Có một không hai - có hai chết liền ...
Tập 34: Trận Chiến Cuối Cùng Armageddon
giữa Con Người và Thần Chết (Phần 1)
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản à! Tôi muốn hỏi ông chuyện này. Người ta hay nói là trong lúc chết thì hồn lìa khỏi xác. Ông có thể giải thích “hồn lìa xác” là như thế nào không ông?
- Ông Tổng Quản: Ok! Hôm nay để tôi nói Cô nghe một số hiện tượng truyền thống về Xuất Hồn:
* Xuất Hồn ngẫu nhiên còn gọi là Ma.
* Sử dụng kỹ thuật của Thiền Định để Xuất Hồn trong lúc đang sống và lúc sắp chết.
* Sử dụng kỹ thuật Nhị Trùng Bản Ngã để Xuất Hồn (dedoublement du personnage).
* Sử dụng kỹ thuật (có lẽ là của Mật Tông Tây Tạng) để xuất hồn gọi là (Astral Travel, theo ngôn từ của Hoskin).
- Tam Tiểu Thư: Tôi tuy trẻ người non dạ, nhưng như ông biết đó, tôi mê đọc sách vở, mê lướt web để cập nhật các kiến thức trên những trang web chuyên đề. Nói tóm lại, tôi là con người của thời đại @. Tôi hiểu chết là một hiện tượng kết thúc vòng đời của các sinh vật trong thế giới tự nhiên. Hơn thế nữa, chết có lẽ còn cần thiết nếu xét trên nhiều phương diện khác nhau. Lúc còn đi học tại nhà trường về môn Luận Lý Học, có một thí dụ mà tôi nhớ mãi. Hình như được gọi là "Tam Đoạn Luận" thì phải:
* Người ta phải chết > Socrate là người > Socrate phải chết.
Nhân chủng học cho biết có khoảng 60, 70 tỉ nhân loại từng hiện hữu trên trái đất, và ngày hôm nay những người đó không còn nữa. Nhưng theo huyền sử của một trường phái, thì có một vị là Sakya Muni lại không bao giờ chết cả! Ngài chỉ bỏ lại cái xác phàm và nhập vào một nơi gọi là Niết Bàn thì phải. Nói như vậy, cái xác phàm được bỏ lại, thì phải có một cái gì ra đi và nhập vào Niết Bàn. Hơn thế nữa, vị này còn sử dụng một kỹ thuật được gọi là Thiền Định khá phức tạp, chủ động chuyển đổi qua nhiều lớp Thiền theo ghi lại của một số tài liệu. Nếu đúng vậy, người ta có thể tự hỏi, mà đúng hơn có lẽ ai cũng thắc mắc, là tại sao Ngài không đón nhận cái chết một cách bình thường, như tất cả mọi người? Tại sao phải nhập lớp Thiền này rồi xuất lớp Thiền kia làm gì cho nó rườm rà, phức tạp mất công? Chắc phải có lý do gì đó chứ?
- Ông Tổng Quản: Chết có lẽ là một vấn đề to lớn cho tất cả mọi người. Dù không muốn cũng phải quan tâm, vì có ai mà không chết. Khi chết, người thì mong muốn về nơi suối vàng, người thì mong muốn đến địa danh tịnh thổ, người thì ao ước sẽ nhập Niết Bàn … Căn cứ vào Tâm Lý Học, thì rõ ràng là theo tâm lý thường tình của con người, chẳng ai muốn chết cả. Cái chết là ngược lại Bản Năng Bảo Tồn. Do vậy ai cũng sợ chết. Sợ chết không những là hợp tình, hợp lý mà còn hợp pháp nữa. Chính luật pháp của con người đã sắp xếp việc giết người vào trọng tội. Ai mà không sợ chết mới là bất bình thường! Người ta hay nói là chỉ có người điên mới tự hủy hoại mình; còn những người tu thì “tự tại sinh tử”. Thế nhưng trên thực tế chúng ta thấy người điên, người tu còn sợ cái chết hơn cả người bình thường!
