Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 31

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 31: Cách đơn giản nhất để mở  
             một số Con Mắt Thứ Ba

- Tam tiểu Thư: Ông Tổng Quản à, thời gian tập luyện mở con mắt thứ ba của tôi đã hơn 1 năm rồi. Cuộc chiến của tôi với con mắt thứ 3 có vẻ như bị sa lầy rồi thì phải. Nếu đúng như như lời ông nói, thì tôi còn phải học nhiều lắm: Vi Diệu Pháp, Tâm Lý Học, Phân Tâm Học, Sinh Học, Cơ Thể Học, Vật Lý … Đó là những bộ môn để tạo một nền móng vững chắc, giúp cho người tu Thiền Định tránh rơi vào tình trạng mê tín dị đoan, hoặc ngược lại là duy khoa học thực nghiệm. Cứ đà này chắc tôi phải học đến già đến chết vẫn chưa xong quá. Ông dẫn tôi vào một mê lộ dài hun hút và hình như không có đoạn kết. Nản quá đi!

Ông vốn là người thông thái nên ông thừa biết là lối học này làm sao có thể ở trong tầm tay của nhiều người được chứ? Tôi đề nghị ông xem lại Cuốn Tạp Thư, coi có thông tin nào về lối tập tắt hay không? Thời buổi @ này thì mọi thứ cần nhanh, nhiều, rẻ và hiệu quả!


- Ông Tổng quản (cười lớn): Để tôi trả lời ngay cho cô khỏi sốt ruột nhé: Cũng có cách đi tắt Tam Tiểu Thư à, nhưng chuyện này còn lệ thuộc ở từng cá thể. Ðể làm rõ vấn đề này, tôi xin đưa ra một thí dụ rất đời thường cho cô nghe nhé:

Con mắt thế gian thì tôi, cô và mọi người đều có, thế nhưng chúng ta lại có những cái thấy rất khác nhau về cùng một sự việc. Có lẽ ai cũng biết, tin thời sự mới nhất (Breaking News) trên thế giới, đã xảy ra vụ khủng bố tại Boston làm 3 người chết tại chỗ, hàng chục người khác bị thương. Với phương tiện ghi hình hiện đại ngày hôm nay (lại ở ngay một nước dư máy ghi hình), thì các hình ảnh đã được người ta đưa lên trang web, với đủ các góc cạnh và ai cũng có thể xem được. Tất nhiên với người bình thường thì ai cũng cho đây là một vụ khủng bố; một model rất thời trang của cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, thân mẫu của hai nghi can trong vụ khủng bố, lại phát biểu với phóng viên CNN là tấm thảm kịch trên, chỉ là một màn kịch và việc nổ bom là giả tạo (fake)
"giống như một màn kịch vĩ đại", "người ta dùng sơn để giả làm máu". Đáp lại thông tin từ mẹ của nghi phạm này, đã có tới 2824 cái nhìn khác tham gia bàn luận như: "Unbelievable", "I am in shock", " Tôi không thể hiểu được, lúc bà lĩnh tiền phúc lợi, số tiền này do công dân Mỹ đóng thuế, bà xin tị nạn chính trị (asylum), bà được công nhận là công dân Hoa Kỳ … ".

Theo văn chương thì con người nhìn sự việc qua lăng kính của tâm hồn:  


Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. 

Trầm trọng hơn nữa thì:

Khi đã ghét nhìn dơi hóa chuột,
Muốn lấy cuốc đào đất chôn luôn
,
Gặp nhau chi để chán chường
,
Ghét cay ghét đắng con đường đã đi
.


Tuy nhiên, lại có những cái nhìn làm đảo lộn lịch sử con người. Những cái nhìn này đã tạo ra những bước đột biến trong các lĩnh vực khoa học. Đối với người bình thường, khi nhìn thấy trái táo rơi thì chẳng nghĩ gì cả ngoài việc lượm lên để ăn, nhưng với Newton thì ông phát hiện ra tương tác đầu tiên của lịch sử vật lý: Đó chính là "Tương Tác Hấp Dẫn".

Chắc chắn chúng ta, ai cũng đã từng nhìn thấy bánh mì bị mốc, nhưng ta làm được những gì ngoài việc quăng nó vào thùng rác? Thế nhưng khi Bác sĩ Fleming khi nhìn thấy nấm mốc, ông đã phát minh ra kháng sinh Penicilline và được coi là người mở ra Kỷ Nguyên sử dụng Kháng Sinh trong Y Học.

