Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 21

Có một không hai - có hai chết liền

Tập 21: Tu Thiền Phật Giáo Nguyên Thủy cũng mở được Đệ Tam Nhãn


Trên đường di chuyển, trời lại đổ mưa phùn mù mịt. Đoàn Bảo tiêu đi xuyên qua đường núi chật hẹp, vách đá cheo leo. Tam Tiểu Thư cảm nhận không gian trong lành, đầu óc tĩnh lặng. Cô nhìn sang Tổng Quản và bắt gặp gương mặt từng trải phong sương.

- Tam Tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi, chẳng phải một mình tôi có ý định tu Thiền Phật Giáo Nguyên Thủy đâu. Tôi nghĩ nhiều quý độc giả, cũng có ý định như vậy đó! Cái khó khăn là không biết tu làm sao thôi! Sakya Muni thuở xưa thì hình như có tu Thiền Định. Nhưng ông có biết chính xác Ngài tu như thế nào không ông? Có tài liệu nào đáng tin cậy để mình tham khảo hay không? Tôi từng lên Google tìm hiểu nhiều rồi. Các loại Thiền Định thì “nhiều như những gì mình … không muốn có!”. À quên mất, ông có cuốn Tạp Thư mà, ông thử xem trong đó, nó cho mình các thông tin ra sao đi ông.

- Ông Tổng Quản: Ðể cho dễ nhớ và dễ để hình dung, chúng ta có thể quay ngược cuốn phim về cuộc sống, sinh hoạt của Sakya Muni.

Như mọi người đều biết, trong thời gian đi tìm Chân Lý, Sakya Muni có theo học Thiền Định với một số vị Thầy. Loại Thiền Định mà các vị Thầy đã truyền thụ lại cho Ngài, chưa đáp ứng được yêu cầu mà Ngài mong muốn. Do đó, Ngài đã quyết định tự tu Thiền Định một mình. Chính thời gian tự tu một mình, ngồi dưới gốc cây Bồ Ðề, Sakya Muni đã trở nên nổi tiếng. Ngài đã thực hiện một bước tiến quan trọng cho bản thân và mở ra một trang sử mới cho lịch sử con người.

Bình dân mà nói, sau khi đắc đạo, tìm ra được sự thật, Chân Lý, thì cả cuộc đời của Ngài chỉ làm có hai công việc chánh đó là:

- Dạy người ta tu hành.
- Hành Thiền Giải Thoát.

Ngoài việc Thuyết pháp Độ sinh, Ngài dành hoàn toàn thời gian còn lại cho việc thực hành Thiền Định. Buổi sáng sau khi đi khất thực, độ ngọ, Ngài đi vào trong vùng rừng núi vắng vẻ để tu Thiền Định. Buổi chiều, tại nơi ở một mình cũng tu Thiền Định. Ban đêm, đi Kinh Hành (có nghĩa là đi bộ tập thể dục), tu Thiền, nghỉ ngơi, sau đó lại lập lại tiến trình nói trên.

Kể cả trước khi nhập Niết Bàn, Ngài đã nhập vào các lớp Định. Ngài đi qua các lớp Định bằng một Kỹ Thuật nào đó rồi cuối cùng mới nhập Niết Bàn. Việc Sakya Muni trải qua một tiến trình là đi qua nhiều lớp Thiền Định, cho đến bây giờ vẫn là đề tài để tranh luận. Người ta tự hỏi, tại sao Ngài lại không nhập Niết Bàn trực tiếp, hoặc đi theo một tiến trình nào đó, mà lại sử dụng nhiều lớp Định như vậy?

Ðề cập tới cách tu hành Phật Giáo, tất nhiên là nói tới việc tu Thiền Định.

Nói tới cách tu của Phật Giáo, mà không nói tới tu Thiền Định, thì không phải là Phật Giáo.

Thật vậy, nếu người ta công nhận Sakya Muni là người đã khai sanh ra truyền thống Phật Giáo, là kiến trúc sư của Trường Phái này, thì bắt buộc phải công nhận một điều Sakya Muni đã xây dựng Phật Giáo dựa trên cơ sở Thiền Định từ trước đến sau khi thành đạo; từ lúc sinh thời đến tận thời điểm nhập Niết Bàn.

- Tam Tiểu Thư: Cái này thì tôi hiểu rồi! Tuyệt đối không còn nghi ngờ gì nữa. Muốn tu theo Trường Phái Phật Giáo, bất kể là Tiểu Thừa, Đại Thừa, hay bất cứ hệ Phái nào khác; nếu đã mang danh là Phật Giáo, thì bắt buộc việc tu hành phải lấy Thiền Định làm nền móng.
- Ông Tổng Quản: Như vậy là cô đã hiểu chính xác rồi đó.