Muốn tìm hiểu vấn đề này, thì phải tìm hiểu lúc còn đang sống, đang sinh hoạt. Phân Tâm Học cho biết con người là một sinh vật đi tìm khoái lạc, tránh né khổ đau. Ðây là một phát biểu cơ bản, tiền đề quan trọng của bộ môn Phân Tâm Học. Kinh Patanjali thì nói “sự khao khát hạnh phúc là vĩnh cửu”.
Nếu căn cứ vào tư tưởng này, thì việc tu hành thật sự là tìm cách tránh né khổ đau về lâu về dài, tìm kiếm khoái lạc về lâu về dài. Bản chất của việc tu hành cũng chẳng có gì là cao quý hay thiêng liêng. Hình thức vị tha sự thật chỉ là che dấu bản chất vị kỷ.
Với tinh thần này, con người đã nghĩ ra nhiều phương tiện, công cụ, kỹ thuật để Xuất Hồn trong khi đang sống và có lẽ cũng sử dụng kỹ thuật này để Xuất Hồn trước khi chết. Có rất nhiều từ ngữ để mô tả kỹ thuật này.
Rất có thể quý vị nào đó đang tu Thiền Định, trong lúc Nhập Định theo trường phái nào đó, quý vị đã ngẫu nhiên xuất ra khỏi cơ thể của mình một con người hay một cái gì đó, mà chúng ta không biết gọi đó là cái tên là gì cho chính xác.
Không cần nói ở đâu xa. Trong những thập kỷ trước tại Sài Gòn, có một trường phái đã xuất hiện, người ta quen gọi là trường phái Xuất Hồn. Trường phái này có một kỹ thuật hơi giống một trường phái Yoga, họ lấy ngón trỏ của bàn tay để bịt đuôi mắt, dùng ngón cái để bịt tai. Tập trung tư tưởng vào đỉnh đầu, gọi là Hà Đào Thanh. Theo trường phái này thì kỹ thuật trên, sẽ làm khai mở Luân Xa thứ 7, từ Luân Xa này, Tiểu Linh Quang là hồn của mình, sẽ thoát ra từ Hà Đào Thanh, đi lên Thượng Giới để học đạo. Cuộc du hành này có thể có hai khả năng:
* Một là đi ở trong cơ thể của mình gọi là tiểu vũ trụ.
* Hai là đi ra ngoài cơ thể của mình gọi là đại vũ trụ, nơi đây có thể gặp các Thực Thể có kiến thức cao hơn loài người, có nhiều điều để cho con người phải học. Con người đến trái đất là điều cần thiết, vì trái đất là một trường học cần thiết, một cơ hội hữu ích cho sự tiến hóa của bản thân. Khi chết, hồn của mình gọi là Tiểu Linh Quang, sẽ sát nhập làm một với hồn của Thượng Đế gọi là Đại Linh Quang. Có rất nhiều người tu theo trường phái này đã tự thuật các trường hợp xuất hồn của mình. Có vị đi du lịch lên Ðà Lạt, trong lúc Thiền Định tại một căn phòng của khách sạn, ông đã xuất được cái hồn ra khỏi thân xác, nhưng đụng phải cô vợ, nên quay về bản thể. Ðó là lời tâm sự của một người sau 23 tháng tu Thiền Định. Có vị lại kể rằng lúc xuất hồn ra đi bằng xe xích lô, đến một nơi nào đó có vị quan đang xét xử các hồn. Đến lượt vị này khai là có ăn chay, thì dường như vị quan xét xử có hảo cảm.
