Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 24

Có một không hai - có hai chết liền ...
 
Tập 24: Tổng Hợp Thông Tin để tu Sơ Thiền Hữu Sắc

Thực Hành Thiền Định
con đường Duy Nhất để mở Con Mắt Thứ 3


Chiếc đồng hồ trên vách tường của Vô Ưu Trà Quán đang điểm chuông, phá tan không gian tĩnh lặng. Bên ngoài trời tối đen, chỉ có tiếng gió rì rào và tiếng rơi của mấy nhánh cây khô. Thỉnh thoảng có tiếng chó sủa đêm từ xa xa vọng lại …

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản à! Nói chuyện với ông thiệt là mất hứng! Ông đang chỉ cho tôi cách mở Con Mắt Thứ Ba. Tôi cũng đang ráng tập luyện mà! Tuy có hơi đuối, nhưng dù sao chuyện tập luyện để mở được Con Mắt Thứ Ba cũng là niềm mơ ước của Tam Tiểu Thư này. Không phải riêng tôi, tôi nghĩ cũng có nhiều quí độc giả thích như vậy. Câu chuyện đang hay thì tự nhiên ông lại nói lạc đề. Hình như những người thông thái họ thích nói những chuyện “hiểu được chết liền …”
- Ông Tổng Quản: Ừ, nếu xét về hình thức bên ngoài thì cô nói rất đúng. Trong những ngày vừa qua, dựa vào Cuốn Tạp Thư, tôi mới chỉ cho cô một bước căn bản để mở Nhãn là tu Thiền Định mà thôi. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu Tam Tiểu Thư chịu khó suy nghĩ về nội dung, thì có thể cô sẽ thấy khác và không than phiền Tổng Quản già này nữa! Cô đã biết rồi đó, Thiền Định hạ tầng cơ sở kỹ thuật, nền móng cần và đủ, là lộ trình ngắn nhất, độc đạo, để đưa đến việc mở Đệ Tam Nhãn. Ðây con đường chỉ có một chiều, con đường này không thể đi ngược lại hoặc không đi.

- Tam Tiểu Thư: Rồi rồi, sao ông coi thường trí thông minh của tôi quá. Đây này: Thiền Định là lộ trình cần và đủ để mở Đệ Tam Nhãn, và đó là cách duy nhất. Không có cách nào khác. Chưa thấy ai mở được Đệ Tam Nhãn mà lại đảo ngược được tiến trình này, dù là nhìn từ góc độ Lý Thuyết cho đến phương diện Thực Hành. Có lẽ bản thân Sakya Muni cũng đã đi theo lộ trình này. Do Thiền Định thì Ngài mới phát Huệ. Chẳng có ai phát Huệ rồi mới tu Thiền Định cả. Huệ đã có rồi thì ai thèm ngồi Thiền cho nó mệt. Đó, ông thấy tôi rành chưa?
- Ông Tổng Quản (cười vui vẻ): Nếu cô đã hiểu việc học Thiền Định là bắt buộc và cần thiết thì tốt rồi. Tuy nhiên, với tư cách như một người hướng dẫn cô đi du lịch vào trong thế giới của Thiền Định, thì tôi thấy mình có trách nhiệm. Thế nên tôi cố gắng trình bày sao cho những gì tôi chỉ cho cô là gần nhất với Phật Giáo Nguyên Thủy. Chừng nào cô chán nghe, thì nhớ báo cho lão Tổng Quản này biết.

Thế nào là Lý Thuyết về Kỹ Thuật của Thiền Phật Giáo Nguyên Thủy? Tôi thiết nghĩ những nhà khảo cứu nếu thận trọng thì không ai dám khẳng định điều gì. Nói theo kiểu Phật Giáo, cái mà chúng ta biết được chỉ là một chiếc lá trong một khu rừng.

