Có một không hai - có hai chết liền ...
Tập 35: Trận chiến cuối cùng Armageddon
giữa con người và thần Chết (Phần 2)
- Tam Tiểu Thư: Thông thường thì ai cũng nghĩ giấc mơ là không có thật, nghĩa là nó "Ảo". Trong cuốn tự điển Pháp ngữ, thì họ định nghĩa "Hoang Tưởng" hay "Ảo" là thế này: “cảm giác bệnh hoạn, không được tạo ra bởi một vật có thật. Tất cả các giấc mơ là ảo giác”. Tôi nghĩ việc xuất hồn có lẽ cũng tương tự như vậy. Cá nhân tôi thì chỉ nghe nói, chứ thực tế có thấy ai xuất hồn được đâu. Tôi nghĩ hầu hết quý độc giả cũng chẳng thấy ai xuất hồn được cả, nói vu vơ thì biết lấy đâu mà tin chứ?
- Ông Tổng Quản: Để tiếp cận thực tế với vấn đề xuất hồn, thiết nghĩ chúng ta nên duyệt xét lại khái niệm "Ảo" mà người ta thường nói tới. Có người còn gọi đó là "Hoang Tưởng".
Thường thường cái gì không ở trong một trong bốn trạng thái của vật lý thì người ta gọi là "Ảo". Dân gian mà nói thì cái gì xúc giác không sờ mó được, không cân đo được, thì người ta gọi là "Ảo", không có thật. Chỉ cần để ý một chút, quý vị sẽ phát hiện nhiều hiện tượng mà các giác quan chúng ta không tiếp cận được. Lý do là vì nó vượt qua ngưỡng của giác quan, hoặc do không có loại giác quan để tiếp cận các hiện tượng khách quan tự nhiên. Con người không thể biết trước có sóng thần, không có khả năng tìm nguồn nước như con Voi, không có giác quan để biết trước trời sẽ mưa trong nhiều giờ đồng hồ nữa như con Dê. Chúng ta cũng không có khả năng nghe siêu âm như con Chó, không thể nhìn được bức xạ nhiệt, lực tương tác hấp dẫn … Thế nhưng ai cũng biết những điều kể trên là thực sự hiện hữu.
Có những hệ thống kiến thức, khoa học khác không có quan niệm về vật chất như chúng ta, về việc cho là cái gì có thật, cái gì không có thật. Theo hiểu biết ngày hôm nay, có vào khoảng 117 nguyên tố hóa học, là những viên gạch, đã xây dựng nên thế giới khách quan muôn màu muôn vẻ. Đối với loài người chúng ta thì thế giới vật chất là như vậy. Ở những hệ thống khác, mà có lẽ chúng ta chưa phát hiện được thì lại quan niệm vật chất được xây dựng nên bằng 28 yếu tố, và số lượng yếu tố này có thể tăng giảm tùy theo không gian nó hiện hữu. Người Á Châu quen thuộc với văn hóa của Trung Quốc, thì chẳng xa lạ gì với 5 yếu tố cơ bản gọi là Ngũ Hành, bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Căn cứ vào hệ thống vừa đề cập ở trên, cuộc sống bình thường của con người có 28 yếu tố cấu tạo nên thế giới vật chất. Nhưng nếu ai thực hành Thiền Định và đạt được Thiền Hữu Sắc, thì các nguyên tố chỉ còn trên dưới 20. Tiến thêm lên một chút nữa, đạt được cảnh giới Vô Tưởng Định thì thế giới khách quan vật chất chỉ còn 17 yếu tố mà thôi.
Nói đơn giản dễ hiểu, cái gì mà chúng ta quan niệm vật chất ở cảnh giới của con người đang hiện hữu, thì nó lại không phải là vật chất của những không gian khác. Khái niệm vật chất chỉ có một giá trị vô cùng tương đối đối với không gian chúng đang hiện hữu.
Kiến thức này có thể giúp giải thích rất nhiều loại giấc mơ mà con người thường hay gặp. Trong lúc nằm mơ, khi đụng chạm với những hiện tượng khách quan, có thể là tích cực, có thể là tiêu cực … chúng ta âu lo, sợ hãi, vui mừng thậm chí là khóc lóc … tùy thuộc vào tình tiết, tiến trình của giấc mơ. Trạng thái tâm lý của chúng ta coi những diễn tiến của giấc mơ là hoàn toàn có thật. Chính vì lý do chúng ta chắc chắn là có thật nên mới có diễn tiến về tình cảm nói trên. Khi thức giấc, chúng ta mới gọi những diễn tiến trong giấc ngủ là Mơ. Chúng ta đang sinh hoạt với một cơ thể vật chất ở một loại không gian khác với không gian của Giấc Mơ. Phải nói rằng, con người là một sinh vật lưỡng cư. Sự thật có lẽ còn nhiều hơn cả lưỡng cư. Trang Tử thuở xưa phân vân tự hỏi, không biết mình là Bướm hay Bướm là mình.
