Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 30

Có một không hai - có hai chết liền ...

Tập 30: Đối thcủa Thần Chết

 

- Tam tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi, kể ra từ năm ngoái đến năm nay, ông cũng đã viết khá nhiều. Ông bàn về đủ thứ: Lúc thì tìm hiểu về Thiền Định, lúc thì nói về Vi Diệu Pháp. Ông còn "chịu chơi" hơn nữa là dám đụng đến vấn đề con mắt thứ 3. Bữa nay ông "lấn sân" nói về cái chết. Làm vậy coi chừng độc giả phê bình ông là lớn tuổi nên lẩm cẩm, toàn nói chuyện … ngẫu hứng lạc đề đó! 


- Ông Tổng Quản (mỉm cười): Không lạc đề đâu cô chủ nhỏ ơi. Những gì chúng ta đề cập tới không những là không lạc đề, mà nó chính là những vấn đề nằm ngoài ý thức, nằm ngoài "vùng phủ sóng" của con mắt người bình thường. Ðây chính là vương quốc của con mắt thứ 3 đó cô. Không có con mắt thứ 3, chúng ta không bao giờ biết được những vấn đề này. Làm sao biết chết là như thế nào khi chúng ta còn đang sống? Chẳng lẽ cô không tò mò muốn biết những người từng sống trong vương quốc của con mắt thứ ba thấy gì, biết gì về cái chết sao?

- Tam Tiểu Thư: À! Ông có lý … Tôi rất sợ chết, nhưng thật ra tôi không biết rõ chết là gì, cái gì chờ đợi con người sau khi chết đi.
- Ông Tổng Quản: Nếu cô muốn hiểu được lúc chết cái gì xảy ra, thì câu trả lời là: Y hệt lúc Nhập Định. Điều này cô hoàn toàn có thể làm được Tam tiểu Thư à. Nhập Định thực sự là một tiến trình thao tác kỹ thuật, nhằm chấm dứt đời sống có ý thức của một con người bình thường (ordinary man) và nhường chỗ cho một cuộc sống khác, cuộc sống ngoài thân xác vật lý.

Tuy lúc Nhập Định có sự chuyển đổi trạng thái sống, nhưng dường như vẫn có một cái gì đó, có lẽ là cái tôi mang tính chất liên tục, không đứt đoạn, hiện hữu ở dạng này hoặc dạng khác. Nói theo ngôn từ vật lý, nó mang tính chất của năng lượng; có nghĩa là không thể mất đi, không thể tạo ra. Ðiều này mong Tam Tiểu Thư và quý độc giả đặc biệt lưu ý. Với bất kỳ ai, những lần thực sự Nhập Định đầu tiên chính là một dạng chết đột ngột. Chúng ta lang thang, trôi dạt vô định, không biết đi về đâu, cảm nhận mình là một con người đầy bất an yếu đuối. Rất có thể do tính chất không đồng nhất của thời gian, người tập Thiền Định đã mất đi xung lực của định lực. Mặt khác vì không gian không đẳng hướng, chúng ta lúng túng mất phương hướng. Trạng thái này kéo dài bao lâu thì tùy theo từng cá nhân, loại kỹ thuật Thiền Định, sự hiểu biết và công phu tập luyện … Trạng thái xem ra có vẻ ngớ ngẩn, ngây ngô này không phải bất cứ ai cứ tu Thiền Định là đạt được. Tự làm cho mình chuyển đổi chiều không gian, cảnh giới, không phải là một việc làm dễ chịu. Có thể bạn hay tôi nỗ lực cả đời cũng không thực hiện được điều này.

- Tam Tiểu Thư: Ông nói tiếp đi. Tôi thì đoán rằng hình như ông nhập định cũng có đẳng cấp; vậy thì ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm của ông về vấn đề này không?
- Ông Tổng Quản: Như đã nói ở trên, việc Nhập Định thành công còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố:
 

* Người tập Thiền Định có một lý thuyết đáng tin cậy hay không? 
* Kỹ thuật Thiền Định có khả thi hay không? 

