Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 36

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 36: Trận Chiến Cuối Cùng Armageddon
             giữa Con Người và Thần Chết (Phần 3)

             Tự đào luyện kỹ năng Xuất Hồn (sic)
             tiền đề cho việc bỏ xác mai sau


- Tam Tiểu Thư: Qua nhiều buổi nói chuyện với ông, tôi vỡ lẽ ra một điều, Xuất Hồn không phải là phép tắc đáng sợ của các Pháp Sư, không là trò chơi vô bổ, không phải sản phẩm của chứng hoang tưởng hoặc nhằm khêu gợi tâm lý tò mò và hiếu kỳ của con người. Xuất Hồn thật sự là tiên đề, là kinh nghiệm thực tế bản thân chuẩn bị cho việc bỏ xác mai sau trong trạng thái sáng suốt an toàn khi mình đã hết vòng đời. Việc tập luyện có vẻ cũng chẳng đòi hỏi những phương tiện cầu kỳ phức tạp, đắt tiền, đúng không ông? Tôi hy vọng nó nằm trong tầm tay của hầu hết mọi người, nhưng vấn đề là mình có cơ may biết được tới nó hay không thôi. Tiếp theo đó là mình cần có đủ kiến thức và kiên nhẫn để biến thành hiện thực.

Tôi còn một thắc mắc khác nữa (mà tôi nghĩ quí độc giả cũng vậy), là không biết việc
Xuất Hồn có phải là một hiện tượng có thật hay không? Thật sự tôi có thấy ai Xuất Hồn được bao giờ đâu? Theo ông thì có một lý thuyết nào để phỏng đoán việc Xuất Hồn là một khả năng có thể xảy ra trên thực tế, và phù hợp với logic của thế giới tự nhiên không? Ít ra thì ông cũng phải nói là căn cứ vào đâu mà ông cho là người ta có khả năng Xuất Hồn chứ? Ông nói mơ mơ hồ hồ thì tôi không tập theo ông đâu; vì nếu tập mãi mà không Xuất Hồn được thì ai chịu trách nhiệm “bồi thường thiệt hại” cho tôi chứ?

Ông Tổng Quản à, nếu mình cứ bàn luận mãi về đề tài Thần Chết, Xuất Hồn … mà chẳng ai làm được, thì e là blog này sẽ ế khách và phá sản. Độc giả sẽ nghĩ CTR là tái sinh của tác giả bản nhạc GLOOMY SUNDAY vào thế kỷ 21.

- Ông Tổng Quản: Cô cũng có lý đó, nhưng tôi lại cho là đến tận hôm nay, quí độc giả còn theo dõi những bài viết này là những vị có tinh thần nghiêm túc, quan trọng hơn nữa là có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân của mình.

Ai cũng biết chết là có thật. Nó không thể tránh được và cũng không thể đảo ngược được. Những người thuộc trường phái hiện sinh đã phản ứng và cho cái chết là phi lý (la mort est absurde). Cái chết đối với Phân Tâm Học của trường phái Freud thì được trình bày với khái niệm Nhị Nguyên (conception dualiste). Đó là hai bản năng: bản năng tình dục và bản năng chết (instinct de mort) cùng tan biến vào nhau, trộn lẫn, kết hợp với nhau. Hai bản năng này là nền móng tiềm ẩn của tâm lý con người. Nếu chúng ta công nhận giả thuyết này, thì sẽ đưa đến một hệ quả là công nhận sự hiện hữu của các chất liệu sống (substance vivante) có khuynh hướng bảo thủ, thụt lùi; nghĩa là sẽ đi dần về cái chết. Người ta có thể nói rằng mục đích của tất cả các sự sống là cái chết. Cuối cùng có thể phát biểu một định đề: “Tất cả chất liệu được mang sự sống, có khuynh hướng trở lại trạng thái vô cơ ban đầu”. Tư tưởng này dường như tương thích với phát biểu của Thánh Kinh Cơ Đốc Giáo. Tuy nhiên, khái niệm này đặt chúng ta ở một trạng thái lưỡng nan (dilemme); vì nếu phát biểu trên là đúng thì chúng ta không giải thích được sự sanh sản của tế bào vì đó là bằng chứng về sự bất tử của các chủng loại. Chúng ta cũng không giải thích được bản năng tình dục.