Với hai nhà bác học này, mặc dù những gì nhìn thấy là hữu sắc, nhưng họ đã chuyển qua trạng thái tư tưởng, suy nghĩ về nó (hay còn gọi là vô sắc). Họ đã làm một công việc vĩ đại là thay đổi cả lịch sử của nhân loại (hơn cả một Giáo Chủ của một Tôn Giáo nào đó nếu xét ở góc cạnh thực dụng). Kháng Sinh từ lúc ra đời đến nay, đã cứu sống hàng trăm, hàng triệu, hàng tỷ nhân loại. Gần như sống trong đời, ai cũng bị nhiễm trùng vài lần. Nếu không có Trụ Sinh, chắc chắn chúng ta đã chết. Một đại đế của cổ Hy Lạp, đánh đông dẹp bắc, khét tiếng trên chiến trường, cũng đã chết vì nhiễm trùng răng, có lẽ do vi trùng yếm khí gây ra.

Chắc chắn là quý độc giả, cũng như người viết bài này cũng đã từng bị nhiễm trùng và đã từng sử dụng Kháng Sinh, nhưng chúng ta không hề nghĩ tới công lao của bác sĩ Fleming. Không thể bảo việc phát minh ra Penicilline là tình cờ được. Xét ở góc cạnh Con Mắt Thứ 3, thì bác sĩ Fleming lúc đầu sử dụng
Con Mắt Thế Gian Dục Giới, sau đó sử dụng Con Mắt Thứ 3 Vô Sắc Giới.

- Tam Tiểu Thư: Tôi đồng ý với ông là ngay cả khi chỉ sử dụng Con Mắt Thế Gian, chúng ta cũng đã nhìn sự việc rất khác nhau rồi. Việc xử lý các thông tin do
Con Mắt Thế Gian cung cấp lại càng rất khác biệt. Tôi nghĩ rằng cho dù có mở được Con Mắt Thứ 3 ở dạng nào đó, thì việc xử lý các thông tin do chúng mang lại, có lẽ cũng là một bài toán đố, thách thức trí tuệ con người. Tôi còn nhớ ông từng cho biết rằng, theo thông tin trong Cuốn Tạp Thư, thì có vô số Không Gian, vô số Cảnh Giới. Ngay cùng một Cảnh Giới, thì các Thực Thể cũng có cái thấy khác nhau do phong tục tập quán, do thói quen lề lối, do giáo dục, thậm chí phải kể đến cả việc bị tẩy não, do tôn giáo. Nói một cách vắn tắt là có quá nhiều yếu tố tham dự vào cái nhìn của một Thực Thể nào đó. Nhưng thôi, ông làm ơn chỉ tôi cách nào để mở Con Mắt Thứ 3 đơn giản nhất đi.

- Ông Tổng Quản: Cuốn Tạp Thư có đưa ra một cách tập luyện khá đơn giản. Tuy nhiên dù muốn đơn giản cách mấy, Cuốn Tạp Thư cũng cảnh giác chúng ta về việc không nên sử dụng chất say, không tìm cách sử dụng các Vong Linh để đưa đến các thông tin mà mình muốn biết. Vẫn theo thông tin của Cuốn Tạp Thư, nếu sử dụng Vong Linh để biết điều gì đó, thì không thể gọi là
Con Mắt Thứ 3 được .

Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả thân mến, nếu quý vị đã từng tập Thiền Định, thì nay hãy tập như mọi ngày bình thường. Hãy quan sát liên tục luồng tâm lý của chính mình. Nếu quý vị không có một kỹ thuật để làm cho luồng tâm lý đứng lại, thì quý vị sẽ thấy tâm lý chúng ta trôi chảy như một dòng nước không ngưng nghỉ, một cuộc viễn du không bờ bến. Chúng ta liên tục nghĩ từ việc này tới việc khác, có lúc dồn dập có lúc chậm chạp như các làn sóng nối tiếp nhau. Nếu cơ thể vật lý mỏi mệt, ta sẽ ngủ thiếp đi một lúc nào đó. Khi chợt tỉnh lại, các tư tưởng lại ập tới như các làn sóng nối tiếp nhau bất tận mãi mãi. Nguyên tắc là khi tập Thiền Định, Tâm phải được đưa về trạng thái vắng lặng, đứng yên. Thế nhưng chúng ta thường không làm được. Tâm chúng ta như một chiếc xe trôi xuống một con dốc mà không có thắng. Chúng ta biết là mình cần phải ngừng lại, nhưng không làm được. Việc này xảy ra với bất cứ một con người bình thường nào, kể cả những người đã tu Thiền Định vài chục năm; nhưng họ không dám nói sự thật cho mọi người biết. Tệ hại hơn nữa, chúng ta còn bị các nhu cầu của bản năng chi phối. Nó thúc dục, ép buộc chúng ta phải chú ý vào nhu cầu nó đang cần thỏa mãn: Đói, khát, lạnh, nóng, nhu cầu tình dục … Liệu con người có thể tìm ra một cái thắng?