Sự minh triết của bản thân, sự chuyên cần, thái độ cầu tiến, một yếu tố có lẽ là quan trọng cho bất cứ ai khi học bộ môn nào đó là kỷ luật bản thân: Ðứng ở hệ qui chiếu không gian một chiều, tất nhiên có 3 trạng thái có thể xảy ra mà ai cũng biết: Tiến lên, đứng im hoặc là lùi. Giả thuyết kịch bản tích cực là khi đã đạt được sự tiến bộ nào đó, liệu có tiến mãi hay bất chợt lại thối lui? Không thiếu gì người xảy ra trong 2 trường hợp điển hình sau đây:

1. Vì kinh tế khó khăn nên bước vào con đường tu tập. Sau một thời gian kinh tế cá nhân được cải tiến khả quan, người đó không còn thích tập nữa, mà lại thích hưởng thụ !!!

2. Tập luyện có một số ấn chứng nào đó thì cho là mình đã đắc đạo! Người ta có kể lại, có những vị sau khi công phu ,thay quần áo, thấy những tia lửa nhỏ chớp sáng nổ lách tách, thì lại cho là mình đã đắc đạo! (thật ra ai cũng biết đó chỉ là hiện tượng tĩnh điện).

- Tam Tiểu Thư: Các thông tin mà ông có được chắc là do cuốn tạp thư phải không? Ông thử xem tài liệu này nói gì về việc chết đột ngột, cụ thể như một cô sinh viên người Trung Quốc mới chết do khủng bố tại BOSTON - một thành phố tại Hoa Kỳ. Ðây chỉ là một trường hợp điển hình trong muôn vàn cái chết đột ngột.
- Ông Tổng Quản: Cuốn Tạp Thư đã có sẵn câu trả lời. Tam Tiểu Thư à! Bản thân cô cũng như hầu hết nhân loại, đều phải ngủ và nằm mơ. Đây là một trạng thái tâm sinh lý tự nhiên của hầu hết các sinh vật có cấu tạo tương tự con người. Theo tài liệu này, ngủ và nằm mơ chính là một dạng thiền thụ động. Trong lúc nằm mơ, hầu hết nhân loại đều có kinh nghiệm cuộc sống ở ngoài thân xác vật lý. Người ta lang thang nơi này nơi kia hoàn toàn nằm ngoài ý thức bình thường của con người. Ai có kinh nghiệm thực sự về thiền định, kể cả những người cận tử, đều kể lại những kinh nghiệm tương tự. Rất có thể cái chết của một người bình thường cũng diễn tiến như vậy, do họ chẳng có một kỹ thuật, một sự tập luyện hay một kinh nghiệm nào về cái chết cả. Tất cả chỉ là may nhờ rủi chịu, không biết trông mong vào cái gì.

- Tam Tiểu Thư: Nếu một người chưa có Nhập Định được, nhưng lại có niềm tin Tôn Giáo thì sao ông? Thí dụ như mình thường xuyên niệm Phật thì lúc chết sẽ thế nào?
- Ông Tổng Quản: Nếu một người có thói quen theo đuổi một Tôn Giáo và họ thuộc nằm lòng một số câu kinh nào đó. Nếu điều này trở thành phản xạ thì thấy dường như tình trạng có sự cải thiện, không gian sáng hơn, rõ ràng hơn. Họ cũng cảm thấy nhẹ nhõm, yên tâm hơn. Thực sự đây là hệ quả của việc tập trung tư tưởng; đó cũng là một dạng Thiền Định và tạo ra định lực.

- Tam Tiểu Thư: Vậy còn chuyện mình niệm danh hiệu vị giáo chủ mà mình tin tưởng thì sao ông? Vị này sẽ tiếp dẫn mình về cõi của Ngài chứ?
- Ông Tổng Quản: Trên nguyên tắc mà nói thì bất kỳ các vị Giáo Chủ nào, dù có thần thông quảng đại, từ bi, nhân ái cách mấy cũng không thể giúp chúng ta được đâu. Tài liệu Vi Diệu Pháp đã giải thích rằng các vị Giáo Chủ ở những không gian khác và một người vừa chết có cấu tạo hoàn toàn khác nhau. Do vậy lời cầu xin của con người là những tiếng nói không có âm thanh và vô nghĩa. Chính định luật tương ứng của thế giới khách quan đã ngăn cản sự giao tiếp này.