Nhờ phương tiện truyền thông đại chúng phổ cập, người ta tiếp cận được với nhiều đề tài với nguồn thông tin đa dạng: Cận tử, ma, báo mộng ... Người tu Thiền Định ở bất cứ trường phái nào, cũng gặp những Vong Linh của những người đã chết. Người chết này có thể là thân quen hoặc xa lạ. Họ thường nhờ vả chuyển tải những thông tin cần thiết đến thân nhân, những tồn tại mà họ cần được giải quyết.

- Tam Tiểu Thư: À! Chuyện đó tôi cũng thường nghe người ta kể. Những nhà làm phim, nhà văn ... cũng hay viết truyện kinh dị đề cập đến các hồn ma về báo mộng này kia. Cá nhân tôi thì nghĩ những chuyện này 100% là tưởng tượng hư cấu. Hôm nay ông nói người tu Thiền Định hay gặp Vong Linh. Vậy tôi hỏi ông là tại sao người bình thường như tôi thì chả bao giờ gặp, mà người tu Thiền thì lại gặp được?

- Ông Tổng Quản: Việc này có thể lý giải khá đơn giản. Người tu Thiền Định giống như người có cell phone mà thân nhân của họ không có. Kỹ thuật Thiền Định chính là cái cell phone này. Ai cũng biết, các Vong Linh thường hiện về báo mộng cho thân nhân của mình trong lúc nửa tỉnh nửa mê. Do đó ngủ có thể được coi là một trạng thái Thiền thụ động. Ghost lab của kênh truyền hình Discovery tốn bao nhiêu công của, thời gian, nhân lực cũng chẳng có bằng chứng cụ thể nào đủ để thuyết phục sự hiện hữu của Ma. Có lẽ vật chất của thế giới Ma không tương thích với máy móc của thế giới con người. Tài liệu Tôn Giáo cho biết cái mà chúng ta gọi là nước, thì đối với thế giới khác là máu. Con người ăn cơm trên bàn, thì thế giới khác ăn thực phẩm vung vãi dưới đất. Cấu tạo Sắc (rupa) hay vật chất của Ma dường như khác hẳn con người. Khác cả về tổ chức Sắc. Hình như họ không bị lực tương tác hấp dẫn tác động. Kinh nghiệm dân gian cho biết họ (Ma) lướt đi trên mặt đất. Thế nhưng về cấu tạo Tâm, thì lại mang tính chất nhân bản. Ma Á Châu hay nhát người, điều này chứng tỏ một điều là Ma có cấu tạo tâm gần gũi với con người. Không chỉ thế, điều này còn cho thấy Ma chắc chắn phải có một dạng tế bào thần kinh gương, vì Ma dự đoán được là con người sẽ sợ khi bị nhát.

Nếu chúng ta coi Vi Diệu Pháp như một chủ thuyết, thì có lẽ đây là chủ thuyết duy nhất ngày hôm nay nhân loại có được, khả dĩ có thể giải thích các hiện tượng mà người ta gọi là: Vong Linh, Ma, người quá cố …

Xin phép được nhắc lại một lần nữa, có một tác giả của một tài liệu Cận Tử, được khắp thế giới biết đến nói rằng nếu chết là hết thì chẳng có gì đáng để nói cả, nhưng nếu ngược lại thì chúng ta sẽ thiệt thòi, vì chúng ta chẳng có sự chuẩn bị nào cả cho chính mình. Ai cũng biết đi chơi xa, lâu ngày, nếu chẳng có sự chuẩn bị nào cả, thì cuộc đi chơi đầy hứng thú sẽ biến thành thảm họa!

Sinh vật từ đơn bào (unicellular) đến đa bào (multicellular), nói theo kiểu Tôn Giáo thì có sanh ắt có diệt. Cát bụi tất nhiên phải trở về với cát bụi. Chính yếu tố “Đất” đã cho nó một hình thể (form) chỉ có tính chất tình thế tạm thời. Tôn Giáo khác thì có câu nói lừng danh: “cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar, cái gì của Thượng Đế trả lại cho Thượng Đế”. Trong tác phẩm “Nước Chúa”, một vị Thánh đã phát biểu rõ hơn nữa: “Đất nước tôi không phải ở thế gian này, mà thật ra là cuộc sống vĩnh hằng ở bên kia thế giới”.

Không ai muốn mình là người ngớ ngẩn. Do đó “thức thời chính là tuấn kiệt”; chúng ta nên chọn cho mình một cái chết khôn ngoan và có lợi nhất nếu có thể.