"Chú tâm vào một vật duy nhất". Chính phát biểu ngắn ngủi này là cái thắng không thể thiếu được của người tu Thiền Định. "Vật duy nhất" ở đây có thể hiểu là một vật bất kỳ nào đó: Cái bàn, cái ghế, một sinh vật, một công việc làm ... Cần nhất cái gì đó phải cụ thể. Phát biểu này cho ta biết đó chính là cái thắng, cái neo làm cho tư tưởng con người có thể ngừng trôi chảy. Ðây là cách duy nhất. Ngoài ra không có một cách nào khác. Quý vị có thể tự quan sát chính mình trong lúc ngồi trên ghế một chiếc xe để đi du lịch, ở tại nhà, hoặc bất cứ ở đâu. Chúng ta hãy nhắm mắt lại tự quan sát chính mình để xem sự biến đổi không ngừng của các tư tưởng. Ðầu tiên hãy để cho nó tự nhiên phát triển. Sau đó khi có ý định muốn ngừng lại, quý vị sẽ thấy rằng nó không ngừng lại. Cách duy nhất để làm cho nó ngừng lại là chúng ta chú tâm vào một cái gì đó như vừa nói ở trên. Phải chú tâm vào một vật duy nhất mà thôi. Việc chú tâm phải mạnh mẽ, liên tục không ngưng nghỉ. Nếu bị đứt quãng, chúng ta lại bắt đầu lại từ đầu.

- Tam tiểu Thư: Lâu lắm tôi mới thấy ông nói cái gì đó có vẻ thực tế, nhưng xem ra cũng không phải là dễ hiểu. Ông phải nói cụ thể hơn may ra tôi mới hiểu!
- Ông Tổng Quản: Bây giờ thế này nha Tam tiểu Thư. Tôi giả thuyết quý độc giả là một sinh viên thi lên lớp. Tất nhiên ai cũng thắc mắc mình có đủ khả năng để lấy chứng chỉ hay không?

Xin giải thích thêm: Đây là đề tài, là đối tượng thuộc về dạng vấn đề cần muốn biết.

Bạn hãy làm như sau: Ngồi tập luyện như mọi ngày. Sau đó tập trung tư tưởng vào vấn đề là có đủ khả năng lấy chứng chỉ hay không. Lý thuyết là vậy, nhưng đề mục này là một việc quá trừu tượng; nên nó cần phải được cụ thể hóa. Bạn hãy cụ thể hóa bằng cách nhìn vào một tờ chứng chỉ do nhà trường cấp; và lấy tờ chứng chỉ này làm đối tượng để Quán Tưởng. Hãy cố hình dung tờ chứng chỉ này càng rõ càng tốt bằng thị giác, nhất là những chi tiết mình cần biết. Việc quán tưởng nhìn thấy này phải liên tục và có một cường độ cao. Sau một thời gian nào đó, bạn có thể rơi vào tình trạng mất đi ý thức bình thường. Đó có thể là trạng thái bị mê đi hoặc hôn trầm, chẳng đạt được kết quả gì cả do mệt mỏi về vật chất và tinh thần. 