- Tam Tiểu Thư: Các nhà lãnh đạo tôn giáo khắp nơi thường nói: "Hãy bước vào nhà của tôi, tin vào giáo điều của tôi. Rồi bạn sẽ có một vé miễn phí vào cửa Thiên Đàng
". Vị khác thì nói "Nếu bạn không có niềm tin, thì khi chết sẽ bị lửa Địa Ngục thiêu cháy, đọa Địa Ngục đời đời".

Tuy họ thường tuyên bố vậy, nhưng họ lại không thể cung cấp con đường an toàn dẫn đến Thiên Đàng, và cũng không thể giúp cho những người bất hạnh đừng rơi xuống Địa Ngục. Vậy tôi muốn hỏi ông là khi ông Nhập Định, ông có đi thăm Thiên Đàng hay Địa Ngục chưa? Thật ra, những người bình thường như tôi thì chẳng ai biết, và không ai từng biết, Thiên Đàng hay Hoả Ngục như thế nào, cũng không ai biết cả hai có thực hay không. Biết đâu chính việc thiếu kiến thức cần thiết này sẽ tạo ra những khe hở cho những người hay loè bịp nói đủ thứ thì sao ông?

- Ông Tổng Quản: Trong các tài liệu khoa học cũng như cuốn Tạp Thư thì không thấy chỗ nào bàn về một thế giới gọi là địa ngục cả. Ai cũng biết, với bộ môn toán học thì chỉ cần một vài ký hiệu khá đơn giản, người ta có thể tiên đoán được là ngoài không gian mà chúng ta đang sinh hoạt, còn có nhiều không gian khác nữa. Nhưng với những tài liệu tôn giáo thì đây là Thiên Đường của đề tài Địa Ngục. Nói tóm lại, nhân loại bó tay để cho các vị Tôn Giáo độc quyền, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mãi rộng rãi các dạng Địa Ngục. Có Tôn Giáo thì bảo muốn tránh thế giới của Địa Ngục thì phải tin tuyệt đối vào một vị Thần Linh Thượng Đế nào đó. Tất nhiên ngược lại là hậu quả khốc liệt đang chờ đón.

- Tam Tiểu Thư: Cá nhân tôi đã có nhiều lần được nghe là có những vị tu sĩ của trường phái nào đó khuyến dụ tín đồ, bắt buộc phải làm thế này thế kia … Trong đó có câu là phải quy phục chính bản thân người tu sĩ đó. Ở đây rõ ràng là hoàn toàn không có sự lựa chọn. Nếu không làm như thế thì có nghĩa là sẽ đến Địa Ngục, đầu thai vào cảnh khổ, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Ngược lại, nếu làm như thế này thế kia … thì bất đọa Địa Ngục. Nếu thực sự định luật của thế giới tự nhiên mà diễn tiến đúng như vậy, thì có lẽ chính bản thân SAKYA MUNI cũng chẳng nên tu Thiền Định làm gì cho tốn công nhọc sức. Quý độc giả cũng như tôi, nếu chỉ cần làm đúng như vậy mà hệ quả thì rực rỡ và hứa hẹn thì phải bảo đó là công việc quá đơn giản. Việc này dễ quá, chẳng khác gì lấy một món đồ chính từ trong túi của mình. 


Ai cũng biết là vào thời điểm này chúng ta có trên 7 tỉ người đang sinh sống trên trái đất. Nếu chúng ta cộng cả số nhân loại đã từng hiện hữu trên trái đất từ thuở bình minh của lịch sử, thì có lẽ con số có thể là 60, 70, hoặc 80 tỉ ... Chúng ta thử tính xem có bao nhiêu người theo những Tôn Giáo nói trên và giả thuyết rằng họ chấp hành nội quy của Tôn Giáo đó nên không ai đọa Địa Ngục. Còn những người không chấp hành, bị đọa Địa Ngục (căn cứ vào phát biểu nói trên) thì nhắm mắt cũng biết là nhiều vô số kể. Như vậy qua quá trình lịch sử của nhân loại, số cá thể bị đọa Địa Ngục trở nên quá đông đảo, tạo ra nạn nhân mãn. Quả thật với số lượng hàng tỉ cá thể, cần phải có nơi sinh hoạt, phân loại, giam giữ, xét xử, thì chắc chắn phải cần đến những máy vi tính “siêu xịn”, có khả năng xử lý hàng tỷ tỷ phép tính trong một giây, mới hy vọng giúp các vị lãnh đạo lý Địa Ngục giải quyết được phần nào lãnh vực hành chính quản lý.