Bỏ qua những cái chết đột ngột, không bình thường. Chúng ta hãy hình dung một cái chết điển hình. Khi đường biểu diễn của các máy móc đo điện tim chỉ còn là đường thẳng song song với trục hoành, thì các bác sĩ không còn việc gì để làm nữa. Tất cả mọi thứ đối với chúng ta sẽ trở thành quá khứ. Giờ này chỉ còn mình ta đứng dưới mưa, người bạn không hẹn đã đến. Cơ đồ to lớn như Saddam, Gadaffi … lúc chết cũng chỉ có một mình! Chúng ta chỉ còn lại người bạn là nỗi cô đơn, lẻ loi, kinh hoàng, bối rối. Muốn trở lại thân xác vật lý, thì không thể thực hiện được, vì nó đã hư hỏng. Chúng ta chẳng có sự lựa chọn nào khác là đành “nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu”! Cá nhân chúng ta, ngay cả đối với thân nhân thân thiết nhất, cũng sẽ chìm dần vào quên lãng. Tất cả chỉ còn là một kỷ niệm mơ hồ của quá khứ. Dù đó là Osama hay Obama … cũng đều bình đẳng trước Thần Chết, cũng như trước Thượng Đế.

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản à! Ông nói như là ông đã từng trải qua cái chết rồi vậy. Ông diễn tả phút giây từ giã cõi đời rất sống động và có vẻ rất thật nữa. Nhưng trên thực tế thì tôi nghĩ là kể cả ông và tôi đã chết hay Cận Tử bao giờ đâu mà biết lúc chết ra sao. Chẳng qua chỉ là mình đoán mò. Theo tôi thì mình không nên tự dọa mình để làm cho mình sợ. Ông có thái độ tích cực một chút đi. Tốt nhất là ông xem trong cuốn tạp thư có đưa ra kỹ thuật Xuất Hồn nào thực tế, cụ thể, đại chúng, rẻ tiền để con người có cơ hội đào thoát ra khỏi vương quốc của Thần Chết, tự mình dành lấy tự do.

- Ông Tổng Quản: Chắc chắn chúng ta không tìm được định nghĩa từ ngữ
Xuất Hồn là cái gì trong tự điển của bất cứ ngôn ngữ nào. Cuốn Tạp Thư lại đưa ra giả thuyết về từ ngữ Xuất Hồn như sau: Xuất Hồn: là cái Hồn và cái Tôi cùng ra đi một lúc, đến đâu đó, bỏ lại thân xác vật lý. Định nghĩa này có lẽ có một không hai, nhưng nó giúp chúng ta một cách tích cực trong thao tác Xuất Hồn.

Thật ra ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về việc Xuất Hồn cũng như về cái chết; chỉ tại chúng ta không biết mà thôi. Chúng ta cũng chẳng tìm ra ai có kinh nghiệm để chỉ bảo về vấn đề này. Cuốn Tạp Thư có liệt kê một số hiệu ứng, tuy bề ngoài khác nhau, nhưng bản chất có thể nói là một.

A. Có lẽ hầu hết mọi người bình thường có giới tính rõ ràng thì vào một giai đoạn nào đó trong đời của mình, đã hoặc sẽ yêu ai đó với cường độ cao. Khi đường biểu diễn tình cảm ở giai đoạn đỉnh điểm, sẽ có một lúc nào đó, khi họ đang ở đâu đó, làm gì đó, nhưng thật sự họ mất hết ý thức về không gian thời gian hiện tại. Họ đang ở cạnh người mình yêu … Thế rồi, khi có ai đó gọi họ, họ giật mình như ở đâu mới về, sau đó từ từ ý thức lại hiện trạng thực tế. Theo quan điểm của Cuốn Tạp Thư, thì đây là một trường hợp Xuất Hồn ngẫu nhiên, Xuất Hồn hoàn hảo. Tại sao gọi là hoàn hảo? Gọi là hoàn hảo bởi lẽ, cái Tôi và Hồn cùng ra đi một lúc, cùng đến một nơi. Cơ thể vật lý hoàn toàn bị tách ra khỏi Hồn và cái Tôi. Thật vậy, ở trong trường hợp này, Hồn và cái Tôi đã có một sự kết hợp chặt chẽ, như là tan biến vào nhau, lệ thuộc vào nhau, tạo thành một thực thể nhất quán. Người có ý định tập Xuất Hồn, rất nên chú ý tới mô hình chuẩn, mà chính bản thân họ đã từng trải nghiệm.