Cùng thời gian này ở Long Thành cũng có một trường phái được mô tả là dạng trường phái Xuất Hồn. Người đứng đầu môn phái này lúc trước là giám đốc của một trường trung học. Tất cả mọi người đều tu Thiền Định, ngủ ngồi và không có tài sản gì cả. Tài sản của cá nhân chỉ là một túi nhỏ, có lẽ chỉ đủ để đựng quần áo. Trong số này hình như có một nữ tu thường biết trước những việc sẽ xảy ra. Trước đó cô từng mở được Huệ Âm. Theo lời cô kể lại là cô thường thấy ma quỷ liếm thức ăn trước khi người ta ăn. Cá nhân người đứng đầu trường phái này đã từng viết một tài liệu nhỏ nói về diễn tiến của việc Xuất Hồn.
Thời gian này trường phái Thông Thiên Học dường như có ảnh hưởng lớn tại miền nam Việt Nam. Dó đó từ ngữ Chân Sư khá phổ thông trong giới tu Thiền Định. Việc xuất hồn để đi tìm các Chân Sư, để học đạo, được nhiều người quan tâm.
Mặt khác phải kể tới một câu chuyện vô cùng ấn tượng, được phổ biến rộng rãi vì nội dung bình dân, đơn giản. Đó chính là câu chuyện “Cô Ba Cháo Gà”.
- Tam Tiểu Thư: Câu chuyện đó ra sao ông? Tôi chưa nghe kể lần nào.
- Ông Tổng Quản: Có thể nhiều quý vị chưa biết, chúng tôi xin phép tóm lược câu chuyện: Cô Ba cháo gà tất nhiên là làm nghề bán cháo gà. Cũng như mọi ngày, cô mua gà sống về để hôm sau làm thịt bán cháo gà. Tối cô nằm ngủ, có một con gà trống đến nói với cô “sao mày lại giết tao”. Cô Ba hỏi lại “ông là ai mà bảo tôi giết ông?”, con gà trả lời: “tao là ông nội mày, là con gà trống đó”. Kể từ đây, cô ba có nhiều dịp đi tham quan địa ngục, nhiều nơi nhiều lúc … Từ nội dung cho đến văn chương của câu chuyện hết sức là đơn giản bình dân cho nên dễ đi vào hồn người. Không biết có phải tại lý do này không, mà có nhiều trường phái Xuất Hồn, xuất hiện tại miền Nam Việt Nam vào lúc bấy giờ.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi! Thần Chết có nhiều vũ khí sinh học hủy diệt hàng loạt: Bệnh tả, dịch hạch, bệnh than, lao, sốt rét, Zona … đều bị Iron Dome của con người đánh chặn thành công. Nền y khoa tiến bộ hiện nay đã giúp kéo dài tuổi thọ con người. Tuy vậy, cuối cùng thì ai cũng phải chết. Khốn khổ nhất là mình chẳng biết sẽ chết vào lúc nào và chết thì sẽ đi về đâu. Tôi nghĩ nếu bây giờ mình có cách nào làm cho hồn lìa khỏi xác một cách chủ động theo ý muốn của mình, biết điều gì đang chờ mình sau khi chết, trước khi Thần Chết gởi fax hoặc email thì hay quá ông nhỉ! Đây đúng là "Trận Chiến cuối cùng Armageddon giữa Con Người và Thần Chết".
- Ông Tổng Quản: Đây là một cuộc chiến âm thầm, khốc liệt và đầy kịch tính. Lịch sử cho biết, dường như đã có người sử dụng kỹ thuật, kế sách gọi là “Kim Thiền Thoát Xác”. Nói một cách nôm na, đó là phương thức Xuất Hồn trước khi Thần Chết kịp đến. Về nguyên tắc, đây là một kỹ thuật logic, một chiến thuật rất đáng quan tâm. Tuy vậy thì chuyện này cũng giống như tất cả các bộ môn khoa học khác, về cơ bản thì cách thức là có, nhưng liệu con người có đủ trình độ kỹ thuật để thực hiện ý đồ của mình hay không?