Với bộ não giới hạn và khiêm tốn, tôi thấy có cái gì đó có vẻ không ổn ông Tổng Quản à! Nếu kỹ thuật Thiền Định có thể cải thiện được cái chết, thì rõ ràng nó còn tích cực giúp Địa Ngục cải thiện việc nhân mãn, giải tỏa bớt áp lực dân số ở tại Địa Ngục. Các vị lãnh đạo ở
Địa Ngục rất biết ơn việc làm của chúng ta. Chắc chắn có ngày họ sẽ email cho ông để cảm ơn vì đã hợp tác trong việc chia sẻ áp lực dân số mà họ đang phải chịu đựng.

- Ông Tổng Quản: Tôi có thể đưa ra một vài ví dụ đời thường, để có khái niệm về việc liệu Thiền Định có thể có khả năng ảnh hưởng đến cái chết như thế nào. Tam tiểu Thư à, chắc cô cũng biết người Việt Nam nói riêng, người Á Đông nói chung, hay nói đúng hơn dân tộc của những nước nhược tiểu trên thế giới, thường có khuynh hướng cho con em của mình học tiếng nước ngoài từ khi còn nhỏ. Nếu có điều kiện thì cho con cái của mình sang các nước Tây Phương để theo học tại các trường văn hóa. Hai ngôn ngữ phổ thông nhất mà người ta hay học đó là: tiếng Anh và tiếng Pháp. Lịch sử có thể giải thích tại sao hai ngôn ngữ này lại phổ biến trên thế giới. Trong những thế kỷ trước, hai quốc gia này có số thuộc địa đông đảo nhất thế giới vì lý do họ có lực lượng hải quân rất mạnh. 


Người ta thường nói "mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc Anh”. Không thiếu gì người Việt Nam am tường về tiếng Pháp hơn cả người bản xứ. Tác giả Nguyễn Tiến Lãng ở thế kỷ trước đã viết một tác phẩm được giải thưởng văn chương của Pháp. Khi nói chuyện bình thường, chúng ta có khuynh hướng một cách tự động là suy nghĩ bằng ngoại ngữ, sau đó dịch qua tiếng Việt Nam. Thói quen này chúng ta có thể gặp ở rất nhiều trí thức Việt Nam ở thế kỷ trước, thậm chí cả đến lúc nằm mơ, chúng ta cũng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp một cách hoàn toàn vô thức, không suy nghĩ gì cả, quên hẳn mình là người Việt Nam nói tiếng Việt Nam. Nói một cách khác, các ngoại ngữ nói trên đã ăn sâu vào tiềm thức, vô thức của chúng ta. Một thí dụ khác có thể tìm thấy ở rất nhiều người ở kỷ nguyên này là hầu hết ai cũng biết lái xe. Chúng ta vừa lái xe vừa nói chuyện một cách hoàn toàn vô thức. Nằm mơ cũng thấy mình lái xe. Ngoài những thí dụ này, chúng ta có thể kể vô vàn những hiệu ứng tương tự như vậy trong cuộc sống bình thường.

Thiền Định là một hiện tượng tự nhiên do con người phát minh ra. Đó là một bộ môn, một kỹ thuật, một khoa học … như tất cả bộ môn khác, nên hẳn nhiên ai muốn giỏi về Thiền Định cũng phải học tập thực tập lâu dài giống như việc học ngoại ngữ vậy. Nó cũng đòi hỏi người ta học nhiều thập kỷ để trở thành Bản Năng Thứ Hai.