B. Ai nằm ngủ cũng phải mơ, thậm chí đến thú vật cũng nằm mơ thì phải (bỏ qua khía cạnh giấc mơ được nhìn theo chiều hướng Phân Tâm Học). Ai cũng có những giấc mơ dài, rõ ràng như thật, nhiều tình tiết, diễn tiến phức tạp. Việc đó xảy ra ở một địa điểm cách xa cái giường chúng ta đang ngủ. Hồn và cái Tôi đã phản ứng một cách rất tự nhiên, độc lập một mình, không cần sự can thiệp của thân xác vật lý. Thật vậy, thân xác vật lý đang nằm ngủ, bất động trên cái giường, chẳng giúp gì được cho Hồn và cái Tôi. Chắc chắn ai cũng có thể nhớ, trong những giấc mơ mà mình từng trải qua, mình cần sự can thiệp của các cử động thuộc thân xác vật lý vì trong giấc mơ có thể xảy ra xô xát, chạy nhảy … Do không có thân xác vật lý, nên Hồn và cái Tôi rất l
úng túng, không thực hiện ý định của mình được. Điều này nếu quý vị nhớ lại thì sẽ thấy tính chất đặc trưng của Xuất Hồn, là Hồn và cái Tôi tan biến vào nhau tạo thành một Thực Thể nhất quán, hoàn toàn vắng bóng cơ thể vật lý. Đây cũng là một trường hợp Xuất Hồn mà ngẫu nhiên con người thực hiện được, nhưng không hiểu rõ tiến trình này là cái gì.

Theo huyền sử của trường phái Phật Giáo, thì như quý vị đã biết, khi cơ thể vật lý của Ngài Sakya Muni bị hư hỏng do độc tố của nấm, Ngài đã sử dụng kỹ thuật Thiền Định để bỏ lại cái xác vật lý. Kỹ thuật Thiền Định rất phổ biến lúc bấy giờ, người ta gọi là hậu Upanisad. Raja Yoga là một trong 6 trường phái lúc bấy giờ. Theo tài liệu của trường phái này thì họ rất chú trọng đến kỹ thuật Samyama. Kỹ thuật này gồm 3 giai đoạn: Dharana, Dhyana, Samadhi … Với kỹ thuật này người ta có thể ứng dụng vào rất nhiều công việc. Trong chương Thần Lực, dường như người ta cũng sử dụng kỹ thuật này để Xuất Hồn.

Ngày nay, vào kỷ nguyên chúng ta đang sống, lại có những hiện tượng trái ngược với thời kỳ hậu Upanisad. Một trường phái với hàng tỷ tín đồ trên thế giới, có một tài liệu chuyên ngành gọi là Thần Học, được biên soạn công phu để dùng làm giáo trình để giảng dạy cho những vị sau này sẽ là cán bộ khung của trường phái nói trên. Thiền Định đã được du nhập chính thức vào trường phái này qua tài liệu nói trên. Nội dung cũng như hình thức văn chương nói lên tính chất vô cùng hàn lâm, kinh viện và uyên bác, tinh vi đến từng chi tiết. Nói tóm lại không thể chê vào đâu được! Tuy nhiên, dưới con mắt của một người tu Thiền Định chuyên nghiệp, thực chứng, thì sẽ nhận ra tác giả của tài liệu này chỉ làm công việc sưu tầm tài liệu, nhưng thực tế không có kinh nghiệm về Thiền Định. Giảng dạy những điều chính mình chưa từng trải qua là phước hay là họa?

Về mặt tài liệu, có rất nhiều nhà Yogi ở Ấn Độ đã kể về các vị Chân Sư. Có những vị Chân Sư sau khi nói lời chia tay với những người quen biết, họ Nhập Định bỏ lại thân xác thế gian một cách bình thản.

Ở Việt Nam cách đây một vài thập kỷ, các chuyên gia Liên Xô có đến khảo cứu về nhục thể của hai vị Sư ở miền Bắc. Thân xác hai vị
Thiền Sư này lúc đó vẫn tồn tại và ở trong tư thế Thiền Định, dù phương tiện bảo quản thô sơ thủ công. Các chuyên gia Liên Xô có viết một bài báo với nhan đề: “Nụ cười an lạc”.

Nói tóm lại, dường như kỹ thuật Thiền Định thực sự là một công cụ hữu hiệu. Nếu biết sử dụng công cụ này, con người có thể bỏ lại thân xác thế gian và ra đi một cách bình thản, an lạc.

