một phần nào đó, nhưng lúc thực hành thì không làm được. Đơn giản là tôi thiếu căn bản, thiếu những kiến thức cần thiết tối thiểu cho một người hành Thiền.
- Ông Tổng Quản: Cô nói không sai, phải không quý độc giả? Ðể minh họa, chúng ta có thể so sánh việc mở Đệ Tam Nhãn với việc đi học văn hóa tại nhà trường. Tiểu học và Trung học tương đương với việc học Lý thuyết, Kỹ thuật thực hành Thiền Định. Học Cử Nhân là khái niệm về Đệ Tam Nhãn. Tiến sĩ Đệ Tam Cấp là học Cách Mở Nhãn. Tiến sĩ Quốc Gia là hoàn thiện việc Mở Nhãn và phân biệt các loại Nhãn khác nhau. Cuốn Tạp Thư nó so sánh như vậy đó. Nếu Cô không chê lối so sánh nói trên là “Ðầu Ngô mình Sở”, thì tôi có một cách để Cô dễ tiếp thu không cảm thấy khó quá.
- Tam Tiểu Thư: Vậy thì ông thử nói cách của ông đi. Nó là thế nào?
- Ông Tổng Quản: À! Cách của tôi đơn giản thôi! Cô học việc mở Đệ Tam Nhãn chậm lại, từ từ thôi … Song song chuyện đó Cô học bổ túc về Thiền Định, đại khái giống như người ta bổ túc văn hóa, để nâng cấp hiểu biết về Lý Thuyết và Kỹ Thuật Thiền Định … Khi nào hai bộ môn này, ý tôi nói là Mở Nhãn và Thiền Định gặp nhau, thì lúc đó Cô lại tiếp tục tập luyện cách mở Đệ Tam Nhãn một cách bình thường.
- Tam Tiểu Thư: Ok! … Ông có lý đó. Ông thật là người dễ thương nhất trên đời đó. Lúc nào cũng tìm ra cách gỡ rối cho tôi, mỗi khi tôi gặp khó khăn. Nếu chuyện mà cứ như thế này, thì ông phải ráng sống lâu hơn tôi nhé. Ông phải ở cạnh tôi cả đời … cho đến khi tôi chết. Lâu nay tôi lúng túng không biết xử lý ra sao. Ban đầu tôi chán nghe những lý thuyết dài dòng của ông lắm. Nhưng càng lúc, tôi càng hiểu ra là muốn mở được Đệ Tam Nhãn, phải có căn bản vững chắc về Thiền Định. Cả lý thuyết cũng như thực hành. Thiếu bộ môn này, mình không thể tiến lên được. Đó là một cuộc chạy đua mà tôi cầm chắc phần thua trong tay, do đôi chân bị khập khiễng.
- Ông Tổng Quản: Ðiều Cô vừa nói, rất hay và cần thiết. Vì chính Cô phải hiểu được như vậy, thì Cô mới thấy giá trị, ý nghĩa của việc học tập Thiền Định. Những gì hôm nay Cô mới phát hiện ra, thì nó đã từng xảy ra cách đây nhiều ngàn năm, từ 2.500 năm đến 4.000 năm về trước. Theo cuốn Tạp Thư, thì đường như tất cả các Trường Phái lớn sau thời gian Upanisad, đều xây dựng trên cơ sở thực nghiệm là Thiền Định. Thí dụ như: Yoga, Phật Giáo, Số luận …
- Tam Tiểu Thư: Tôi thì rất có cảm tình với Phật Giáo. Ông nói một chút về Thiền Định Phật Giáo đi ông.
- Ông Tổng Quản: Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả, đều biết rất rõ tiến trình xây dựng nên Trường Phái Phật Giáo. Ðể minh họa bức tranh cho thêm phần rõ nét, xin phép được nhắc lại những điều mà Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả đều biết. Sakya Muni là một con người bình thường, như bạn và tôi.