Thiền Định muốn đi vào tiềm thức con người, thời gian cũng tính bằng thập kỷ. Ngoài yếu tố thời gian, nó còn cần thêm lòng say mê. Khi thực tập đến một thời gian nào đó, năng lượng về Thiền Định đã đạt đến một giới hạn, thì nó bắt đầu phát huy tác dụng:
 

* Khi nằm ngủ bình thường, có cái gì đó tự động Nhập Định.  
* Khi nằm mơ cũng thấy mình Nhập Định.  
* Lúc đau rất nặng, khả năng Nhập Định vẫn không mất đi. Rõ ràng đây là một phần thưởng quý giá cho người tu Thiền Định. Việc đau đớn của thể xác vật lý không ảnh hưởng tới khả năng Nhập Định. Việc này nói lên một điều, người ta có thể sử dụng kỹ thuật Nhập Định để đi vào một cảnh giới khác, một không gian khác một cách êm ái dễ chịu.

Từ đây người ta có thể suy ra rằng, kể cả với một cái chết đột ngột, người có năng lực Thiền Định thực sự, có một định lực đáng tin cậy, vẫn có thể Nhập Định một cách tự động. 


Thiền Định chính là  
chiếc phao cứu sinh của người chết
Đấng Cứu Thế của Nhân Loại.

- Tam Tiểu Thư: Những điều ông vừa nói về tác dụng của Thiền Định ở góc cạnh tích cực là căn cứ vào thực tế, hay chỉ là phỏng đoán bằng lý thuyết?
- Ông Tổng Quản: Chết là gì? Về mặt sinh học người ta có rất nhiều kiểu định nghĩa, nhưng có lẽ định nghĩa đơn giản và thực tế nhất là: Chết là không sống lại được. Do đó việc gì xảy ra sau khi chết không ai có thể trả lời được. Các kỹ thuật để liên hệ với người đã chết thì khá phổ biến trên khắp thế giới, kể cả những nước theo chủ nghĩa duy vật cũng sử dụng tới. Mức độ tin cậy tùy vào nhận xét của từng cá nhân. Những người tu Thiền Định cũng rất hay gặp những người đã chết rồi, thậm chí là chết từ nhiều ngàn năm trước. Tại Việt Nam, gần đây cũng có một nhà ngoại cảm nổi tiếng trong nước thậm chí cả ở nước ngoài về việc giao tiếp với những người đã chết rồi. Tuy vậy bức màn bí mật cũng chưa vén lên được. Những gì người ta muốn tìm hiểu mà nó nằm ngoài kiến thức bình thường của con người, thì dường như không có lời giải đáp thỏa đáng, còn đầy dẫy những khoảng trống.

Ai cũng biết, bất cứ vấn đề gì cũng luôn có nhiều mặt. Thiền Định không phải luôn luôn đưa đến những hệ quả tích cực, mà còn đưa đến những hệ quả tiêu cực. Người tu Thiền Định do không hiểu rõ về Phân Tâm Học, thiếu kiến thức về sinh học và nhiều bộ môn khoa học khác nên tự tạo ra trạng thái dồn nén về vật chất, và làm ảnh hưởng trầm trọng tới tinh thần.

Phổ thông nhất là Bản Năng Bảo Tồn, tất nhiên trong đó có bản năng tình dục, bản năng xã hội … Khi tuyến nội tiết của cơ thể vật lý phải chịu đựng một sự dồn nén, thì đến một ngưỡng nào đó nó sẽ gây ra sự đau đớn về tinh thần, có thể đưa tới thác loạn tâm lý, thậm chí là điên loạn.

Phương tiện truyền thông đại chúng gần đây cho biết là Trường Phái Công Giáo đã bị dư luận lên án ở diện rộng về vấn đề lạm dụng tình dục. Dường như Tân Giáo Hoàng đang đứng trước một cuộc khủng hoảng. Nên chăng có một sự giải quyết từ bản chất thay cho việc chỉ chữa triệu chứng? Không có gì cao hơn sự thật, cũng không có gì thấp hơn việc nói dối chính mình.