Mặt khác, lý thuyết này cũng gặp rất nhiều bất cập, hạn chế. Người ta đã giả thuyết là ngay từ thuở Sakya Muni còn tại thế thì đã có thuyết Duy Vật (Materialisme). Ai cũng biết theo chủ thuyết này thì “Óc tiết ra Linh Hồn” giống như mũi tiết ra nước mũi. Toàn bộ chỉ là vật chất. Vật chất ở đây được hiểu theo nghĩa thô thiển nhất. Với quan niệm này thì sẽ bị khái niệm Entropy chi phối một cách triệt để. Nói cách khác là sự hỗn loạn sẽ đồng biến với thời gian, lão suy, gốc tự do … và tiến trình này không thể đảo ngược. Con người mỗi ngày sẽ già đi và đến gần cái chết hơn. Nếu chấp nhận chủ thuyết này, thì con người bó tay, đầu hàng Thần Chết vô điều kiện. Thật vậy, tiên đề của chủ thuyết này là một trận thua trông thấy rõ ràng. Chẳng có trận Armageddon nào cả. Chẳng thể nào chiến đấu với Thần Chết được vì toàn bộ con người chỉ là vật chất. Chết là Chết. Có thế thôi!
Nhiều người cho là Trường Phái Phật Giáo không phải là một Tôn Giáo. Cụ thể là nó không có tín điều như mọi Tôn Giáo bình thường mà chúng ta thường gặp. Thực tế mà nói, ít nhiều nó mang màu sắc Duy Vật và Vô Thần. Thật vậy, với Chủ Thuyết Vô Ngã (Anatmavada) thì tình hình về việc Xuất Hồn chẳng có gì là hứa hẹn cả. Ở đây chúng ta không có ý định tạo thêm những cuộc tranh cãi (vì chuyện này đã có thừa rồi) về học thuật, mà chỉ có ý định trình bày về thuyết Vô Ngã là ngược lại với thuyết Hữu Ngã (Pudgala). Người ta thường cho là Ngài Sakya Muni chính là bậc Thầy của thuyết Vô Ngã.
Với thuyết Vô Ngã này, trên thực tế đã tạo ra hệ quả khó khăn trong việc tu Thiền Định. Vì nếu không có Ngã, thì ai tu Thiền Định? Sau nhiều lý giải trong kinh sách thì dường như vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. Kỹ thuật Xuất Hồn sẽ là một việc không thể nào thực hiện được nếu Vô Ngã. Nói một cách đơn giản và thực tế, thì tôi thậm chí còn không có một cái Tôi nào, thì lấy cái gì để xuất ra khỏi cơ thể vật chất, lấy cái gì tách ra khỏi cơ thể vật lý? Việc tu Thiền Định cũng khó khăn không kém. Tại sao vậy? Vì muốn quan sát các Tâm cấu tạo nên các lớp Thiền Định để mình biết được mình ở lớp Thiền Định nào thì không có sở hữu chủ! Ai sẽ là người quan sát? Còn rất nhiều hệ quả, khác từ thuyết Vô Ngã mà thiết nghĩ ai cũng cảm thấy lúng túng.
- Tam Tiểu Thư: Càng ngày tôi càng thấy ông đích thị là tu theo “Ngoại Đạo”. Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là Tam Pháp Ấn của Phật Giáo, mà sao ông nói thế? Ông làm sao giỏi hơn Sakya Muni được mà dám nói Sakya Muni là “sai” chứ?
- Ông Tổng Quản: Phải chăng đây là một hệ quả của mô hình Tư Duy Vô Ngã giáo điều của Trường Phái Phật giáo? Nếu có ai nghĩ cái gì khác với mình thì lập tức gán ngay cho một nhãn hiệu Ngoại Đạo! Ai cũng biết một điều là cái gì mình không biết không đồng nghĩa với việc không có.