Ngài đã quan sát các hiện tượng tự nhiên khách quan:
Sanh > Lão > Bệnh > Tử. Từ những quan sát này, Ngài tìm ra mối quan hệ của các hiện tượng tự nhiên và sau đó phát biểu thành định luật. Như thế chưa đủ, Ngài còn sử dụng một công cụ phổ thông lúc bấy giờ là Thiền Định, để tìm hiểu sự thật về bản chất của vạn vật. Chính nhờ Thiền Định, Sakya Muni đã phát minh ra phát biểu để đời bất tử:
"Vô Thường, Vô Ngã, Khổ Não". Có Trường Phái khác ghi lại là:
"Vô Thường, Hữu Ngã, Khổ Não". Những hiểu biết về cấu tạo Tâm của các Thực Thể, cấu tạo Sắc của các Thực Thể, diễn tiến của Luồng Tâm Thức, các Cảnh giới … vẫn mang tính chất nhất quán. Dù chúng ta có nghĩ đây là một huyền thoại, nhưng rõ ràng là Trường Phái Phật Giáo đã được xây dựng trên kinh nghiệm thực tế, hoàn toàn không xây dựng trên kinh nghiệm lý thuyết.
Thiền Định có thể bắt nguồn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Thiền Định tại Ấn Ðộ và sau này tại Tây Tạng, vẫn được lưu truyền đến ngày hôm nay và lan rộng trên toàn thế giới. Người Ấn Ðộ dường như có truyền thống Trầm Tư, Mặc Tưởng. Có nhiều tác giả cho là, đó là bản tính vốn có, tập quán tự nhiên của người Ấn Ðộ. Như mọi người đều biết, lịch sử Ấn Ðộ không được ghi lại bằng chữ viết. Chính điều này làm cho việc khảo cứu cực kỳ khó khăn. Người ta tạm chấp nhận việc tu tập tại Ấn Ðộ, có thể chia ra làm 3 thời kỳ:
1. Giai đoạn Veda có nghĩa là Minh Trí (Có 4 loại Veda):
Rigveda / Yajarveda / Samaveda / Atharaveda.
2. Giai đoạn Branmana:
Chính ở giai đoạn này đạo Bà La Môn ra đời. Người ta được biết đến chủ nghĩa "Veda Thiên Khải", "Tế Tự Vạn Năng", "Bà La Môn Chí Thượng". Ở cuối tài liệu Branmana có phần Aranyakah để đọc tụng và trầm tư, mặc tưởng mới hiểu được. Tu sĩ phải vào trong rừng tìm nơi vắng vẻ, thanh tịnh để đọc tụng và trầm tư. Người ta cho là, bộ môn Thiền Định đã ra đời tại Ấn Ðộ nói riêng, và của loài người nói chung.
3. Giai đoạn Upanisad:
Có rất nhiều tài liệu Upanisad. Ít nhất cũng là 200 bản, khác hẳn nhau, chống đối nhau. Do đó việc khảo cứu vô cùng khó khăn. Nhưng cũng chính tại giai đoạn này, bộ môn Thiền Định đã thực sự hình thành mặc dù chưa rõ nét. Vẫn dựa trên tư tưởng cơ bản của Kinh Veda, 6 Trường Phái điển hình của Ấn Ðộ ra đời:
a. Phái Mimansa Tổ: Jaimini.
b. Phái Vadanta Tổ: Badarayana.
c. Phái Nyaya Tổ: Gautama (Phái chính luận).
d. Phái Vaisesika Tổ: Kanada (Phái thắng luận).
e. Phái Samknya Tổ: Kapila (Phái số luận).
f. Phái Yoga Tổ: Patanjali (Phái Du già).
Tuy bắt nguồn từ Veda, nhưng những Trường Phái kể trên, lần lần tự hình thành hệ thống tư tưởng riêng của mình. Tuy nhiên, các Trường Phái nói chung, vẫn dựa trên thực nghiệm Thiền Định. Chính vì lý do này bộ môn Thiền Định do phải cạnh tranh nhau, đã sản sinh ra những Kỹ Thuật, những Lý Thuyết ngày một tinh vi hơn. Chúng ta có thể tìm thấy hệ quả này của Kỹ Thuật Thiền Định Phật Giáo và Raja Yoga.