Chính vì những lý do nêu trên, chúng ta phải lướt qua một số Trường Phái, để có một số khái niệm. Chắc quí vị còn nhớ, Thiền có nhiều loại: Thiền Trung Quốc, Thiền Hiện Đại, Thiền Nguyên Thủy. Sở dĩ chúng ta phải dài dòng về vấn đề này là để tránh ngộ nhận. Tại sao có hai người Tu Thiền Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng cách Tu thì chẳng ai giống ai?

Về mặt Lý Thuyết cũng như thực tế, có lẽ người ta nên mềm dẻo để tiếp nhận các nguồn thông tin. Các thông tin này mặc dù xuất hiện cùng trong một giai đoạn lịch sử, nhưng quan điểm lại hoàn toàn trái ngược nhau. Cái đáng làm cho người ta quan ngại nhất là tuy cùng một Trường Phái, nhưng lại khác nhau về tư tưởng cơ bản. Ta lấy thí dụ: 


Ðộc Tử Bộ chủ trương Hữu Ngã.
Nhứt Thiết Hữu Bộ lại chủ trương Vô Ngã. 

Có lẽ chỉ có cách là thông qua quá trình thực hành Thiền Định, thì người ta mới biết là tài liệu nào nói đúng.

- Tam Tiểu Thư: Tôi nghĩ dù các Trường Phái khác nhau như vậy, nhưng chắc chắn cũng phải có điểm gì chung chứ. Đâu thể cái gì cũng khác được.
- Ông Tổng Quản: Chúng ta chỉ dám nói có lẽ là các Trường Phái Thiền Định Phật Giáo (chỉ có một số Trường Phái) đồng ý với nhau Chánh Định là “Chú tâm vào một vật duy nhất”. Nếu chúng ta sử dụng Kỹ Thuật này, thì rất mong Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả chú ý tới những diễn tiến về tinh thần sẽ xảy ra như sau.

Về mặt tích cực, khi chú Tâm vào một đối tượng duy nhất, liên tục chú Tâm vào một đối tượng duy nhất, thì có khả năng là Luồng Tâm Thức của tôi, tạm thời dừng lại.

- Tam Tiểu Thư: Khoan khoan đã ông. Ông cho Tôi nói về kinh nghiệm hành Thiền của Tôi chút xíu nhe. Trên thực tế, những thao tác, những diễn tiến tâm lý vừa mô tả ở trên, lại không xảy ra một cách tích cực như vậy. Tôi tự bảo mình chú Tâm vào một cái gì đó, Tôi lại không chú Tâm được. Chỉ trong một tích tắc là Tôi nghĩ tới việc khác, từ cái nhà Tôi đang ở, cho đến một quốc gia Tôi đã đi qua, rồi lại một lục địa mà Tôi chưa biết đến. Ông toàn tả cho Tôi nghe trạng thái Nhập Định thành công là thế này thế khác. Chẳng bao giờ ông nói cho Tôi phải làm thế nào khi Tôi ra lệnh chú Tâm … chú Tâm … mà cái Tâm nó không thèm … chú!

Đây đúng là một thảm họa mà Tôi nghĩ chắc chắn ai cũng gặp, nếu họ thực sự đã từng kinh qua tu Thiền Định. Chưa hết đâu có lần Tôi đã đi qua được cửa ải này trong giây lát. Tôi thấy tâm mình đứng im được rồi, nhưng sau đó khi Tôi muốn kéo dài việc liên tục chú Tâm này, thì chuyện phóng Tâm lại xảy ra như trên. Đôi khi còn tệ hại hơn nữa. Thí dụ trong Tâm tôi nổi lên cơn nóng giận, ham muốn vật chất … Lại giả thuyết rằng, tôi ráng qua được cửa ải này lần nữa, thì việc nhất Tâm cũng chẳng giữ gìn được bao lâu.