Muốn hiểu về Xuất Hồn, chúng ta rất cần phải giải quyết được những tư tưởng cụ thể như "Ảo" là gì, "Mơ" là cái gì. Nếu không giải quyết được thì chúng ta không thể thực hiện khả năng xuất hồn. Những Giấc Mơ sâu đậm, kéo dài, với nhiều tình tiết, có thể được coi như một dạng xuất hồn ngẫu nhiên, không chủ động.
Xuất Hồn là tách ra khỏi cơ thể vật lý quen thuộc một cái gì đó có cấu tạo hoàn toàn khác với cơ thể vật lý. Nó (Hồn) có một không gian khác để sinh hoạt, để tồn tại. Các loại giác quan của nó, khác hẳn với giác quan của cơ thể vật lý. Do đó, có những vị viết sách cho là việc thấy biết của một cơ thể khác với cơ thể vật lý, mà lại giống như việc thấy biết của cơ thể vật lý, thì có lẽ tự mâu thuẫn với chính mình.
Bộ môn này có lẽ đã được con người phát hiện ra từ nhiều ngàn năm, nhưng đến nay nó vẫn hoàn toàn là mới. Nó đang chờ đợi sự khai phá, bổ túc, triển khai trên thực tế của con người.
Có lẽ việc "Thấy Biết" giống như cơ thể vật lý chỉ xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp (transition) một thời gian vô cùng ngắn ngủi.
Người ta e là một số vị nào đó, đã truyền bá cách tập luyện không có trên thực tế, làm cho những người tin tưởng, đã bỏ công ra tập luyện trong nhiều thập kỷ. Tất nhiên là chẳng có kết quả gì cả.
Rất có thể có nhiều quý vị đang đọc những dòng chữ này, đã từng tham khảo những tài liệu của tác giả Hoskin, còn gọi là Lạt Ma Lobsang Rampa. Tài liệu này nói về đời sống với một vị Lạt Ma và được cho là do một con mèo Thái Lan đã đọc. Có hàng chục tài liệu dạy cách tập luyện về rất nhiều lãnh vực, và lãnh vực nào cũng cuốn hút mọi người. Một trong những lãnh vực mà tất nhiên ai đã đọc loại sách vở này cũng phải quan tâm là việc xuất hồn. Chắc chắn ai cũng tự hỏi, không biết trên thế giới, có ai đã tập thành công theo phương pháp này chưa? Rất mong quý độc giả đóng góp ý kiến phản hồi, hy vọng là biết đâu có ngày vấn đề được làm rõ.
Chắc hẳn quý độc giả còn nhớ bộ phim Oan hồn (The Ghost) với bản nhạc phim nổi tiếng Unchained Melody. Trong phim, linh hồn của một người đã chết, tập đi tập lại với cố gắng làm di chuyển một lon Coca không có nước, mà quá khó khăn, không thể làm được!
Từ góc độ vật lý lý thuyết, thì có thể giải thích là vật chất cấu tạo nên một Vong Linh thì mịn hơn cấu tạo vật chất của thế giới Con Người. Rất có thể giả thuyết này mô tả ít nhiều đúng với sự thật khách quan. Chính vì các nguyên tử vật chất đối với loại thực thể như Ma, Hồn xuất ra khỏi cơ thể, người cận tử, quá trống trải, quá loãng nên mới có thể đi xuyên qua vật chất: Cánh cửa đóng, bức tường, sông, núi … một cách dễ dàng.
- Tam Tiểu Thư: Nghe những gì ông vừa trình bày về cái mà người ta gọi là "Ảo" , tôi cũng hiểu ít nhiều và tạm đồng ý với ông. Cái "Ảo" ở nơi này là "Thật" ở nơi kia, cái "Thật" ở nơi kia thì lại là "Ảo" ở nơi này. Rắc rối thiệt đó! Ông Tổng Quản ơi, khi ông nhập định thì ông thấy Tam tiểu Thư này là ảo hay thật vậy ông?
Cách hay nhất là ông hãy chỉ cho tôi cách Xuất Hồn bằng kỹ thuật Thiền Định đi, để tôi có thể kiểm chứng chuyện “Thật như Ảo, Ảo như Thật” này ông nhé!
- Ông Tổng Quản: Ok! Bây giờ đã khuya lắm rồi. Chúng ta cần nghỉ ngơi vì ngày mai sẽ là một ngày vất vả đó.
Trong kỳ tới, tôi sẽ trình bày cho cô cùng quý độc giả cách Xuất Hồn dựa trên cơ sở kỹ thuật Thiền Định mà cuốn Tạp Thư đã đề cập đến nhé!
Tam Tiểu Thư ngồi im lặng, nhìn xuyên qua màn đêm. Không gian bên ngoài là một màu đen thăm thẳm. Lòng cô có chút gì đó hoảng sợ khi đối diện với màu trời đêm bao la nhưng tăm tối. Cô đang tưởng tượng về phút giây mình sẽ từ biệt cõi đời và suy nghĩ về sự khác biệt giữa cái Chết của Cô và cái Chết của người Tổng Quản …
Còn tiếp ...
Tác giả: CTR
Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!
1 comments:
dạo này crt up bài nhanh thật. Thank crt mình thật sự thích câu cái gì ko biết chưa chắc là không có
Đăng nhận xét