- Tam Tiểu Thư: Sao nãy giờ nghe Ông nói về Thiền Định mà không nghe Ông đề cập đến Trung Quốc vậy. Hồi đó Thầy của tôi khuyên tôi nên học Hán văn để đọc sách dạy Thiền của Trung Quốc đó.
- Ông Tổng Quản: Xã hội Trung Quốc có những phong tục tập quán, mang màu sắc đặc thù của Trung Quốc là: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ … Tiến trình phấn đấu của đời người theo cách này cho thấy một Nhân Sinh Quan mang nặng chủ nghĩa hướng ngoại, với mục đích dường như quá tham vọng. Nói một cách bình dân là nếu ai cũng muốn làm Vương, làm Tướng; coi chuyện này là mục đích của đời người, thì lấy ai làm Dân, lấy ai làm Lính. Người ta có thể quan ngại rằng, với mục đích của loại Nhân Sinh Quan này, thì ở góc cạnh tích cực, nó làm cho con người hun đúc ý chí cạnh tranh, và làm cho xã hội tiến bộ. Nhưng mặt khác thì có lẽ rất dễ gây ra chiến tranh. Cô có thấy phim ảnh của Trung Quốc luôn luôn nói tới chủ nghĩa “Ðạt được mục đích, bất chấp thủ đoạn” không? Thật vậy, tinh thần nói trên cùng với phong tục tập quán của người Trung Quốc, đã được thể hiện qua cái được gọi Trường Phái Phật Giáo Trung Quốc. Có thể kể những thí dụ như: Tức Sắc Tông, Thiền Ðốn Ngộ … Việc này chúng ta sẽ còn có cơ hội quay lại tìm hiểu sau.
Lúc bấy giờ xã hội Ấn Ðộ là vào thời Upanisad lại có một phong tục tập quán khác hẳn với truyền thống của Trung Quốc. Đó là một Nhân Sinh Quan hướng nội, một Vũ Trụ Quan tìm cách sát nhập với Đấng vĩnh hằng. Ðời người Ấn độ chia ra làm 4 giai đoạn: Khi còn thơ ấu, thì sống trong gia đình với cha mẹ. Ðến thời thiếu niên, thì theo học tại các Cơ sở Tôn giáo. Ðến khi trưởng thành, thì lập gia đình. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ với xã hội, họ vào rừng tu Thiền Định, tìm nơi vắng vẻ tu hành cho đến chết.
Hai Trường Phái của Ấn Ðộ còn lưu truyền đến ngày hôm nay, là Phật Giáo và Yoga. Cả hai Trường Phái này, như quý vị đều biết, một phần là dựa trên cơ sở của kinh Veda, nhưng phần quan trọng nhất, lại dựa trên cơ sở, là những kết quả thực tiễn, mà họ đã thu hoạch được bằng Kỹ Thuật Thiền Định.
Kinh Yoga gồm có 4 phần cơ bản:
1. Tam Muội phẩm (Thiền Định) (Samadhi-pàda): Phân loại và giải thích bản chất của Tam-Muội.
2. Phương pháp phẩm (Samdhana-pàda): Thuyết minh phương pháp tu tập Thiền Định.
3. Thần thông phẩm (Vibhiti-pàda): Trình bày các chủng loại và nguyên lý của thần thông.
4. Ðộc tồn phẩm (Karralya-pàda): Thuyết minh cách tiêu trừ sự trói buộc của Thần Ngã.
Tư tưởng cơ bản của tài liệu này là làm sao để tư tưởng đứng lại, gọi là "Chỉ", là "Ðịnh Tâm". Cuối cùng là sự sát nhập, hợp nhất với Vị Thần tối cao.