- Tam Tiểu Thư: Tôi có thể hiểu Thiền Định có thể đưa tới giải thoát?
- Ông Tổng Quản: Khái niệm giải thoát mang màu sắc của trường phái Phật giáo. Người ta nói rằng: Đời là bể khổ. Tu để thoát khổ. Thế nhưng ai đó cũng có thể tự hỏi cuộc sống này vẫn có những thú vui tương đối nào đó chứ, sao cần phải giải thoát? Có một thi sĩ từng nói ”Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc" "biết đủ là đủ, đợi đủ đến bao giờ mới đủ". Thi sĩ người Pháp ở Thế Kỷ 17 từng nói:
"Hãy bằng lòng những gì mong muốn, những gì mà Thượng Ðế muốn, đó là người thông minh. Chỉ trong trạng thái này, con người mới được thanh thản và yên ổn" (phỏng dịch từ bài thơ tiếng Pháp). Đây là cách sống an lạc rất hay.

Giải thoát là một đề tài được rất nhiều người theo truyền thống Phật Giáo đề cập tới. Nhưng nếu xét ở góc cạnh lý thuyết cũng như kỹ thuật thì có lẽ quá xa tầm tay của nhân loại. Căn cứ vào tài liệu Vi Diệu Pháp thì dường như một thực thể bất kỳ, phải đi qua một tiến trình về Thiền Định cực kỳ trừu tượng và khó hiểu để đạt đến cái mà người ta gọi là Niết Bàn.

Tài liệu này không có tham vọng để đưa chúng ta tới một cuộc viễn du đầy tranh cãi, mà chỉ hy vọng cung cấp một kỹ thuật nào đó khả thi cho hầu hết mọi người. Chúng ta đan cử một thí dụ có tính cách điển hình sau đây. Một người tu Thiền Định có tính cách không thích nói nhiều. 


Văn Chương Pháp có câu: "nói thì tốt rồi, im lặng thì tốt hơn" (il est bon de parler,il est mieux de se taire), không thích ăn uống nhiều (do suy nghĩ ăn nhiều dễ sanh bệnh tật), không thích quan hệ nam nữ nhiều do dễ sanh bạc nhược … Với những đặc điểm tâm lý này, người tu thiền định sẽ đến một Cảnh Giới tương thích gọi là Sơ Thiền Hữu Sắc. Tại Cảnh Giới này, các Thực Thể không có bộ phận sinh dục nam nữ, vì việc quan hệ nam nữ không tồn tại, không có miệng và mũi vì không có nhu cầu hấp thụ thực phẩm, không khí và không có nhu cầu nói chuyện. Ở môi trường này có một điều nổi bật là Tâm con người đứng im và hệ quả là cảm giác cực kỳ vui và hạnh phúc kéo dài dường như bất tận … Hiện tượng này chúng ta có thể kiểm tra và hỏi thăm người tu Thiền Định đã đạt Sơ Thiền Hữu Sắc.

Nói đến quan điểm Giải Thoát theo Trường Phái Phật Giáo, thì quả là một viễn ảnh khó đạt được đối với một con người bình thường. Tuy nhiên những gì Cuốn Tạp Thư trình bày ở trên thì dường như nằm trong tầm tay của bất cứ ai, nếu đọc những trang giấy này.

- Tam Tiểu Thư: Nghe ông nói vậy tôi cảm thấy mừng. Ước gì nhiều người có cơ duyên hiểu và thực hành những gì ông đã chia sẻ. Hy vọng Thần Chết phải bó tay.
- Ông Tổng Quản: Không lạc quan thế đâu Tam Tiểu Thư ơi. Mặc dù những bài viết này đã được đăng ở nhiều trang web, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, được nhiều độc giả ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới quan tâm đến, nhưng số lượng rất khiêm tốn; chỉ vài chục ngàn người. Trong khi đó trang web của một ca sĩ Hàn Quốc với thời gian ngắn hơn nhiều, được truy cập dường như tính bằng tỷ lần. Số lượng khổng lồ này chắc cũng làm Thần Chết phải
"choáng" nhưng chắc chắn là ông ta sẽ thích điều này vì còn cả một vương quốc đầy thần dân để trị vì, không lo bị thất nghiệp đâu Cô ơi!
 
(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!





0 comments:

Đăng nhận xét