Tập 15: Những bài học quá khứ của Đệ Tam Nhãn
Trời chưa sáng hẳn. Những giọt sương lạnh sớm mai còn đọng trên cành lá. Trên bầu trời những vì sao đang mờ dần. Bình minh ló dạng. Đoàn bảo tiêu lại bắt đầu di chuyển.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng quản ơi, so sánh nhận xét của xã hội Phương Tây lúc bấy giờ và phần đàm luận của cuốn Tạp Thư về hiện tượng Blavatsky, thì tôi thấy có một sự khác biệt khá lớn lao. Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể nhìn ra, là cuốn Tạp Thư của ông đúng là quá "pro" luôn đó. Nhưng càng suy nghĩ về vấn đề này, thì tôi lại càng thấy, dường như có một nghịch lý giữa lý thuyết và thực tế. Ông thử suy nghĩ từ từ mà coi, điều mà tôi nói với ông có đúng không? Những tài liệu về Huyền môn, đại loại như vậy, gọi là "Thư Phù Ếm Ðối" đề cập về Con Mắt Thứ 3 thì nhiều vô số kể. Những tài liệu này là sản phẩm hầu hết của người Á Châu. Ít nhất cho đến bây giờ, tôi chưa được đọc những tài liệu tương tự của người Âu Mỹ. Rất có thể họ cũng có một số tài liệu nào đó mà tôi chưa có cơ hội được biết đến. Thế nhưng trên thực tế thì những người có khả năng tiên tri, hay có Con Mắt Thứ Ba gì đó, thì toàn là người Âu Mỹ không à! ... Họ có Con Mắt Thứ Ba hay không, loại nào thì quả thật tôi không biết, nhưng ông coi cái danh sách những người nổi tiếng thế giới về lãnh vực này họ thuộc về quốc gia nào nhé:
- Vanga (Bulgaria).
- Cyril Hoskin (Anh).
- Blavatsky (Ukraina).
- Nortradamus (Pháp).
- Barbara Ann Brennan (Mỹ).
- Theresa Avila (Tây Ban Nha).
Đó, ông coi có tự ái dân tộc không chứ? Hay là mình thêm tên của Khổng Minh người Trung Quốc vào danh sách này được không vậy ông? Xin ông và độc giả cho ý kiến. À, khi xem kỹ, và cố nhớ xem có ai là người Việt Nam hay không, thì tôi mơ hồ nhớ ra rằng, có một nhân vật không biết là có thật hay không, mà người ta thường nhắc tới là Trạng Trình. Tuy nhiên công trình của ông gọi là Sấm Trạng Trình thì có vẻ mang nặng tính chất Huyền sử. Ðó chỉ là ý kiến riêng của tôi. Tôi có ý kiến này muốn trình bày ra mà ngại quá.
- Ông Tổng Quản: Từ nào tới giờ tôi có thấy cô sợ ai đâu. Hơn nữa mình là người trong nhà cả mà, cô có gì cứ nói ra đi, có gì đâu mà ngại!
- Tam Tiểu Thư: Không! Không phải là tôi sợ ông! Tôi sợ là sợ mấy ông khoa học gia, mấy ông nhà báo, biên tập viên các đài truyền hình, nói chung là các vị làm công việc thông tin đại chúng … Ông lại gần đây, tôi nói nhỏ cho ông nghe, chỉ một mình ông nghe mà thôi nha! Họ mà tố cáo tôi là Racist trên thông tin đại chúng thì chắc chắn là ế chồng!
- Ông Tổng Quản: Rồi, tôi nghe đây Tam Tiểu Thư.
- Tam Tiểu Thư: Tôi tuy là phận nữ nhi làm nghề bảo tiêu, sống bằng nghiệp đao kiếm; đại khái là chẳng cao quý hơn ai. Nhưng được cái là “ Riêng một biên thùy – Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Tôi nghĩ thế này, tôi chẳng thấy người Á Châu nào thực sự nổi tiếng về Con Mắt Thứ Ba, tất cả những người nổi tiếng đều là Âu Mỹ … vậy thì lý thuyết của bà Blavatsky hình như hơi bị đúng thì phải? ... Ông đồng ý với tôi không?