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản à, tôi có một thắc mắc. Ngày hôm nay trên thực tế, tôi thấy những vị nổi danh là đạo cao đức trọng, chẳng có ai sử dụng kỹ thuật Nhập Định để bỏ lại thân xác thế gian. Tôi có một chị bạn làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn, kể cho tôi nghe chuyện này. Có một vị là đứng đầu ở một trường phái lớn ở Việt Nam, rất nổi danh, phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim (Angine De Poitrine). Phút giây đối diện với bệnh tật, dường như ông quá sợ chết. Nỗi sợ này còn lớn hơn cả một người bình thường. Các bác sĩ chăm sóc nói đùa với nhau, chắc vị đó tiếc chiếc áo long bào (ám chỉ thân xác vật chất).

Câu chuyện này làm cho tôi hết sức hoang mang, mà phải nói đúng hơn làm cho cô bạn bác sĩ và tôi thất vọng. Những vị đạo cao như núi Thái Sơn, phước như Đông Hải mà còn như vậy, thì huống chi là mình, một Tam Tiểu Thư tầm thường, vô danh tiểu tốt … Với kinh nghiệm của một người làm nghề bảo tiêu, cuộc sống được thử thách trên đầu dao mũi kiếm, tôi có hai suy nghĩ, xin lỗi chẳng biết đúng hay sai, rất mong được quý độc giả hào phóng chỉ bảo.

* Một là, kỹ thuật Thiền Định chỉ là hữu danh vô thực, không thực sự có thực lực, chỉ là hư danh.

* Hai là, kỹ thuật Thiền Định là có thật, nhưng nói hơi duy tâm một tý, chẳng qua chỉ tại mình “phước mỏng, nghiệp dày“, nên gặp phải kỹ thuật Thiền Định thuộc về dạng hàng nhái, hàng dỏm … chưa có giấy kiểm định. Chẳng qua chỉ tại mình ham dễ, ham rẻ nên gặp phải loại Thiền Định … kém chất lượng.

- Ông Tổng Quản: Câu trả lời thật ra không phải là quá khó nếu chúng ta nhìn lại lịch sử phát triển của trường phái Phật Giáo tại Việt Nam. Nếu tôi không lầm thì nhóm CTR đã nhiều lần trình bày về vấn đề này nhằm phục vụ quý độc giả. Chúng ta có thể tóm lược ngắn gọn như sau: Hầu hết các cơ sở Tôn Giáo của trường phái Phật Giáo của Việt Nam ngày hôm nay, đều mang nặng màu sắc đặc thù của Trung Quốc. Các tài liệu của Trung Quốc có một lối trình bày rất Trung Quốc. Cái gì cũng nói hàng hai, mơ mơ, hồ hồ. Thí dụ “Sắc là Không, Không là Sắc”. Những đối thoại trong phim ảnh của Trung Quốc ngày hôm nay cũng chẳng khác xưa là bao. Chẳng hạn, một cô gái hỏi người yêu là “anh có yêu tôi không?” Câu trả lời: “yêu thì sao, không yêu thì sao?” Kiểu trả lời này có lẽ chỉ có ở người Trung Quốc. Tuệ Viễn là người Trung Quốc 100%. Ông chính là Kiến Trúc Sư, tác giả của trường phái Tịnh Độ quá phổ biến ở Việt Nam. Bốn cuốn kinh cơ bản của trường phái Tịnh Độ là do người Trung Quốc sáng tác. “Địa danh Tịnh Thổ”, dân gian Việt Nam gọi là cõi A Di đà là một tác phẩm thuần túy của Trung Quốc. Điều này có lẽ không còn gì để xét lại. Có một trường phái Thiền Định của Trung Quốc cũng rất phổ biến ở Việt Nam với phát biểu quá hấp dẫn: “Tiền niệm mê tức phàm, hậu niệm ngộ tức Phật” “Phút trước là con người bình thường, (nếu ngộ, là hiểu được sự thật) phút sau thành Phật”.

Tư tưởng này, cách tu Thiền Định này không thể tìm thấy trong những tài liệu khi Sakya Muni còn tại thế. Ai cũng biết bản thân của Sakya Muni, cũng phải học Thiền Định với các vị thầy lúc bất giờ. Ngài
Thiền Định dưới cây Bồ Đề, Thiền Định suốt cả đời mình trong mấy chục năm và … Thiền Định trước khi bỏ xác thế gian. Nếu so sánh với cách tập luyện của Sakya Muni, thì lối Thiền Định của người Trung Quốc được phổ biến ở Việt Nam, có thể mô tả là “Đại ngôn, lộng ngôn”!

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!




0 comments:

Đăng nhận xét