Có một không hai - có hai chết liền ...
Tập 28: Sự cần thiết phải có một lý thuyết,
một chủ thuyết nào đó, để làm nền tảng,
chỗ dựa cho việc tập luyện để mở Con Mắt Thứ Ba.
Những tài liệu Luận của Trường Phái Phật Giáo,
có thể đáp ứng được một phần nào yêu cầu nói trên.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản cho tôi hỏi chuyện này. Có lẽ chẳng phải một mình tôi, mà có nhiều quý độc giả, trong thời gian vừa qua, đã theo những bài viết của ông và thực hành. Riêng cá nhân tôi thì khi thực tập, cũng có ít nhiều kết quả, lúc thì tiêu cực lúc thì tích cực.
Tôi chẳng hiểu sao mặc dù việc tập luyện của tôi vẫn tích cực, đều đặn, nhưng hình như nó vẫn đứng ở một chỗ. Có cái gì đó làm cho nó không phát triển được, mà đôi khi dường như còn lùi lại nữa. Do không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra nên trong lòng cảm thấy nghi ngờ. Suy cho cùng, hình như đây là một công việc làm không có nền móng vững chắc. Mỗi lần như vậy thì tôi lại đi tìm kiếm thêm thông tin. Thế nhưng những trở ngại khác lại đến. Thí dụ như cách trình bày của bài viết quá khó hiểu, các từ ngữ quá chuyên ngành. Công việc đã khó lại càng khó hơn. Vậy thực sự, để nâng cao chất lượng Thiền tập và tạo được sự ổn định bền vững … tôi phải bắt đầu từ đâu? Tôi thiếu sót cái gì? ... Ông đừng để tôi phải ca bài "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" nha ông!
- Ông Tổng Quản: Tam Tiểu Thư ơi, những gì cô nhận xét có lẽ là chính xác; thế nhưng chuyện gì thì cũng có cách giải quyết.
Những bài viết trong năm vừa qua, nói tóm tắt thì có thể chia làm 2 phần:
1. Những khái niệm tổng quát về bộ môn Thiền Định.
2. Những khái niệm tổng quát của vấn đề Con Mắt Thứ 3.
Lịch sử khoa học cho chúng ta biết rằng bộ môn nào muốn tiến lên cũng cần phải xây dựng được một lý thuyết, ít nhất là giả thuyết. Nếu có được cả một chủ thuyết thì quá tốt. Phát minh khoa học thường có hai con đường kinh điển, một là quan sát các hiện tượng tự nhiên, tìm ra mối liên hệ, sau đó xây dựng lý thuyết. Hai là tiên đoán bằng lý thuyết, thí dụ như lý thuyết vũ trụ cong. Hầu hết những tiện ích mà hôm nay con người đang sử dụng cũng chính là nhờ người ta đã xây dựng thành công lý thuyết vật lý lượng tử. Ngược lại, những gì người ta chỉ biết về hiện tượng mà không xây dựng được lý thuyết, thì việc giải quyết trở nên lúng túng. Một thí dụ về vấn đề này là bệnh ung thư. Đó vẫn là căn bệnh chết người do người ta không biết cái gì gây ra nó nên không thể điều trị hiệu quả.
Quay lại vấn đề Con Mắt Thứ 3 thì có lẽ cũng không là ngoại lệ. Ngoài một số tài liệu luận của Trường Phái Phật Giáo, chúng ta không tìm thấy trong lịch sử của nền văn minh nhân loại, tài liệu nào đã đề cập tới vấn đề Con Mắt Thứ 3. Trong thế kỷ 20 vừa qua, có lẽ duy nhất chỉ có một tác giả người Mỹ Barbara Ann Brennan có đề cập tới, dạy cách tập luyện để mở Con Mắt Thứ 3, trong tài liệu Bàn Tay Ánh Sáng đã được dịch ra Việt Ngữ. Tuy nhiên, có điều cần quan tâm, là dường như tác giả đã trình bày vấn đề này dưới nhãn quan của Trường Phái Kundalini Yoga. Quý độc giả nếu có hứng thú về đề tài này, xin vui lòng tham khảo tài liệu Bàn Tay Ánh Sáng.
- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi, tôi đang cần lời khuyên thực tế. Tóm lại, tôi muốn tiến bộ thì phải làm sao? Ông còn nhớ, lúc trước ông bảo tôi muốn tiến bộ trong việc mở Con Mắt Thứ 3, thì phải tập luyện Thiền Định. Thiền Định thì tôi đã tập rồi, đang tập. Hay dở thì chưa biết nhưng ngày nào cũng ráng tập … Tôi có cảm giác này nha ông, nói ra ông đừng buồn nhưng hình như những bài viết mà ông đã cung cấp kiến thức cho tôi và độc giả theo một tiến trình đi ngược. Đúng ra để giúp người ta dễ dàng tiến bộ, thì phải bắt đầu học và tập theo một hệ thống, một tiến trình thực sự giáo khoa; nghĩa là chúng ta phải học từ lý thuyết, hay nói đúng hơn là giả thuyết của bộ môn này. Sau đó tu Thiền Định thì mới có cơ may để mở Con Mắt Thứ 3. Dường như tiến trình này mới mang tính chất hợp lý và phù hợp với thực tế. Có vẻ ông thấy con người trong thời đại @ này ít có tính kiên nhẫn. Cái gì cũng muốn nhanh, gọn và có kết quả tức thì. Do ông sợ người ta nản nên mới trình bày cách đó.