- Ông Tổng Quản: Hiện tượng này lâu nay thực sự cũng chẳng có ai thống kê cả. Có thể cô là người duy nhất nói ra vấn đề này. Coi chừng cô bị thông tin đại chúng xếp vào loại lang băm, lừa đảo. Nhưng may mà cô chỉ nói với mình tôi thôi, không ai nghe thấy nên chắc không sao. Chúng ta phải công nhận rằng trong lãnh vực này, người Âu Mỹ có 5, 6 điểm, người Á Châu 0 điểm. Bức tranh thực tế thực sự là ảm đạm. Tuy nhiên quý độc giả cũng như Tam Tiểu Thư đừng quá thất vọng. Đây chỉ mới là vòng sơ kết, tất nhiên cơ hội vẫn còn ở đằng trước.
Cuốn Tạp Thư của tôi lại có một đường hướng khác hẳn. Có thể nói rằng nó không liên quan gì đến các hiện tượng mở Nhãn nói trên. Trước nhất, nó có hẳn một lý thuyết về cấu tạo các Thực thể, nó cho biết tính chất Cơ học của các Tâm, các Sắc, của tất cả các Thực thể, ở tất cả các Cảnh giới mà Thực thể bất kỳ nào đó đang hiện hữu. Trên cơ sở này, có thể nói là không quá đáng, ai đó có ý định nghiêm túc để học hỏi và thực hành vấn đề mở Đệ Tam Nhãn, dường như nằm trong tầm tay. Ðó là cái khác biệt mà các vị có Đệ Tam Nhãn nói trên không làm được. Nếu thực sự họ có Đệ Tam Nhãn, thì họ cũng chẳng có một kỹ thuật nào để tập luyện cho chính mình, trừ trường hợp Lobsang Rampa. Do đó trên lý thuyết cũng như trên thực tế, việc mở Nhãn cho ai đó là một việc không thể thực hiện được. Vì thực sự họ chẳng có một lý thuyết cũng như một kỹ thuật nào cả.
Trường hợp Lobsang Rampa thì ông sử dụng một miếng gỗ không rõ nguồn gốc được xử lý bằng các loại dược thảo để cấy vào trước trán. Vậy nếu ai đó có ý định là mở Đệ Tam Nhãn theo cách này, thì tìm đâu ra miếng gỗ, tìm đâu ra các dược liệu để xử lý. Nếu có tìm được miếng gỗ theo đúng yêu cầu này, thì cũng chẳng có một chuyên gia mổ xẻ nào, dù là một bệnh viện lừng danh, có thể thực hiện ca mổ không tiền khoáng hậu này. Cuốn Tạp Thư lại khác. Nó ở trong tầm tay của hầu hết những người có một tri thức luận lành mạnh vì ai cũng có thể hiểu được, không đòi hỏi phải sử dụng những phương tiện kỳ lạ đặc thù, tốn kém … Người ta chỉ cần học hỏi lý thuyết, học hỏi kỹ thuật sau đó là thực hành … Cuốn Tạp Thư có ghi lại một số người từng làm theo cách này và đã đạt được những kết quả khả quan. Họ thấy biết trước một số vấn đề linh tinh … nhưng sau đó vì một số lý do như sức khỏe, công việc làm, gia đình … nên họ không tiếp tục tập được. Nói trên quan điểm người tu Thiền Định, thì người ta bảo rằng những người nói trên đã cạn phước báu.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng quản ơi, nếu đúng vậy thì cuốn Tạp Thư của ông sẽ là niềm tin và hy vọng cho những người bình thường như tôi cũng như những quý độc giả đang đọc những dòng chữ này. Cái mà tôi thích nhất là cuốn Tạp Thư của ông không đòi hỏi những điều kiện gì quá khó khăn phức tạp mà một người bình thường như tôi khó có thể đáp ứng. Còn chuyện học lý thuyết, rồi thực tập thì là “chuyện bình thường ở huyện”. Học bộ môn nào mà chẳng thế. Nói tóm lại, khi tôi biết là việc mở nhãn có thể thực hiện thành công trong tương lai hay chí ít là nó nằm trong tầm tay của ai đó có hứng thú với bộ môn này thì rất có thể người Á Châu sẽ lập lại được tỉ số.