Những tài liệu cơ bản lần đầu tiên được viết thành chữ, trên một loại lá khô. Sau này nó được ghi lại trong hệ Pali. Hầu hết người ta đồng ý rằng đây là những tài liệu đầu tiên của Phật Giáo. Chúng có nguồn gốc rõ ràng, có lẽ ít mất mát, sai lạc (nên chú ý là chúng ta chỉ nói ít mất mát, sai lạc; chứ không phải là không mất mát, sai lạc). Sau đây là hai tuyệt tác của hệ Pali:

          Trung Bộ Kinh.
          Vi Diệu Pháp.

Theo những tài liệu này, thì chỉ có một vị đắc đạo là Sakya Muni. Không hề có một vị thứ hai. Chính Ngài là tác giả duy nhất của Chánh Pháp, phát minh ra Chân Lý bất tử “Vô Thường, Vô Ngã, Khổ Não”, phát minh ra công thức bất tử “Giới, Ðịnh, Huệ”, phát minh ra con đường bất tử “Bát Chánh Đạo”, phát minh ra “Tứ Diệu Đế” …

Ngài chỉ có tu duy nhất Thiền Định mà thôi.

Sau này có những tài liệu cho biết có nhiều vị Phật, thậm chí là vạn Phật. Thông tin này không phù hợp với lịch sử. Đúng ra là mâu thuẫn với lịch sử. Thật vậy, các tài liệu nói trên đâu có bao giờ đề cập tới có những vị khác, đã cộng tác với Sakya Muni trong lúc Sakya Muni sinh thời và là đồng tác giả của các phát minh? Quí độc giả xin cân nhắc về việc có nhiều vị Phật.

Sakya Muni lúc sinh thời tuyệt đối không hề, và không bao giờ làm những việc kể sau:

Tụng kinh hoặc Niệm cái gì đó; Trì chú, Bắt ấn …
Thực hiện các thao tác, tiến trình cúng lễ, van vái …
Khấn khứa, xin xỏ, cầu xin một cái gì đó với ai đó …
Thiết lập, xây dựng, các loại hình tượng, bàn thờ, Cơ sở Tôn giáo, để tiến hành các thủ tục lễ bái, mang tính chất tập thể.

Tóm lại, khi nói tới cuộc đời Ðức Phật, là nói tới một cuộc đời đơn giản, độc cư tu Thiền Định.

- Tam Tiểu Thư: À! Đúng rồi. Vậy thực tế, mình theo công thức “Giới, Định, Huệ” mà tu, có lẽ là chắc ăn và chính xác nhất. Cứ theo tài liệu gốc cho nó chắc ăn!
- Ông Tổng Quản: Vâng, đúng vậy. Công thức nói trên đúng là công thức bất tử. Bất tử hiểu theo nghĩa nào cũng đúng cả. Dù mấy ngàn năm đã trôi qua, nhưng giá trị thực sự của nó vẫn còn nguyên đó. Không kể mình là Trường Phái nào, cứ đi lệch ra khỏi công thức này là có vấn đề. Ðiều này chúng ta có thể quan sát trên thực tế. Thật vậy, tu Thiền Định mà không giữ Giới, thì chắc chắn mang họa vào thân, khổ cho mình và khổ cho người.

- Tam Tiểu Thư: Nhưng Ông Tổng Quản à! Ông có cho cách suy nghĩ vừa rồi, là quá bảo thủ không? Đức Phật thì là người của trên 2500 năm trước, trong khi con người của thời đại chúng ta đã quá tân tiến. Tôi nghĩ ông nên thử tìm lại trong cuốn Tạp Thư xem có Trường Phái nào tu cho nó model một tí được không? Ngày xưa thời đức Phật thì người ta toàn đi bộ, rồi nào là không có chữ viết, không có Top Model. Bây giờ thì tôi cũng có ý thích tu Thiền Định đó, nhưng sợ bạn bè chê là tôi quê mùa lạc hậu … Để làm đẹp chính mình và làm đẹp cuộc sống, tôi chấp nhận thời trang hơn thời tiết! Mà tôi nghĩ con gái thời nào chẳng như vậy, chứ đâu phải mình tôi!
- Ông Tổng Quản: Tư tưởng cầu tiến là cần thiết; nó là nguyên động lực của phát minh, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật … Tuy nhiên việc tu Thiền nó lại không giống như vậy, nó không giống như thời trang của một cô gái! Khoa học phổ thông cho biết, các Quy luật Khách quan như Quy luật Tương tác Hấp dẫn, Nguyên lý Bảo toàn Năng lượng, Khí động học, Ma sát … không phân biệt, không thay đổi theo không gian và thời gian. Kỹ Thuật Thiền Định của Phật Giáo là một Tiến trình Kỹ thuật phù hợp với các Quy luật Khách quan của Thế giới Tự nhiên.