- Ông Tổng Quản: Sỡ dĩ tôi phải trình bày theo một lối không hợp lý này vì cũng có những lý do, khó nói ra được. Chúng ta thử quan sát một số đàm luận của quý độc giả. Mặc dù những ý kiến này vô cùng là ít ỏi nhưng đều cho đây là một lối trình bày lòng vòng, không đi vào chủ đề. Mong quý độc giả thử tham khảo những ý kiến chia xẻ của độc giả trên trang web của phattungaynay.net
- Tam Tiểu Thư: Mặc dù tôi đề nghị ông trình bày về lý thuyết tu thiền định, nhưng lòng tôi hơi nghi ngờ. Thật tình tôi chẳng thấy thiền định có lý thuyết gì ngoại trừ vi diệu pháp. Hồi đó tôi cũng từng có Thầy dạy tu Thiền, nhưng có lý thuyết nào đâu. Chẳng biết các Thầy khác có giống Thầy của tôi không. Cao lắm là họ đọc các vấn đề có sẵn trong kinh sách rồi triển khai ra dưới góc nhìn của họ. Ông thì sao? Ông có lý thuyết gì về vấn đề Thiền Định không?
- Ông Tổng Quản: Tiến trình của Thiền Định không phải được xây trong một sớm một chiều. Dường như nó đã được xây dựng qua nhiều ngàn năm. Điều này đã được trình bày trong nhiều bài viết trước. Tưởng cũng nên nhắc lại, Thiền Định không phải được tiên đoán bằng lý thuyết về sự hiện hữu của nó. Như tất cả mọi người đều biết, Thiền Định thực sự được xây dựng, xuất phát từ thực tiễn, rồi sau đó mới hình thành, các Trường Phái, các Lý Thuyết, kể cả những lý thuyết khá xa vời thực tế của người Trung Quốc, mà ngay hôm nay khá phổ biến tại Việt Nam.
"Tôi là ai?" là một câu hỏi hóc búa. Nó đã xuất hiện và đi cùng chiều dài của lịch sử. Nhiều bộ môn khoa học khác nhau đều nỗ lực đi tìm câu trả lời. Trong thế kỷ 20 với tài liệu "Con người bí ẩn" một vị bác sĩ đã cố gắng trả lời vấn đề tôi là ai. Từ thuở trước, có người cho là "tôi suy tư bởi vậy tôi hiện hữu", có người thì cho là "Con người là một cây sậy biết suy tư". Ai đi học cũng biết, bộ môn Siêu Hình Học được giảng dạy tại nhà trường. Bộ môn này cũng dạy kỹ lưỡng về 3 vấn đề: Tôi từ đâu đến đây, đến đây để làm gì và đi về đâu? ... Có một quan điểm về vấn đề này đã được đóng góp bởi một quý độc giả trên phattungaynay.net; thế nhưng có lẽ không đơn giản như vậy. Thật ra khi đề cập đến khái niệm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức … thì các tài liệu của Trường Phái Phật giáo cũng chẳng thống nhất với nhau. Dường như các Trường Phái mà chúng ta gọi là những Trường Phái Nguyên Thủy (chứ không phải là một Trường Phái Nguyên Thủy), thì dường như người ta mâu thuẫn với nhau một cách khá sâu sắc. Thực tế có Trường Phái thì công nhận có linh hồn, còn có Trường Phái khác thì lại cho rằng không có linh hồn. Do đó, chúng ta phải đưa ra một quan điểm có lẽ gọi là tổng hợp của nhiều Trường Phái.
Có thể con người là một tổng hợp của một số yếu tố được nêu ra sau đây:
1. Linh hồn được gọi dưới nhiều cái tên khác nhau: Luồng Tâm Thức, Linh Hồn, Chủ Nhân tạo ra các loại Nghiệp.
2. Có nhiều loại Nghiệp Lực. Xét ở nhiều góc cạnh khác nhau, các Nghiệp Lực này là Thiện hay không Thiện xét ở góc cạnh đạo đức; đưa tới Luân Hồi Sanh Tử, xét ở góc cạnh Luân Hồi Sanh Tử; có tạo ra Nghiệp hay không tạo ra Nghiệp, xét ở góc cạnh Vô nhân hay Hữu nhân …
3. Có rất nhiều yếu tố để tạo nên các dạng vật chất, không giống như quan điểm chúng ta vật chất chỉ có 4 dạng: ở thể đặc, thể lỏng, thể hơi, thể plasma. Có tài liệu cho rằng có tới mấy chục yếu tố để tạo ra vật chất.
4. Vấn đề Tâm: Cấu tạo này cũng được rất nhiều quý độc giả đóng góp trong các thảo luận. Tâm xét ở góc cạnh cấu tạo nên con người lại có một tính chất rất đặc thù. Người ta cho rằng theo những tài liệu của Trường Phái Phật Giáo thì số lượng Tâm rất lớn, chưa xác định được.
Hiện tại, chúng ta chưa có một tài liệu nào, để giúp cho người tu Thiền Định thực tế, giải quyết những vấn đề thực tế trong khi tu Thiền Định. Do đó, dù muốn hay không trước mắt chúng ta cũng phải sử dụng những tài liệu của Trường Phái Phật Giáo.
Trong tương lai, chúng tôi xin phép trình bày, một số vần đề cơ bản của kỹ thuật tu Thiền Định qua những tài liệu luận của Trường Phái Phật Giáo, thí dụ như:
Tam Pháp Độ Luận,
Thanh Tịnh Ðạo Luận,
Thắng Pháp Tập Yếu Luận.
(còn tiếp) ...
Tác giả: CTR
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!
0 comments:
Đăng nhận xét