Ðể thực hiện việc tu, tu sĩ phải đi qua 8 bước cơ bản:
1. Tịnh giới gồm có: Không sát sinh, không vọng tưởng, không trộm cắp, không tà dâm, không tham lam.
2. Dự bị tu tập: Tịnh thân, tịnh tâm, khổ hạnh.
3. Luyện tập các vị thế để tu Thiền Định: Tập các vị thế đặc biệt.
4. Tập luyện hô hấp: Tập luyện hơi thở.
5. Làm chủ các giác quan: Thực tế là bế lục căn như Phật Giáo.
6. Chú tâm vào một đối tượng duy nhất.
7. Liên tục chú tâm vào một đối tượng duy nhất.
8. Nhập định.
Nhìn bức tranh nói chung kể trên, thì các trường phái như: Số luận, Phật giáo, Yoga … đều dựa vào kết quả của thực nghiệm Thiền Định.
- Tam Tiểu Thư: Tôi thấy có rất nhiều Cơ sở Tôn giáo của Phật Giáo, mà họ có tu Thiền Định bao giờ đâu (hay là ít nhất theo tôi được biết, thì họ không hề tu Thiền Định). Tôi thường thấy họ làm các thủ tục tế lễ, nghi lễ cúng bái … thậm chí còn mang tượng Phật ra để tắm nữa đó.
- Ông Tổng Quản: Như cô thấy đó, rất nhiều Trường Phái Phật Giáo của Việt Nam ngày hôm nay đã xuất phát từ Phật Giáo của Trung Quốc. Sự thực những Trường Phái này là do người Trung Quốc sáng tác ra. Lấy thí dụ như:
* Tịnh Ðộ Tông: Trường Phái này còn có tên là Liên Tông. Họ chủ trương Niệm Phật để khi chết sẽ về "Tịnh Thổ". Tuệ Viễn là người đã sáng lập ra Trường Phái này vào đời Ðường. Tuệ Viễn tập họp được một số người và thành lập ra một tổ chức Tôn Giáo. Họ chủ trương thực hành Niệm Phật Tam-Muội có nghĩa là Trì Danh Niệm Phật. Lúc đầu, còn có người chủ trương Thiền Tịnh Song Tu. Nhưng sau này, không còn ai nhắc tới nữa, có lẽ chuyện Song Tu chỉ còn là một kỷ niệm của dĩ vãng.
Tịnh độ có 3 bộ Kinh: A Di Ðà Kinh / Vô Lượng Thọ Kinh / Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
1 bộ Luận: Vãng Sinh Luận.
Tịnh Ðộ Tông được phát minh ra tại Trung Quốc vào thế kỷ thứ 4, du nhập vào Việt Nam thế kỷ thứ 6, du nhập Nhật Bản thế kỷ thứ 8.
* Trường Phái Tức Sắc Tông: Đây cũng là một Trường Phái Phật Giáo của Trung Quốc. Học phái này cho rằng: "Tính của sắc là không tự có sắc. Sắc không tự có nên tuy có Sắc mà là Không, cho nên bảo Sắc tức là Không, Sắc lại khác Không". Người Việt Nam nói chung, không kể là Phật Tử, dường như ai cũng biết vài câu kinh Bát Nhã: "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc". Đây chính xác là câu kinh của Không Tông Bát Nhã.
* Thiền Tông Trung Quốc: Trường Phái này đề xướng pháp môn "Ðốn Ngộ", có nghĩa là Giác Ngộ ngay tức thì, với chủ trương "Truyền giáo pháp ngoài kinh điển, không có văn tự chữ nghĩa, trực tiếp vào Tâm con người, kiến Tánh thành Phật".
Ðốn Ngộ thành Phật là tư tưởng căn bản của Thiền Tông Đàn Kinh. "Không tu tức là người thường, khởi lên một Niệm Tu là bằng Pháp Thân Phật". Câu nói nổi tiếng mà chắc ai cũng biết: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", bỏ tất cả các hình tướng bên ngoài.