Chúng ta có thể đan cử một thí dụ như sau: Lấy một Thực Thể bất kỳ là Con Người. Căn cứ vào cấu tạo Tâm, thì có 3 khả năng có thể xảy ra:

Thối hóa = Bất Thiện Tâm.
Lưng chừng = Vô Nhân Tâm.
Tấn hóa = Tịnh Quan Tâm.

Kỹ Thuật Thiền Định của Truyền Thống Phật Giáo, chẳng kể là ở không gian, thời gian nào, cho phép con người chọn lựa một trong ba khả năng kể trên. Tinh thần của Phật Giáo Nguyên Thủy còn cho người ta thấy tính chất ưu việt của mình vì đã mô tả con người, với đầy tính chất nhân bản, tự do, không lệ thuộc ở một Thần Linh nào cả. Với Kỹ Thuật Thiền Định, con người hoàn toàn có khả năng chọn lựa tương lai cho chính mình.

Không cần phải có những kiến thức quá hàn lâm, kinh viện … thì Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả đều biết: Một con người bình thường bất kỳ là một tổ hợp tâm sinh lý. Dù thời gian có trôi qua đi bao nhiêu năm, thì tổ hợp này cũng chẳng có những thay đổi gì đáng kể. Căn cứ vào Thuyết Tiến Hóa, thì thời gian của Ðức Phật cho đến ngày hôm nay, là một khoảng thời gian rất ngắn. Nói một cách khác, tâm sinh lý của một con người từ thời Ðức Phật hiện tiền cho đến bây giờ, cũng chẳng có gì là khác nhau. Ðơn vị nhỏ nhất của cơ thể vật lý thì cũng vẫn là tế bào, mô … Tâm lý con người cũng vẫn bao gồm những bản năng: Bảo tồn, xã hội, tình dục …

Do đó Thiền Định không sợ bị quá đát (out of date). Không những vậy, mà Thiền Định còn mang tính chất model, thời thượng. Thật vậy, những người có thời gian để tìm hiểu và tu Thiền Định đâu có thiếu giới thượng lưu, trí thức … hoặc những người giàu có dư ăn, dư để …

Nói tóm lại, tu Thiền Định là sang đó Tam Tiểu Thư ơi!

- Tam Tiểu Thư: Tôi yên tâm rồi! Bất kể là Hệ Phái nào của Phật Giáo … tất nhiên là cũng phải tu Thiền Định. Nói một cách khác, Phật Giáo mà không tu Thiền Định, thì không còn là Phật Giáo.
- Ông Tổng Quản: Cô đã hành Thiền trong một thời gian, kể ra cũng đã khá lâu rồi. Muốn tiến lên, cô cần phải nâng cấp về tất cả các mặt: Lý thuyết, Kỹ thuật, Thực hành.

Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả nên quan tâm tới một số vấn đề nêu sau; để đến khi xảy ra, mình không cảm thấy bị bất ngờ rồi tự cho rằng mình đã chọn một công việc không đúng.

Nếu mình quyết định việc tu Thiền Định là một công việc thực sự và để có thể theo đuổi công việc này lâu dài, chúng ta phải sắp xếp cuộc sống, công việc, tất cả mọi thứ … làm sao cho phù hợp với cuộc đời tu Thiền Định.

Việc quan trọng nhất và đây có lẽ cũng là vấn đề tiên quyết, là tự hỏi mình tại sao mình chọn việc tu Thiền Định? Nếu không trả lời được một cách dứt khoát, nêu được lý do rõ ràng hợp lý, thì tốt nhất không nên tu Thiền Định. Nó sẽ làm cho mình lúng túng, nửa đời, nửa đạo, chẳng biết chọn con đường nào đi trong cuộc sống.

Mặt khác, chúng ta phải ý thức một cách rõ ràng rằng việc tu Thiền Định sẽ đưa tới hệ quả, là mất rất nhiều quyền lợi trong cuộc sống thế gian thường tình; mà đó lại là mục đích của tất cả mọi người trong cuộc sống bình thường.

· Tình.
· Tiền.
· Danh vọng.
· Quyền lực.
· Ăn uống khó khăn, ăn chay không thể ngon miệng.
· Phải từ bỏ rất nhiều thú vui: Hội họp …
· Tuyệt đối không thể ăn thịt và uống rượu bia.