Tuy nhiên, tưởng người ta cũng nên quan tâm tới một cách lý giải khác về khái niệm Vô Ngã. Ðầu tiên, phải nói ngay Vô Ngã không có nghĩa là Duy Vật, mà chỉ ám chỉ cách cấu tạo và tính chất của các Thực Thể ở các Cảnh Giới khác nhau. Các Thực Thể cùng chung một Cảnh Giới có tính chất cơ bản là “Vạn Vật Đồng Nhất Thể”. Thí dụ ở thế giới loài người, vật chất là vô tri hay hữu tri, nguồn gốc đều do cấu tạo từ khoảng 117 nguyên tố hóa học. Do đó, dù là cái cây, con Mèo, cái bàn … không thể có một cái Tôi riêng biệt, thường trực, vĩnh hằng. Vì tất cả đều có một mẫu số chung là các nguyên tố hóa học. Các thực thể này bị quy luật Entropy chi phối một cách triệt để. Do đó, nó luôn luôn biến đổi. Tài liệu “Thắng Pháp Tập Yếu Luận”, có đề cập đến Luồng Tâm Thức liên tục trôi chảy, từ đời sống này qua đời sống khác. Hình như nó chính là Sở Hữu Chủ của các loại Nghiệp Lực tích cực cũng như tiêu cực.
Ngoài ra tất nhiên còn có thể có nhiều cách giải thích khác nữa.
Vào thời bấy giờ có hai chủ thuyết thịnh hành là thuyết Duy Vật và thuyết Duy Tâm. Có học giả cho là Sakya Muni chọn con đường Trung Đạo, không nghiêng về một chủ thuyết nào. Do đó, nếu đồng hóa chủ thuyết Vô Ngã với thuyết Duy Vật thì e là không tương thích. Điều này mâu thuẫn kịch liệt với lý thuyết Trung Đạo của Sakya Muni.
- Tam Tiểu Thư: Cuộc Chiến với Thần Chết thực sự là một trận chiến không khoan nhượng. Ông Tổng Quản à! Tôi nghĩ tốt nhất là ta nên ứng dụng chiến lược quân sự của loài người cho nó thực tế đi. Tôi còn nhớ trong trong tài liệu “De la Guerre” của tướng CLAUSEWITZ có một câu nói để đời: “Muốn hòa bình phải lo chiến tranh”. Có lẽ đối với Thần Chết cũng không ngoại lệ. “Hạ thủ vi cường”, “đánh phủ đầu”, “Tẩu đào vi thượng sách” coi bộ hơi bị “trí tuệ” nha ông. Chúng ta tự biến đi trước khi Thần Chết kịp đến là thượng sách của … thượng sách! Bất kể tôi là cái gì: Hồn - Vong linh - Luồng tâm thức - Chân tâm - Phật tánh - Chân như … hoặc bất cứ cái gì khác cũng chẳng thành vấn đề. Tôi cũng như quý vị độc giả đều mong muốn là khi chết sẽ đến được nơi có hạnh phúc, có đời sống tốt. Đó là vùng đất hứa, Tịnh Thổ (nói theo kiểu Trung Quốc của Tuệ Viễn) hay vườn Địa Đàng đều tốt cả. Nếu chỉ ngồi lý luận Vô Ngã Hữu Ngã, rồi vẫn làm bạn với Thần Chết, thì tôi e là có quá nhiều bất trắc, lành ít dữ nhiều. Ngày nào đó Thần Chết lại nhiệt tình vui tánh, dẫn mình đi chơi rồi đưa ngay đến Địa Ngục để làm thủ tục nhập cảnh … thì đúng là chết dở!
Người ta hay nói khi mình chết thì cũng tương tự như mình nằm mơ. Khi nằm mơ, ai cũng từng thấy mình đi lang thang vô định, bay bổng khi cao khi thấp, chẳng biết đi về đâu. Thậm chí còn gặp ác mộng rất đáng sợ. Tôi e ngại là khi chết, nếu những hiện tượng tương tự như nằm mơ có thể xảy ra thì kinh khủng quá. Tôi hy vọng những điều nằm mơ chỉ là ảo. Nó không có thật.