- Ông Tổng Quản: Tôi biết những gì đang nói với cô đây khô khan không hấp dẫn, nhưng cô nên chịu khó tiếp tục tìm hiểu một số vị nữa có liên quan đến Đệ Tam Nhãn khi cô bắt đầu học lý thuyết và thực tập. Điều này sẽ giúp cho mình học hỏi được những kinh nghiệm của người đi trước và tránh được những sai lầm không đáng có. Những bài học của quá khứ này, theo tôi nghĩ rất quý giá. Cô thử suy nghĩ lại trường hợp của Blavatsky và Barbara Ann Brennan. Thực sự không thể nói là họ mở Nhãn được. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận, là có một cái gì đó sinh hoạt ở bên trong cơ thể hai người này. Do đó họ mới có những khả năng mà lúc bình thường họ không hề có. Còn trường hợp Lobsang Rampa, nếu căn cứ vào truyền thống Phật giáo thì cũng không thể bảo là đó là hình thức của Đệ Tam Nhãn.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng quản à, hai ngày trước tôi có chịu khó ngồi đọc Vi Diệu Pháp; tài liệu chính quy đàng hoàng đó nhen ông, thì không thấy chỗ nào đề cập tới cách mở Đệ Tam Nhãn bằng phương pháp giải phẫu như Lobsang Rampa đã thực hiện hết.
- Tổng Quản: Thì đúng như vậy nên người ta cũng lúng túng, không biết nên gọi trường hợp của Lobsang Rampa như thế nào cho đúng. Mặc khác, thần thông Phật giáo không đề cập tới vấn đề mượn hoặc sử dụng thân xác vật chất của người khác. Chắc ai cũng biết, truyền thống Phật giáo có hẳn một tài liệu, gọi là Giới. Đó thực sự là một bộ luật khá chặt chẽ, quy định người tu phải ứng xử như thế nào là đúng. Do đó việc làm nói trên là của Phật giáo hay là của trường phái nào khác thì có lẽ chưa có câu trả lời dứt khoát.
- Tam Tiểu Thư: Tôi không ngờ tu hành mà cũng có luật pháp. Tôi cứ tưởng là nếu tu hành thì cứ sống thư thả chẳng có gì ràng buộc. Ông nói cũng đúng, tất cả những trường phái chính quy như: Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo … họ đều có những kỷ luật rất là khắt khe, mà người ta thường gọi là giữ Giới. Bây giờ ông nói cho tôi về Lobsang Rampa đi.
- Ông Tổng Quản: Cyril Henry Hoskin là một người Anh, sanh vào ngày 8/4/1910. Ông còn có một cái tên nữa là Tuesday Lobsang Rampa. Lobsang Rampa tự nhận mình là linh hồn của một vị Lạt Ma người Tây Tạng, sử dụng thân xác vật chất của người Anh nói trên.
Vào năm 1956, cuốn sách nổi tiếng sau này là The Third Eye được xuất bản. Bản thảo của cuốn Ðệ Tam Nhãn này, lúc đầu bị các nhà xuất bản nổi tiếng của Anh Quốc từ chối. Lý do dễ hiểu là các học giả người Anh Quốc khi đọc bản thảo này, họ nghi ngờ về tính chất nhất quán của tài liệu. Nhưng đến khi xuất bản, nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Một tài liệu về văn chương đã nhận xét "Tác phẩm này là một công trình của nghệ thuật". Phần quan trọng nhất của tác phẩm này là việc sử dụng kỹ thuật giải phẫu để làm cho Đệ Tam Nhãn xuất hiện. Tài liệu này có ghi lại sơ lược như sau:
"Một dụng cụ giải phẫu đã đâm thấu vào trong xương. Một mảnh gỗ nhỏ, rất cứng, đã được xử lý bằng lửa và thảo dược, cuối cùng được nhét vào lỗ hổng nhỏ ở trên trán của tôi. Tôi cảm thấy như ngứa ngáy, tôi cảm thấy như kích thích ở vùng mũi. Tôi có một cảm giác gì đó không rõ. Thế rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy chói lòa, có lúc cơn đau trở nên dữ dội, rồi giảm đi từ từ, cuối cùng cơn đau mất hẳn và thay thế bởi vòng xoắn màu sắc. Thế rồi vị Lạt Ma bảo với tôi rằng: Em là người cùng nhóm của chúng tôi. Từ nay đến hết cuộc đời, em sẽ nhìn thấy sự thật của mọi người, chứ không còn nhìn thấy cái vẻ giả tạo của mọi người".
Chính bản thân Cyril Hoskin cho biết cơ thể của ông đã bị linh hồn của Lobsang Rampa chiếm giữ. Trong một tài liệu ông có kể lại diễn tiến như sau: "Trong lúc leo lên một cái cây Linh Sam để chụp hình một con Cú, thì ông bị té xuống dưới đất. Trong cơn chấn động và khi lấy lại được phần nào ý thức thì ông thấy một vị tu sĩ Phật giáo mặc áo màu vàng đi về phía ông. Vị tu sĩ có nói với ông là Rampa muốn sử dụng thân xác vật chất của ông và Hoskin đồng ý. Thân xác vật chất của Rampa hiện tại rất tồi tệ khó sử dụng tiếp tục được nữa. Do đó, Rampa sử dụng phương pháp Di Trú Linh Hồn để đến cư trú tạm trong cơ thể vật chất của Hoskin."