Mặt khác, còn phải sử dụng rất nhiều thời gian vào việc Kinh Hành (đi bộ để tập thể dục; phải có sức khỏe tốt mới tu thiền định được. Theo y khoa ngày hôm nay, muốn đẩy lùi các bệnh tật, người ta phải đi bộ trung bình một ngày ba cây số. Ðiều này Sakya Muni đã thực hành cách đây nhiều chục thế kỷ).

Phải sống cuộc sống, độc cư tu Thiền Định.

Tu Thiền Định là cách duy nhất, vì các cách tu tập khác không thay đổi được chính mình. Nói cách khác thật sự là không tấn hóa. Tất cả những Trường Phái như Raja Yoga, Mật Tông Tây Tạng, Phật Giáo Nguyên Thủy, đều tu Thiền Định. Lý do là vì thật sự chẳng có cách nào khác; chứ nếu có cách dễ hơn thì chẳng ai dại dột gì lại tìm những lối đoạn trường khó đi!

Nên chú ý đến việc nuôi mạng chân chánh. Ngay từ lúc mới bước vào con đường tu, nên tạo ra tiền bạc, của cải vật chất, bảo quản giữ gìn và làm cho phát triển. Như vậy mình sẽ không bị lệ thuộc ở ai cả. Mình chẳng có tư cách gì để nhận tài sản cung dưỡng của người khác. Nếu nhận tài sản, sức lao động của người khác để nuôi dưỡng bản thân, thì mình làm sao đáp trả cho người đã cung dưỡng. Thực tế là mình đã vay nợ người khác, sống bằng sức lao động của người khác, vi phạm trầm trọng Quy Luật Nhân Quả. Ðó là tự hại chính mình, do sự lười biếng làm việc của mình. Lệ thuộc vào tiền bạc kinh tế của người khác, người tu Thiền Định đã tự đánh mất tự do của mình.

Người ta cho là người tu cũng cần phải có bạn bè thân hữu, gọi là đồng đạo, bạn đạo. Tuy nhiên, chỉ nên giao tiếp với những người tu giữ Giới … Những người phá Giới hay tìm cách rủ thêm bạn bè. Ðồng đạo tốt là cái bóng mát, là nguồn động lực, là sự nâng đỡ, là nơi trao đổi kinh nghiệm.

Ðịa điểm để tu Thiền Định thì vô cùng dễ dàng. Giàu hay nghèo thì ai mà chẳng có một cái giường để ngủ. Ðó là nơi riêng tư, rất thuận tiện cho việc tu Thiền Định.

Phải sắp xếp làm sao cho thân nhân không chống đối. Thật vậy, trước khi nói những chuyện xa vời của việc tu Thiền Định, thì nên hoàn tất nghĩa vụ của con người bình thường. Nếu là một người chồng, một người vợ, một người con, một người cha, một người mẹ, một công dân … hãy cố gắng hoàn tất những trách nhiệm bình thường của một con người, trước khi nói đến việc tu Thiền Định.

Việc tu Thiền Định gặp rất nhiều trở ngại nêu sau, người ta rất nên quan tâm để tránh bất ngờ.

Ðây là một số trở ngại kinh điển mà ai cũng biết:
Sân hận / Tham dục / Hôn trầm / Phóng tâm / Hoài nghi.

Mặt khác tu Thiền thường gặp những Khảo Đảo:
Thuận khảo / Nghịch khảo / Minh khảo / Ám khảo v.v...

Ma sự cũng là một trở ngại mà các người tu Thiền Định rất e ngại, vì nó không rõ ràng:
Phiền não / Ngũ ấm ma / Ma chết / Thiên ma.

Chúng ta chỉ tóm tắt, sơ lược một số trở ngại phổ thông của người tu Thiền Định. Nếu có dịp thuận lợi, chúng ta sẽ trở lại đề tài này.

Một vấn đề mà chúng ta không thể không đề cập tới là giữ Giới. Tu Thiền Định thì có rất nhiều người tu, nhưng nói đến Giới, thì người ta rất e ngại hay lờ đi không muốn biết, vì nó làm thiệt hại quyền lợi thế gian. Một khi đã chấp nhận tu Thiền Nguyên Thủy, chúng ta phải chấp nhận vấn đề giữ Giới, nó nằm trong công thức bất tử “Giới, Định, Huệ”.