- Ông Tổng Quản: Cuốn Tạp Thư có đề cập tới 2 vấn đề mà Cô vừa nói ở trên:
* Liệu con người có một khả năng kỹ thuật nào đó, để đi ra khỏi thân xác vật lý, trước khi thân xác vật lý bị hư hỏng hoàn toàn hay không?
* Quan niệm phổ thông về cái mà người ta thường gọi là “Ảo”.
Ðiều cô đưa ra giả thuyết về một cái chết tự nhiên ít nhiều giống như người nằm mơ, không ai dám nói là không có khả năng xảy ra! Đúng như Cô nói, cái chết bình thường có thể diễn ra theo mô hình một cơn ác mộng. Căn cứ vào kinh nghiệm của những người Cận Tử (nếu chúng ta tin là có thật) thì không nghe tả lại người chết rơi vào tình huống quá xấu. Nhưng sau thời gian Cận Tử thì việc gì sẽ xảy ra? Có lẽ không ai là không biết đến tác phẩm nổi tiếng Tử Thư của Tây Tạng đã đưa ra lộ trình người ta phải trải qua sau khi chết. Thế nhưng nếu so sánh với những tài liệu Cận Tử ngày hôm nay thì có một sự chênh lệch, khác biệt quá xa. Ðịa ngục của các tôn giáo nói chung dường như không có chỗ đứng trong các tài liệu cận tử.
Người ta chỉ có thể nói thế này: Nếu chết mà không có một sự chuẩn bị nào cả, thì người chết sẽ rơi vào tình trạng lúng túng thiếu kinh nghiệm. Ngược lại, nếu có sự tập luyện tinh thần như dạng Thiền Định chẳng hạn, tùy theo chất lượng của từng cá nhân. Nếu tu Thiền Định thành công thì Sống và Chết là như nhau. Nó gần như không có sự thay đổi. Có thay đổi là thay đổi cách sinh hoạt mà thôi.
Rất có thể vì lý do nêu trên và để ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra, ngăn ngừa việc mất kiểm soát về tình hình bản thân vào lúc chết, nên ngài Sakya Muni đã sử dụng một kỹ thuật gọi là Thiền Định. Đây là một kỹ thuật được Ngài sử dụng rất thuần thục, quen thuộc, làm chủ được các tiến trình. Với kỹ thuật này Sakya Muni đã bỏ lại cơ thể vật lý và đi ra khỏi cuộc sống thế gian. Sau này có những tài liệu cho là Sakya Muni đã chuyển đổi qua lại nhiều lớp Thiền Định trước khi nhập Niết Bàn. Điều này có lẽ chỉ là những dự đoán của những tác giả sau này. Ai cũng biết Ấn Ðộ là một xứ sở không được ghi lại lịch sử, không có chữ viết trong nhiều trăm năm, một xã hội phân hóa với 4000 đẳng cấp, với vô số Thổ Ngữ. Với hiện trạng này có thông tin nào đáng để người ta tin cậy?
Việc Xuất Hồn là một thao tác được rất nhiều tác giả, từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây đề cập tới. Như đã nói ở phần trên, Việt Nam cũng có rất nhiều trường phái Xuất Hồn. Một vị ở trường phái Khất Sĩ có kể lại việc Xuất Hồn của mình với nội dung như sau: Khi Xuất Hồn thì bay trên thành phố Sài Gòn và nhìn thấy đường xá và các chi tiết thành phố Sài Gòn. Trường phái bây giờ gọi là Năng Lượng Sinh Học.