- Ông Tổng Quản: Người tu Thiền Định, không ai lạ gì từ ngữ Thối Định. Cô thấy không, chỉ có ba chữ: Tầm, Tứ, Nhất Tâm … mà dường như, từ Cổ chí Kim, từ Ðông sang Tây, ít ai thực hiện được. Con người có thể bay lên mặt trăng; có thể tạo ra những công trình vĩ đại đến nỗi mà khi bay trên quỹ đạo trái đất vẫn có thể nhìn thấy được như Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên, chỉ có hai từ ngữ đơn giản là điều Tâm, có nghĩa là điều động tâm lý của mình, thì lại không thể làm được. Lịch sử nhân loại đã từng chứng minh, biết bao nhiêu quân Vương mất nước vì đã không làm chủ được mình.

Trong trạng thái Nhập Định, xét về mặt Đạo Đức và Cảnh Giới, những Tâm trong trạng thái này là Thiền Thiện Tâm. nó đối trị với các Bất Thiện Tâm Dục Giới: Sân, Hận, Tham, Dục …

Bây giờ chúng ta thử phân tích các diễn tiến của Tâm của một người bất kỳ tu Thiền Định:

* Có một Thực Thể là một con người bất kỳ, tu Thiền Định.
* Tôi là người tu Thiền Định, tôi triển khai các Thiền Thiện Tâm: Tầm, Tứ, Nhất Tâm …
* Tôi đã đối trị được các Bất Thiện Tâm Dục Giới: Sân Hận, Tham Dục, Hôn Trầm …

Khi phân tích như trên, thực tế cho chúng ta thấy có một cái tôi nào đó đang tu Thiền Định và có những hệ quả của tu Thiền. Như vậy, Thuyết Nhân Thể của Ðộc Tử Bộ, nghĩa là chấp nhận có một cái “Tôi” (Ngã) đang thực hành việc tu Thiền, có thể cảm nhận trên thực tế.

Nhân thể (Pudgala), được coi như một yếu tố của Tâm Lý Học, ít nhiều đồng nghĩa với cái Tôi. Nhân thể, cái Tôi, người ta cho rằng, nó là một thực tại hiển nhiên.

Thuyết Nhân Thể là một phản ứng chống lại tư duy giáo điều của những học giả Phật Giáo, phủ nhận mọi hiện hữu của nguyên tố con người. Theo Thuyết Nhân Thể, con người phải có trách nhiệm về những hành động thiện ác của chính mình (nghiệp).

- Tam Tiểu Thư: Tôi hiểu như thế này, không biết có đúng không hả Ông Tổng Quản?

Tôi được biết ở Tây Tạng, người ta khuyến khích nên đọc rất nhiều tài liệu, tìm hiểu rất nhiều Trường Phái, tham khảo ý kiến của nhiều vị Thầy, sau đó chỉ chọn một Trường Phái mà thôi.

Chúng ta cũng đã có cơ hội, biết một số Trường Phái, thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, Cuốn Tạp Thư còn cho một số thông tin, về những tài liệu mà người ta gọi là Luận của Phật Giáo Nguyên Thủy. Nhờ vậy, chúng ta thấy được những dị biệt và những mẫu số chung. Ðiều này đã được nhắc tới nhiều lần. Ngay thời gian Sakya Muni tại thế, Ngài đã giảng giải bằng nhiều cách khác nhau, để phù hợp cho từng người. Những lý do về lịch sử, địa lý … làm cho Phật Giáo phải biến thể là lẽ đương nhiên.

Sau khi nghe ông nói chuyện, thì về phần tôi, tôi sẽ chọn ba tài liệu mà tôi cho là có lẽ mang tính chất nhất quán cao nhất của Phật Giáo Nguyên Thủy. Ðồng thời tôi cũng quan tâm tới những Trường Phái khác, tài liệu khác.

* Trung Bộ Kinh.
* Tam Pháp Ðộ Luận.
* Thắng Pháp Tập Yếu Luận.
* Công nhận lý thuyết sinh học của khoa học hiện đại ở một chừng mực nào đó
* Quan tâm sâu sắc tới các Tông Phái, Đại Thừa Thiền Định của Phật Giáo Trung Quốc.