* Thiên Thai Tông: Pháp môn này dựa trên tài liệu rất phổ thông tại Việt Nam gọi là kinh Pháp Hoa.
Còn rất nhiều Trường Phái khác của Trung Quốc mà trong khuôn khổ nhỏ bé của tài liệu này, chúng ta không thể kể hết được. Nhưng bất cứ ai cũng có thể đưa ra nhận xét như sau: dường như Phật Giáo ở Việt Nam là một "Melting Pot". Nó pha trộn quá nhiều luồng tư tưởng của các Trường Phái Trung Quốc, đến nỗi một người tu tập bình thường không còn biết mình thuộc về Trường Phái nào. Cái khó khăn cho người tu Thiền Định, là không biết chọn con đường nào để đi. Thật vậy, các tài liệu pha trộn quá nhiều, nên không biết đâu là sự thật. Có Trường Phái thì dùng gậy gộc để đánh đệ tử, có Trường Phái thì lầm lì chẳng nói gì. Nhưng ai cũng cho là mình đúng. Do đó, một người bình thường bước vào con đường Tu Đạo, bối rối chẳng biết hướng nào mà đi. Đó chỉ là nói riêng của Trường Phái Phật Giáo. Thực tế chúng ta gặp ai đó, mặc một bộ quần áo của người Tu. Trước một câu hỏi, họ có thể trả lời theo rất nhiều cách khác nhau; lấy cơ sở là dựa trên các tài liệu gọi là Kinh sách mà người ta cho là chính quy.
Như phần đầu chúng ta đã biết, những Trường Phái lớn tại Ấn Ðộ đều xuất phát từ cơ sở là kinh nghiệm thực tế, có được do kết quả của Thiền Định. Do đó, dù cách trình bày có khác nhau, nhưng Kỹ Thuật Thiền Định, về cơ bản rất giống nhau. Trái lại, căn cứ vào các tài liệu, thì các Trường Phái tại Trung Quốc lại vô cùng đa dạng và mang màu sắc đặc trưng của Trung Quốc. Dường như nó xuất phát từ những cuộc tranh luận, từ những lý thuyết, có lẽ không quá đáng nếu gọi là “không tưởng”. Nói đúng hơn là, không thể thực hiện được trên thực tế. Bất cứ ai từng tu Thiền Định cả đời mình, thì sẽ phân vân, không biết mình mơ hay tỉnh, hay là mình căn cơ quá đần độn khi đọc câu "Tiền Niệm Mê tức Phàm, hậu Niệm Ngộ tức Phật". Thật vậy, ai cũng cảm thấy đau lòng khi thấy rằng mình bỏ cả một cuộc đời ra để Tu, mà chẳng Nhập Định được, chẳng biết mùi vị của Thiền Định là gì. Làm sao dám nghĩ tới chuyện thành Phật? Mà nay chỉ một giây trước là Phàm, và một giây sau lại thành Phật.
Những tư tưởng tương tự như những phát biểu nói trên, được người ta lập đi lập lại khắp nơi với đầy vẻ kỳ bí và hứng thú. Phải chăng đây là Chân Lý hay là Ngụy Chân Lý? Thực tế, Đệ Tam Nhãn cũng như một số khả năng khác là hệ quả của Thiền Định. Nhưng ít nhất đến ngày hôm nay, chúng ta không được biết một vị nào, tập luyện theo các Trường Phái nói trên, lại đạt được những khả năng khác thường. Ngược lại, những tu sĩ vô danh, nghèo nàn, sống độc cư và thường không tiếp xúc với ai cả ở Tây Tạng, thì lại được người ta biết đến với những khả năng khác thường. Họ cũng tu Thiền Định, sử dụng Đàn Pháp làm Đối Tượng để Quán Tưởng. Họ không có những phát biểu lớn lao, nhưng người ta phải tìm tới, vì những khả năng khác thường không thể phủ nhận được. Ngay cả các phòng khoa học để khảo cứu về khả năng của con người, họ cũng hay mời các tu sĩ Ấn Ðộ, các Lạt Ma Tây Tạng. Những vị này họ thường tịnh khẩu.