Cách đây khoảng 100 năm, ở bên Pháp có dạy 3 giai đoạn để Xuất Hồn. Để chứng minh là có Xuất Hồn, họ cho biết là có thể để lại vân tay trên bột gạo ở một địa điểm nào đó. Tài liệu của một vị tự xưng là Lạt Ma Tây Tạng cũng đề cập tới cách tập Xuất Hồn gọi là (Astral travel). Theo vị này người ta xuất một cái hồn giống như con người của mình. Cái hồn này được nối với cơ thể vật chất bằng những sợi ngân tuyến (Silver cord). Cái hồn có khả năng đi càng ngày càng xa. Rồi cũng như vị Khất Sĩ nào đó mô tả là bay ở trên không giống như đi máy bay.
Cái đáng quan tâm nhất là việc mô tả về cao độ (Altitude). Theo mô tả về cảnh trí dưới đất mà người xuất hồn nhìn thấy, thì dường như cái Hồn không bay cao lắm, có lẽ chỉ vài chục thước hay vài trăm thước.
Từ đây suy ra rằng, Hồn cũng phải có cơ quan thị giác cấu tạo tương tự như cơ thể vật lý, không bị cận thị, viễn thị, loạn thị … Nói chung là không có bệnh tật về mắt thì mới có thể thấy rõ như vậy. Những người nói trên đều sử dụng kỹ thuật Thiền Định hay ít hay nhiều giống kỹ thuật Thiền Định để Xuất Hồn.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản à! Nếu như vậy thì cấu tạo của cái Hồn này có giống như cấu tạo của cái Xác không ông? Tôi nghĩ có lẽ nó phải khác nên người ta mới phân biệt được cái này là Hồn, cái kia là Xác, đúng không ông? Nếu khác, thì cụ thể nó khác nhau như thế nào?
- Ông Tổng Quản: Cấu tạo của cơ thể Hồn này về mặt vật chất, không thể nào giống y như cơ thể vật lý. Cụ thể là, nếu chúng ta quy ước với nhau cơ thể vật lý có 28 yếu tố, thì cơ thể Hồn về mặt vật chất, chỉ có trên dưới 20 yếu tố (căn cứ vào tài liệu Thắng Pháp Tập Yếu Luận). Do đó, nếu ai có một chút kiến thức chuyên ngành, kèm với kinh nghiệm về Thiền Định, thì cảm thấy vô cùng hoang mang, vì nó mâu thuẫn từ tiên đề. Thực tế cho biết, nếu hiểu như thế này, có nghĩa là cái Hồn, cũng có một cấu tạo vật chất giống như thân Xác vật lý, thì chúng ta không bao giờ tập được việc Xuất Hồn.
- Tam Tiểu Thư: Càng nghe ông nói tôi càng rối. Ban đầu thì ông nói có nhiều người Xuất Hồn ra được. Sau đó thì ông nói theo tài liệu “Thắng Pháp Tập Yếu Luận” thì Hồn có cấu tạo vật chất gồm khoảng 20 yếu tố (ít hơn thể xác 8 yếu tố). Rõ ràng cấu tạo của Hồn cũng là vật chất giống cái Xác. Cuối cùng thì kết luận rằng nếu cái Hồn có cấu tạo vật chất giống như cái thân Xác, thì không thể xảy ra Xuất Hồn được. Nghe ông giải thích thế, thì tôi cho là thực sự chuyện Xuất Hồn chỉ là hoang tưởng ảo giác thôi ông à!
- Ông Tổng Quản: Người ta quan ngại rằng, việc mở khóa tập huấn cho người muốn tập kỹ thuật Xuất Hồn đã được viết, được dạy bởi những người có lẽ chỉ Xuất Hồn bằng lý thuyết; nghĩa là bản thân họ chẳng Xuất Hồn được. Do đó, mới đưa ra những hướng dẫn hình như không phù hợp với thực tế.
Còn tiếp ...
Tác giả: CTR
Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!
0 comments:
Đăng nhận xét