- Ông Tổng Quản: Tôi xin nhắc lại, chúng ta đang thực hành tu Thiền Định Phật Giáo Nguyên Thủy, cấp độ là Sơ Thiền Hữu Sắc. Ở đây chúng ta hy vọng là đạt được cấp độ này, chứ không phải cứ tu như thế này là sẽ đạt được cấp độ Sơ Thiền Hữu Sắc. Lý do là vì qua quá trình để triển khai lộ trình này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều rào cản.

* Nghiệp Lực: Ðau bệnh, nghèo, bận rộn với công việc sinh sống, bẩm sinh khuyết tật. Chúng ta đang tạo Nghiệp ở ngay kiếp hiện tiền, mà chúng ta không hay biết. Nghiệp của kiếp này, kiếp trước, vô lượng kiếp trước. Do đó, việc trì giới là hết sức quan trọng. Giữ giới là quyền lợi của chính bản thân mình.

* Các Bất Thiện Tâm của Dục Giới: Lúc bình thường, chúng ta hành động không để ý tới, cho là rất tự nhiên, hợp lý. Đến khi công phu Thiền Định, cũng như khi Cận Tử, mới thấy cái tai hại của Bất Thiện Tâm Dục Giới. Ăn năn, hối hận thì đã muộn.

* Các loại ma sự: Nhiều vô số kể.

* Chúng ta đang tồn tại ở dục giới. Khi tu thiền định là một hình thức “trốn nợ đời” trong khi chưa “Dốc hết tình này ta trả nợ đời, dốc hết tình này ta trả nợ người”. Nghiệp lực là một trở ngại vô cùng lớn lao của người tu thiền định. Bẩm sinh đần độn thì làm sao đây? Chắc mọi người đều nhớ, sắc tướng là thể hiện của nghiệp.

* Nếu chúng ta quan niệm không gian là một chiều, thì muốn tiến lên từ cảnh Dục Giới, cho đến Sơ Thiền Hữu Sắc, chúng ta phải đi ngang qua Cảnh Thiên Dục Giới. Chỉ cần căn cứ vào cấu tạo Tâm, ai cũng có thể biết, có những thực thể, có những cấu tạo Tâm khác với chúng ta. Do đó, việc phải vượt qua quá nhiều Cảnh Giới của Thiên Dục Giới để tới cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc không biết chúng ta có làm nổi không?

* Cách tu Thiền mà chúng ta đang triển khai, khác hẳn với các Trường Phái Thiền của Phật Giáo Trung Quốc. Nó đòi hỏi người tu Thiền phải có rất nhiều yếu tố: Sức khỏe, trí tuệ, thời gian, tiền bạc, kiến thức về Thiền định, nhẫn nại, chịu khó, tính kỷ luật, nghiệp lực ... Công việc này, không giống như tu Thiền Định của Phật Giáo Trung Quốc, nó đòi hỏi thời gian rất lâu, đơn vị thời gian tính bằng năm hoặc bằng cả kiếp người. Thực tế, nếu có kỹ thuật tốt, cộng thêm nghiệp nhẹ, may mắn, thì cũng có thể thành công trong vài năm.

Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biến những Lý Thuyết thành Thực Tế. Chính Thực Tế sẽ đánh giá con người thực sự của mình qua quá trình Thiền Định.

* Phải thực hành, thực hành một cách can đảm, trí tuệ, kiên trì liên tục.
* Nếu thực sự duy trì được Tâm tìm kiếm và giữ gìn (Tầm và Tứ) Đối Tượng Quán Tưởng thì Nhập được Định (Nhất Tâm, An Chỉ Tâm).
* Tầm và Tứ chính là chiếc chìa khóa vạn năng, là cây đũa thần của việc tu Thiền Định.

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!



0 comments:

Đăng nhận xét