Tuy nhiên, cũng có thể có hiệu quả tích cực. Bạn mất đi ý thức trong khoảng một thời gian có thể ngắn có thể dài. Điều này tùy thuộc vào từng cá nhân; rồi bỗng nhiên bạn thấy mình là một con người khác. Sự yên lặng, nhẹ nhàng hạnh phúc xâm chiếm tâm hồn mình. Một loại siêu ý thức xuất hiện. Những hình ảnh, tư tưởng lúc đầu xuất hiện có vẻ rời rạc, dường như vô nghĩa, ngớ ngẩn; Nhưng nếu giữ được tình trạng tinh thần này thì mọi việc sẽ cải thiện từ từ. Các hình ảnh xuất hiện dường như có một ý nghĩa nào đó, và những ý nghĩa càng ngày càng rõ rệt hơn. Nếu vẫn tiếp tục tập trung, liên tục, cao độ, thì bỗng nhiên có lúc, mình đột ngột hiểu ra một cái gì đó mà mình muốn biết.

Nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Rắc rối là khi xuất định thì lại quên mất không biết mình "Thấy Biết" cái gì. Cố nhớ mãi mà nhớ không ra, trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ không biết phải làm sao.

- Tam Tiểu Thư: Ông hay thiệt đó, nhưng tôi muốn hỏi ông là cụ thể việc nhìn thấy sự việc bằng Nhập Định nó như thế nào? Tôi đoán là mình sẽ thấy một Biểu Tượng hay một hình ảnh gì đó, nhưng làm cách nào để mình hiểu được những gì mình thấy? Ông từng nói là khi Nhập Định là mình đã thay đổi Cảnh Giới rồi; mà mỗi cảnh giới thì lại có một loại ngôn ngữ khác nhau.

- Ông Tổng Quản: Các loại thấy biết có thể chia ra làm 2 loại: Cái gì thuận lợi gọi là tích cực, cái gì không thuận lợi gọi là tiêu cực. Ðó là cách phân chia đơn giản nhất.

Muốn hiểu được ngôn ngữ của loại cảnh giới này đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều kinh nghiệm thông qua những va chạm thực tế. Thật vậy, khi đụng chạm vào thực tế khách quan, chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng việc thấy biết của chúng ta tương ứng với thực tế như thế nào. Các biểu tượng mà chúng ta thấy biết sẽ lần lần được giải mã, có một ý nghĩa nhất định. Lâu dần, chúng ta có thể giải thích khá chính xác điều chúng ta thấy. Kinh nghiệm thực tế càng nhiều thì việc giải thích của chúng ta càng chính xác.

Ðầu tiên chúng ta thấy trước một việc gì đó vài ngày, vài tháng hoặc vài năm. Sau đó chúng ta thấy trước vài chục năm, thậm chí thấy trước cả đời người. Có khi còn nhớ ra các kiếp trước của các thực thể. Thật vậy, việc thấy trước thấy sau của những sự việc, của những con người, có một mức độ chính xác rất cao. Nó làm cho chúng ta vô cùng kinh ngạc và ngỡ ngàng, không tin nổi chính mình. Bạn cũng như tôi, chúng ta chỉ là những người bình thường, nếu không muốn nói là quá tầm thường, chẳng hề có một khả năng bẩm sinh nào cả. Do vậy, lúc ban đầu khi những việc này xảy ra, nó làm chúng ta vô cùng bối rối. Thế rồi ngày qua ngày, chúng ta cũng dần quen với lối sống này.

- Tam Tiểu Thư: Theo kinh nghiệm của ông, thì có khi nào việc thấy biết này là không chính xác không ông? Ý tôi muốn hỏi là ông thấy biết một cái gì đó nhưng thực tế lại xảy ra theo cách khác không? Làm sao để việc thấy biết này có chất lượng cao?
- Ông Tổng Quản: Chúng ta phải cố gắng khách quan nhất có thể. Hãy để cho các hình ảnh xuất hiện một cách tự nhiên, đừng tham dự vô, không thiên vị, không ý kiến. Tuyệt đối không cho cái tôi tham dự vô, càng khách quan bao nhiêu thì các thông tin lại càng trở nên chính xác bấy nhiêu.

Các thông tin này là bất chấp không gian thời gian. Nói một cách khác là các thông tin không lệ thuộc ở không gian và thời gian. Với kỹ thuật nói trên, chúng ta có thể biết về một cá nhân khá tường tận, mặc dù không biết họ ở đâu và chưa gặp mặt bao giờ.