Sự thật về Rampa có rất nhiều thông tin chỉ trích. Năm 1972, một người Pháp đã có viết thư cho Ðại Lạt Ma để tìm hiểu về nhân thân của ông. Ông nhận được đáp từ của văn phòng Ðại Lạt Ma như sau: "Chúng tôi hân hạnh thông báo với ông rằng chúng tôi không hề đặt tin tưởng vào những tài liệu được viết bởi vị nào đó gọi là Dr. Lobsang Rampa. Công trình này mang tính chất hư cấu, tưởng tượng cao độ". Mặc dù những tài liệu này được cảnh báo là hư cấu, nhưng đồng thời cũng tạo ra hệ quả marketing quảng cáo tích cực tại Ấn Ðộ.
Ông viết khoảng 20 tài liệu. Tài liệu đặc biệt nhất là Living With The Lama được mô tả là do chính con Mèo Thái Lan đã đọc cho ông viết. Báo chí của Anh quốc tố cáo ông là lang băm là đối thủ của thẩm mỹ.
- Tam Tiểu Thư: Còn Barbara Ann Brennan thì sao ông?
- Tổng Quản: Cũng trong khuôn khổ của đề tài này, rất mong quý độc giả cùng tìm hiểu thêm một tác giả khác rất nổi tiếng ở bên Mỹ và khắp thế giới đó là Barbara Ann Brennan.
Barbara Ann Brennan sinh năm 1939, quốc tịch Mỹ. Bà đỗ bằng Cử nhân Khoa học Vật lý năm 1962. Hai năm sau, bà đỗ bằng Tiến sĩ Vật lý Khí quyển và làm việc tại cơ quan Nasa với tư cách là nhà Vật lý Khí quyển. Sau đó bà đỗ bằng Tiến sĩ về Triết học và Thần học.
Tài liệu làm cho bà nổi tiếng nhất là cuốn Bàn Tay Ánh Sáng, được in 1 triệu cuốn và dịch ra 22 ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, bà còn được học về Trường Năng Lượng và cách chữa bệnh sử dụng Trường Năng Lượng. Trong tài liệu Hands of Light, chính bà xác nhận là có một linh hồn nào đó đã mách bảo bằng lời nói và cho nhìn thấy một số vấn đề, cụ thể là Hào quang, linh hồn đó ở bên Kenya và có hẳn một cái tên.
Chúng ta đã duyệt xét một số hiện tượng điển hình nổi tiếng trên thế giới ít nhiều liên quan đến vấn đề Đệ Tam Nhãn. Chắc chắn Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả, học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của những người đã đi trước. Do đó, dễ nhìn ra những thuận lợi, những khó khăn, trong khi tự mình học hỏi và tập luyện Đệ Tam Nhãn. Những tài liệu trên rất mong được quý độc giả quan tâm vì tính chất điển hình của nó. Người ta không thể ngờ được rằng, có quá nhiều loại Đệ Tam Nhãn nhưng sự thật lại không phải là Đệ Tam Nhãn. Nếu nhìn ở góc cạnh chuyên môn thì người ta cho rằng đó là Đệ Tam Nhãn giả hiệu. Chúng tôi cũng xin lưu ý quý độc giả, quan điểm này được nêu ra là dựa trên cơ sở tài liệu Vi Diệu Pháp.
- Tam Tiểu Thư: Vậy có nghĩa là không phải cứ cái gì thấy biết được mà không sử dụng đến hai con mắt bình thường, thì đều là Đệ Tam Nhãn hết, phải không ông? Tôi cũng cám ơn là ông đã nêu ra nhiều quan điểm để tôi và quý độc giả có thể lựa chọn cái gì đó phù hợp cho mình. Nhưng nói thiệt tình nhe ông, nếu chỉ muốn biết chừng nào lấy chồng thôi mà phải học nhiều như thế thì thà đừng lấy chồng còn hơn, cho nó đỡ rắc rối cuộc đời …
(còn tiếp) ...
Tác giả: CTR
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!
0 comments:
Đăng nhận xét