- Tam Tiểu Thư: Tôi đã hiểu những điều ông nói. Ông đã vẽ cho tôi một bức tranh tổng quát về việc tu Thiền Định, từ Cổ chí Kim, trên khắp thế giới. Cái quan trọng nhất, là ông phải giúp tôi chọn Trường Phái nào mang tính chất thực tế và hữu hiệu, thí dụ như: Trường Phái của các Lạt Ma Tây Tạng, các tu sĩ Ấn Ðộ …
Trong kỳ tới, mong ông sẽ bày cho tôi cách tập luyện thực tế. Có lẽ tôi chọn lối tu Thiền Định, của Thiền Định Tiểu Thừa Phật Giáo. Nó chậm nhưng chắc ăn, ai cũng làm được, dễ thành công, đơn giản. Chính Sakya Muni thuở xưa, bản thân ngài cũng sử dụng phương pháp này, mà đã giác ngộ thành Phật. Nếu tôi nương theo phương pháp của Sakya Muni, của các Lạt Ma Tây Tạng, biết đâu cũng có ngày thành Phật! không còn phải làm bảo tiêu nữa. Ông Tổng Quản làm ơn xem trong Tạp Thư đi, coi tôi có số tu chứng đắc không ông nhé …
(còn tiếp) ...
Tác giả: CTR
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!
4 comments:
Bài viết này rất hay và đúng, mọi người giờ gọi là tu theo Đạo Phật thật ra có phải theo Đạo Phật đâu, toàn tu theo các pháp môn của Trung Hoa, uổng cả 1 đời tu tập....
Ðể thực hiện việc tu, tu sĩ phải đi qua 8 bước cơ bản:
1. Tịnh giới gồm có: Không sát sinh, không vọng tưởng, không trộm cắp, không tà dâm, không tham lam.
2. Dự bị tu tập: Tịnh thân, tịnh tâm, khổ hạnh.
3. Luyện tập các vị thế để tu Thiền Định: Tập các vị thế đặc biệt.
4. Tập luyện hô hấp: Tập luyện hơi thở.
5. Làm chủ các giác quan: Thực tế là bế lục căn như Phật Giáo.
6. Chú tâm vào một đối tượng duy nhất.
7. Liên tục chú tâm vào một đối tượng duy nhất.
8. Nhập định
cám ơn có câu hỏi hay của TTT ko thì tôi nhảy vô là quán ,mấy ngày nay nhức đầu kinh,thì ra phải đi từ căn bản
Khổ , vô thường vô ngã là chân lý tối thượng nên đường nào củng là hành trình hướng về chính cái chân lý tối thượng này.Nó không vì MINH SU ra đời mà có nên cho dù hội nhập ở một thể tài nào ,để suy diễn ra nó cũng chỉ là giới thiệu bãn chất uyên nguyên bất biến này.
Thân chào nhóm CTR
Đây là bài viết làm tôi suy nghĩ rất nhiều, cảm nghĩ rằng tất cả những người đang tu tập theo đạo Phật đang thực sự cần những tài liệu chính thống để có thể nương theo đó và hành trì. Nếu tất cả 6 trường phái của UPANISAD đều dựa trên nền tảng là thiền định; thì rõ ràng là nếu đạo Phật mà mất đi thiền định, thì coi như có xác mà không có linh hồn. Cách tu mà một giây trước là người phàm, một giây sau là Phật (tiền niệm mê tức phàm, hậu niệm ngộ thức Phật) là sản phẩm của tưởng tượng, vì thực tế có ai thành Phật được dễ dàng như thế chứ? Ngoài ra còn vô số chuyện giả tưởng khác như đánh hét khiến người khác ngộ đạo. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tu tập bằng cách dựa trên những lý thuyết hoang tưởng này. Đức Phật có phát biểu cách tu này trong tài liệu hay kinh sách nào không?
Đăng nhận xét