- Tam Tiểu Thư: Tôi nghe ông nói thì cũng thích tập luyện thiệt đó. Những người mà có nhiều khả năng như vậy họ hay tự xưng là sư phụ, là thầy. Ông coi tôi có thể đổi nghề làm thầy bói hoặc nhận đệ tử để kiếm sống không ông? Những nghề này vừa nhàn hạ vừa giàu có hơn nghề bảo tiêu nhiều! Tương lai của Tam Tiểu Thư này sắp huy hoàng rồi.
- Ông Tổng Quản: Kết quả của việc tập luyện này cũng giống như bất cứ bộ môn nào, cũng sẽ có mặt tiêu cực. Khi có được khả năng này, người ta thường tự cho rằng mình đã ở một đẳng cấp nào đó, tự cho là mình hơn người. Tâm trạng này có hai tác hại: Trước nhất làm cho mình trở nên chủ quan, tự hủy diệt chính mình. Mặt khác còn đưa đến việc ma nhập rất dễ dàng.

- Tam Tiểu Thư: Tôi thấy cách tập này cũng có góc cạnh tích cực đó chứ ông. Ít ra thì đây cũng là một cách tự luyện khá thú vị, không buồn nản như cách tập Thiền Định mà từ ngữ khá bình dân gọi là Thiền Định "Chay
" ông đã dạy tôi trước đây. Cách tập đó là vô cùng khô khan và phải nói rằng cũng rất gian khổ; thêm vào đó là kết quả đến rất chậm. Cách tập mới này có thể bảo là tập một mà được hai: Nhờ vào kỹ thuật vừa tập được Thiền Định vừa mở được Con Mắt Thứ 3. Cách tập này có vẻ sống động hơn, nhiều sinh khí và hiệu quả hơn, vô tình lại rất bài bản, đúng với chuẩn mực mà người ta thường gọi là Chánh Định của một số trường phái tôn giáo là "Chú Tâm vào một vật duy nhất". Chính nhờ lối tập luyện này, chúng ta đạt được một lớp Định nào đó, ít nhất cũng cao hơn Cảnh Dục Giới. Đơn giản là vì trong lúc triển khai kỹ thuật của tiến trình này, ý thức bình thường đã mất đi và được thay thế bằng một loại ý thức khác. Chính loại ý thức này là một dạng Con Mắt Thứ 3 ở một Cảnh Giới khác. Con mắt này trên thực tế đã cung cấp cho chúng ta những thông tin, khác hẳn với thông tin bình thường mà chúng ta có được từ Con Mắt Thế Gian.

- Tam Tiểu Thư: Tôi thật tình không hiểu nổi ông. Cách mở
Con Mắt Thứ 3 dễ và đơn giản như vậy, sao ông không chỉ cho tôi từ đầu? Tại sao ông cứ vẽ vời đủ thứ làm chi cho cuộc đời thêm rắc rối? Ông có vẻ thích phức tạp hóa những chuyện đơn giản!
- Ông Tổng Quản: Không phải thế đâu Cô ơi! Làm một việc gì cũng có nhiều cách để tiếp cận. Nó tùy theo khả năng mình có và mục tiêu mà mình nêu ra. Tam tiểu Thư à! Trên đây chỉ là một lối tiếp cận thôi. Đúng ra đây là lối tập “mù” về
Con Mắt Thứ 3. Hiệu quả khá khích lệ vì tính chất thực tiễn của phương pháp. Nhưng nói về tính chất mục đích thì nó làm cho mình không tiến bộ được. Chúng ta cũng đã biết là nhiều tu sĩ Tây Tạng không tìm mục đích Giải Thoát vì thấy quá khó quá lâu, nên họ bằng lòng sống với "Người Hộ mình" gọi là "Dakini". Tôi thì lại mong mỏi Tam tiểu Thư cũng như quý độc giả có một tương lai rộng mở không biên giới chờ đón ở phía trước nên mới không chỉ cho cô “đường ngang ngõ tắt” sớm.

Thật ra còn có những cách tập luyện khác để nhìn thấy những cái gì khác nữa, thí dụ như nhìn thấy Hào Quang chẳng hạn. Cũng có người gọi loại nhìn thấy Hào Quang này của các sinh vật nói chung là một dạng Con Mắt Thứ 3. Nếu muốn nhìn thấy Hào Quang của một số sinh vật như người, cây cối … thì việc tập này tương đối không khó lắm. Nó có lẽ ở trong tầm tay của rất nhiều người, nhất là phái nữ. Nếu Tam tiểu Thư cũng như quý độc giả có hứng thú muốn biết, chúng tôi xin phép được trình bày trong bài viết sau.

 
(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!





0 comments:

Đăng nhận xét