Ai cũng biết cuộc chơi nào, sân chơi nào … kể cả việc giải trí ở tại các casino, khiêu vũ, chơi đàn, tập võ, tham dự giao thông … cũng phải có những quy tắc, luật lệ … Trong bộ môn Thiền Định, người ta gọi việc này là giữ Giới. Một số Giới cơ bản: Sát, Ðạo, Dâm, Vọng.

Vi Diệu Pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy có một cái nhìn khác hẳn với người đời về vấn đề này. Ðây là một cái nhìn của Khoa học Vi Diệu Pháp mang tính chất Minh Triết. Nếu muốn hiểu được về cái nhìn của Vi Diệu Pháp trong vấn đề giữ Giới, thì buộc lòng chúng ta phải có những khái niệm tối thiểu về Sơ Thiền Hữu Sắc.

Theo quan điểm của Vi Diệu Pháp Nguyên Thủy, thì ít nhất có ba vấn đề phải đề cập tới, trước nhất là vì quyền lợi của chính mình.

Sau đây là cấu tạo bình thường của một cá nhân bất kỳ để so sánh với Tâm của một người tu Thiền Định.

1. Tâm.
2. Sắc.
3. Luồng Tâm Thức.

Tâm Vương: Ít nhất phải kể tới 4 loại Tâm cơ bản, thực tế có thể còn nhiều hơn thế nữa:

Bất Thiện.
Vô Nhân.
Duy Tác.
Tịnh Quan Tâm.

Tâm Sở: Là những Tâm đi kèm theo, cùng sanh cùng diệt với Tâm Vương, số lượng nhiều vô số kể.

Nếu xét về khả năng tấn hóa, thì có 3 khả năng:
Tấn hóa / Lưng chừng / Thối hóa.

Người tu Thiền Định chỉ có Thiền Thiện Tâm (hoàn toàn không có Bất Thiện và Vô Nhân Tâm), do đó khả năng của người tu Thiền Định là:

- Dị Thục: Ðầu thai lại, để hưởng Phước Báu của Thiền Thiện Tâm.
- Duy Tác: Là không đầu thai lại. Ðây là lối tu của các La Hán.

Do đó, nếu sát sanh ở bất cứ hình thức nào; từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm; thực tế là ăn thịt; thì điều này không thể chấp nhận được trong việc tu Thiền Định.

Sát sanh thuộc về Tâm Bất Thiện của Dục Giới, Tâm này không thể hiện hữu, trong bất cứ lớp Thiền Định dù cạn cợt nhất. Xét về mặt Cảnh Giới, Cảnh Giới của Thiền Định không có sát sanh.

Do đó, tu Thiền Định mà sát sanh thì tự mâu thuẫn với chính mình. Thật vậy, Bất Thiện của Cảnh Dục Giới, không thể nào trộn lẫn với Thiền Thiện Tâm của Cảnh Thiền Hữu Sắc. Ðây là hai loại Tâm khác hẳn nhau, để mô tả cho dễ hiểu, ta chọn một từ ngữ hóa học, gọi là Heterogene.

Tu Thiền Định mà giữ lại Tâm của Cảnh Dục Giới, đó là người nằm mơ giữa ban đêm. Ðó là những giấc mơ đẹp của Cảnh Dục Giới, chắc chắn không thể có trong Cảnh Giới Thiền Định.

- Tam Tiểu Thư: Tôi hiểu rồi, muốn tu Thiền Định Nguyên Thủy, mình phải tuyệt đối giữ Giới. Đúng là công thức bất tử.
- Ông Tổng Quản: Trong buổi nói chuyện hôm nay, chúng ta mới đề cập sơ qua về Thiền Nguyên Thủy và việc giữ Giới. Trong lần nói chuyện sau, tôi sẽ trình bày cho Tam Tiểu Thư cùng quý độc giả những nét cơ bản về cách tu Sơ Thiền Hữu Sắc của Phật Giáo Nguyên Thủy. Ðề tài này sẽ được trình bày với dàn bài nêu sau:

1. Tiến trình:
    Các thao tác Kỹ Thuật để Định Tâm đưa đến Sơ Thiền Hữu Sắc.
2. Tâm Vương của Sơ Thiền Hữu Sắc:
    Gồm có 3 Thiền Tâm. Với 3 khả năng: Thiện, Dị thục, Duy tác.
3. Tâm Sở:
    Có 35 Tâm Sở kèm theo:
      - Biến Hành Tâm Sở 7.
      - Biệt Cảnh Tâm Sở 6.
      - Tịnh Quan Tâm Sở 22.
4. Bảng giải thích về ý nghĩa của các Tâm Sở.
5. Vấn đề Luồng Tâm Thức.
6. Một số vấn đề cần quan tâm.

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!



0 comments:

Đăng nhận xét